Nhảy đến nội dung

Lời Chúa và suy niệm Chúa Nhật 2 Mùa Vọng Năm B

LỜI CHÚA (Mc 1, 1-8) VÀ SUY NIỆM CHÚA NHẬT 2 MÙA VỌNG NĂM B

Lời Chúa, Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mác-cô (Mc 1, 1-8): “...Khởi đầu Phúc Âm của Ðức Giê-su Ki-tô Con Thiên Chúa. Như có lời Tiên tri I-sai-a chép rằng: Ðây Ta sai Thiên Thần của Ta đến trước mặt ngươi để dọn đường cho ngươi. Có tiếng kêu trong hoang địa rằng: “Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng”. Gio-an Tẩy Giả xuất hiện trong hoang địa, rao giảng phép rửa sám hối cầu ơn tha tội. Dân cả miền Giu-đê-a và Giê-ru-sa-lem tuôn đến với người, thú tội và chịu phép rửa trong sông Gio-đan. Lúc đó Gio-an mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da thú, ăn châu chấu và uống mật ong rừng. Người rao giảng rằng: “Ðấng đến sau tôi, quyền năng hơn tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi dây giày Người. Phần tôi, tôi lấy nước mà rửa các ngươi, còn Ngài, Ngài sẽ rửa các ngươi trong Chúa Thánh Thần…” Ðó là Lời Chúa

Suy Niệm Lời Chúa:

+/ Pat William có kể một câu chuyện rất đặc sắc trong cuốn The Power Within You như sau: Cordell Brown, một bệnh nhân bị chứng liệt não, đến câu lạc bộ Quán Quân Thế Giới Philadelphia Phillies. Anh bước đi khó khăn, nói năng ấp úng, nên khi anh tới, các thành viên quay mặt đi như không nhìn thấy. Tuy không được đón tiếp nhiệt tình, anh vẫn nói: “Tôi biết rằng tôi rất khác biệt với các bạn, ‘nhưng nhờ ơn Chúa mà tôi được như thế này'”. Và anh thao thao bất tuyệt nói về lòng nhân hậu của Thiên Chúa đã tuôn đổ phúc lộc xuống trên cuộc đời anh. Anh mạnh mẽ xác quyết: “Các bạn có thể thành công suốt cả cuộc đời, lãnh cả triệu đôla mỗi năm, nhưng khi ngày giờ đến, ngày mà người ta đóng nắp quan tài của các bạn lại, thì các bạn cũng như tôi. Mọi người đều như nhau. Tôi không cần những gì các bạn đang có, nhưng tôi chắc chắn rằng các bạn cần một điều mà tôi luôn có, đó là Ðức Giêsu Kitô”.

+/ Khi Tin Mừng nói đến con đường nối kết thì không phải chỉ là con đường vật chất bằng đất, nhựa hay xi măng, không phải chỉ là con đường trên mặt đất, trên sông biển, trên vòm trời. Mà còn là những con đường tinh thần, những con đường trong lòng người.

- Nguyễn Bá Học đã có câu châm ngôn: Đường đi khó không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông. Đường đi ở đây có nghĩa là con đường mà chúng ta phải đi, phải vượt qua để tiến về phía trước. Con đường yêu Chúa cũng tương tự. Bởi thế, Thiên Chúa đã sai Gioan Tẩy giả làm tiên hô dọn đường cho Ngài, ứng nghiệm và thực hiện lời kêu gọi của Isaia trong Cựu Ước ngày xưa. Gioan Tẩy giả kêu gọi dọn đường một cách cụ thể bằng việc sám hối và lãnh nhận phép thanh tẩy.

+/ Thánh Gioan Tiền hô làm gương cho chúng ta noi theo. Gioan đã đi vào sa mạc. Trong lịch sử cứu độ, sa mạc luôn là khung cảnh thuận tiện cho ân sủng hoạt động. Ở đó, Thiên Chúa đã giáo dục dân Ngài qua 40 năm của cuộc xuất hành; ở

đó, Thiên Chúa đã thanh luyện dân Ngài trước khi cho họ trở lại quê hương sau khi thoát khỏi cảnh lưu đày. Chính vì thế, Giáo Hội muốn chúng ta sống 4 tuần lễ Mùa Vọng này như sống trong sa mạc: bình tâm hơn, ăn uống đạm bạc hơn, cầu nguyện nhiều hơn và suy nghĩ nhiều hơn để biết rõ ý Chúa hơn.

- Gioan đã giúp người ta sám hối, thú tội và lãnh nhận phép thanh tẩy. Rồi khi Ðức Giêsu xuất hiện, chính Gioan giới thiệu Ngài cho dân chúng biết. Ngày nay, Ðức Giêsu vẫn còn cần những người tiền hô, những kẻ dọn đường. Tin Mừng của Ngài vẫn còn cần những người nhiệt tình giới thiệu cho người khác được biết về Chúa.

