Nhảy đến nội dung

Suy niệm Chủ Nhật 2 TN

LỜI CHÚA VÀ SUY NIỆM CHÚA NHẬT 2 THƯỜNG NIÊN NĂM B

Lời Chúa, Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Gio-an (Ga 1, 35-42): “...Khi ấy, Gio-an đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông nhìn theo Chúa Giê-su đang đi mà nói: “Ðây là Chiên Thiên Chúa”. Hai môn đệ nghe ông nói, liền đi theo Chúa Giê-su. Chúa Giê-su ngoảnh mặt lại, thấy họ đi theo Mình, thì nói với họ: “Các ngươi tìm gì?” Họ thưa với Người: “Ráp-bi, nghĩa là: thưa Thầy, Thầy ở đâu?” Người đáp: “Hãy đến mà xem”. Họ đã đến và xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy, lúc đó độ chừng giờ thứ mười. An-rê, em ông Si-mon Phê-rô, (là) một trong hai người đã nghe Gio-an nói và đã đi theo Chúa Giê-su. Ông gặp Si-mon anh mình trước hết và nói với anh: “Chúng tôi đã gặp Ðấng Mê-si-a, nghĩa là Ðấng Ki-tô”. Và ông dẫn anh mình tới Chúa Giê-su. Chúa Giê-su nhìn Si-mon và nói: “Ngươi là Si-mon, con ông Gio-an, ngươi sẽ được gọi là Kê-pha, nghĩa là Ðá…” Ðó là Lời Chúa

Suy Niệm Lời Chúa:

+/ Chuyện cưới xin ngày xưa ở Việt Nam thường lệ thuộc vào ông mai bà mối. Ông mai bà mối được xem là một nghề. Khi nhà trai muốn kiếm vợ cho con. Họ cần một bà mai, họ nhờ vả bà mai kiếm cho họ một cô con dâu vừa đẹp vừa ngoan. Có khi gia đình nào có con gái đến tuổi cập kê kiếm chồng không ra, hay gọi nôm na là ế chồng thì cũng nhờ đến bà mai. Sở trường nổi bật của bà mai là phải thật dẻo mồm dẻo miệng, nói dở thành hay, mới hy vọng kết mối tơ duyện cho đôi vợ chồng.

- Tình yêu Thiên Chúa đến với con người cũng cần ông mai bà mối. Thiên Chúa cần một bà mối nói thật hay, sống thật tốt để giới thiệu Chúa cho anh em của mình. Và chắc chắn điều mà chúng ta có thể thuyết phục tha nhân tin theo Chúa là hết mình sống vì Tin Mừng qua giới luật yêu thương.

+/ Dưới ánh sáng Lời Chúa, Tin Mừng hôm nay đã gợi lên cho chúng ta kinh nghiệm đáp trả đích thực của người môn đệ Chúa trước lời mời gọi của Đức Kitô.

- Tiếng gọi từ thập giá. Gioan Tiền hô đã không giới thiệu Đức Giê-su “với hai người trong nhóm môn đệ” như là vị vua hùng dũng sẽ đem vinh quang cho toàn cõi Israel ở phương diện trần thế, nhưng “là Chiên Thiên Chúa”. Khi nghe biết tước hiệu của Đấng đang “đi ngang qua” là “Chiên Thiên Chúa”, chắc hẳn hai môn đệ của Gioan Tẩy Giả (Anrê và một môn đệ khác) không khỏi sững sờ và kinh ngạc về vai trò và vị thế của Đức Giê-su trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Lời giới thiệu của Gioan Tẩy Giả mở ra bước ngoặt trọng đại cho sứ vụ của các ông và nhân loại. Cũng chính trong thời điểm ấy, hai môn đệ của Gioan đã lắng nghe “tiếng gọi từ phía bên trong”, nhắc bảo các ông hãy bước theo Đấng cứu độ đích thật. Nghiệm thấu điều này, hai môn đệ “liền đi theo Đức Giêsu” với tất cả niềm tín thác và hy vọng. Với tất cả tình yêu tận hiến, hai môn đệ của Gioan đã trở thành những môn đệ đầu tiên của Đức Giêsu.

