Lời Chúa (Mc 1,14-20) Và Suy Niệm Chúa Nhật 3 Thường Niên Năm B
- CN, 26/01/2025 - 16:13
- Lm Nguyễn Ngọc Nga
LỜI CHÚA (Mc 1,14-20) VÀ SUY NIỆM CHÚA NHẬT 3 THƯỜNG NIÊN NĂM B 2024
Lời Chúa, Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mác-cô (Mc 1, 14-20): "...Sau khi Gio-an bị bắt, Chúa Giê-su sang xứ Ga-li-lê-a, rao giảng Tin Mừng nước Thiên Chúa, Người nói: “Thời giờ đã mãn và nước Thiên Chúa đã gần đến; anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Phúc Âm”. Ðang lúc đi dọc theo bờ biển Ga-li-lê-a, Người thấy Si-mon và em là An-rê đang thả lưới xuống biển, vì các ông là những người đánh cá. Chúa Giê-su bảo các ông: “Hãy theo Ta, Ta sẽ làm cho các ngươi trở thành những kẻ chài lưới người”. Lập tức các ông bỏ lưới theo Người. Ði xa hơn một chút nữa, Người thấy Gia-cô-bê con ông Giê-bê-đê và em là Gio-an đang xếp lưới trong thuyền, Người liền gọi các ông. Hai ông bỏ cha là Giê-bê-đê ở lại trên thuyền cùng với các người làm công, và đi theo Người..." Ðó là Lời Chúa.
Suy Niệm Lời Chúa:
+/ Diễn đàn Kinh tế Thế giới lần thứ 54 đang diễn ra tại Davos, Thuỵ Sĩ từ Ngày 17/01 cho tới ngày 19/01, với số tham dự viên là 2.800 , Tập trung vào chủ đề “Khôi phục niềm tin thảo luận về kinh tế, khí hậu, chiến tranh và công nghệ. Đức Thánh Cha bày tỏ lo ngại trong bầu khí bất ổn quốc tế, vì thế ngài hy vọng sẽ hướng đến nhu cầu cấp bách trong việc thúc đẩy sự gắn kết xã hội, tình huynh đệ và hoà giải cá nhân và cộng đồng và quốc gia, để giải quyết những thách đố toàn cầu.
- Thông tin trên dẫn chúng ta đến bài Tin Mừng lễ chúa nhật 3
Thường niên này.
+/ Bài Tin Mừng ngắn này gồm hai phần. Các câu 14-15: Đức Giêsu bắt đầu sứ mạng rao giảng Tin Mừng. Ngài chọn nơi xuất phát là vùng đất Galilê đa số là lương dân. Nội dung ra o giảng chính của Ngài là “Thời giờ đã mãn và Nước Thiên Chúa đã gần đến. Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”. Các câu 16-20: Đức Giêsu kêu gọi 4 môn đệ đầu tiên là hai cặp anh em Simon và Anrê, Giacôbê, Gioan.
Những điểm đáng lưu ý là: a/ Ơn gọi phát xuất từ sáng kiến của Đức Giêsu (chính Ngài gọi 4 người ấy chứ không phải họ xin đi theo Ngài); b/ Ngài gọi họ ngay trong môi trường làm việc của họ (bên bờ biển), trong lúc họ đang làm việc bình thường (vá lưới); c/ Đáp lại, người được gọi phải từ bỏ tất cả để theo Ngài.
+/ Theo chú giải của William Barclay thì trong bảng tóm tắt sứ điệp của Chúa Giê-su trên đây, có ba chữ vốn là những chữ quan trọng trong đức tin Kitô giáo.
