LỜI CHÚA (Ga 20, 19-31) VÀ SUY NIỆM CHÚA NHẬT 2 PHỤC SINH NĂM B
- CN, 26/01/2025 - 16:13
- Lm Nguyễn Ngọc Nga
Lời Chúa, Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Gio-an (Ga 20, 19-31): "...Vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, những cửa nhà các môn đệ họp đều đóng kín, vì sợ người Do-thái, Chúa Giê-su hiện đến, đứng giữa các ông và nói rằng: “Bình an cho các con”. Khi nói điều đó, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn Người. Bấy giờ các môn đệ vui mừng vì xem thấy Chúa. Chúa Giê-su lại phán bảo các ông rằng: “Bình an cho các con. Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con”. Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại”. Bấy giờ trong Mười hai Tông đồ, có ông Tô-ma gọi là Ði-đy-mô, không cùng ở với các ông, khi Chúa Giê-su hiện đến. Các môn đệ khác đã nói với ông rằng: “Chúng tôi đã xem thấy Chúa”. Nhưng ông đã nói với các ông kia rằng: “Nếu tôi không nhìn thấy vết đinh ở tay Người, nếu tôi không thọc ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn Người, thì tôi không tin”.
Tám ngày sau, các môn đệ lại họp nhau trong nhà và có Tô-ma ở với các ông. Trong khi các cửa vẫn đóng kín, Chúa Giê-su hiện đến đứng giữa mà phán: “Bình an cho các con”. Ðoạn Người nói với Tô-ma: “Hãy xỏ ngón tay con vào đây, và hãy xem tay Thầy; hãy đưa bàn tay con ra và xỏ vào cạnh sườn Thầy; chớ cứng lòng, nhưng hãy tin”. Tô-ma thưa rằng: “Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con!” Chúa Giê-su nói với ông: “Tô-ma, vì con đã xem thấy Thầy, nên con đã tin. Phúc cho những ai đã không thấy mà tin”. Chúa Giê-su còn làm nhiều phép lạ khác trước mặt các môn đệ, và không có ghi chép trong sách này. Nhưng các điều này đã được ghi chép để anh em tin rằng Chúa Giê-su là Ðấng Ki-tô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sống nhờ danh Người..." Ðó là Lời Chúa.
+/ Có một câu chuyện kể lại rằng, một nhà thông thái kia muốn sáng lập một tôn giáo mới. Ròng rã nhiều năm, ông đem tất cả sự khôn ngoan của mình ra thuyết phục thiên hạ mà chẳng thấy ai theo. Ông bèn than thở với một người bạn thì nhận được một lời khuyên rằng: Nếu anh muốn người ta theo anh thì dễ thôi, anh hãy làm thế này: Thứ năm anh ăn bữa tiệc cuối cùng, thứ sáu anh để người ta đóng đinh anh trên khổ giá rồi chôn cất, Chúa nhật anh sống lại! Chắc chắn người ta sẽ theo anh rất đông.
- Tác giả của lời khuyên này chính là Napôlêon. Điều mà Napôlêon muốn nhấn mạnh ở đây đều có sức lôi cuốn người ta chính là sự sống lại. Biến cố Chúa Kitô Phục sinh chính là nền tảng và trung tâm của đời sống đức tin Kitô giáo chúng ta.
- Đấng Phục sinh đã chọn “ngày thứ nhất trong tuần” làm ngày gặp gỡ các tông đồ. Như thế, “Ngày thứ nhất trong tuần” đã trở thành ngày của cộng đoàn, ngày của gặp gỡ, ngày hát mừng niềm vui Phục sinh, và nhất là ngày của cuộc “sáng tạo mới”.
- Xin cho mỗi ngày Chúa nhật cũng trở thành một ngày giúp chúng ta sống thánh thiện, hiệp thông, yêu thương, để mỗi chúng ta trở thành một bằng chứng cho sự hiện diện sống động của Đấng Phục sinh như Giáo Hội thời sơ khai sau ngày Chúa Giê-su Phục Sinh như Bài Ðọc I cho biết:…Lúc bấy giờ tất cả đoàn tín hữu đông đảo đều đồng tâm nhất trí. Chẳng ai kể của gì mình có là của riêng, song để mọi sự làm của chung. Các tông đồ dùng quyền năng cao cả mà làm chứng việc Chúa Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, sống lại. Hết thảy đều được mến chuộng. Vì thế, trong các tín hữu, không có ai phải túng thiếu. Vì những người có ruộng nương nhà cửa đều bán đi và bán được bao nhiêu tiền thì đem đặt dưới chân các tông đồ. Và người ta phân phát cho mỗi người tuỳ theo nhu cầu của họ…
+/ SỨ ĐIỆP PHỤC SINH URBI ET ORBI CỦA ĐỨC THÁNH CHA NĂM 2024:…Giáo Hội sống lại sự kinh ngạc của những người phụ nữ đến mộ vào lúc bình minh ngày thứ nhất trong tuần. Ngôi mộ của Chúa Giêsu đã được đóng lại bằng một tảng đá lớn; và vì vậy ngay cả ngày nay, những tảng đá nặng, rất nặng đã dập tắt hy vọng của nhân loại: tảng đá chiến tranh, tảng đá khủng hoảng nhân đạo, tảng đá vi phạm nhân quyền, tảng đá buôn người, và những tảng đá khác…
- Qua ngôi mộ trống đó, con đường mới băng qua, con đường mà không ai trong chúng ta, ngoại trừ Thiên Chúa có thể mở ra: con đường sự sống giữa cái chết, con đường hòa bình giữa chiến tranh, con đường hòa giải giữa oán hận, con đường huynh đệ giữa thù địch.
