Nhảy đến nội dung

Lời Chúa (Ga 15, 1-8) và suy niệm Chúa Nhật 5 Phục Sinh Năm B

Lời Chúa (Ga 15, 1-8) và suy niệm Chúa Nhật 5 Phục Sinh Năm B

Lời Chúa, Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an (Ga 15, 1-8): “…Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. Nhành nào trong Thầy không sinh trái thì Người chặt đi, còn nhành nào sinh trái thì Người tỉa sạch để nó sai trái hơn. Các con đã được tỉa sạch nhờ lời Thầy đã nói với các con. Các con ở trong Thầy, và Thầy ở trong các con. Cũng như nhành nho tự nó không thể sinh trái được, nếu không dính liền với cây nho; các con cũng vậy, nếu không ở trong Thầy. “Thầy là cây nho, các con là nhành. Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, kẻ ấy sẽ sinh nhiều trái, vì không có Thầy, các con không thể làm được gì. Ai không ở trong Thầy, thì bị vứt ra ngoài như ngành nho, và sẽ khô héo, người ta sẽ thu lại, quăng vào lửa cho nó cháy đi. Nếu các con ở trong Thầy, và lời Thầy ở trong các con, thì các con muốn gì cứ xin, và sẽ được. Ðây là điều làm Cha Thầy được vinh hiển là các con sinh nhiều trái, và như thế các con trở nên môn đệ của Thầy…” Ðó là Lời Chúa

Suy Niệm Lời Chúa:

-Trong bài Tin Mừng hôm nay, qua Dụ ngôn Cây Nho Đức Giêsu dùng một hình ảnh quen thuộc cây nho và cành nho gắn kết với nhau, để diễn tả tương quan thân thiết giữa Ngài và người tín hữu.

- Dụ ngôn Cây Nho này dạy chúng ta một cách vừa cụ thể dễ hiểu, nhưng vừa rất sâu sắc về cuộc đời Ki-tô hữu:

– Kitô hữu nếu muốn sống phong phú thì phải sống trong Đức Giêsu và sống bằng sức sống của Ngài.

– Kitô hữu cũng phải chấp nhận để cho mình “được Chúa Cha tỉa sạch” bằng những việc xảy ra không đúng ý mình làm cho mình đau khổ.

– Đức Giêsu còn hứa một điều rất tốt đẹp: Nếu các con ở trong Thầy và Lời Thầy ở trong các con, thì các con muốn gì, cứ xin, và sẽ được.

- Lối nói “ở lại trong” được dùng 9 lần trong bài Tin Mừng này để nói về tương quan giữa Đức Giêsu và người tín hữu. “Ở lại trong” không phải chỉ là “ở lại với” về mặt thể lý. Ở lại trong là ở lại với mức độ sâu xa, bền vững.
Ở lại trong là kiên trì ở lại giữa những thách đố của đức tin. Ở lại trong là một tiến trình lớn lên mãi trong đức mến.

+/ Hình ảnh cành nho gắn liền và ở lại trong cây nho đã gợi về tương quan giữa Chúa Giê-su và người môn đệ. Dòng nhựa sống được thông chuyển từ cây sang cành. Cây và mọi cành chỉ luân lưu một dòng nhựa duy nhất. Từ đó cành kết trái xum xuê. Cành của môn đệ cũng chỉ kết trái nếu họ ở lại trong Chúa, và để lời của Chúa ở lại trong họ và cắt tỉa họ.

– Ích lợi của “ở lại” là được sống, sinh hoa trái, muốn gì cứ xin và sẽ được. Tai hại của “không ở lại”: bị quăng ra ngoài, khô héo, không thể sinh trái.

– Làm thế nào để “ở lại” trong Đức Giêsu, ghi nhớ và thực hành Lời Ngài.

