Nhảy đến nội dung

Mẹ là bông hồng

MẸ LÀ BÔNG HỒNG
Lm. JBT Phạm Quốc Hưng, CSsR.

   Mỗi năm, cứ sau Mùa Giáng Sinh là các cửa tiệm lại bắt đầu bày bán những hộp kẹo chocolate in hình trái tim, bông hồng hay chữ “LOVE” và những cánh thiệp để người ta tặng nhau dịp St. Valentines Day vào ngày 14/2 hàng năm. Có người dịch St. Valentines Day sang tiếng Việt là “Lễ Tình Yêu”.


    Nhắc đến St. Valentines Day, tôi lại nhớ đến kỷ niệm mùa học đầu tiên trong Chủng Viện. Đó là Mùa Thu năm 1987, tại Chủng Viện Thánh Gioan ở Camarillo, California. Hồi ấy, tôi được xếp ở chung phòng với một anh chủng sinh người Mỹ tên là Michael J. Evans. 


Một hôm, tôi làm quen hỏi anh ta: “Anh sinh tháng mấy?” Anh trả lời: “Tháng Hai. Còn anh?” Tôi đáp: “Tôi cũng sinh Tháng Hai.” Anh hỏi tiếp: “Ngày nào?” Tôi đáp: “Ngày 14!” Anh giật mình: “Không thể được!” Tôi nói:  “Sao không?” Anh ta nói từng tiếng: “Đó là sinh nhật của tôi!” Đến phiên tôi ngạc nhiên: “Thật không?” “Thật chứ!” Rồi chúng tôi cho nhau xem bằng lái xe của nhau để xác định sự trùng hợp lý thú ấy.


    Hôm ấy, tôi thầm cảm tạ Chúa đã cho tôi có được người bạn cùng phòng có cùng sinh nhật và cùng ước mơ trở thành linh mục. Tôi đã tha thiết cầu xin Chúa và Đức Mẹ cho ước mơ của cả hai chúng tôi trở thành sự thật. Nay ước nguyện năm nào đã thành hiện thực. Tôi được biết Michael  đã thụ phong linh mục năm 1992 cho Tổng Giáo Phận Los Angeles, trước tôi hai năm.


    Khoảng năm 2011, lần đầu tiên đi họp với các linh mục trong hạt thuộc địa phận Los Angeles tại Giáo Xứ Các Thiên Thần ở Acadia. Tôi ngồi cạnh một cha người Mỹ to và hói đầu. Tôi hỏi: “Cha thuộc địa phận Los Angeles phải không?” Ngài đáp: “Đúng rồi!” Nghĩ đến anh bạn cùng phòng, tôi hỏi ngài: “Vậy Cha có biết Cha Michael Evans không? Ngài là bạn cùng phòng với con ngay mùa học đầu tiên ở Chủng Viện năm 1987.” Ngài cười và trả lời: “Là tôi đây!!!”  Ngài tiếp: “Lúc anh bước vào là tôi nhận ra anh ngay. Nhưng anh không biết!!!” Tôi giật mình!!! Thời gian trôi và con người ta thay đổi biết chừng nào!!! Ngày ấy ngài là một chủng sinh ở năm cuối triết học, và từ Tiểu Chủng Viện lên, nhỏ hơn tôi 5 tuổi. Vậy mà nay nhìn già, đầu hói, để râu trông bệ vệ và làm Cha Xứ tại Giáo Xứ này. Đây là lần đầu tiên chúng tôi gặp lại nhau, sau khi tôi rời Chủng Viện Saint John để đi Nhà Tập năm 1989. Sau đó, tôi được gửi sang học ở Chủng Viện Các Thánh Tông Đồ ở Cromwell, Connecticut.


    Chỉ sau khi định cư ở Hoa Kỳ, tôi mới nhận ra sinh nhật mình trùng với Lễ Tình Yêu. Tôi càng cảm thấy vui mừng hơn khi nhận được cánh thiệp vừa mừng sinh nhật, vừa mừng St. Valentines Day từ một người bạn Mỹ. Cánh thiệp được Tu Hội Bông Hoa Nhỏ cổ võ lòng sùng kính Thánh Têrêsa Hài Đồng in. St. Valentines Day được họ gọi là “GOD-IS-LOVE  DAY”, “NGÀY CHÚA LÀ TÌNH YÊU”. 


