Lời Chúa và suy niêm Chủ Nhật 21 TN NB
- CN, 26/01/2025 - 16:13
- Lm Nguyễn Ngọc Nga
LỜI CHÚA (Gs 24, 1-2a. 15-17. 18b; Ep 5, 21-32; Ga 6, 61-70) VÀ SUY NIỆM CN21TNB 2024
Lời Chúa, Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan (Ga 6, 61-70): “...Khi ấy, có nhiều môn đệ của Chúa Giêsu nói rằng: “Lời này chói tai quá! Ai nghe được!” Tự biết rằng các môn đệ đang lẩm bẩm về chuyện ấy, Chúa Giêsu nói với họ: “Ðiều đó làm các con khó chịu ư? Vậy nếu các con thấy Con Người lên nơi đã ở trước thì sao? Chính thần trí mới làm cho sống, chứ xác thịt nào có ích gì? Nhưng lời Ta nói với các con là thần trí và là sự sống. Nhưng trong các con có một số không tin”. Vì từ đầu Chúa Giêsu đã biết ai là những kẻ không tin, và kẻ nào sẽ nộp Người. Và Người nói: “Bởi đó, Ta bảo các con rằng: Không ai có thể đến với Ta, nếu không được Cha Ta ban cho”. Từ bấy giờ có nhiều môn đệ rút lui, không còn theo Người nữa. Chúa Giêsu liền nói với nhóm Mười Hai rằng: “Cả các con, các con có muốn bỏ đi không?” Simon Phêrô thưa Người: “Lạy Thầy, chúng con sẽ đi theo ai? Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con tin và chúng con biết rằng: Thầy là Ðấng Kitô Con Thiên Chúa…” Ðó là Lời Chúa.
Suy Niệm Lời Chúa:
+/ Lịch sử ca tụng Hội nghị Diên Hồng thời vua Trần Nhân Tông của Việt Nam là Vua đặt ra trước mắt toàn thể bô lão, khanh tướng và dân chúng một sự lựa chọn quyết liệt: Nên hòa hay chiến? Toàn dân hô: - Chiến, chiến, chiến. Nhờ đó đã tạo được một sự đoàn kết có một sức mạnh phi thường, đã đánh bại quân Mông Cổ hùng mạnh đã từng bách chiến bách thắng chiếm cả Châu Á và một nửa Châu Âu, thống trị nước Tàu vĩ đại, còn muốn xơi ngon nước Việt nhỏ bé.
+/ Cách đây gần ba ngàn năm, Giosuê đã bảo toàn dân phải dứt khoát chọn lựa rằng: - Hôm nay các ngươi hãy chọn hoặc thờ các thần, hoặc thờ Thiên Chúa. Còn tôi và gia đình, chúng tôi chọn thờ Thiên Chúa. Toàn dân thưa: - Không đời nào chúng tôi bỏ Thiên Chúa mà đi thờ các thần khác. Vì chính Người đã đưa chúng tôi và cha ông chúng tôi khỏi nô lệ Ai cập, chính Người đã thực hiện trước mắt chúng tôi những dấu lạ vĩ đại, gìn giữ chúng tôi trên khắp nẻo đường.
- Cả bốn bài Tin Mừng của bốn Chúa nhật trước đây và cả bài Tin Mừng hôm nay, đã kể lại bài giảng của Chúa Giêsu về bánh ban sự sống đời đời; đồng thời cũng lần lượt cho biết thái độ và phản ứng của các thính giả. Riêng bài Tin Mừng hôm nay cho biết phản ứng của các môn đệ nói chung và của Nhóm Mười Hai nói riêng. Mỗi phản ứng lại được Chúa Giêsu bình luận và giải thích thêm.
- Suốt bài giảng của Chúa Giêsu, chúng ta thấy Chúa không ngừng mời gọi người ta đến với Ngài, tin vào Ngài, đón nhận Ngài làm của ăn thức uống. Nhưng không những dân chúng mà nhiều người trong số các môn đệ cũng đã phản ứng như những người Do thái khác rằng: Lời này chướng tai quá! Ai mà nghe nổi. Chúa giải thích thêm cho họ hiểu và mời gọi họ hãy nhìn sâu hơn vào bản thân và sứ mạng của Ngài. Ngài nói Ngài lên nơi Ngài đã ở trước, nghĩa là lên cùng Chúa Cha, vào trong vinh quang của Chúa Cha, vinh quang mà Chúa Cha đã ban cho Chúa Con từ muôn thuở.
- Để người ta chọn đúng, Đức Giêsu đã phân biệt cho họ biết đâu là của ăn hư nát, đâu là của ăn hằng sống. Nên biết rằng người Do thái chỉ biết có hai loại của ăn: một là loại của ăn hằng ngày, hai là loại của ăn lạ thường. Của ăn thường ngày là do hoa mầu ruộng đất và lao công loài người gieo trồng, chăm bón, chăn nuôi để nuôi sống thể xác. Để có của ăn này, con người phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt, tận tâm, tận lực làm việc cực khổ hơn muôn loài mới có của ăn. Nhưng dù có ăn bao nhiêu vẫn còn đói.
