Nhảy đến nội dung

Lời Mẹ nhắn nhủ

LỜI MẸ NHẮN NHỦ

Lm. JBT Phạm Quốc Hưng, CSsR.

           Một trong những ngày đáng nhớ nhất với tôi trong năm 2001 là Ngày Hiền Mẫu (Mother’s Day) nhằm vào Chúa Nhật 13/05/2001.

           Trước hết, theo lịch phụng vụ được Dòng Chúa Cứu Thế Hoa Kỳ biên soạn, ngày 13/05 hàng năm được dành để mừng Lễ Đức Mẹ Thánh Thể.

           Kế đến, đây cũng là kỷ niệm ngày Đức Mẹ hiện ra lần đầu tiên tại Fatima với ba trẻ chăn chiên là Lucia, Phanxicô và Jacinta năm 1917.

           Với biến cố Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II được Đức Mẹ Fatima cứu sống qua cuộc mưu sát tại Công Trường Thánh Phêrô tại Rôma ngày 13/05/1981, ngày 13/05 hàng năm còn đáng được nhớ đến như một ngày để mọi tín hữu quan tâm đến bổn phận phải yêu mến thiết tha, vâng phục triệt để và hiệp nhất trọn vẹn với Đức Giáo Hoàng, Người Cha Chung của họ, Vị Đại Diện Chúa Kitô và Thủ Lãnh Hữu Hình của Giáo Hội Lữ Hành, người luôn được sự mến yêu và trợ giúp đặc biệt của Mẹ Maria.

           Như vậy, ngày 13/05 hàng năm phải là một ngày nhắc nhở mọi tín hữu ba lòng sùng kính căn bản và cần thiết để làm thành một tín hữu Công Giáo đích thực. Đó là lòng say yêu tuyệt đối dành cho Chúa Giêsu Thánh Thể, lòng biệt kính chân thực dành cho Mẹ Maria và lòng thảo hiếu vâng phục dành cho Đức Giáo Hoàng, trung tâm của sự hiệp nhất trong Giáo Hội.

           Thật là một sự trùng hợp thật đẹp khi ngày 13/05/2001, Lễ Đức Mẹ Thánh Thể đầu tiên của thế kỷ 21, cũng chính là Ngày Hiền Mẫu tại Hoa Kỳ.

Quý Cha Dòng Đức Mẹ Đồng Công tại Đền Đức Mẹ Dâng Con tại Corona, California đã tổ chức một cuộc tĩnh tâm cho các tín hữu tại trụ sở của Nhà Dòng vào Ngày Hiền Mẫu hàng năm và đặt cho cuộc tĩnh tâm này một tên thật đẹp: Ngày Hiền Mẫu Fatima!

Năm nay (2001), các Cha Giám Đốc Đền Đức Mẹ Dâng Con đã có nhã ý mời tôi hướng dẫn cuộc hội thảo về Đức Mẹ và giảng thuyết trong Thánh Lễ Ngày Hiền Mẫu Fatima 2001. Chủ đề được Cha Giám Đốc đưa ra là “Mệnh Lệnh Fatima”.

Tôi đã đón nhận lời mời của Cha Giám Đốc với lòng biết ơn sâu xa và coi đó như một món quá quý giá Đức Mẹ đã ưu ái ban tặng trong dịp đặc biệt này.

           Càng suy nghĩ và cầu nguyện để chuẩn bị bài giảng cho Ngày Hiền Mẫu Fatima, tôi càng cảm thấy sứ điệp Fatima, đúng như lời Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II từng nói, đã trở nên khẩn thiết và thích hợp cho thời đại hôm nay hơn bao giờ hết.

           Cuộc khủng bố kinh hoàng tại Hoa Kỳ ngày 11/09/2001 càng làm tôi thêm xác tín rằng sứ điệp của Mẹ Maria tại Fatima cần phải được sốt sắng đón nhận, nghiêm chỉnh thực hiện và rao truyền rộng rãi để đẩy lui các thế lực tội lỗi và chết chóc và xây dựng một nền “văn minh tình thương” dựa trên Tin Mừng Sự Sống của Chúa Kitô.

           Một trong những lý do khiến nhiều người, đặc biệt là những người tự coi mình là trí thức, coi nhẹ sứ điệp Đức Mẹ tại Fatima là vì họ cho rằng sứ điệp đó thuộc về mạc khải tư và không buộc phải tin. Một lý do khác là có những vị giảng thuyết tuy nhận thấy tầm quan trọng của sứ điệp Fatima nhưng lại trình bày sứ điệp này theo một cách thế như thể độc lập với nội dung Tin Mừng.

