Nhảy đến nội dung

Lời Chúa Và Suy Niệm Chúa Nhật 4 MC NB

LỜI CHÚA (Ga 3, 14-21) VÀ SUY NIỆM CHÚA NHẬT 4 MÙA CHAY NĂM B 2024

Lời Chúa, Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Gio-an: (Ga 3, 14-21): “...Khi ấy, Chúa Giê-su nói với Ni-cô-đê-mô rằng: “Như Mô-sê đã treo con rắn lên ở sa mạc thế nào, thì Con Người cũng sẽ phải treo lên như vậy, để tất cả những ai tin ở Người, sẽ không bị huỷ diệt, nhưng được sống đời đời. Vì Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một mình, để tất cả những ai tin Con Ngài thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời, vì Thiên Chúa không sai Con của Ngài giáng trần để luận phạt thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con Ngài mà được cứu độ. Ai tin Người Con ấy thì không bị luận phạt. Ai không tin thì đã bị luận phạt rồi, vì không tin vào danh Con Một Thiên Chúa; và đây án phạt là sự sáng đã đến thế gian, và người đời đã yêu sự tối tăm hơn sự sáng, vì hành động của họ xấu xa. Thật vậy, ai hành động xấu xa thì ghét sự sáng, và không đến cùng sự sáng, sợ những việc làm của mình bị khiển trách; nhưng ai hành động trong sự thật thì đến cùng sự sáng, để hành động của họ được sáng tỏ là họ đã làm trong Thiên Chúa…” Ðó là Lời Chúa.

Suy Niệm Lời Chúa:

+/ Các du khách có dịp viếng thăm nhà thờ chính tòa Gengiba bên Phi Châu, sẽ nhìn thấy lời chào đón được viết ngay trên tường ngôi thánh đường: Bạn đang đứng trong nhà thờ của Đức Kitô. Ngôi nhà thờ này đã được xây dựng ngay trên phần đất trước kia được dùng để tập trung buôn bán, trao đổi những nô lệ da đen như những súc vật. Đặc biệt là bàn thờ được đặt trên một tảng đá nơi những nô lệ bị đánh đòn. Lý do bị đánh đòn trước khi đem bán là để kiểm tra sức khỏe của họ. Cây thánh giá bằng vàng được treo trên một chiếc cột trụ có khắc tên bác sĩ Livdy Stone, một người Anh đã từng mạnh mẽ và can đảm lên tiếng chống lại tệ nạn buôn bán nô lệ. Cột trụ này là nơi bác sĩ vẫn thường đứng để thuyết trình, để hô hào cổ vũ cho việc giải phóng nô lệ. Mãi đến ngày 16.6.1873 việc buôn bán nô lệ tại Phi châu mới bị ngăn cấm bởi một đạo luật được ban hành. Kể từ đó, phẩm giá đích thực của người da đen mới được nhìn nhận. Chiếc cột trụ đã trở nên như một dấu chỉ, gợi nhớ đến những hy sinh gian khổ và ngay cả cái chết để giải phóng cho những nô lệ da đen xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn.

+/ Câu chuyện trên gợi lên cho chúng ta những ý nghĩ về tình thương của Thiên Chúa. Trong Cựu ước, Thiên Chúa đã truyền cho Maisen đúc một con rắn đồng, treo lên nơi hoang địa, để những ai bị rắn độc cắn cứ việc nhìn lên con rắn đồng ấy là được chữa lành. Đây là một biểu tượng, tiên trưng cho những gì Chúa Giêsu đã làm để cứu chuộc chúng ta. Chúa Giêsu đã nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần trong Phúc Âm. Chẳng hạn qua đoạn Tin Mừng hôm nay, Ngài đã nói với Nicôđêmô: Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã trao ban chính Con Một của mình để những ai tin vào Người Con ấy thì không phải chết nhưng sẽ được sống muôn đời. Rồi Ngài cũng đã xác quyết: Ngày nào Ta bị treo lên khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi sự lên cùng Ta.

+/ Dấu chỉ con rắn đồng theo khảo luận của thánh Âu-tinh, giám mục, về Tin Mừng theo thánh Gio-an:...Những con rắn đó là gì ? Thưa là tội lỗi phát xuất từ thân phận phải chết của chúng ta. Còn con rắn được treo lên là gì ? Đó là Đức Ki-tô chịu chết trên thập giá. Vết thương do rắn làm chết người, còn cái chết của Chúa thì ban sự sống…

+/ Chiêm ngắm cuộc Thương Khó của Chúa Ki-tô, trích lời bài giảng của thánh Lê-ô Cả, giáo hoàng:...Ai thật sự tôn kính cuộc Thương Khó của Chúa thì phải dùng con mắt tâm hồn mà nhìn ngắm Chúa Giê-su chịu đóng đinh để nhìn nhận thân xác của Người cũng là của mình…Ước chi tấm lòng chai đá của kẻ không tin phải vỡ tan ra. Ước chi những người đang bị đè bẹp dưới nấm mồ là bản tính phải chết, biết hất tung mọi sức nặng làm trở ngại mà vùng dậy…Dân Ki-tô hữu được mời gọi vào hưởng sự phong phú của thiên đàng, và tất cả những ai đã đón nhận bí tích tác sinh đều được trở về quê hương đã mất, miễn là đừng tự rào lại con đường ấy, con đường đã được mở ra cho người trộm lành có lòng tin…

+/ Lòng thương xót của Chúa đối với tội nhân thống hối, thì trích thư của thánh Mác-xi-mô Tuyên Giáo, viện phụ dạy:…Nhờ các hành động Người làm, các đau khổ Người chịu, những lời Người nói phù hợp với hoàn cảnh chúng ta, Người đã đưa chúng ta về làm hoà với Thiên Chúa là Cha, đang khi chúng ta là những thù địch chống lại Thiên Chúa. Người cũng kêu gọi chúng ta là những kẻ đã lạc xa đời sống ân nghĩa hãy trở về với đời sống ấy…Người nói: Hãy nên thánh, hãy nên hoàn thiện, hãy thương xót như Cha của anh em, Đấng ngự trên trời là Đấng hoàn thiện. 