Bốn chữ “CHÚA LÀ TÌNH YÊU”, mạc khải vĩ đại của Thánh Kinh (1Jn 4:8), khiến tôi nhớ rằng đây chính chính là bốn chữ tôi đề nghị ba mẹ cho khắc phía trên bàn thờ gia đình dịp ba mẹ sửa lại bàn thờ để mừng Ngân Khánh Thành Hôn của ba mẹ. Hai bên bàn thờ là bốn chữ “MẾN CHÚA-YÊU NGƯỜI”.


Tôi tự nhủ rằng: “Tôi được sinh ra trong ngày CHÚA LÀ TÌNH YÊU, nghĩa là tôi phải sống cho Tình Yêu và chết cho Tình Yêu. Đó cũng là tâm tình của Chị Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu khi Chị nói: Ơn gọi của em là Tình Yêu. Yêu mến Chúa và làm cho mọi người yêu mến Chúa”.
 

Ý tưởng của tôi đã được củng cố khi tôi đọc được những lời của Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II trong Tông Huấn Về Gia Đình (Familiaris Consortio) như sau:
“Thiên Chúa dựng nên con người theo hình ảnh Ngài và giống hệt Ngài. Ngài kêu gọi họ vào đời nhờ tình yêu. Đồng thời, Ngài cũng gọi họ vào đời cho tình yêu. Thiên Chúa là Tình Yêu và trong chính mình Ngài sống mầu nhiệm hiệp thông yêu mến thân mật. Dựng nên loài người theo hình ảnh Ngài và tiếp tục gìn giữ sự hiện hữu của họ, Thiên Chúa đã khắc ghi vào nhân tính của người nam và người nữ một ơn gọi, và cũng thế một khả năng và trách nhiệm, của tình yêu và sự thông hiệp. Vì vậy, yêu thương là ơn gọi căn bản và bẩm sinh của mỗi con người” (# 11).
 

Làm thế nào để sống trọn vẹn ơn gọi yêu thương? Thế nào là sống yêu thương đích thực?
 

Những người trẻ thường thích ngâm nga mấy câu thơ thật lãng mạn của Xuân Diệu: 
“Làm sao cắt nghĩa được tình yêu,
Có nghĩa gì đâu một buổi chiều
Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt
Bằng mây nhè nhẹ gió hiu hiu.”
 

Nhưng có lẽ tình yêu đích thực có thể được xác định bằng câu thơ thật ý nghĩa sau của một người nào đó:
“Tình yêu là một đóa hoa
Sắc là dâng hiến, hương là hy sinh”.
 

Cũng vậy, trong tập sách nhỏ Sứ Điệp Loài Hoa, Cha Nguyễn Ngọc Sơn  đã chỉ ra những bài học yêu thương rút ra từ đời sống của các loài hoa như sau:
“...Loài hoa nào cũng dạy ta về tình yêu chân thành em ạ. Màu sắc của cánh, của nhụy, của đài hoa, dù rực rỡ hay đơn sơ, đều là những màu rất thật chứ không tô vẽ giả tạo bằng những nét sơn phết bên ngoài.
 

“...Loài hoa nào cũng dạy ta về tình yêu khiêm tốn. Dù hình dáng thanh tao, màu sắc tươi tắn đến đâu đi nữa, nhưng bao giờ hoa cũng gắn bó với lá, với cành, bao giờ cũng hòa mình vào cuộc sống chung. Có như thế hoa mới nhận được dòng nhựa sống chảy đều trong cơ thể.
 

“...Loài hoa nào cũng dạy ta về tình yêu trong trắng, biết đợi chờ, tiến hóa theo thời gian. Chẳng hoa nào nở sớm trước khi thành nụ, và chẳng nụ nào kết trái trước khi thành hoa.
 

“...Loài hoa nào cũng dạy ta về tình yêu quảng đại. Dù màu sắc tươi đẹp, hương thơm thanh thoát, hoa chẳng bao giờ dành một chút cho mình. Hoa chỉ biết sống để làm đẹp cho đời, tỏa hương cho người. Hoa chẳng bao giờ biết bất mãn, giận hờn, ghen tị.


“...Loài hoa nào cũng dạy ta về một tình yêu tuyệt vời vì hiểu ý nghĩa hy sinh. Dù chỉ sống một đời ngắn ngủi, nhưng hoa nào cũng nở hết sức mình, tỏa hết hương thơm, rồi sau đó lặng lẽ héo tàn như đi vào quên lãng. Thật ra, dù con người có vô tình dửng dưng trước sự đóng góp của chúng, thì Tạo Hóa lúc nào cũng nhớ đến công lao của muôn loài.”