+/ Trích bài giảng của thánh Bê-na-đô, viện phụ:...Chúng ta biết có ba lần Chúa đến. Lần thứ ba ở giữa hai lần kia. Hai lần kia thật là rõ ràng, còn lần thứ ba ở giữa thì không. Lần đầu, Người xuất hiện trên mặt đất và ở với người phàm, như chính Người quả quyết, họ đã thấy và ghét Người. Còn lần cuối, mọi xác phàm sẽ nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta và chúng sẽ nhìn xem Đấng chúng đã đâm thâu. Lần giữa thì ẩn khuất, chỉ có những ai được tuyển chọn mới thấy Người trong lòng mình, và linh hồn những người ấy được cứu độ. Vậy lần đầu, Người đến mang xác phàm và phận mỏng manh ; lần giữa, Người đến với thần khí và sức mạnh ; còn lần cuối, Người đến trong vinh quang và oai hùng. Chính lần giữa là đường đưa từ lần đầu tới lần cuối: lần đầu, Đức Ki-tô cứu chuộc chúng ta, lần cuối Người sẽ làm cho chúng ta được sống, và lần giữa này, Người cho chúng ta được nghỉ ngơi và an ủi. Nhưng, để đừng ai tưởng rằng những điều chúng tôi nói về lần giữa là chuyện bày đặt, xin các bạn hãy nghe chính Người nói : Nếu ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở với người ấyTôi đã đọc ở một chỗ khác : Ai kính sợ Đức Chúa sẽ làm những điều lành. Nhưng tôi thấy Đức Giê-su còn nói một điều thấm thía hơn về kẻ yêu mến Người rằng kẻ ấy sẽ giữ lời Người

dạy. Vậy những lời ấy phải được tuân giữ ở đâu ? Chắc hẳn ở trong lòng, như ngôn sứ nói : Lời Chúa phán lòng con ấp ủ, để chẳng bao giờ bội nghĩa bất trung. Bạn hãy giữ lời Chúa theo lối này : Hạnh phúc thay kẻ tuân giữ lời Chúa. Vậy ước gì lời ấy thâm nhập tâm can bạn, thấm nhuần tình cảm và tác phong của bạn. Bạn hãy lấy điều thiện làm thức ăn, và tâm hồn bạn sẽ được sướng vui no thoả. Bạn đừng quên ăn bánh của bạn, kẻo lòng bạn ra khô héo, nhưng hãy nuôi hồn bạn bằng thức ăn mỡ màng béo bổ. Nếu bạn giữ lời Chúa như thế thì không còn hồ nghi gì nữa, bạn sẽ được lời Chúa giữ gìn.

+/ Tiếp kiến chung ngày 6/12/2023 - ĐTC Phanxicô dạy Trong bài giáo lý rằng: Học loan báo Tin Mừng cách sáng tạo và đơn giản của Chúa Thánh Thần. Đức Thánh Cha lưu ý: vai trò chính của Chúa Thánh Thần không được khiến chúng ta trở nên thụ động lười biếng. Sự tin tưởng không biện minh cho việc không hoạt động. Sức sống của hạt giống có thể tự mọc lên không cho phép người nông dân bỏ bê ruộng đồng. Và sáng kiến can đảm mà Chúa Thánh Thần khơi dậy trong chúng ta sẽ khiến chúng ta bắt chước phong cách của Người, một phong cách luôn có hai đặc điểm: sáng tạo và đơn giản.

+/ THƯ MỤC VỤ MÙA VỌNG VÀ MÙA GIÁNG SINH NĂM 2023, Hà Nội, ngày 15 tháng 11 năm 2023, Tổng Giám mục Hà Nội kêu goi: 

- Theo định hướng của Tổng Giáo phận; và năm Xây dựng một Giáo hội tham gia, Trong Giáo hội nói chung, mỗi giáo xứ phải được tổ chức như một gia đình lớn bao gồm nhiều gia đình nhỏ. Nơi đây là một thánh điện để những người khát nước đến uống dọc đường, và là một trung tâm đón tiếp tất cả mọi người. Những sinh hoạt hội đoàn phải giúp các tín hữu sống đức tin, chuyên cần cầu nguyện và thực hành yêu thương.

- Ngày 15 tháng 10 vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã công bố Tông huấn về thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu với tựa đề “Đó là lòng tín thác”. Vị mục tử của Giáo hội Công giáo mời gọi mọi người hãy trở về với tình yêu đơn sơ và lòng mến chân thành. Tình yêu ấy vừa quy hướng về Thiên Chúa, vừa hướng tới Giáo hội.

+/ Bài đọc II: 2 Pr 3, 9-14, Lá thư được gọi là thư thứ hai Phêrô thực ra không phải do Thánh Phêrô viết, mà do một người mượn danh ngài viết ra, vào khoảng cuối thế kỷ I.

Hoàn cảnh và lý do: Vào cuối thế kỷ I, các kitô hữu không mấy tin vào việc Chúa lại đến, từ đó họ cũng chẳng thiết tha gì đến việc dọn đường cho Ngài. Do thời gian chờ đợi hơi lâu nên nhiều người nản lòng. Nhưng tác giả giải thích rằng sở dĩ Chúa chậm đến là vì Ngài nhẫn nại, ban thêm thời gian cho những người tội lỗi có dịp sám hối. Tác giả khẳng định lại rằng chắc chắn Chúa sẽ lại đến. Và khi đó sẽ là “trời mới đất mới”. “Vì vậy, anh em càng phải sống thánh thiện và đạo đức biết bao khi mong chờ ngày Chúa đến”.

- Chúa là Chúa, ta là người phàm, tự nhiên là xa cách nhau, nên cần phải có một con đường để Chúa có thể qua đó mà đến với ta và ta qua đó mà đến với Chúa và ta đến với tha nhân. Như vậy là con đường cầu nguyện: đến nhà thờ mà có cầu nguyện thật sự thì mới gặp được Chúa. Khi chưa phải là Chúa nhật hay khi trở ngại không đến nhà thờ được, nhưng nếu ta có cầu nguyện riêng, cầu nguyện ở nhà, cầu nguyện trong mọi biến cố cuộc sống, thì ta vẫn gặp được Chúa. Amen

Linh Mục G.B Nguyễn Ngọc Nga