- Sống với Đức Kitô. Như các môn đệ đầu tiên nói trên đây, bước theo Đức Kitô, cũng có nghĩa là chúng ta biết đáp trả cách nhiệt thành và kiên trung trước tiếng gọi từ thập giá. Như hai môn đệ của Gioan, sau khi đã nghe Gioan giới thiệu Đấng “là Chiên Thiên Chúa”, hai ông đã không hề do dự, nhưng đã hoàn toàn dứt bỏ lối cũ và nhất mực bước đi theo Người, để sống với Người. Để từ đây, “hai người trong nhóm môn đệ” của Gioan có thể thông dự vào đời sống thần nhiệm sâu xa và sung mãn của Đức Kitô, nhờ lòng tin và tình yêu tận hiến cho vinh quang thập giá.

- Chứng nhân cho Đức Kitô. Theo lời mời gọi của Đức Giêsu, Anrê và người môn đệ ẩn danh không chỉ “đến xem” và “ở lại với Người ngày hôm ấy”, nhưng các ông đã báo tin vui cho Si-mon và những người khác. Như vậy, được sống với Đức Giêsu dù chỉ trong khoảng khắc ngắn ngủi của buổi đầu gặp gỡ, các môn đệ đầu tiên đã thấu cảm gương mặt đích thực của “Chiên Thiên Chúa” như lời giới thiệu của Gioan. Các ngài đã được biến đổi thành những tông đồ thực thụ nhờ được “ở lại” trong tình yêu của Đức Kitô. Tình yêu ấy thúc bách các ngài tiến xa hơn trên hành trình sứ vụ giới thiệu “Chiên Thiên Chúa” cho muôn người, dẫu phải trả giá bằng chính mạng sống của mình.

+/ Bước theo Đức Kitô trong cuộc sống hôm nay, chúng ta cũng được mời gọi trở nên chứng nhân trung thành của Người trước một nhân loại đang tỏ ra lãnh đạm với chân lý và mục tiêu tối hậu. Vì chỉ nơi “Chiên Thiên Chúa”, ta mới được biến đổi trong tiến trình hoán cải nội tâm thực sự. Sống với Đức Kitô, là tháp hiệp vào trong từng hơi thở, trong ánh mắt yêu thương, trong mỗi cử chỉ, hành vi trao hiến của Người. Tình yêu của Đấng “là Chiên Thiên Chúa” sẽ hiển trị khi ta biết mở rộng cõi lòng để đón nhận và đỡ nâng biết bao phận người đang bị vùi dập giữa những khổ đau của kiếp nhân sinh. Như Đức Kitô, ta hãy dõi ánh mắt yêu thương về phía hận thù và hãy nói lời thứ tha được khởi phát từ con tim dạt dào Đức ái trong ta. Như Đức Kitô, ta hãy cúi xuống và vực dậy nhân loại hôm nay đang cố rời xa những chuẩn mực nền tảng của Tin Mừng. Ta hãy “ở lại” với Đức Kitô trong nhiệm tích Thánh Thể, để được thông truyền sự sống và tình yêu tuyệt hảo, nhờ đó, ta có được sức mạnh thần linh để sống chứng nhân cho Người trong cuộc sống hôm nay.

- Thánh Gioan Tẩy Giả cũng từng là ông mai bà mối cho Đấng Cứu Thế. Gioan đã giới thiệu Chúa cho hàng ngàn người đang đứng bên ông. Ông tận dụng thời cơ hiện tại để nói về Chúa cho các môn đệ của mình, cho bà con láng giềng của mình, và cho cả dân tộc của ông. Ngày xưa là thời các nhà truyền giáo làm nghề giới thiệu Chúa, hôm nay không còn các nhà truyền giáo chuyên biệt mà là từng người chúng ta. Mỗi người phải có bổn phận làm ông mai bà mối cho anh em, bè bạn của mình.