Trong tất cả các loài hoa, hoa hồng thường được gọi là “Vua hay Nữ  Hoàng của các loài hoa”. Cùng với hình ảnh trái tim, hoa hồng cũng được dùng làm biểu tượng của tình yêu. Trao tặng hay đón nhận bông hồng được hiểu là trao tặng hay đón nhận tình yêu của người đang liên hệ với ta. Một thi sĩ đã diễn tả tính cách tế nhị của việc tặng hay nhận bông hồng như biểu tượng của tình yêu như sau:
“Người ấy tặng tôi một đóa hồng.
Ngỡ ngàng chẵng biết nhận hay chăng?
Nhận ư? Có lẽ còn hơi sớm.
Không nhận! Eo ơi, sợ mất lòng.”


Tất cả những nét chân thành, khiêm tốn, trong trắng, quảng đại và hy sinh của tình yêu lý tưởng tuyệt vời được nói trên và ai nấy mong chờ khao khát đều được tìm thấy nơi con người, cuộc sống và cái chết của Chúa Giêsu Kitô, Thiên Chúa làm Người và Tình Yêu Nhập Thể. 


Chúa Giêsu chính là Bông Hồng của Tình Yêu Thiên Chúa tặng ban cho nhân loại để giúp nhân loại bước vào tương quan yêu thương hiệp thông với Thiên Chúa: “Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một Người cho thế gian để những ai tin vào Người thì được cứu rỗi” (Jn 3:16).  Người cũng được ban cho nhân loại để dạy họ và giúp họ sống trọn vẹn ơn gọi yêu thương của mình, như lời Mẹ Têrêsa Calcutta thường nói: “Chúng ta được dựng nên cho những điều cao trọng hơn: để yêu thương và được yêu thương”.
Chấp nhận hay khước từ Chúa Giêsu là chấp nhận hay khước từ chính Tình Yêu Thiên Chúa. Đó cũng chính là chấp nhận hay khước từ ơn cứu độ và sự sống đời đời.


Cũng thế, Chúa Giêsu đích thân mời gọi mỗi người bước vào tương quan yêu thương thiết thân với Ngài, để nhờ Ngài, với Ngài và trong Ngài mà bước vào sự hiệp thông của Thiên Chúa Ba Ngôi. Ngài nói: “Ai yêu mến Ta, thì sẽ giữ lời Ta, và Cha Ta sẽ yêu mến nó, và Chúng Ta sẽ đến với nó, và sẽ đặt chỗ ở nơi mình nó” (Jn 14:22).
Trong cả nhân loại, không ai có tương quan yêu thương thiết thân trọn hảo với Chúa Giêsu hơn Mẹ Maria, không ai nghe và giữ Lời Chúa cách trọn hảo hơn Mẹ. không ai được đầy Chúa hơn Mẹ. Mẹ chính là người môn đệ đầu tiên và tuyệt hảo của Chúa Giêsu. Mẹ chính là mẫu mực và thầy dạy của mọi người trong việc sống tương quan yêu thương thiết thân với Chúa Giêsu.


Hơn nữa, trong giờ hấp hối trên Thánh Giá, khi tình yêu của Chúa Giêsu dành cho nhân loại lên đến tột đỉnh, sau khi đã trao ban chính Mình cho nhân loại qua việc lập Chức Linh Mục và Bí Tích Thánh Thể trong Bữa Tiệc Ly tối hôm trước,  Chúa Giêsu đã trao tặng Đức Mẹ như quà tặng tình yêu cuối cùng Người dành cho nhân loại qua người môn đệ Chúa yêu: “Này là Mẹ con” (Jn 19:27).


Như vậy, Chúa Giêsu muốn Đức Mẹ là bông hồng tuyệt quý, là biểu tượng của tình yêu cứu thế, Người muốn ưu ái tặng ban cho từng người trong nhân loại. 


Chấp nhận hay khước từ Mẹ chính là chấp nhận hay khước từ bông hồng của tình yêu cứu thế của chính Chúa Giêsu, Tình Yêu Nhập Thể Thiên Chúa.


Việc tôn sùng đích thực dành cho Mẹ Maria không gì khác hơn là việc đón nhận tình yêu cứu thế của Chúa Giêsu qua việc nhờ Mẹ, với Mẹ và trong Mẹ để yêu mến, bước theo và kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu đúng như Rất Thánh Trái Tim Chúa mong muốn.