           Sự thật là sứ điệp hay mệnh lệnh của Mẹ Maria tại Fatima dù là mạc khải tư nhưng lại có nội dung gắn liền với yếu tính của Tin Mừng và có giá trị làm canh tân và gia tăng  niềm tin của mọi tín hữu Chúa Kitô vào chính Sứ Điệp Phúc Âm. Vì thế, sứ điệp Fatima luôn có mãnh lực biến đổi lòng người, canh tân xã hội và xây dựng Hội Thánh với chính sức mạnh của Phúc Âm.

           Tất cả những gì Đức Mẹ phán dạy tại Fatima hay Lộ Đức hoặc ở bất cứ nơi nào trên thế giới trong quá khứ, hiện tại hay tương lai cũng không ra ngoài nội dung của mệnh lệnh duy nhất của Mẹ được ghi nhận trong Phúc Âm: “Ngài có bảo gì, hãy làm theo!” (Jn 2:5).

           Do đó, mọi sứ điệp của Đức Mẹ từ các mạc khải tư phải được đón nhận, giải thích, thực hiện hay phổ biến trong ánh sáng đức tin của Sứ Điệp Tin Mừng, với sự vâng phục Quyền Giáo Huấn của Hội Thánh. Bất cứ sứ điệp nào không phù hợp với nội dung Phúc Âm, trái ngược với đức tin hay dẫn đến sự nghi ngờ các giáo huấn của Hội Thánh đều phải bị loại bỏ và coi là giả dối.

           Với tiêu chuẩn như thế, ba mệnh lệnh của Đức Mẹ tại Fatima đã, đang và sẽ mãi mãi là một sự nối dài của Sứ Điệp Tin Mừng, góp phần canh tân và xây dựng niềm tin Công Giáo.

           Người ta có thể đọc được chính Sứ Điệp Phúc Âm với tất cả mãnh lực của Lời Hằng Sống nơi các mệnh lệnh của Mẹ Maria tại Fatima.

           Cải thiện đời sống

           Trước hết, mệnh lệnh “cải thiện đời sống” chính là sự nối dài hay tiếng vọng của lời rao giảng đầu tiên của Chúa Giêsu trong Phúc Âm: “Thời buổi đã mãn và Nước Thiên Chúa đã gần bên! Hãy hối cải và tin vào Tin Mừng (Mc 1:15).

           Hối cải trước tiên là một sự thay đổi tâm hồn, một sự biến đổi con tim. Đó là sự bỏ đi hay thay đổi những quan niệm, suy nghĩ, phán đoán, chọn lựa của riêng mình để có được nơi mình “tâm tư như đã có nơi Đức Giêsu Kitô” (Phil 2:5).

           Việc hối cải cần được thực hiện trong tương quan ba chiều: với Thiên Chúa, với tha nhân và với chính mình.

Tự sức mình, người ta không thể thực hiện được việc hối cải này. Hối cải là một hồng ân. Muốn hối cải người ta phải cầu xin Chúa ban cho được ơn hối cải. Ơn hối cải cũng chính là ơn cứu độ vì chỉ có ơn hối cải mới giúp con người đón nhận sự tha thứ của Thiên Chúa: “…cho dân Người nhận biết ơn cứu độ, bởi ơn tha thứ các tội khiên” (Lc 1:77). Và như thế, người ta phải thay đổi quan niệm về cầu nguyện, phải xem việc cầu nguyện chính là sống liên hệ yêu thương thiết thân với Thiên Chúa. Cầu nguyện là một việc phải thực hiện trước tiên và trên hết, vì đó là việc quan trọng nhất, cần thiết nhất, hữu ích nhất trong đời sống con người. Đặt việc cầu nguyện lên hàng đầu trong đời sống chính là lời tuyên xưng Thiên Chúa phải chiếm chỗ nhất trong đời tôi, Người phải là tất cả trong mọi sự của tôi. Đó phải là mục đích tối hậu của việc hối cảí!