+/ TÔNG HUẤN HÃY VUI MỪNG HOAN HỈ (Gaudete et Exsultate) CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ VỀ ƠN GỌI NÊN THÁNH TRONG THẾ GIỚI NGÀY NAY Ở

Số:151…“việc chiêm ngắm dung nhan Chúa Giêsu, Đấng đã chết và sống lại, sẽ phục hồi nhân tính của chúng ta, ngay cả khi nhân tính ấy bị tan tác bởi những vất vả của cuộc đời hoặc bị ghi dấu bởi tội lỗi…Vì thế, tôi xin hỏi các bạn: Có những giây phút nào bạn thinh lặng đặt mình trước sự hiện diện của Chúa, những lúc bạn thư thái ở với Người, và để Người nhìn ngắm bạn hay không? Bạn có để ngọn lửa của Người cháy lên trong lòng mình không? Nếu không để Người sưởi ấm bạn bằng tình yêu và sự dịu dàng của Người, bạn sẽ không có lửa, và như thế làm sao bạn có thể đốt nóng trái tim người khác bằng chứng tá và lời nói của bạn?

+/ Trong mục Chiến đấu và tỉnh thức, Số:159. Đây không chỉ nói đến cuộc chiến đấu chống lại thế gian và não trạng thế tục hay đánh lừa mình và làm cho chúng ta nên u mê đần độn và tầm thường, thiếu nhiệt tâm dấn thân và niềm vui. Đây cũng không chỉ là cuộc chiến đấu chống lại những yếu đuối và những xu hướng xấu của con người (như lười biếng, dâm dục, tham lam, ghen tị hoặc bất cứ điều gì khác). Nhưng còn là cuộc chiến liên lỉ chống lại ma quỷ, ông hoàng của sự dữ…

Số:161…chúng ta không nên nghĩ về ma quỷ như một thứ huyền thoại, một hình tượng, một biểu trưng, một hình ảnh hoặc một ý tưởng[121([121] Phaolô VI, Huấn giáo, Tiếp kiến chung ngày 15.11.1972: Insegnamenti X (1972), tr. 1168–1170: “Một trong những nhu cầu lớn nhất của chúng ta là phòng chống lại sự dữ mà chúng ta gọi là ma quỷ… Sự dữ không chỉ là một khiếm khuyết, nó là một tác nhân hữu hiệu, một hữu thể tinh thần sống động, đã hư hỏng và làm cho con người ra hư hỏng. Nó là một thực tại khủng khiếp, bí nhiệm và ghê sợ. Ta sẽ không còn ở trong giáo huấn của Thánh Kinh và của Hội Thánh nếu ta từ chối nhìn nhận sự hiện hữu của ma quỷ, hoặc họ xem chúng như một nguyên lý độc lập không có nguồn gốc nơi Thiên Chúa, như mọi thụ tạo, hoặc giải thích nó như một thực tại giả, một sự nhân cách hóa tưởng tượng và nhân cách hóa ý niệm về những nguyên nhân bí ẩn về những rủi ro của chúng ta”.)]. Sai lầm này sẽ dẫn chúng ta tới chỗ mất cảnh giác, bất cẩn và rốt cuộc càng dễ bị thương tổn hơn. Ma quỷ không cần ám chúng ta. Nó đầu độc chúng ta bằng nọc độc thù hận, u sầu, ghen tị và đồi bại. Khi chúng ta xem thường mất cảnh giác, ma quỷ chụp thời cơ để hủy hoại cuộc sống, gia đình và cộng đoàn chúng ta. Chúng “như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé” (1 Pr 5,8).

+/ Cảnh giác và tin tưởng Sự hư hỏng thiêng liêng, Số: 164… họ thấy không có gì nghiêm trọng để ăn năn, họ không nhận ra đời sống thiêng liêng của họ đang dần trở nên nguội lạnh, và cuối cùng là họ yếu nhược và hư hỏng.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói với mấy chục ngàn tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 11.03.2018 tại quảng trường thánh Phêrô:…Cả khi trông thấy các hạn hẹp, dòn mỏng yếu đuối và tội lỗi của mình, chúng ta cũng không bao giờ được chán nản ngã lòng. Thiên Chúa ở gần bên chúng ta, Chúa Giêsu ở trên thập giá để chữa lành chúng ta. Hãy nắm lấy tay Chúa, hãy nhìn lên Chúa chịu đóng đanh và tiến tới…Và trước đó ngài đã nhắn nhủ rằng: Thiên Chúa yêu thương chúng ta với tình yêu nhưng không và vô hạn. Thập giá Chúa Kitô là bằng chứng tột đỉnh tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta, và dấu chỉ thánh thiện và hữu hiệu nhất của tình yêu đó là bí tích Thánh Thể.

- Mùa Chay đã gần hết, lời mời trở về hoán cải và nên thánh khẩn thiết hơn bao giờ hết. Vậy chúng ta hãy dành thời giờ để tĩnh tâm, suy nghĩ và cảm tạ tình thương của Chúa, đồng thời chúng ta hãy tự vấn lương tâm xem, chúng ta đã làm được những gì để đáp trả tình yêu thương ấy. Amen

Linh Mục G.B Nguyễn Ngọc Nga