1) Có Tin Mừng. Đó là Tin Mừng ưu việt mà Chúa Giêsu đã đem đến cho loài người. Theo dõi từ Phúc Âm, qua suốt Tân Ước, ít ra chúng ta cũng thấy được điều gì đó trong nội dung của nó.
a) Đó là Tin Mừng chân lý, trước khi Chúa Giêsu đến, loài người chỉ phỏng đoán, mò mẫm để tìm Thiên Chúa. Nhưng khi Chúa Giêsu đến, người ta thấy rõ ràng Thiên Chúa là thế nào. Họ không còn cần phỏng đoán, mò mẫm nữa, họ biết rõ.
b) Đó là Tin Mừng hy vọng, thế giới thời cổ là một thế giới bi quan. Trong cuộc chiến đấu cho điều thiện, loài người đã bị đánh bại và Chúa Giêsu đến đem hy vọng cho những tâm hồn tuyệt vọng.
c) Đó là Tin Mừng bình an. Hình phạt dành cho con người là một nhân cách bị rạn nứt, giằng xé trong nội tâm. Trong nhân tính, con thú và thiên thần bị hòa lẫn vào nhau một cách quái dị.
Chúa Giêsu đã đến để kết hợp phần nhân cách bị tách rời đó của con người lại với nhau, Ngài đã chiến thắng bản ngã để giúp kẻ bị Ngài bắt phục chiến thắng được phần bản ngã đang tranh chiến của mình.
d) Đó là Tin Mừng về lời hứa của Thiên Chúa. Nói đúng ra, thì loài người luôn luôn nghĩ về một Thiên Chúa đầy đe dọa chứ không phải một Thiên Chúa của những lời hứa. Tất cả các tôn giáo phi Kitô giáo đều nghĩ đến một Thiên Chúa hay đòi hỏi điều này, điều nọ, chỉ Kitô giáo mới giảng về một Thiên Chúa sẵn sàng ban cho nhiều hơn những gì chúng ta cầu xin.
e) Đó là Tin Mừng về sự bất tử, bất diệt. Với người ngoại đạo, thì sống là đang ở trên đường đi tới cõi chết, đặc điểm của loài người là hay chết, nhưng Chúa Giêsu đã đến với Tin Mừng là chúng ta đang đi trên con đường sự sống chứ không phải con đường sự chết.
g) Đó là Tin Mừng cứu rỗi, và Tin Mừng ấy không phải là một cái gì tiêu cực, nó là một điều tích cực, Nó không phải chỉ đơn giản là giải phóng khỏi hình phạt, khỏi các tội lỗi của quá khứ, nhưng là quyền phép để sống chiến thắng và để chinh phục tội lỗi. Sứ điệp của Chúa Giêsu thật là những tin tốt lành.
2) Có từ ăn năn. Ăn năn không quá dễ dàng như thỉnh thoảng chúng ta vẫn nghĩ. Từ Hy văn Metanoia nghĩa đen là thay đổi tâm trí. Chúng ta rất dễ lẫn lộn hai sự việc là hối tiếc vì các hậu quả của tội lỗi với hối tiếc vì chính tội lỗi. Nhiều người hết sức hối tiếc về tình trạng bẩn thỉu mà họ đã dính vào, nhưng chính họ cũng hiểu rằng, nếu họ biết chắc là có thể tránh được các hậu quả của tội lỗi thì họ vẫn cứ tái phạm như thường. Họ không thù ghét chính tội lỗi, chỉ không thích các hậu quả của nó. Sự ăn năn thật có nghĩa là chẳng những hối tiếc về hậu quả của tội lỗi mà còn thù ghét chính tội lỗi nữa. Ăn năn có nghĩa là kẻ đang yêu thích tội lỗi trở lại thù ghét nó vì tính cách khốn cùng của tội lỗi. Vậy ăn năn là hoán cải.
3) Có từ tin. Chúa Giêsu phán “Hãy tin vào Tin Mừng”. Tin Tin Mừng chỉ đơn giản có nghĩa là nắm lấy lời phán dạy của Chúa Giêsu, tin rằng Chúa đúng như lời Chúa Giêsu nói với chúng ta, tin rằng Chúa yêu thương thế gian đến nỗi sẵn sàng hy sinh bất cứ điều gì để đưa chúng ta trở về với Ngài, tin rằng điều nghe ra khó có thể là sự thật, sẽ thật sự trở thành sự thật.
