Suy Niệm Lời Chúa (Mt 6, 25-34) Lễ Mồng Một Tết Giáp Thìn 2024
- CN, 26/01/2025 - 16:13
- Lm Nguyễn Ngọc Nga
Trước Thềm Năm Mới Giáp Thìn 2024, Linh Mục GB Nguyễn Ngọc Nga Với Tâm Tình Tri Ân Và Cảm Tạ, Thay Lời Cho Những Người Đã Thụ Ân, Xin Gửi TẤM THIỆP Kính Chúc Quý Ân Nhân Và Thân Quyến Nhiều Sức Khỏe An Vui Và Dồi Dào PHÚC-LỘC-THỌ
SUY NIỆM LỜI CHÚA (Mt 6, 25-34) LỄ MỒNG MỘT TẾT GIÁP THÌN 2024
+/ Chuyện kể rằng: Ngày kia, có vài người đến thưa với Thượng Đế rằng: Tết năm nào cũng có bấy nhiêu việc. Chán quá! Chỉ có bọn con nít vô tư ham Tết chứ người lớn như chúng con chẳng ham gì Tết vì còn vất vả, tốn kém hơn ngày thường. Xin Ngài xem xét cho”! Suy đi nghĩ lại, Thượng Đế quyết định gọi Mùa Xuân trở về Thiên Quốc. Thế là ba trăm sáu mươi lăm ngày này trôi qua, lại đến ba trăm sáu mươi lăm ngày khác tiếp nối nhau liên tục. Trẻ con cứ vùi đầu vào sách vở. Người lớn thì miệt mài chạy theo công việc làm ăn. Nhà cửa chẳng bao giờ được trang hoàng bởi những nhánh mai vàng rực rỡ và những chậu hoa kiểng xinh xắn, dễ thương. Các ông bà cụ mỏi mòn bên song cửa ngày này qua tháng nọ mà bóng dáng con cháu vẫn biền biệt. Bạn bè không có dịp họp mặt nhau bên ly rượu, mâm cơm để gặp gỡ, chia sẻ tâm tình. Và dần dần, hoa cỏ nhợt nhạt vì thiếu làn gió xuân ấm áp và những đôi tay chăm sóc. Con người cũng dần dần xa cách nhau vì thiếu sự quan tâm và tình thương nồng nàn. Chịu hết nổi, một ngày nọ, con người lại đến van xin Thượng Đế: “Xin Ngài đem Mùa Xuân trở về với chúng tôi. Không có Mùa Xuân, có ngày chúng tôi phát điên lên mất”. Khi Mùa Xuân trở lại, sức sống và niềm vui lại chan hòa trên cảnh vật và con người.
- Mùa Xuân là một quà tặng tuyệt vời mà Thượng Đế gửi đến cho vũ trụ và con người. Quà tặng đó là thời gian, là những vẻ đẹp được kết tinh từ một chiều dài lịch sử văn hóa dân tộc, và sâu xa hơn, đó là một “món ăn” bổ ích cả thể xác lẫn tinh thần cho con người. Có lẽ tùy vào hoàn cảnh và tâm trạng của mỗi người mà có những cảm xúc khác nhau trước Mùa Xuân, đầu mùa xuân là Tết Nguyên Đán.
+/ Theo trang tìm kiếm cho biết theo thuyết Ngũ Hành, người sinh năm Giáp Thìn 2024 thuộc mệnh Hỏa, cụ thể là Phú Đăng Hỏa. Chữ “Phú” trong Hán Tự có nghĩa là đầy đủ, sung túc, vui vẻ. “Đăng” nghĩa là ngọn đèn còn “Hỏa” nghĩa là lửa. Như vậy, Phú Đăng Hỏa nghĩa là ngọn lửa phát ra từ chiếc đèn mang đến sự may mắn, niềm vui và hạnh phúc cho vạn vật.