Trong nền “văn hóa sự chết”, khi sự sống và phẩm giá con người bị chà đạp, người tín hữu Chúa Kitô được mời gọi phải từ bỏ quan niệm của thế gian về con người để nhìn nhận chân trị của mỗi người. Con người không phải là một vấn nạn (“nạn nhân mãn”), và con cái không phải là một gánh nặng của cha mẹ. Nhưng mỗi con người chính là một bản vị mang hình ảnh sống động của Thiên Chúa, được Chúa yêu thương từ muôn thuở, được cứu chuộc bằng chính giá Máu Chúa Kitô và được mời gọi để thông phần Sự Sống Đời Đời của chính Thiên Chúa. Người Kitô hữu phải là người luôn nhìn nhận và trân trọng sự linh thánh của sự sống con người (sanctity of life) trước khi bàn đến việc nâng cao chất lượng của đời sống (quality of life). Con người phải được nhìn nhận là đối tượng của tình thương Thiên Chúa, và con cái là hồng ân Chúa ban. Người Kitô hữu đích thực phải là người đứng hàng đầu trong mọi nỗ lực bênh vực sự sống và phẩm giá con người trên thế giới hôm nay.

           Vì giá trị đích thực của con người không dựa trên của cải, tài năng, địa vị và chức quyền của họ, nhưng dựa trên tương quan của họ với Thiên Chúa, trên mức độ ân sủng và tình yêu của Thiên Chúa nơi tâm hồn họ. Vì vậy, người Kitô hữu phải đặt hữu thể (being) của họ lên trên mọi sở hữu (having) hay hoạt động (doing) của họ. Họ phải đặt việc sống tốt, sống yêu thương và sống thánh lên trên việc sống khỏe, sống lâu, sống tiện nghi thoải mái. Một điều họ phải luôn ghi nhớ là “được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn nào được ích gì” (Lc 9:24). Mến Chúa yêu người chính là tiêu chuẩn mà Thiên Chúa sẽ phán xét họ.

           Tôn sùng Mẫu Tâm

           Khi Mẹ Maria đưa ra mệnh lệnh “tôn sùng Mẫu Tâm”, Mẹ Maria không làm gì khác hơn là nhắc lại lời Chúa Giêsu nói với “người môn đệ Chúa yêu” khi Người hấp hối trên Thánh Giá: “Này là Mẹ Con!” (Jn 19:27).

           Với tôi, lời trối này của Chúa Giêsu bao gồm cả một bí quyết sống thánh, bí quyết để trở nên một “người môn đệ Chúa yêu” hay một Kitô hữu hoàn hảo. Thật vậy, cả đời Chúa Giêsu rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa và làm cho mọi người nhận biết Thiên Chúa là Cha Chí Nhân. Nhưng chỉ khi hấp hối trên Thánh Giá, và chỉ với “người môn đệ Chúa yêu”, Chúa Giêsu mới trao ban Mẹ Thánh Người như một di sản và tặng vật quý nhất mà Người có thể tặng ban liền sau chính Thánh Thể của Người. Và khi đặt Mẹ Maria làm Mẹ của “người môn đệ Chúa yêu”, đại diện cho toàn thể nhân loại và Hội Thánh, Chúa Giêsu cũng muốn mọi người theo gương Người giữ trọn giới luật “thảo kính cha mẹ” mà trọn niềm hiếu thảo với Đức Mẹ.

           Vì vậy, tất cả nỗ lực sống thánh phải được hiểu là hiệp nhất tâm hồn với Chúa Giêsu không những trong tình hiếu tử của Người đối với Thiên Chúa là Cha Chí Nhân mà còn trong lòng thảo mến của Người đối với Đức Maria là Mẹ Từ Ái. Người ta không thể sống trọn vẹn tình thảo hiếu với Thiên Chúa là Cha nếu họ không chu toàn bổn phận làm con ngoan của Đức Maria là Mẹ.

           Theo Thánh Louis Marie Montfort, sở dĩ người ta chưa hiểu biết và yêu mến Chúa Giêsu như Chúa đáng được hiểu biết và yêu mến, đó là vì người ta chưa hiểu biết và yêu mến Mẹ Maria như Mẹ đáng được hiểu biết và yêu mến. Các nhà tu đức Dòng Biển Đức cho rằng mức độ thánh thiện của mỗi người tùy thuộc mức độ lòng sùng kính của người ấy dành cho Đức Mẹ. Và Cha Thánh Anphong Liguori còn cả quyết rằng nhiều người phải mất linh hồn chỉ vì họ không biết chạy đến kêu cầu cùng Đức Mẹ.

           Muốn trở nên “người môn đệ Chúa yêu” hay một người Kitô hòan hảo, người ta cũng phải biết “lĩnh lấy Mẹ về nhà mình”; nghĩa là dành cho Mẹ một chỗ cao quý nhất liền sau Chúa Giêsu trong tâm hồn và cuộc sống của mình. Khước từ việc tôn sùng Mẫu Tâm là từ chối tình mẫu tử dịu ngọt của Mẹ, quà tặng tuyệt quý của Thánh Tâm Chúa Giêsu, bí quyết để được ơn cứu độ và nên thánh.

