Nhảy đến nội dung

Lời Chúa Và Suy Niệm Lễ Chúa Nhật Mình Máu Chúa NB

Lời Chúa (Mc 14,12-16.22-26) Và Suy Niệm Lễ Chúa Nhật Mình Máu Chúa Năm B

Lời Chúa, Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mác-cô (Mc 14,12-16.22-26): “...Ngày thứ nhất trong tuần lễ ăn bánh không men là ngày giết chiên mừng lễ Vượt Qua, các môn đệ thưa Chúa Giêsu rằng: “Thầy muốn chúng con đi dọn cho Thầy ăn Lễ Vượt Qua tại đâu?” Người liền sai hai môn đệ đi và dặn rằng: “Các con hãy vào thành, và nếu gặp một người mang vò nước thì hãy đi theo người đó. Hễ người ấy vào nhà nào thì các con hãy nói với chủ nhà rằng: Thầy sai chúng tôi hỏi: ‘Căn phòng Ta sẽ ăn Lễ Vượt Qua với các môn đệ ở đâu?’ Và chủ nhà sẽ chỉ cho các con một căn phòng rộng rãi dọn sẵn sàng và các con hãy sửa soạn cho chúng ta ở đó”. Hai môn đệ đi vào thành và thấy mọi sự như Người đã bảo và hai ông dọn Lễ Vượt Qua.Ðang khi họ ăn, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các ông mà phán: “Các con hãy cầm lấy, này là Mình Ta”. Rồi Người cầm lấy chén, tạ ơn, trao cho các ông và mọi người đều uống. Và Người bảo các ông: “Này là Máu Ta, Máu tân ước sẽ đổ ra cho nhiều người. Ta bảo thật các con: Ta sẽ chẳng còn uống rượu nho này nữa cho đến ngày Ta sẽ uống rượu mới trong nước Thiên Chúa”. Sau khi hát Thánh Vịnh, Thầy trò đi lên núi Cây Dầu…”Ðó là Lời Chúa

Suy Niệm Lời Chúa:

+/ Thánh Anthony thành Pa-đô-va mà Giáo Hội kính nhớ vào ngày 13 tháng 6 dương lịch mỗi năm là một trong những vị thánh có lòng tin mãnh liệt vào Thánh Thể Chúa. Chuyện kể rằng có một ông phú hộ kia thách thức bằng cách để một con lừa bị bỏ đói lâu ngày trước một bó rơm và xin thánh nhân để Thánh Thể Chúa cạnh bên. Con lừa vội chạy ngay lại bó rơm ngửi ngửi rồi kinh ngạc sụp bốn chân, đầu cúi xuống trước hào quang Thánh Thể Chúa.

+/ Đức Giê-su đã thiết lập bí tích Thánh Thể trong một bữa tiệc Chiên Vượt Qua, chính là bữa ăn cuối cùng trước khi từ biệt  các môn đệ để bước vào cuộc khổ nạn, người sử dụng bánh không men và rượu nho dùng trong bữa tiệc Vượt Qua của đạo Do Thái để biến nên Thịt Máu Người.

- Lễ Vượt Qua trong Do Thái giáo, mà Đức Giê-su cùng các môn đệ họp nhau cử hành, đã biến thành lễ Vượt Qua Ki-tô giáo, qua việc Chúa Giê-su thiết lập Bàn Tiệc Thánh Thể: vừa nối tiếp vừa đoạn tuyệt, vừa  song đối sâu xa, nhưng cũng mới mẻ tận căn giữa hai lễ Vượt Qua này. Đức Giê-su loan báo cuộc giải phóng khỏi cảnh đời nô lệ tội lỗi nhờ máu ngài đổ ra trên thập giá vì muôn người. Nhờ Mình và Máu Thánh của Chúa, đức Giê-su thiết lập một dân Thiên Chúa mới, bởi Giao Ước Mới, được đóng dấu bằng máu của ngài. Ở nơi bàn tiệc Thánh Thể, Đức Giê-su tham dự trước cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của ngài.

- Chúa Giê-su ở lại với các môn đệ bằng cách thiết lập quà tặng kỳ diệu là chính bản thân Ngài, nhờ đó các Tông Đồ cũng như những người kế nghiệp các ngài có thể lưu truyền mãi mãi cách thế hiện diện của ngài. Chỉ duy một mình Thiên Chúa mới có thể vừa ra đi vừa ở lại với các môn đệ.

- Thánh Mác-cô cũng nhấn mạnh giá trị cánh chung của bàn tiệc Thánh Thể, nghĩa là bàn tiệc này tham dự trước bàn tiệc Thiên Quốc. Như ta vừa nghe trong Tin Mừng: Thầy bảo thật anh em biết, chẳng bao giờ Thầy còn uống sản phẩm của cây nho nữa, cho đến ngày Thầy uống thứ rượu mới trong Nước Thiên Chúa.

- Như vậy, bữa Tiệc Ly của Đức Giê-su theo Tin Mừng Gio-an đích thực là bữa ăn Vượt Qua của Đức Giê-su mà các Tin Mừng Nhất Lãm kể lại như Tin Mừng Mc hôm nay.

