Một đời để yêu là một đời hạnh phúc
- CN, 26/01/2025 - 16:13
- Lm Dương Trung Tín
Lễ Thánh Gia
Một đời để YÊU là một đời HẠNH PHÚC
“Hằng năm, cha mẹ Đức Giê-su trẩy hội đền Giê-ru-sa-lem mừng lễ Vượt Qua. Khi được 12 tổi, cả gia đình cùng lên đền như người ta thường làm trong ngày lễ” (Lc 2,41-42).
Khi xuống thế làm người, Đức Giê-su cũng cần có cha, có mẹ và có một gia đình. Thiên Chúa đã chọn cho Đức Giê-su một người mẹ là Đức Ma-ri-a. Ma-ri-a là một thiếu nữ đã đính hôn với Giu-se. Và nhờ cuộc hôn nhân này, Đức Giê-su có một người cha theo pháp lý và có một gia đình hẳn hoi. Cả Giu-se và Ma-ri-a đều được Thiên Thần Chúa cho biết về Hài Nhi Giê-su. Mặc dù có chút nghi vấn, nhưng cả hai đã được giải thích thỏa đáng và chấp nhận nhau cũng như đón nhận Hài Nhi Giê-su, lập nên một gia đình như bao gia đình khác.
Hài Nhi Giê-su, không chỉ như bao con trẻ khác, mà Ngài còn là Đấng Cứu Độ, nên Giu-se và Ma-ri-a cùng cộng tác vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Gia đình của Giu-se là gia đình thánh, gia đình hạnh phúc. Gia đình hạnh phúc không nhất thiết là không có khó khăn hay không có vấn đề. Ai sống trên trần gian này, cũng như gia đình nào trên thế gian này đều có những khó khăn và có vấn đề hết. Ngay cả Thánh Gia, gia đình của Giu-se cũng không có ngoại lệ.
Gia đình của Giu-se đã gặp trắc trở ngày từ đầu, sau thời gian đính hôn và từ đó về sau, cũng không suông sẻ gì. Cái quan trọng là đôi vợ chồng yêu thương nhau, hiểu nhau và hết tình nâng đỡ nhau trong cuộc sống. Chính điều này mới làm cho gia đình vượt qua những khó khăn và giải quyết được những trắc trở và mới trở nên êm ấm, hạnh phúc. Chúng ta hãy noi gương Thánh Gia để chúng ta có một gia đình êm ấm và hạnh phúc.
Nói đến gia đình thì không thể không nói đến hôn nhân. Vì hôn nhân là mấu chốt của một gia đình. Không có hôn nhân thì dứt khoát không có gia đình. Từ cuộc hôn nhân đó mà tạo lập nên một gia đình mới, một gia đình hạnh phúc. Nói cách khác, chính tình yêu phu phụ, tình yêu của hai vợ chồng mà có một gia đình ấm êm và hạnh phúc. Ta hãy suy gẫm về tình yêu phụ phụ này.
Theo thánh Giáo Hoàng Phao-lô đệ lục, trong thông điệp “Humanae Vitae”, Sự sống con người, từ số 8 đến số 9, tình yêu phụ phụ được diễn tả như sau: “Tình yêu phu phụ có nguồn gốc từ Thiên Chúa; nó tốt đẹp; nó tượng trưng cho sự phối hợp giữa Chúa Ki-tô và Giáo Hội; Tình yêu đó là tình yêu nhân bản; nó trọn vẹn; nó chung thủy và duy nhất và hướng về việc sinh sản và giáo dục con cái”.
- Tình yêu phu phụ có nguồn gốc từ Thiên Chúa.
Thiên Chúa là tình yêu và Ngài đã dựng nên con người có nam, có nữ. Ngài ban cho họ một tình yêu, để rồi họ yêu nhau; rồi rời bỏ cha mẹ mình và cả hai nên một xuơng một thịt (x. Mc 10,6-8). “Đấng Tạo Hóa đã thiết lập và ban những định luật riêng cho đời sống chung thân mật và cho cộng đoàn tình yêu vợ chồng. Đời sống chung này được gầy dựng do giao ước hôn nhân, nghĩa là sự ưng thuận cá nhân không thể rút lại. Như thế, bởi một hành vi nhân linh, trong đó hai vợ chồng tự hiến cho nhau và đón nhận nhau, nhờ sự an bài của Thiên Chúa, phát sinh một định chế vững chắc có giá trị trước mặt xã hội nữa” (Hiến chế về Giáo Hội trong thế giới ngày nay, số 48). Rõ ràng là tình yêu phu phụ xuất phát từ Thiên Chúa.
