Lời Chúa và suy niệm Chủ Nhật 25 TN NB
- CN, 26/01/2025 - 16:13
- Lm Nguyễn Ngọc Nga
LỜI CHÚA (Mc 9, 29-36) VÀ SUY NIỆM CHUA NHẬT 25TNNB2024
Lời Chúa, Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Mac-cô (Mc 9, 29-36): “…Khi ấy, Chúa Giêsu và các môn đệ từ trên núi xuống, rồi đi ngang qua xứ Galilêa và Người không muốn cho ai biết. Vì Người dạy dỗ và bảo các ông rằng: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người ta và họ sẽ giết Người. Khi đã bị giết, ngày thứ ba, Người sẽ sống lại”. Nhưng các ông không hiểu lời đó và sợ không dám hỏi Người. Các ngài tới Capharnaum. Khi đã vào nhà, Người hỏi các ông: “Dọc đàng các con tranh luận gì thế?” Các ông làm thinh, vì dọc đàng các ông tranh luận xem ai là người lớn nhất. Bấy giờ Người ngồi xuống, gọi mười hai ông lại và bảo các ông rằng: “Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người”. Rồi Người đem một em bé lại đặt giữa các ông, ôm nó mà nói với các ông rằng: “Ai đón nhận một trong những trẻ nhỏ như thế này vì danh Thầy, tức là đón tiếp chính mình Thầy. Và ai đón tiếp Thầy, thực ra không phải đón tiếp Thầy, nhưng là đón tiếp Ðấng đã sai Thầy…” Ðó là Lời Chúa
Suy Niệm Lời Chúa:
+/ Khi đề cập tới quyền bính, nhiều người cảm thấy e ngại, né tránh. Bởi chưng giữa cảnh đời tranh đua xua nịnh, quyền bính là phương tiện hữu hiệu để ra lệnh, chỉ đạo, cai trị, lấn át người dưới và trục lợi cho bản thân. Cách hành xử của người nắm quyền thường mang tính áp đặt, “cả vú lấp miệng em” nhằm đạt được danh vọng, vinh thân phì da và củng cố địa vị.
+/ Nếu hỏi một em bé: “con đi học để làm gì?” , thì đa số các em sẽ trả lời rằng: con đi học để làm ông này bà kia, làm kỹ sư, làm bác sỹ, làm linh mục hay nữ tu….Điểm chung về cái học luôn là một nỗ lực cần phải có để tiến thân, hay để có danh với đời, như Nguyễn Công Trứ đã nói:“Đã mang tiếng đứng trong trời đất Phải có danh gì với núi sông”. Nhất là truyền thống dân tộc Việt Nam luôn trọng sự học. Và đương nhiên cũng rất trọng “cái danh”- làm quan.
- Ngoài chuyện chậm tin, chậm hiểu, các môn đệ còn cãi nhau xem ai là người lớn nhất trong nhóm. Người ấy sẽ là người đứng đầu trong Nước sắp tới của Đấng Mêsia. Hẳn Thầy Giêsu rất đau vì thấy học trò của mình khá trần tục. Dù đang đi với Thầy trên cùng một con đường, nhưng họ vẫn để lòng mình theo đuổi vinh quang thế gian.
+/ Theo Chúa Giêsu, quyền bính là để phục vụ; người đứng đầu là người có khả năng dấn thân phục vụ và mở ra chiều kích sứ vụ nhiều hơn. Ở đây, Đức Kitô không đề ra xu hướng loại trừ quyền bính. Cũng như đồng tiền, quyền bính tự nó là tốt và cần thiết cho sự phát triển và an sinh xã hội. Vấn đề không hệ tại quyền bính mà ở cách sử dụng chúng và hướng đích mà người nắm quyền muốn nhắm tới.
- Chúa Giêsu đưa ra một phương cách hành quyền khác giúp các môn đệ tránh những cám dỗ mà quyền bính có thể mang lại: Người làm lớn là người phục vụ anh em, sẵn sàng rửa chân cho nhau và hiến dâng mạng sống vì lợi ích tha nhân. Như vậy, Chúa Giêsu đòi hỏi người nắm quyền chấp nhận phần thua thiệt, tiêu hao chính mình để người khác được lớn lên trong ân sủng và tình yêu. Đồng thời, luôn sống chiều kích vâng phục như chính Ngài “đã vâng lời cho đến chết, chết trên cây thập tự”.