           Lần hạt Mân Côi

           Mệnh lệnh được Mẹ Maria nói đến trong tất cả các lần hiện ra ở Fatima là phải siêng năng lần hạt Mân Côi. Khi được hỏi rằng Phanxicô có được lên Thiên Đàng hay không, Đức Mẹ dạy rằng để bảo đảm phần phúc Thiên Đàng Phanxicô cần phải sốt sắng siêng năng lần hạt Mân Côi hơn. Điều này cho thấy Đức Mẹ muốn tỏ cho mọi người biết rằng việc lần chuỗi Mân Côi chính là bí quyết giúp người ta được cứu rỗi và nên thánh.

           Cha Thánh Anphong Liguori cũng nhận biết bí quyết trên khi ngài nói với một thầy coi sóc ngài lúc về già rằng: “Phần rỗi của tôi tùy thuộc vào Chuỗi Mân Côi. Khi tôi hỏi về việc lần hạt Mân Côi, đó là lúc tôi quan tâm về phần rỗi linh hồn của tôi.”

           Tại sao việc lần hạt Mân Côi lại quan trọng đến thế?

           Thưa, vì việc lần hạt Mân Côi chính là một hành vi noi gương Mẹ Maria “giữ kỹ mọi điều ấy và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2:20); nghĩa là, luôn ghi nhớ và chiêm ngắm các mầu nhiệm cứu độ nơi các biến cố trong cuộc đời Chúa Giêsu, để noi gương các nhân đức của Người và kết hợp mật thiết với Người.

           Việc đọc, suy niệm và sống các mầu nhiệm Kinh Mân Côi còn là một hình thức để dọn mình tham dự Thánh Lễ và nối dài Hy Lễ Thánh Thể trong đời sống hàng ngày. Vì vậy, mệnh lệnh “lần hạt Mân Côi” của Mẹ Maria có thể coi như một sự nhắc lại mệnh lệnh của Chúa Giêsu trong Bữa Tiệc Ly: “Hãy làm sự này mà nhớ đến Ta” (Lc 22:19).

           Việc lần chuỗi Mân Côi đúng nghĩa bao giờ cũng phải dẫn người ta đến việc khao khát say yêu và kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu trong Bí Tích Thánh Thể. Vì người ta không thể chỉ ghi nhớ sự kiện Chúa Giêsu đã sinh xuống thế làm người, chịu chết và sống lại lên trời vinh hiển, mà lại lãng quên sự kiện đầy an ủi là cũng chính Chúa Giêsu đó vẫn còn đang hiện diện thực sự và sống động trong Bí Tích Thánh Thể, để trở nên nguồn an ủi và Bạn Đồng Hành với các tín hữu của Người suốt cuộc đời dương thế của họ.

           Vì vậy, tha thiết với việc lần hạt Mân Côi chính là tha thiết gìn giữ sợi dây tình ái nối kết người tín hữu với Chúa Giêsu, với Mẹ Maria, với các thánh và với tất cả những ai thuộc về Vương Quốc Tình Yêu của Thánh Tâm Chúa Giêsu. Đó chính là bảo chứng của ơn cứu độ Mẹ Maria ban tặng những tôi trung, con thảo và chiến sĩ tận hiến của Mẹ.

           Những giấc mơ Năm Thánh

           Thiên Chúa và Đức Mẹ vẫn tiếp tục nhắc nhở mọi người phải sốt sắng thực hiện các mệnh lệnh của Đức Mẹ tại Fatima. Tôi càng thêm xác tín về điều ấy khi đọc được những giấc mơ trong Năm Thánh của Chị Tiểu Muội Têrêsa, một nữ tu còn rất trẻ có đầy lòng yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể, Mẹ Maria và Hội Thánh.

