Người có tâm hồn đồng trinh
- CN, 26/01/2025 - 16:13
- Lm Dương Trung Tín
CN IV MV
Người có tâm hồn đồng trinh
Tổng lãnh thiên thần Gabriel nói với Đức Ma-ri-a rằng: “Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được”(Lc 1,37).
Điều đó có nghĩa là Thiên Chúa là Đấng Toàn Năng, không có gì mà Thiên Chúa không làm được. Ví dụ như một người Trinh Nữ mang thai. Bình thường, khi một người nữ muốn có thai, thì phải có sự quan hệ với người đàn ông. Nhưng đây, không có sự quan hệ đó mà lại có thai, điều đó trái với lẽ thường và dứt khoát con người không thể làm được. Và chỉ có Thiên Chúa mới làm được thôi. Vì Thiên Chúa là Đấng Toàn Năng.
Chính Đức Ma-ri-a cũng không thể tin rằng sự việc đó có thể xảy ra. Ngài thưa với Thiên Thần rằng: “Việc đó xảy ra thế nào được, vì tôi không biết đến việc vợ chồng”(x. Lc 1, 34).
Thế đấy, “Khi được loan báo, mình sẽ hạ sinh “Con Đấng Tối Cao”, bởi quyền năng Chúa Thánh Thần, dù không sống đời vợ chồng, Đức Ma-ri-a đã tin chắc chắn rằng: Đồi với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được”, và “với sự vâng phục trong đức tin”, Mẹ đã đáp lại: “Này tôi là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa làm cho tôi như lời Thiên Sứ nói”. Như vậy, khi ưng thuận Lời Thiên Chúa, Đức Ma-ri-a trở thành mẹ của Chúa Giê-su. Không bị bất cứ tội lỗi nào ràng buộc, Mẹ hết lòng vâng theo ý muốn cứu độ của Thiên Chúa; tự hiến hoàn toàn cho Con của Mẹ và sự nghiệp của Người, để cùng Người và tùy thuộc vào Người mà phục vụ cho mầu nhiệm cứu chuộc, nhờ ân sủng của Thiên Chúa”(x. GLCG, số 494).
“Khi đào sâu đức tin về Đức Mẹ Đồng Trinh, Hội Thánh đi đến chỗ tuyên xưng Đức Ma-ri-a thực sự và trọn đời đồng trinh, ngay cả khi sinh Con Thiên Chúa làm người. Thật vậy, việc hạ sinh Đức Ki-tô, “không làm suy giảm nhưng thánh hiến sự trinh khiết vẹn toàn” của Mẹ. Phụng vụ của Hội Thánh luôn tôn vinh Mẹ là Đấng “trọn đời đồng trinh”(x. GLCG, số 499).
Chúng ta cùng tìm hiểu về chức năng làm Mẹ Đồng Trinh của Đức Ma-ri-a trong ý định của Thiên Chúa.
“Khi nhìn toàn bộ mạc khải với đôi mắt đức tin, chúng ta có thể khám phá những lý do nhiệm mầu khiến Thiên Chúa trong ý định cứu độ của Người, đã muốn rằng Con của Người sinh ra bởi một trinh nữ. Những lý do này liên hệ đến con người và sứ mạng cứu chuộc của Đức Ki-tô, cũng như đến việc Đức Ma-ri-a đón nhận sứ mạng này cho tất cả loài người”(x. GLCG, số 502).
Trước hết, “Sự đồng trinh của Đức Ma-ri-a cho thấy mầu nhiệm nhập thể hoàn toàn do Thiên Chúa khởi xướng. Đức Giê-su chỉ có Thiên Chúa là Cha. “Nhân tính mà Người đã đảm nhận không hề tách Người khỏi Chúa Cha. Người là Con của Chúa Cha theo thiên tính; là con của Đức Ma-ri-a theo nhân tính. Người là Con của Thiên Chúa theo hai bản tính”(x. GLCG, số 503). Và cũng có thể nói Người là con của Đức Ma-ri-a theo hai bản tính luôn. Lý do là Đức Mẹ được tuyên xưng là Mẹ Thiên Chúa mà. Đức Ma-ri-a là Mẹ Thiên Chúa, theo nghĩa là Mẹ Thiên Tính của Đức Giê-su, chứ không phải là Mẹ của Chúa Cha hay là Mẹ của Chúa Thánh Thần.