- Sống chiều kích vâng phục giúp người nắm quyền thi hành chức vụ bằng tinh thần của Chúa: yêu thương, cảm thông, tha thứ và phục vụ. Họ không tìm ưu đãi cho bản thân hay nhằm thăng tiến địa vị, nhưng luôn nhắm tới người bé mọn và nghèo khổ là thành phần cần được bảo vệ và ưu đãi trong cộng đoàn.
- Có thể nói, quyền bính là lối ngõ dẫn người khác tới gặp Thiên Chúa và tha nhân. Ngang qua quyền bính, con người khám phá ra tình yêu, sự tin tưởng và tình liên đới, cũng như tìm được chìa khoá mở ra những chân trời tươi sáng và hy vọng. Bởi vì, nó làm cho con người sống xứng với nhân phẩm của mình và không ngừng lớn lên.
- Nói cách khác, người nắm quyền là người có khả năng bắt nhịp cuộc sống người khác: “Vui với người vui, khóc với người khóc” , “trở nên tất cả cho mọi người” . Điều này đòi hỏi người lãnh đạo cần trang bị cho mình những đức tính cần thiết như: Tiết độ, chừng mực, nhã nhặn, cởi mở, hiếu khách, hiền hoà và có khả năng giảng dạy. Người nắm quyền phải xác tín rằng quyền bính Chúa ban để xây dựng và củng cố, chứ không phải để phá đổ.
- Với thánh Phaolô, điều có sức chinh phục người khác không phải là quyền- luật cho bằng một trái tim biết rộng mở và cùng đồng hành với những nỗi thăng trầm của họ. Ở đây, cách hành quyền không mang màu sắc áp đặt. Trái lại, luôn kêu gọi và mở ngỏ cho người khác đáp lại với tất cả tự do: “Chúng tôi khuyên nhủ, khích lệ, van nài anh em sống xứng đáng với Thiên Chúa, Đấng đã kêu gọi anh vào nước của Người và chia sẻ vinh quang với Người”
+/ Theo nhà chú giải Kinh Thánh William Barclay, Chúa Giêsu nhắc đi nhắc lại với họ những gì đang chờ đợi Ngài tại Giêrusalem. Thế nhưng, họ cứ nghĩ vương quốc của Chúa Giêsu là một vương quốc trên thế gian này và chính họ là các thượng thư, bộ trưởng trong vương quốc ấy. Ý nghĩ của Chúa Giêsu đang tiến về thập giá, còn các môn đệ lại tranh cãi xem ai được quyền cao chức trọng hơn cả. Là một cái gì khiến Chúa hết sức đau lòng. Dù vậy, tự thâm tâm, họ vẫn biết là họ đã sai quấy. Khi Chúa Giêsu hỏi họ đang cãi nhau về chuyện gì thì họ chẳng trả
lời. Đó là im lặng vì xấu hổ. Họ không có lý do gì để bào chữa.
- Thánh Bê-đa Khả Kính, linh mục giáo huấn ngày lễ kính thánh Mat-thêu: - Theo Chúa có nghĩa là hãy bắt chước, không phải chỉ theo bằng bước chân mà nhất là bằng cách ăn thói ở…- Nên biết rằng không phải Mát-thêu chỉ thết Chúa một bữa tiệc vật chất trong ngôi nhà của ông ở trần gian, mà còn dọn cho Người một bữa tiệc trong ngôi nhà tâm hồn ông với tất cả niềm tin yêu, điều đó còn quý hơn nhiều…
- Giáo lý của thánh Giacôbê Tông đồ về danh vọng địa vị ở đời sinh ra nhiều điều tồi tệ cần tránh là:...ở đâu có ganh tị và cãi vã, ở đó có hỗn độn và đủ thứ tệ đoan. Sự khôn ngoan từ trời xuống, thì trước tiên là trong trắng, rồi ôn hoà, bao dung, nhu mì, hướng thiện, đầy lòng nhân từ và hoa quả tốt lành, không xét đoán thiên vị, không giả dối. Hoa quả của công chính được gieo vãi trong bình an cho những người xây đắp an bình…Bởi đâu anh em cạnh tranh và cãi cọ nhau? Nào không phải tại điều này: tức tại các đam mê đang giao chiến trong chi thể anh em đó sao?...ganh tị mà không được mãn nguyện, nên anh em cạnh tranh và cãi cọ. Anh em không có là tại anh em không xin. Anh em xin mà không nhận được, là vì anh em xin không đúng, cứ mơ tưởng thoả mãn các đam mê của anh em…Amen
Linh Mục G.B Nguyễn Ngọc Nga