           “Ah, thưa Cha, con muốn kể cho Cha nghe 2 giấc mơ gần đây mà Chúa và Mẹ thương ban nha! Cha biết không, vào ngày áp Lễ Mình và Máu Thánh Chúa, tức là 23-24/6, con mơ thấy mình bước vào một căn phòng, lúc đó thì cũng đã trưa rồi. Vừa bước vào, con nhìn thấy tượng Đức Mẹ ẵm Chúa lúc tháo đanh. Từ pho tượng đó phát ra ánh sáng làm cho con phải quay mặt đi vì con không chịu nổi. Con dừng chân tại chỗ không bước đi nữa, nhưng lại có tiếng nói gọi con lại gần. Tiếng đó con nhận ra ngay là tiếng của Mẹ Maria, Người đang gọi con rằng: “Con hãy lại gần đây với Mẹ, và con hãy ngồi xuống viết lại những lời Mẹ sắp nói với con.” Con làm theo như vậy, và Mẹ chỉ nói một câu duy nhất rằng: “Các con hãy ăn năn sám hối và tin thật Chúa Giêsu hiện diện trong Bí Tích Thánh Thể.” Thế rồi con cứ ngồi đó mà viết lại biết bao nhiêu lần, đến nỗi cả căn phòng ngập tràn những tờ giấy nhỏ với hàng chữ ở trên. Cũng vì con viết quá nhiều mà khi một chị nhìn thấy con như vậy, cho rằng con bị bệnh nên đã đưa con vào bệnh viện “Mentally Illness” số phòng 105. Con mơ đến đó thì giật mình tỉnh giấc.

           “Còn giấc mơ kế tiếp con không nhớ lúc nào nữa, nhưng con nhớ rõ hình ảnh của giấc mơ lắm. Con mơ thấy con đang hồi tâm cùng với cả cộng đoàn vào lúc ban tối. Thì bỗng nhiên khi con nhìn lên Nhà Tạm, thì trong hình ảnh lờ mờ, lờ mờ, cánh cửa Nhà Tạm mở toang, Mình Thánh Chúa bay lên cao, rồi dừng lại lơ lửng như vậy đó. Từ Bánh Thánh trào ra nguồn máu. Thấy vậy con khóc nức nở chạy lên cung thánh để hứng lấy Máu Chúa. Các chị chạy lên kéo con xuống, hình ảnh biến mất trong giây lát. Nhưng con quay nhìn ảnh chuộc tội, từ cạnh sườn Chúa chảy máu và cả mình Chúa chứ chảy máu thôi. Lại một lần nữa con chạy lại ôm chặt cây Thánh Giá mà khóc nức nở. Các chị lại gỡ con ra khỏi Thánh Giá, nhưng con ôm chặt lắm không cho lấy đi. Nhưng cuối cùng các chị tháo Chúa khỏi Thánh Giá, con khóc dữ lắm. Mặc dù Chúa đã lấy đi khỏi Thánh Giá nhưng mà từ các lỗ đanh cũng lại chảy máu. Con không biết làm sao cả cứ ôm mà khóc. Đến nỗi con khóc thật, giật mình dậy 3-4 giờ sáng. Con thấy con đang ôm tượng chuộc tội. Tạ ơn Chúa là Chúa không bị lấy đi.

           “Qua đó, con cảm thấy như Chúa đang nói với con, cũng như hết mọi người phải tin và yêu phép Thánh Thể nhiều hơn. Mặc dù chỉ là một giấc mơ mà thôi, nhưng Cha ơi, con cảm thấy tâm hồn mang nỗi lòng khắc khoải sống ẩn mình, chìm sâu trong Thánh Tâm Chúa Giêsu ngự trong Bí Tích Thánh Thể mà thôi…”

           Đại Năm Thánh 2000 đã qua, nhưng ba mệnh lệnh của Đức Mẹ tại Fatima cũng như những lời của Đức Mẹ “các con hãy ăn năn sám hối và tin thật Chúa Giêsu hiện diện trong Bí Tích Thánh Thể”, dù chỉ là những lời được ghi lại từ một giấc mơ của Chị Tiểu Muội Têrêsa, vẫn còn là một sứ điệp thích hợp cho mọi tín hữu Chúa Kitô trong thời đại hôm nay.

           An năn sám hối để được Chúa ban ơn tha thứ.

           Tin thật Chúa Giêsu hiện diện trong Bí Tích Thánh Thể để đến với Người và kết hợp với Người là Nguồn Mạch Ân Sủng và Tình Yêu, để tìm được ý nghĩa đích thực và hạnh phúc sung mãn cho cuộc sống hiện tại và tương lai.

           Còn gì cần thiết hơn, còn gì cao quý hơn, còn gì đáng ao ước hơn các điều ấy!

           Dịu ngọt thay lời Mẹ nhắn nhủ!

                                   (Dec. 11, 2001)

PS: “Tình huynh đệ đích thực, tình máu mủ thắm thiết, tình yêu thương chân thành cốt ở điều này là thông truyền cho nhau những kho báu thiêng liêng” (Thánh Gioan Kim Khẩu). Bài viết này đã được đăng trên Nguyệt San Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp ở mục “Trong Dòng Đời” trong số tháng 1 năm 2002. Nay xin gửi đến chia sẻ với quý độc giả Thanhlinh.net. HP (Feb. 19, 2021).