+/ Theo chú giải của William Barclay thì chúng ta không mấy ngạc nhiên khi thấy các môn đệ cho rằng bài giảng của Chúa Giêsu thật khó lãnh hội. Ở đây từ Hy Lạp (Skleros) không có nghĩa là khó hiểu, nhưng có nghĩa là khó chấp nhận. Chúa Giêsu nói tiếp: “Lời Ta là Thần Khí và là sự sống”. Chỉ một mình Chúa Kitô cho chúng ta biết sự sống là gì, đặt trong chúng ta phần tinh thần hướng dẫn cuộc đời và ban cho chúng ta năng lực để sống cuộc đời ấy. Chúa biết rõ nhiều người không chỉ khước từ suông lời đề nghị của Ngài, mà còn chối bỏ với lòng đố kỵ thù ghét nữa. Không ai có thể tin nhận Chúa Giêsu trừ phi được Thánh Thần tác động. Nhưng con người cũng có thể chống lại Thánh Thần cho đến ngày cuối cùng. Một người như thế không phải bị Thiên Chúa loại ra, nhưng chính người ấy đã tự loại mình ra.
+/ NHỮNG THÁI ĐỘ ĐỐI VỚI CHÚA KITÔ. Đoạn này được viết theo linh tính về thảm họa sắp xảy ra, vì đây là phần bắt đầu của giai đoạn cuối cùng. Và trong những hoàn cảnh như thế, đã có ba thái độ khác nhau đối với Chúa Giêsu.
1/ Có sự bỏ cuộc. Nhiều người quay lưng lại, không đi theo Ngài nữa. Họ bỏ đi vì nhiều lý do. Một số người trong đám đông họ đã thấy rõ Chúa Giêsu đi về đâu. Không thể thách thức giới cầm quyền như Ngài đã làm mà tránh khỏi hậu hoạn. Chúa Giêsu đang đi vào thảm họa và họ đã rút lui kịp thời, họ là hạng người tùy thời.
-Người ta bảo: muốn thử một đạo quân, hãy xem cách đạo quân ấy đánh giặc khi mọi người đều mỏi mệt. Nếu sự nghiệp Chúa Giêsu cứ đi lên, chắc những người kia chưa quay lưng, nhưng ngay khi nhìn thấy bóng thập giá, họ liền bỏ Ngài. Có một số người khác bỏ Chúa vì trốn tránh thách thức của Ngài. Quan điểm cơ bản của họ là theo Chúa để được một cái gì đó, nên khi phải chịu khổ vì Ngài, phải mất một chút gì đó cho Ngài là họ bỏ đi ngay. Nếu theo Ngài mà thơ mộng, huy hoàng, chắc họ bám sát Ngài, nhưng khi đường đi trở thành khó khăn, theo Ngài đòi hỏi một điều khó làm thì họ bỏ Ngài. Việc họ tìm thầy học đạo hoàn toàn do những động lực ích kỷ.
2/ Có sự suy thoái. Chúng ta thấy điều này nơi Giuđa rõ hơn hết. Chúa Giêsu đã thấy ông là người có thể dùng cho chủ đích của Ngài. Nhưng thay vì trở thành anh hùng, Giuđa lại trở nên tên vô lại, và đáng lẽ là thánh nhưng lại là một tên ô nhục.
3/ Có sự quyết định. Chính trong một hoàn cảnh như thế, người ta đã thấy lòng trung thành của Phêrô. Đối với Phêrô, có một điều thật đơn giản là chẳng còn có ai đáng cho ông đi theo hơn là Chúa Giêsu. Với ông, chỉ có Ngài mới có lời đem lại sự sống đời đời. Lòng trung thành của Phêrô căn cứ trên mối liên hệ cá nhân với Chúa Giêsu Kitô. Có nhiều điều Phêrô không hiểu, ông cũng bối rối, lạc lõng như bất cứ ai khác. Nhưng nơi Chúa Giêsu có một cái gì khiến ông sẵn sàng hy sinh tính mạng.
+/ Ta thấy lòng trung thành nói thì dễ nhưng giữ lại chẳng dễ chút nào. Ngay trong đạo Công Giáo ta thấy có mấy người thực sự giữ lòng trung thành với Thiên Chúa? Ở đâu đó ta vẫn thấy người Công Giáo nhưng không trung thành giữ luật Chúa. Cuộc đời như thế dường như cũng có nét gì đó giống Simon Phêrô xưa. Nói yêu Chúa thì dễ nhưng khi phải làm chứng thì lại chạy xa.
- Khi nghe Chúa yêu cầu chọn lựa, nhiều môn đệ rút lui, không đi với Chúa nữa. Chúng ta là Kitô hữu, tức là chúng ta là người chấp nhận đi theo Chúa Giêsu, là Đấng không những ban cho chúng ta sự sống đời này mà còn ban cho cả sự sống đời đời nữa.
+/ Ngay trong nhà riêng ta cũng cần phải quyết liệt trung thành mỗi ngày. Điều tôi muốn liên hệ là Bài Ðọc II: Ep 5, 21-32, thánh Phaolô Tông đồ nói với tín hữu Êphêxô, và cả chúng ta hôm nay nữa:...Người vợ hãy phục tùng chồng mình, như đối với Chúa: vì chồng là đầu người vợ, như Ðức Kitô là đầu Hội Thánh…người chồng phải yêu thương vợ mình như chính thân mình. Ai yêu thương vợ mình, là yêu thương chính mình. Vì không ai ghét thân xác mình bao giờ, nhưng nuôi dưỡng và nâng niu nó, như Ðức Kitô đối với Hội Thánh…Amen
Linh Mục G.B Nguyễn Ngọc Nga