- Tình yêu phu phụ là tốt đẹp.
Tình yêu phu phụ tốt đẹp là vì hai người tự do và tự hiến cho nhau để nên một xương một thịt và giúp đỡ cho nhau. Nó tốt vì có tự do, tự do chọn nhau và đến với nhau; không bị ép buộc hay bị một áp lực nào cả. Nó đẹp vì nó được tự hiến cho nhau. Yêu là cho đi tất cả mà. Chẳng ai đòi, cũng chẳng có ai xin; cũng chẳng phải bày mưu tính kế làm chi. Nó hoàn toàn tự nhiên và tự động. Có thể nói Chúa đã “cài sẵn” điều đó trong mỗi người nam và người nữ rồi. Cứ đụng đến là nó hoạt động ngay thôi.
Bởi thế, khi yêu nhau, “Hai người nam và nữ không còn là hai, nhưng là một xương một thịt; họ phục vụ và giúp đỡ lẫn nhau bằng sự kết hợp mật thiết trong con người và hành động của họ; họ cảm nghiệm và hiểu được sự hiệp nhất với nhau mỗi ngày mỗi đầy đủ hơn. Sự liên kết mật thiết này vẫn là sự tự hiến của hai người cho nhau” (sđd,số 48). Tình yêu phu phụ như thế không tốt đẹp sao !!!!!!!!!!!!
- Tình yêu phu phụ là hình ảnh phối hợp giữa Chúa Ki-tô và Giáo
Hội. Thánh Phao-lô nói: “Người làm vợ hãy tùng phụ chồng như tùng phục Chúa, vì chồng là đầu của vợ cũng như Đức Ki-tô là đầu của Hội Thánh. Và như Hội Thánh tùng phục Đức Ki-tô thế nào, thì vợ cũng phải tùng phục chồng trong mọi sự như vậy. Người làm chồng hãy yêu thương vợ như chính Đức Ki-tô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh. Mầu nhiệm này thật là cao cả. Tôi muốn nói về Đức Ki-tô và Hội Thánh. Vậy mỗi người trong anh em hãy yêu vợ như chính mình; còn vợ thì hãy kính sợ chồng” (x. Ep 6, 22-33).
Có nhiều người không đồng ý với điều thánh Phao-lô nói trên đây về sự “tùng phục” của người vợ. Cho rằng như thế là “chồng chúa vợ tôi” rồi. Thật ra, nói như vậy cũng hơi khập khiễng và hồ đồ, dễ làm cho người ta hiểu lầm. Đối với Chúa Ki-tô, thì Hội Thánh phải tùng phục. Vì Đức Ki-tô là Chúa; Hội Thánh là “người”; nhưng với vợ chồng thì phải nói là “vâng nghe” nhau. Vì cả hai cùng là “người” cả.
Điều sâu xa và chính yếu mà thánh Phao-lô muốn nói, không phải ngài ủng hộ việc “Chồng chúa Vợ tôi”; vì Chúa Ki-tô đâu có bắt Hội Thánh phải tùng phục Ngài đâu. Sở dĩ Hội Thánh tùng phục Đức Ki-tô là do Hội Thánh yêu Đức Ki-tô, vì Đức Ki-tô đã hi sinh, yêu thương và chăm sóc Hội Thánh. Như thế, đừng có ai hiểu lầm và lấy lẽ đó mà sống.
Vợ chồng là phải “Vâng Nghe” nhau mà sống, nghĩa là cả hai cùng vâng và cùng nghe nhau; chẳng ai là “chúa”, chẳng ai là “tôi” cả. Vì hai vợ chồng không phải là hai, nhưng là một mà. Người này nói, người kia vâng, người kia nghe; người kia bàn, thì người người vâng, người này nghe; cái gì tốt cho nhau, đẹp cho gia đình thì cùng nhau làm; đâu có chuyện hơn thua ở đây. Gia đình mà đâu có phải là bãi chiến trường hay nơi thi đấu đâu mà thắng với thua.
Hai vợ chồng mà VÂNG NGHE nhau, đó mới là hình ảnh đích thực của Đức Ki-tô và Hội Thánh. Thế mới gọi là tình yêu phu phụ chứ. PHU xướng, PHỤ tùy; PHỤ xướng PHU tùy. Hạnh phúc biết chừng nào !!!!!!!!!
