Lời Chúa và suy niệm Chủ nhật 15 TN NB
- CN, 26/01/2025 - 16:13
- Lm Nguyễn Ngọc Nga
LỜI CHÚA (Mc 6, 7-13) VÀ SUY NIỆM CHÚA NHẬT 15TNB2024
Lời Chúa, Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Mác-cô (Mc 6, 7-13): “...Khi ấy, Chúa Giêsu gọi mười hai tông đồ và sai từng hai người đi, Người ban cho các ông có quyền trên các thần ô uế. Và Người truyền các ông đi đường, đừng mang gì, ngoài cây gậy, không mang bị mang bánh, không mang tiền trong túi, nhưng chân đi dép, và đừng mặc hai áo. Người lại bảo: “Ðến đâu, các con vào nhà nào, thì ở lại đó cho đến khi ra đi. Ai không đón tiếp các con, cũng không nghe lời các con, thì hãy ra khỏi đó, phủi bụi chân để làm chứng tố cáo họ”. Các ông ra đi rao giảng sự thống hối. Các ông trừ nhiều quỷ, xức dầu chữa lành nhiều bệnh nhân…” Ðó là Lời Chúa
Suy Niệm Lời Chúa:
+/ Có một câu chuyện tưởng tượng kể lại rằng: Sau khi hoàn tất sứ mạng trần gian, Chúa Giêsu trở về trời và được thiên thần Gabriel ra tiếp đón. Gặp Chúa, thiên thần lên tiếng hỏi ngay: Lạy Chúa, xin Chúa cho biết công trình của Chúa sẽ được tiếp tục như thế nào ở dưới thế? Chúa Giêsu đáp: Ta đã chọn 12 tông đồ và Ta đã trao phó cho họ sứ mạng rao giảng Tin Mừng cho đến tận cùng bờ cõi trái đất. Nghe Chúa trả lời như thế, thiên thần Gabriel hình như chưa hoàn toàn thoả mãn nên hỏi tiếp: Nếu chẳng may họ thất bại thì Chúa có dự tính chương trình nào khác nữa không? Chúa Giêsu mỉm cười: Ta không dự tính một chương trình nào khác, Ta tin tưởng ở họ.
- Đúng thế, Chúa Giêsu hoàn toàn tin tưởng vào các tông đồ, mặc dầu xét về nhiều phương diện, khi Ngài về trời, Ngài đã để lại một nhóm tông đồ ít ỏi, xem ra không đủ khả năng để chu toàn sứ mạng đi rao giảng Tin Mừng cho muôn dân.
+/ Hôm nay, khi đọc lại những chỉ thị của Chúa Giêsu trước khi sai Nhóm Mười Hai đi loan báo Tin Mừng đến các làng mạc, có người trong chúng ta tự hỏi: những chỉ thị này có còn phù hợp cho các tông đồ thời nay không. Hẳn có nhiều chi tiết không áp dụng được nữa, vì thế giới con người đã đổi thay sau hơn hai ngàn năm? Nhưng tinh thần mà Chúa muốn nhắn nhủ lại có giá trị mãi cho các tông đồ thuộc muôn thế hệ, và cả chúng ta hôm nay nữa.
-Chúa muốn người tông đồ lên đường phải là người được sai đi.
Họ phải vuông tròn với sứ mạng đã được Chúa ủy thác, nhưng họ cũng được chia sẻ quyền uy của Đấng sai mình. Chúa Giêsu cho họ quyền trên các thần ô uế. Cũng cho họ quyền chữa đủ thứ bệnh tật. Những ông ngư phủ, ăn nói bỗ bã quê mùa, cũng được quyền rao giảng và mời gọi người ta sám hối.