+/ Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 17/01/2021, giáo huấn về Tin Mừng chúa nhật 2 thường niên năm B này đức giáo hoàng nói rằng:…Hai môn đệ đi theo Chúa và họ ở lại với Người chiều hôm đó. Không khó để có thể tưởng tượng ra họ ngồi nói chuyện, đặt ra với Chúa những câu hỏi và trên hết là lắng nghe Người, cảm nhận tâm hồn họ càng lúc càng ấm lên khi Thầy Giê-su nói chuyện với họ. Họ cảm nhận được vẻ đẹp của những lời đáp lại niềm hy vọng lớn nhất của họ. Và đột nhiên họ khám phá ra rằng, trong khi bóng chiều buông xuống xung quanh họ, ánh sáng lại bừng lên trong lòng họ, thứ ánh sáng mà chỉ có Chúa mới có thể ban tặng. Có một điều khiến chúng ta lưu ý: một người trong số họ, 60 năm sau, hoặc có thể hơn, đã viết trong Phúc âm - "lúc đó khoảng 4 giờ chiều" – ông đã viết giờ cụ thể. Và đây là điều khiến chúng ta suy nghĩ: mọi cuộc gặp gỡ đích thực với Chúa Giêsu đều lưu lại trong ký ức sống động, không bao giờ quên được. Bạn quên nhiều cuộc gặp gỡ, nhưng cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu vẫn luôn là sự thật. Và sau nhiều năm tháng, người ta vẫn nhớ giờ, không thể nào quên được cuộc gặp gỡ thật hạnh phúc, thật viên mãn này, cuộc gặp gỡ đã thay đổi cuộc đời của họ…

+/ Theo hướng dẫn của Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích trong Tập sách Hướng dẫn giảng thuyết được công bố qua Sắc lệnh ký ngày 29.06.2014:

-Số 516. Cả cuộc đời của Đức Kitô là một Mạc khải về Chúa Cha: những lời Người nói, những việc Người làm, những lúc Người im lặng, những đau khổ Người chịu, cách thế Người sống và giảng dạy. Chúa Giêsu có thể nói: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga l4,9), và Chúa Cha nói: “Đây là Con Ta, Người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người” (Lc 9,35). Vì Chúa chúng ta đã làm người để chu toàn thánh ý của Chúa Cha, nên ngay cả những điểm nhỏ nhặt nhất trong các mầu nhiệm của Người đều biểu lộ cho chúng ta thấy tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta.

-Số 1656. Ngày nay, giữa một thế giới thường xa lạ và thậm chí thù nghịch với đức tin, gia đình các tín hữu là hết sức quan trọng, với tính cách là những lò lửa đức tin sống động và chiếu sáng. Vì vậy, Công đồng Vaticanô II dùng một thuật ngữ cổ xưa, gọi gia đình là Hội Thánh tại gia (Ecclesia domestica). Trong tổ ấm gia đình, cha mẹ phải là “những người đầu tiên truyền dạy đức tin cho con cái mình, bằng lời nói và gương sáng, cũng như cổ võ ơn gọi riêng của từng đứa con, đặc biệt quan tâm đến ơn gọi thánh thiêng”.

-Số 2226. Việc giáo dục đức tin cho con cái phải được cha mẹ bắt đầu ngay từ tuổi ấu thơ của chúng. Việc giáo dục này đã khởi đầu, khi các phần tử trong gia đình giúp nhau lớn lên trong đức tin, nhờ chứng từ của một đời sống Kitô hữu theo Tin Mừng. Việc dạy giáo lý trong gia đình đi trước, đồng hành và làm phong phú các hình thức khác của việc giáo dục đức tin. Cha mẹ có sứ vụ dạy con cái cầu nguyện và khám phá ra ơn gọi làm con Thiên Chúa. Giáo xứ là cộng đồng Thánh Thể và là trung tâm đời sống phụng vụ của các gia đình Kitô giáo; đó là nơi tốt nhất để dạy giáo lý cho con cái và cho cha mẹ chúng…Amen

Linh Mục Nguyễn Ngọc Nga