Và yêu mến Mẹ cũng chính là yêu mến Chúa Giêsu, yêu mến Thiên Chúa, vì tất cả sự hiện diện của Mẹ trong lịch sử nhân loại không có mục đích nào khác hơn là giúp con người cảm biết và đón nhận tình yêu Thiên Chúa một cách vắn tắt, chắc chắn, dễ dàng và hoàn hảo.


Đức Cố Hồng Y Phanxicô-Xaviê Nguyễn Văn Thuận nhận biết nơi Mẹ chỉ có Tình Yêu Chúa mà thôi nên không ngần ngại kết luận rằng: 
“Con có một tình yêu: Mẹ Maria. Thánh Gioan-Vianey đã nói: Mối tình đầu của tôi là Mẹ Maria. Nghe Mẹ sẽ không lầm lạc, hoạt động vì Mẹ sẽ không thất bại, làm vinh danh Mẹ sẽ được sống đời đời” (Đường Hy Vọng # 988).
 

Vậy nên trong Kinh Cầu Đức Bà, Giáo Hội dạy con cái mình cầu xin với Đức Mẹ :“Đức Bà như Hoa Hường Mầu Nhiệm vậy”.
Chúa là Tình yêu.
Mẹ là Bông Hồng.
 

Tháng Mân Côi nhắc nhở chúng ta về điều ấy!
Yêu Chúa nhờ Mẹ chính là phương thế tuyệt hảo giúp tôi sống trọn vẹn ơn gọi làm người và làm con Chúa của mình.
 

Kinh Xin Ơn Yêu Mẹ
Lạy Mẹ Maria, con đã hiểu Mẹ là thụ tạo cao trọng nhất, linh thiêng nhất, tinh ròng nhất, mỹ hảo nhất, nhân hậu nhất, thánh thiện nhất, vì thế đáng yêu mến nhất. Chớ gì mọi người hiểu biết và yêu mến Mẹ như Mẹ đáng được! Điều an ủi lòng con biết bao là biết bao linh hồn trên trời dưới đất say mê yêu mến Mẹ vì Mẹ thiện hảo và mỹ duyệt. Con còn sung sướng hơn nữa vì thấy Thiên Chúa thương yêu một mình Mẹ hơn thương yêu toàn thể nhân loại và thiên thần.


Mẹ ơi, Mẹ đáng mến của con ơi! Con đây tuy là một tội nhân khốn nạn, con cũng yêu Mẹ; nhưng con yêu ít quá! Con khát khao yêu Mẹ bằng một lòng yêu sâu xa và âu yếm hơn nhiều và Mẹ có thể xin cho con được lòng yêu ấy. Con biết yêu mến Mẹ là một dấu được tiền định, là một bảo đảm ơn cứu rỗi.


Thưa Mẹ, con thấy Chúa đáng yêu mến vô cùng. Con biết ước nguyện duy nhất của Mẹ là thấy Chúa được yêu mến. Mến Chúa, mến đến tận hiến là ơn con ước mong Mẹ ban cho con. Con không xin Mẹ danh vọng, của cải, thú vui, con chỉ xin cái mà Mẹ ước ao nhất là mến Chúa. Xin Mẹ ban cho con cùng với lòng yêu mến Mẹ mà mến Chúa Ba Ngôi toàn ái và mến Chúa Giêsu Con Mẹ .


Lời kinh này tôi đã đọc hơn 40 chục năm nay trong Nghi Thức Tận Hiến trong tác phẩm Quyển Sách Vàng. Nhưng chỉ cách đây chừng ba năm, khi đọc lại Cuốn Cẩm Nang của các cha Dòng Chúa Cứu Thế tỉnh Baltimore, tôi mới biết lời kinh này do chính Cha Thánh Anphong-Tổ Phụ Dòng Chúa Cứu Thế chúng tôi-soạn để đọc mỗi thứ sáu trong tuần! Thật bất ngờ và thích thú biết bao!!!

PS: Bài viết này lần đầu được đăng trong Nguyệt San Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp số tháng 02-2004; sau đó, được in trong tác phẩm Có Mẹ trong Đời. Nay nhân thứ bảy đầu tháng Mân Côi 10-2020 xin được soạn lại để chia sẻ trên Thanhlinh.net. JP