- Người mở ra cho chúng ta một lối đi bất khả đối với con người, bởi vì chỉ có Người xóa tội trần gian và tha thứ tội lỗi của chúng ta. Và nếu không có sự tha thứ của Chúa thì tảng đá đó không thể được dời đi. Không có sự tha tội thì không thể thoát khỏi sự đóng kín, thành kiến, nghi ngờ lẫn nhau, những thiên kiến luôn tha thứ cho mình và buộc tội người khác. Chỉ có Chúa Kitô Phục Sinh, Đấng ban ơn tha tội cho chúng ta, mới mở đường cho một thế giới được đổi mới…
+/ Theo GIÁO LÝ CHO BÀI GIẢNG của hướng dẫn của Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích thì sự tái sinh của chúng ta ở trong sự Phục sinh của Đức Kitô. Trong mầu nhiệm Vượt Qua có hai khía cạnh: Đức Kitô, nhờ sự Chết của Người, giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi, nhờ sự Phục Sinh của Người, mở đường cho chúng ta tiến vào cuộc sống mới.
- Trước hết, đây là sự công chính hoá, phục hồi chúng ta trong ân sủng của Thiên Chúa, để cũng như Đức Kitô đã được sống lại từ cõi chết, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới. Đời sống mới này cốt tại việc chiến thắng cái chết của tội lỗi, và việc tham dự mới vào ân sủng. Đời sống mới hoàn thành ơn được làm nghĩa tử, vì người tín hữu chúng ta trở thành anh em của Đức Kitô, như chính Chúa Giêsu gọi các môn đệ Người sau cuộc phục sinh của Người.
- Anh em đây không phải do bản tính, nhưng do hồng ân của ân sủng, bởi vì ơn được làm nghĩa tử cho chúng ta thật sự thông phần vào sự sống của Người Con Một, sự sống đó đã được mạc khải trọn vẹn trong sự Phục Sinh của Người.
- Sự phục sinh của Đức Kitô và chính Đức Kitô phục sinh là nguyên lý và nguồn mạch cho chúng ta ngày sau được sống lại như Lời Chúa: Đức Kitô đã sống lại từ cõi chết, mở đường cho những ai liên đới với Đức Kitô, cũng được Thiên Chúa cho sống.
- Nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần, chúng ta được tham dự vào cuộc khổ nạn của Đức Kitô khi chết cho tội lỗi, và được tham dự vào sự phục sinh của Người khi được sinh vào đời sống mới; chúng ta là những chi thể của Thân Thể Người là Hội Thánh, là những ngành nho được ghép vào Cây nho là chính Đức Kitô.
+/ Vấn đề thánh lễ ngày Chúa nhật:
- Việc giữ ngày Chúa nhật và cử hành bí tích Thánh Thể của Chúa là trung tâm của đời sống Hội Thánh. Theo truyền thống tông đồ, mầu nhiệm Vượt Qua được cử hành trong ngày Chúa nhật, ngày đó phải được giữ như là ngày lễ buộc chính yếu trong Hội Thánh toàn cầu.
- Và cũng phải giữ như là ngày lễ buộc chính yếu những ngày lễ Sinh Nhật Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, lễ Hiển Linh, lễ Thăng Thiên, lễ Mình và Máu Rất Thánh Đức Kitô, lễ thánh Maria Mẹ Thiên Chúa, lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm và lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, lễ thánh Giuse, lễ hai thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô, và sau cùng là lễ các Thánh.
+/ Lời bài giảng và huấn dụ của Đức Thánh Cha vào Chúa nhật 2 Phục sinh năm B, Chúa nhật Lòng Chúa Thương Xót:
- Chúa Giêsu sống lại hiện ra với các môn đệ nhiều lần. Người kiên nhẫn an ủi trái tim thất vọng của họ. Sau khi sống lại, Chúa thực hiện “việc phục sinh các môn đệ”. Và các môn đệ, được Chúa Giêsu nuôi dưỡng, đã thay đổi đời sống.
Trước đây, nhiều lời nói và nhiều gương sáng của Chúa đã không thể biến đổi họ. Bây giờ, vào lễ Phục Sinh, điều gì đó mới mẻ đang xảy ra.
Và nó xảy ra dưới ánh sáng của lòng thương xót. Với lòng thương xót, Chúa Giêsu nâng họ dậy.
- Các môn đệ nhận được lòng thương xót qua ba món quà của Chúa: (Ban Bình an, Ban Chúa Thánh Thần, Các vết thương: con kênh của lòng Chúa thương xót): Ban Bình an, vì trước đó họ đau khổ, Họ đã ở trong nhà đóng kín cửa vì sợ hãi, vì sợ bị bắt và có cùng kết cục giống như Thầy của họ. Nhưng họ không chỉ nhốt mình trong nhà, họ còn nhốt mình trong sự hối hận. Họ đã bỏ rơi và chối bỏ Chúa Giêsu, họ cảm thấy mình không có khả năng, chẳng ích lợi gì, sai lầm. A-men.
Linh Mục G.B Nguyễn Ngọc Nga