- Do quy luật 3 năm nhuận một tháng của Âm lịch nên ngày đầu năm của dịp Tết Nguyên đán không bao giờ trước ngày 21 tháng 1 Dương lịch và sau ngày 19 tháng 2 Dương lịch, mà thường rơi vào khoảng cuối tháng 1 đến giữa tháng 2 Dương lịch. Toàn bộ dịp Tết Nguyên đán hàng năm thường kéo dài trong khoảng 7 đến 8 ngày cuối năm cũ và 7 ngày đầu năm mới (23 tháng Chạp đến hết ngày 7 tháng Giêng). Năm Giáp Thìn 2024 là năm con Rồng, mệnh Hỏa, ngũ hành nạp âm Phúc Đăng Hỏa (Lửa Đèn Dầu). Theo quan niệm Đông phương, Thìn là linh vật mạnh, có ý nghĩa thịnh vượng, cát lành. Vì vậy, trong năm 2024 được xem là dấu hiệu của nhiều điều may mắn và cơ hội thăng tiến trong nhiều phương diện. Tết Nguyên đán ở Việt Nam, là khâu đầu tiên và quan trọng nhất trong hệ thống lễ hội Việt Nam, nó mang đậm nét văn hóa dân tộc sâu sắc và độc đáo, phản ánh tinh thần hòa điệu giữa con người và thiên nhiên theo chu kỳ vận hành của vũ trụ.
+/ Trên chiếc đồng hồ lớn tại giáo xứ Thánh Gioan Chrysostom ở Inglewood (California, Hoa Kỳ), người ta thấy có khắc chữ “Tempus Fugit” – La ngữ nghĩa là “thời giờ trôi qua”. Điều dĩ nhiên nhưng rất chí lý! Tục ngữ Việt Nam cũng nói tương tự: “Thời giờ thấm thoắt thoi đưa, nó đi đi mãi có chờ đợi ai”.
- Hôm nay, mồng Một Tết, cũng sẽ qua đi theo dòng chảy thời gian, kể cả Mùa Xuân cũng sẽ chấm dứt, nhưng chính Thiên Chúa đã động viên mỗi chúng ta ghi nhớ rằng: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ khác, Người sẽ thêm cho”.
- Hôm nay Giáo Hội muốn chúng ta dành riêng ra ngày này để cầu xin ơn bình an. Bởi lẽ Hội Thánh là Mẹ chúng ta ý thức rằng: Bình An là điều tiên quyết và cần thiết cho con cái mình.
nói riêng và cho toàn thể nhân loại nói chung được sống hạnh phúc. Người ta có thể sống trong thiếu thốn, nghèo khổ, Thậm chí bệnh tật, nhưng con người sẽ trở thành bất hạnh khi phải sống trong những nỗi lo âu, sợ hãi và bị đe doạ.
+/ Theo ĐTC Phanxicô và con đường hạnh phúc đích thực thì có 10 điều răn của niềm vui được rút ra từ giáo huấn của ĐTC Phanxicô.
- Trong Sứ điệp gửi cho Đại hội Giới trẻ Thế giới 2015, ĐTC khẳng định: Tìm kiếm hạnh phúc là một ước muốn chung của tất cả mọi người, mọi lứa tuổi, mọi thời gian; bởi vì chính Thiên Chúa đã đặt trong tâm hồn mỗi người một ước muốn không thể phủ nhận, đó là hạnh phúc. Sau đây là 10 điểm suy tư của ĐGH về chủ đề hạnh phúc:
1.Khởi đầu của niềm vui là bắt đầu chú ý đến người khác. Con đường của hạnh phúc bắt đầu bằng việc lội ngược dòng: cần phải đi từ sự ích kỷ đến việc nghĩ đến người khác. Các thánh sống trong sa mạc đã nói: thật buồn khi con người chỉ nghĩ đến chính mình. ĐTC giải thích: “Khi đời sống nội tâm đóng kín cho chính lợi ích cá nhân và không còn chỗ cho người khác, chúng ta không hưởng sự ngọt ngào của tình yêu.