-Chúa cũng muốn phải thật nhẹ nhàng. Nhẹ vì không mang theo bánh ăn, túi tiền hay bao bị. Không bánh để ăn đường, không tiền để mua đồ cần dùng, Không bao bị để đựng những điều mình có hay được cho. Như thế là gần như tay trắng, không có gì bảo đảm, nghĩa là tự đặt mình trong thế yếu, mong manh. Nhẹ hành trang là dấu chỉ không đi một mình, vì tin có một đấng trên đầu mình quan phòng và lo liệu mọi sự.
- Chúa muốn người rao giảng Tin Mừng phải thanh thoát. Thanh thoát là không bị chi phối bởi thèm muốn tự nhiên, không bị trói buộc bởi tiếng tăm, tư lợi. Người tông đồ không tìm kiếm chỗ ăn, chỗ ở tiện nghi, không đối xử phân biệt giữa người giàu, kẻ nghèo, cũng không chọn nhà sang hơn để trú ngụ. Bằng lòng với những gì người ta cung cấp cho, và chia sẻ mức sống của gia đình đang cho mình ở trọ. Cả khi bị từ chối và không được lắng nghe, người tông đồ cũng phải bình an đón nhận, không nổi giận hay dùng quyền năng Chúa ban để trừng phạt, vì trừng phạt là chuyện của Chúa.
- Chúa muốn những người được sai đi phải hết sức khiêm tốn, vì họ là những người nhận quyền năng từ Thiên Chúa, nên dễ được nhiều người ngưỡng mộ yêu mến. Như Chúa Giêsu, người rao giảng Tin Mừng Nước Trời phải hối cải trước và đang khi kêu gọi mọi người hối cải, không đòi hỏi được trả công, chỉ một lòng phục vụ vô vị lợi. Không sợ trực diện với những vấn đề của con người, nhận ra một thế giới bệnh tật, cần được chữa lành, một thế giới bị mê hoặc bởi lắm thứ quỷ thần mới mẻ. Tin Mừng họ rao giảng đi với nụ cười của người khỏi bệnh, và niềm vui của người được giải thoát.
+/ Nhà chú giải Kinh Thánh William Barclay, cho rằng để hiểu hơn vấn đề, chúng ta nên có trong trí hình ảnh về cách ăn mặc của người Do Thái tại Palestine vào thời của Chúa Giêsu. Có năm trang phục:
1/ Phần áo lót mặc lên người trước nhất là cái Chiton hay Sindon, tức là áo trong. Áo này rất đơn giản, chỉ là một mẩu vải dài xếp đôi rồi may một bên. Nó khá dài đủ che phủ đến bàn chân. Hai góc ở phần trên được khoét để làm hai cánh tay ra.
2/ Chiếc áo ngoài được gọi là Himation. Ban ngày nó được dùng làm áo choàng và ban đêm làm mền đắp. Nó gồm một tấm vải dài hơn 2 mét, khổ rộng khoảng 1,4 đến 1,5, rộng khoảng 0,4m mỗi bên được xếp và may lại, khoét lỗ ở phía trên để xỏ tay được. Vì thế nó gần như vuông vức.
3/ Có dây thắt lưng. Dây thắt lưng để buộc phía ngoài hai chiếc áo vừa kể trên. Khi cần làm việc hay chạy, người ta vén các vạt áo trong lên và giữ lại bằng giây thắt lưng. Có khi chiếc áo ngắn được vén lên ở phía trên dây thắt lưng, chỗ trống phía trước thắt lưng có thể đặt một bao hoặc một gói gì đó để mang đi. Dây thắt lưng thường được may hai lớp khoảng 4 tấc rưỡi từ mỗi đầu. Phần may hai lớp thường dùng làm túi đựng tiền.
4/ Có khăn vuông che đầu. Khăn vuông che đầu bằng vải, rộng khoảng 1m2, thường màu trắng, xanh hoặc đen. Thỉnh thoảng cũng có loại khăn bằng lụa màu, nó được xếp theo đường chéo góc, cột lên đầu để che gáy gò má và mắt cho khỏi sức nóng và tia nắng của mặt trời. Người ta cột nó vòng quanh đầu bằng một sợi dây da co giãn được sao cho dễ mở ra.