+/ Chú giải của William Barclay về CÂY NHO THẬT. Lúc mô tả bức tranh về cây nho. Chúa Giêsu biết rõ điều Ngài đang nói. Cây nho mọc khắp nơi tại Palestine. Nhưng dù mọc ở đâu, việc cần thiết là phải được cắt tỉa thật kỹ. Chúa Giêsu bảo những người theo Ngài cũng giống như vậy. Một số người trong họ là những nhánh nho ra trái thật sai, nhưng một số khác thì lại vô dụng vì không ra trái.

- Chúng ta có thể trở thành những nhánh nho vô dụng theo ba cách:

a/ Chúng ta chối từ không nghe theo Chúa Giêsu.

b/ Chúng ta nghe Ngài và phục vụ Ngài bằng đầu môi chót lưỡi chứ không có hành động cụ thể.

c/ Chúng ta có thể nhận Ngài làm Thầy và làm Chủ, nhưng sau đó khi gặp khó khăn trên đường đời hay khi bị dục vọng lôi cuốn thì lại từ bỏ Ngài.

- Bài đọc II (1 Ga 3, 18-24) hôm nay cũng giúp ta hiểu chủ đề “tình yêu phải sinh hoa trái”: Yêu thương không phải chỉ bằng lời nói trên đầu môi chót lưỡi – mà phải bằng việc làm – và bằng việc tuân giữ các điều răn của Đức Giêsu.

+/ Sách giáo lý Công Giáo cũng cho ta biết Đức Kitô là Cây Nho, chúng ta là cành. Nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần, các con cái Thiên Chúa có thể mang lại hoa trái của Thần Khí, là: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ.

+/ Thánh Cơ-lê-men-tê I, giáo hoàng, gửi cho tín hữu Cô-rin-tô mấy lời sau đây:… như những chiến binh, chúng ta hãy đem hết sức ra mà chiến đấu, dưới quyền chỉ huy không bao giờ sai phạm của Người. Hãy xem những chiến binh đang ở dưới quyền các vị lãnh đạo của chúng ta: khi thi hành các mệnh lệnh, họ có tinh thần kỷ luật, và thái độ sẵn sàng tùng phục đáng quý như thế nào! Đâu phải tất cả đều là tổng tư lệnh, là tiểu đoàn trưởng, là đại đội trưởng hay trung đội trưởng, v.v. ; thế nhưng mỗi người phải tuỳ theo cấp bậc và cương vị của mình mà thi hành mệnh lệnh của vua và các vị lãnh đạo. Cấp trên không thể đứng vững nếu không có cấp dưới, ngược lại cấp dưới cũng chẳng là gì nếu không có cấp trên. Mọi cấp bậc phải hoà hợp với nhau, như thế mới có lợi…

+/ Thánh Phê-rô Kim Ngôn, giám mục nói… ta hãy nghe xem thánh Phao-lô xin điều gì, thánh nhân nói : Tôi nài xin anh em hãy hiến dâng thân mình anh em. Xin như thế, thánh Tông Đồ dẫn đưa mọi người tới giá trị cao quý nhất của chức tư tế. Anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động. Ôi, cao trọng thay chức tư tế của người Ki-tô hữu ! Chính con người vừa là tế phẩm vừa là tư tế cho mình ; họ không cần tìm của lễ nào khác ngoài chính mình để hiến tế cho Thiên Chúa ; họ mang theo mình và trong mình của lễ để hiến dâng lên Thiên Chúa cho mình ; tế phẩm vẫn còn đó, vị tư tế cũng còn đó, bởi vì tế phẩm bị sát tế mà vẫn sống, vị tư tế dâng hy lễ mà không sát tế lễ vật. Lễ tế lạ lùng thay ! Dâng thân xác mà không có thân xác, dâng máu mà không có máu. Thánh Tông Đồ nói : Vì Thiên Chúa thương xót chúng ta, tôi nài xin anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động…Amen.

 Linh Mục G.B Nguyễn Ngọc Nga,