2. Xua tan sầu muộn. ĐTC thích trích dẫn một đoạn trong sách Huấn ca 14, 11.14: “Con ơi, nếu có thể hãy làm cho đời con được tốt đẹp…Đừng từ chối không hưởng một ngày hạnh phúc”. “Thiên Chúa muốn các con cái Người được hạnh phúc cả ở đời này nữa, mặc dù họ được kêu gọi để hưởng sự viên mãn trong cõi vĩnh cửu, vì Người đã tạo dựng nên mọi sự “cho chúng ta hưởng dùng”. Có một câu nói nổi tiếng: Sự thánh thiện đích thực đó là niềm vui, bởi vì một vị thánh buồn là một vị thánh đáng buồn”.
3. Không phải quyền lực, thành công hay tiền bạc, nhưng tình yêu mang lại niềm vui. ĐTC nhấn mạnh: Hạnh phúc không phải là một thứ được mua ở siêu thị, hạnh phúc chỉ đến khi yêu và được yêu thương.
4. Có óc hài hước. ĐTC khẳng định: “Con đường của niềm vui được thực hiện với óc hài hước: biết cười trong mọi sự, cười với người khác, và cười với chính mình, tất cả là nền tảng của con người, là một thái độ “gần với ân sủng”. Đó là niềm vui được Thánh Thần sinh ra.
5. Lòng biết ơn. Niềm vui cũng là khả năng nhận ra những món quà chúng ta có được mỗi ngày. Đó là sự ngạc nhiên trước vẻ đẹp cuộc sống, những điều vĩ đại và nhỏ bé lấp đầy những ngày sống của chúng ta. ĐTC đưa ra mẫu gương của thánh Phaxicô Assisi, người có khả năng động lòng biết ơn trước một mẩu bánh mì cứng ngắc, hoặc hân hoan chúc tụng Thiên Chúa chỉ vì một ngọn gió nhẹ nhàng vuốt ve khuôn mặt ngài (Tông huấn Gaudete et exsultate, 127)
6. Biết tha thứ và xin tha thứ. ĐTC nói về niềm vui của người biết tha thứ và xin tha thứ: “Trong một tâm hồn đầy giận dữ và hiềm thù không có chỗ cho hạnh phúc. Ai không biết tha thứ, thì làm cho chính mình bị tổn thương trước. Oán giận nảy sinh sầu khổ. Cội nguồn của niềm vui này là ở chỗ hiểu được rằng chúng ta được Thiên Chúa tha thứ.
7. Niềm vui dấn thân và nghỉ ngơi. ĐTC mời gọi chúng ta trải nghiệm niềm vui trong khi làm việc với người khác và vì người khác xây dựng một thế giới công bằng và huynh đệ hơn. Nghĩa là dấn thân mỗi ngày với tinh thần của các Mối phúc: đây là “con đường của hạnh phúc đích thực” mà Chúa Giêsu đã chỉ ra.
8. Cầu nguyện và tình huynh đệ. Con đường dẫn đến niềm vui đôi khi gặp khó khăn và thử thách làm cho chúng ta chán nản. ĐTC đưa ra hai chỉ dẫn để không đánh mất niềm hy vọng: kiên trì cầu nguyện và không đi một mình.
9. Phó thác trong tay Thiên Chúa. Trong cuộc sống, có thời gian của thập giá, có những giây phút tối tăm làm cho chúng ta cảm thấy mình bị Thiên Chúa bỏ rơi và trong sự thinh lặng của Thiên Chúa hơn lúc nào hết chúng ta phải phó thác vào Chúa.
10. Biết mình được yêu thương. ĐTC khẳng định: “Niềm vui đích thực xuất phát từ cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu, từ việc tin rằng Ngài yêu thương chúng ta đến trao ban mạng sống vì chúng ta. Niềm vui là nhận biết được Thiên Chúa là Cha yêu thương chúng ta. Niềm vui thích thực không phải là những nỗ lực của chúng ta mà của Thánh Thần, Ngài mời gọi chúng ta chỉ cần mở rộng con tim để Ngài làm tràn đầy hạnh phúc. Nếu chúng ta để Thiên Chúa làm cho chúng ta ra khỏi cái vỏ của mình và thay đổi cuộc sống, chúng ta có thể thực hiện điều mà thánh Phaolô nhắc nhở: ‘Anh em hãy vui luôn trong Chúa, tôi nhắc lại, hãy vui luôn... Amen.
Linh Mục G.B Nguyễn Ngọc Nga