+/ Hai bài Lời Chúa trước Tin Mừng cũng đáng cho ta suy niệm thêm:
- Bài Ðọc II: 1 Cr 7, 29-31, “Bộ mặt thế gian này đang qua đi”. Trích thư thứ nhất của Thánh Phao-lô Tông đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô:…Thời giờ vắn vỏi; còn có cách là những ai có vợ, hãy ở như không có; những ai than khóc, hãy ăn ở như không than khóc; những kẻ hân hoan, hãy ăn ở như không hân hoan; những người mua sắm, hãy ăn ở như không có gì; những ai dùng sự đời này, hãy ăn ở như không tận hưởng, vì chưng bộ mặt thế gian này đang qua đi…
- Bài Ðọc I: Gn 3, 1-5. 10, “Dân thành tin tưởng nơi Chúa: họ công bố việc ăn chay”, Trích sách Tiên tri Giô-na. Lời Chúa phán cùng Giô-na rằng: “Hãy chỗi dậy và đi đến Ni-ni-vê, một thành phố lớn, và rao giảng cho nó điều Ta sẽ nói cho ngươi” rằng: “Còn bốn mươi ngày nữa, Ni-ni-vê sẽ bị phá huỷ”. Dân thành tin tưởng nơi Chúa: họ công bố việc ăn chay và mặc áo nhặm, từ người lớn đến trẻ nhỏ. Chúa thấy việc họ làm, vì họ bỏ đời sống xấu xa, Chúa bỏ ý định phạt họ, và Người không thực hiện điều đó.
+/ Tin tức đạo Công Giáo cho ta biết:
…Vào Chúa Nhật Lời Chúa, được cử hành vào ngày 21/1/2024, Đức Thánh Cha sẽ chủ sự Thánh lễ tại đền thờ Thánh Phêrô và trao các thừa tác vụ đọc sách và giáo lý viên cho một số giáo dân thuộc các quốc gia khác nhau. Trong chương trình, Đức Thánh Cha cũng sẽ khai mạc Năm Cầu nguyện để chuẩn bị cho Năm Thánh 2025…
- Năm nay là lần thứ năm Giáo hội cử hành Chúa Nhật Lời Chúa. Ngày này được Đức Thánh Cha Phanxicô thiết lập vào ngày 30/9/2019.
- Khẩu hiệu của Chúa Nhật Lời Chúa lần thứ năm được trích từ Tin Mừng Thánh Gioan: “Anh em hãy ở lại trong Lời Thầy” (Ga 8,31), với mục đích làm sống lại trách nhiệm của các tín hữu trong việc hiểu biết Kinh Thánh, ngài sẽ trao cho các tín hữu hiện diện Tin Mừng Thánh Máccô.
- Tài liệu cử hành Chúa Nhật Lời Chúa, Để giúp các tín hữu cử hành Chúa Nhật Lời Chúa, trong cộng đoàn, trong gia đình cũng như cách cá nhân, Phân bộ về các vấn đề căn bản của việc Loan báo Tin Mừng trên thế giới của Bộ Loan báo Tin Mừng, được Đức Thánh Cha ủy thác tổ chức sự kiện, đã phổ biến online tài liệu phụng vụ-mục vụ để sống Lời Chúa. Tài liệu gồm các ngôn ngữ Ý, Anh, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Pháp, và Ba Lan.
- Thánh Cha sẽ bắt đầu Năm Cầu nguyện. Nhân dịp Chúa nhật Lời Chúa, dự kiến Đức Thánh Cha sẽ chính thức bắt đầu Năm Cầu nguyện, chuẩn bị cho Năm Thánh 2025. Sau khi thúc đẩy việc suy tư về các tài liệu và nghiên cứu những thành quả của Công đồng Vatican II vào năm 2023, theo ý muốn của Đức Thánh Cha Phanxicô, năm 2024 sẽ được dành riêng cho các giáo phận trên thế giới để tái khám phá tính trung tâm của việc cầu nguyện. Amen.
Linh Mục G.B Nguyễn Ngọc Nga