- Thánh sử Marcô thuật lại: Chúa Giê-su bảo các môn đệ rằng: “Này là Máu Ta, Máu tân ước sẽ đổ ra cho nhiều người”. Như thế, Giao ước mới của chính Đức Giêsu thiết lập không còn giới hạn nơi dân Do thái nữa, nhưng là cho “nhiều người”, trong đó có Giáo Hội cộng đoàn chúng ta hôm nay.

+/ Thư gửi tín hữu Do-thái cho chúng ta biết giá trị cao quý của mình máu Chúa rằng:…cũng không nhờ máu dê bò, nhưng nhờ chính máu của Người mà vào Cung Thánh chỉ một lần và đem lại ơn cứu độ muôn đời. Vì nếu máu dê và tro bò mà người ta rảy trên kẻ ô uế còn thánh hoá được thân xác nên trong sạch, huống chi máu của đức Kitô, đấng đã nhờ Thánh Thần mà hiến tế chính mình làm của lễ trong sạch dâng lên Thiên Chúa; máu đó sẽ tẩy sạch lương tâm chúng ta khỏi những việc sinh sự chết, khiến chúng ta có thể phụng sự Thiên Chúa hằng sống…

+/ Trích lời trong tác phẩm của thánh Tôma Aquinô, linh mục:...Con Một Thiên Chúa, khi muốn cho chúng ta tham dự vào thần tính của Người, đã nhận lấy bản tính của chúng ta để một khi làm người, Người làm cho con người trở thành “thiên chúa”. Ngoài ra, Người nhận lấy sự gì nơi chúng ta, thì Người ban lại tất cả để cứu độ chúng ta. Quả vậy, trên bàn thờ thập giá, Người đã dâng mình làm lễ tế cho Thiên Chúa Cha để hòa giải chúng ta và Người đã đổ máu mình ra làm giá chuộc và giếng rửa, để một khi được giải thoát khỏi cảnh nô lệ khốn nạn, chúng ta sẽ được tẩy sạch mọi tội lỗi. Để chúng ta ghi nhớ hồng ân cao cả dường ấy, Người đã để lại mình Người làm của ăn và máu Người làm của uống cho các tín hữu rước lấy, dưới hình bánh và hình rượu.

- Công đồng Vaticanô II, trong Hiến chế Lumen Gentium, số 11, khẳng định, Bí tích Thánh Thể là nguồn mạch và chóp đỉnh của toàn bộ đời sống Kitô giáo, và qua bí tích này, con người “dâng lên Thiên Chúa Tế vật thần linh và hiến dâng chính mình cùng với Tế vật ấy. Công đồng cũng nhìn nhận Bí tích Thánh Thể là tâm điểm của các bí tích khác: “Những bí tích khác, cũng như mọi thừa tác vụ trong Hội thánh, và các hoạt động tông đồ, đều gắn liền với Bí tích Thánh Thể và quy hướng về Bí tích này”, bởi lẽ “phép Thánh Thể Chí Thánh chứa đựng toàn bộ của cải thiêng liêng của Hội thánh, đó là chính Đức Kitô, Chiên vượt qua của chúng ta” [3, Sắc lệnh Presbyterorum Ordinis, 5; x. GLCG 1324.].

- Trong mỗi thánh lễ ta tham dự, chúng ta được đón nhận Lời Chúa và tiếp nhận Mình Chúa vào tâm hồn. Rước lễ là rước Chúa là vậy. Bí tích Thánh Thể là sáng kiến của tình yêu. Tình yêu luôn có những sáng kiến bất ngờ và kỳ diệu. Bông lúa và trái nho là những sản phẩm thông thường và cần thiết nhất mà ruộng đất cống hiến cho con người. Bánh và rượu là tầm thường, nhưng lạị là những gì gần gũi và cần thiết nhất cho cuộc sống con người hàng ngày. Chúa Giêsu đã muốn trở nên những gì cần thiết và gần gũi với ta. - Từ bông lúa bị nghiền nát, từ chùm nho bị ép, nghĩa là từ cuộc khổ nạn và cái chết trên thập giá, đức Giê-su đã trở thành tấm bánh, thành ly rượu đem lại sự sống đời đời cho ta. Vật chất đã trở thành biểu tượng cho sự hiện diện thần linh. Tham dự thánh lễ tích cực, trọn vẹn là cách tốt nhất thể hiện lòng yêu mến Chúa. Thỉnh thoảng trong ngày, trong tuần, chúng ta nên quỳ gối chầu trước Thánh Thể, chúng ta học được nhiều điều từ bí tích tình yêu. Muốn nhận được nhiều ơn Chúa, chúng ta phải siêng năng dự lễ và lĩnh nhận Thánh Thể, sống gắn bó hiệp nhất nên một với nhau như bí tích Thánh Thể, chỉ có một tấm bánh, một chén rượu chia ra cho mọi người.

- Trong Giáo Hội chúng ta đều lưu hành một của ăn và một thức uống, đều có chung một nguồn sống. Từ thánh lễ đi ra, chúng ta ý thức mình là một phần chi thể, là thịt máu đức Kitô, chúng ta mang đức Kitô trong mình. Trong khi đó, người anh chị em bên cạnh ta cũng là phần chi thể máu thịt đức Kitô như ta. Còn gì gần gũi hơn và thân thiết hơn thế. Amen

Linh Mục G.B Nguyễn Ngọc Nga