- Tình yêu phu phụ là tình yêu nhân bản.
“Tình yêu đó có đặc tính nhân linh cao cả, vì từ một nhân vị này hướng đến một nhân vị kia, bằng một tình cảm tự ý, do đó, bao gồm hạnh phúc toàn diện của con người. Nên tình yêu vợ chồng có thể lồng vào những biểu lộ của thể xác và tâm hồn một phẩm giá đặc biệt và khiến chúng trở nên cao quí như những yếu tố và dấu hiệu đặc thù của tình yêu phụ phụ” (Sđd, số 48). Nghĩa là tình yêu đó vừa cảm giác, vừa thiêng liêng, phát sinh từ ý chí tự do, chứ không chỉ do tình cảm và bản năng. Tình yêu phu phụ là tình yêu của một con người chứ không như những con vật.
- Tình yêu phu phụ là trọn vẹn.
“Một tình yêu kết hợp yêu tố nhân loại và yếu tố thần linh như thế phải thấm nhuần cả đời sống và hướng dẫn đôi vợ chồng biết tự do trao hiến cho nhau qua những tâm tình và cử chỉ trìu mến”. Nghĩa là, để có một tình yêu phu phụ trọn vẹn, thì cả hai cùng chia sẻ mọi sự và tìm mưu ích cho người kia hơn là cho bản thân mình. Nếu, chỉ lo cho bản thân mình thì tình yêu đó trở nên ích kỉ và sẽ mau chóng tan biến, không làm cho hai vợ chồng hạnh phúc.
- Tình yêu phu phụ là chung thủy và duy nhất cho đến chết.
Tình yêu phu phụ “được thi hành cách thực sự nhân linh, những hành vi yêu thương biểu hiện và khích lệ sự trao hiến hỗ tương, nhờ đó hai người làm cho nhau thêm phong phú trong hoan lạc và biết ơn. Được bảo đảm và tín cẩn nhau, tình yêu đó trung thành và bất khả phân ly giữa cảnh đời thăng trầm”. Tức là khi vui cũng như khi buồn; khi ốm đau cũng như khi mạnh khỏe, luôn chung thủy với nhau và duy nhất cho đến đời đời.
- Tình yêu phu phụ hướng về sinh sản và giáo dục con cái.
Một gia đình không thể không có con cái. Có thể nói, nơi tình yêu phu phụ, đó là nơi tốt nhất cho con cái được sinh ra và nuôi dưỡng. Con cái chính là hoa trái của tình yêu phu phụ. Con cái chính là hồng ân của Thiên Chúa tặng ban. Đôi vợ chồng được Thiên Chúa mời gọi cộng tác với Chúa để sinh ra những “con người” trên mặt đất này. Không chỉ “sinh” mà còn phải “nuôi dưỡng” cho chúng nên người. Đó là trách nhiệm của đôi vợ chồng. Trách nhiệm đó vừa nặng nề, vừa cao quí.
Thực tế cho thấy, sống đời hôn nhân và gia đình; sống tình yêu phu phụ không dễ chút nào, đòi hỏi phải có một nhân đức phi thường. Nhân đức đó là: phải có một tình yêu bền vững; một tâm hồn quảng đại và một tinh thần hi sinh. Có tình yêu bền vững để trung thành với nhau mãi mãi; có tâm hồn quảng đại để tha thứ và giúp đỡ nhau và có tinh thần hi sinh để hi sinh bản thân mình cho người mình yêu, hi sinh cho con cái, hy sinh cho gia đình.
Vậy mừng lễ Thánh Gia hôm nay, mỗi người chúng ta hãy noi gương Thánh Gia mà sống. Hãy tập cho mình có một tình yêu bền vững; có một tâm hồn quảng đại và có một tinh thần hi sinh. Để dù mình sống đời hôn nhân và gia đình hay sống đời tận hiến, thì chúng ta sẽ làm cho nơi mình sống là một gia đình hạnh phúc; một nhà dòng hạnh phúc; một giáo xứ hạnh phúc, trong tình yêu phu phụ; trong tình yêu chân tình và chân thành. Vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa. Ai sống trong tình yêu Thiên Chúa thì người đó sống trong hạnh phúc và làm cho người khác cũng hạnh phúc như mình. Đúng là Một đời để yêu là một đời hạnh phúc.
Lm. Bosco Dương Trung Tín