5/ Có đôi dép. Dép chỉ là những miếng da bằng phẳng có xoi lỗ, có khi bằng gỗ hoặc bện bằng rơm. Người ta xỏ dây và cột nó vào bàn chân để mang.
+/ Túi tiền có thể là hai vật sau đây: (a) Nó có thể là chiếc túi đi đường bình thường. Túi này được may bằng da dê con. Thường thì bộ da con vật được lột nguyên miếng nên vẫn giữ được hình dáng con vật, đủ cả chân, đuôi và đầu. Hai túi có dây để đeo trên vai. Trong đó người chăn chiên, khách hành hương, hoặc kẻ đi đường đựng bánh mì, nho, trái ôliu và bánh sữa đủ ăn một hai ngày. (b) Có một điểm gợi ý rất thú vị ở đây. Từ Hy Lạp có nghĩa là chiếc bao quyên góp. Thường thường các thầy tư tế và người sùng đạo ra đi với chiếc bao này để góp nhặt các của đóng góp cho Đền Thờ.
+/ Ở đây còn thêm điều lý thú khác là: Bên phương Đông, việc ân cần tiếp đãi khách lạ được xem là một bổn phận thiêng liêng. Khi có người lạ vào làng, người ấy không cần đi tìm nơi trú ngụ vì chính làng ấy có nhiệm vụ tiếp đãi họ. Chúa Giêsu dạy các môn đệ của Ngài rằng nếu người ta từ chối không chịu tiếp đãi, đóng cửa, bịt tai lại, các ông cứ phủi bụi dính chân họ rồi đi nơi khác. Chúa Giêsu muốn dạy nếu họ không chịu nghe Tin Mừng, việc duy nhất có thể làm là đối xử với họ như cách người Do Thái khắt khe vẫn đối xử với nhà của người ngoại. Giữa họ và người toogn đồ chẳng còn có liên hệt gì với nhau nữa cả!.
+/ Kết luận: Chúng ta dễ nhận diện một môn đệ Chúa là sống thật đơn giản, hoàn toàn tin cậy vào Thiên Chúa và phải luôn luôn đem ơn phúc đến cho người khác chứ không phải mong thiên hạ làm phúc cho mình.
+/ Có ý hướng nói trên trong Bài Ðọc I Lời Chúa hôm nay, Trích sách Tiên tri Amos, Amos trả lời cùng Amasia rằng: “Tôi không phải là tiên tri, cũng không phải là con của tiên tri, nhưng là đứa chăn bò (và chuyên) đi hái trái sung. Khi tôi đang đi theo đàn chiên, thì Chúa dẫn tôi đi và nói cùng tôi rằng: “Ngươi hãy đi nói tiên tri cho dân Israel của Ta”...
Ý của ngôn sứ Amos nói là làm tông đồ/ngôn sứ là một nhiệm vụ Chúa gọi, chọn và giao cho nên phải thực thi.
+/ Trước khi hết lời, xin trích một số lời giảng của thánh Gio-an Kim Khẩu, giám mục giảng về việc rao giảng Tin Mừng của thánh Phao-lô là:...khi bị âm mưu hãm hại, người vẫn đắc thắng chống lại mọi cuộc tấn công của kẻ thù. Bất cứ ở đâu bị đánh đòn, bị lăng nhục và nguyền rủa, người luôn xử sự như kẻ mừng chiến thắng khải hoàn, thu lượm được nhiều chiến phẩm…mọi sự trên đời, người chẳng coi gì là cay đắng hay ngọt ngào nữa. Người khinh chê mọi vật hữu hình như cỏ thối, xem bạo chúa và đám dân phẫn nộ như loài sâu bọ. Người coi cái chết, nỗi đớn đau và mọi cực hình như trò chơi của trẻ con, khi vì Đức Ki-tô mà người phải chịu đựng những điều ấy…Amen.