“Đức Mẹ đồng trinh, vì sự đồng trinh của Đức Ma-ri-a là dấu chỉ đức tin của Mẹ. Một đức tin “không bị mối nghi ngờ nào làm phai nhạt” và là dấu chỉ tận hiến trọn vẹn để chu toàn ý định của Thiên Chúa. Chính nhờ đức tin mà Đức Ma-ri-a trở thành Mẹ của Đấng Cứu Thế: “Đức Ma-ri-a thật là diễm phúc, vì Mẹ đã tin vào Đức Ki-tô hơn là vì Mẹ đã cưu mang thân xác Ngài”(x. GLCG, số 506).
Như vậy, “Đức Ma-ri-a vừa là Trinh Nữ, vừa là Mẹ, vì vừa là hình ảnh, vừa là sự thể hiện trọn vẹn của Hội Thánh. “Hội Thánh, vì tin tưởng đón nhận Lời Thiên Chúa, nên cũng được làm Mẹ. Thực vậy, nhờ việc rao giảng và ban phép rửa, Hội Thánh sinh hạ những người con được thụ thai bởi Thánh Thần. Họ được Thiên Chúa sinh ra để lãnh nhận đời sống mới bất diệt. Hội Thánh cũng là Trinh Nữ, bởi đã gìn giữ toàn vẹn và tinh tuyền lòng trung nghĩa đối với Phu Quân”(x. GLCG, số 507).
Như vậy, qua sự Đồng Trinh của Đức Ma-ri-a, chúng ta thấy Đồng Trinh của thân xác chưa nói được điều gì. Không phải là cứ không “quan hệ - làm tình” với ai là thánh thiện, tốt lành và không phải là cứ “quan hệ - làm tình” với người khác là xấu xa, gian ác. Không “quan hệ - làm tình” với ai, mà luôn đi nói hành, nói xấu; lúc nào cũng nghĩ xấu cho người khác; lúc nào cũng chê bai, chỉ trích; lúc nào cũng cau có, khó chịu; lúc nào cũng ghen ghét, ganh lỵ thì có thánh thiện chi đâu? Điều đó có nghĩa là Sự thánh thiện không hệ tại ở sự đồng trinh của thân xác; không hệ tại ở sự không quan hệ, mà hệ tại ở việc đón nhận Thánh Ý của Thiên Chúa. Đây tôi gọi là sự Đồng Trinh của Tâm Hồn.
Trong chương cứu độ, Thiên Chúa gửi cho chúng ta người này người kia; ban cho chúng ta dịp này dịp nọ, mà chúng ta biết đón nhận, để giúp chúng ta trên đường lữ thứ trần gian; giúp chúng ta sống ơn gọi của mình cho đắc đạo và viên mãn. Chính sự đồng trinh này mới làm cho chúng ta nên thánh nên thiện như Đức Ma-ri-a.
Kế đến là, “Đức Giê-su nhập thể trong lòng Trinh Nữ Ma-ri-a bởi phép Chúa Thánh Thần, vì Người là A-đam mới. Ngay từ lúc nhập thể, nhân tính của Đức Ki-tô đã tràn đầy Thánh Thần, vì Thiên Chúa “ban Thánh Thần cho Người vô ngần vô hạn”. Chính từ “nguồn sung mãn” của Người, là đầu của nhân loại được cứu chuộc, mà “chúng ta lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác”(x. GLCG, số 504).
“Khi nhập thể trong lòng Đức Trinh Nữ, Đức Giê-su, A-đam mới, đã khởi đầu một cuộc sinh hạ mới, những người con được nhận làm nghĩa tử trong Thánh Thần nhờ đức tin. Việc đó xảy ra cách nào đây? Việc thông phần vào sự sống của Thiên Chúa, không phải “do khí huyết”; cũng chẳng phải do ý muốn của xác thịt hay ý muốn của nam nhân, như do chính Thiên Chúa. Sự sống mới này được đón nhận cách trinh khiết, bởi nó hoàn toàn do Thánh Thần tặng ban cho nhân loại. Con người được mời gọi kết hợp với Thiên Chúa như trong một giao ước hôn nhân, ơn gọi này đã được thực hiện viên mãn nơi Đức Ma-ri-a làm Mẹ mà vẫn đồng trinh”(x. GLCG, số 505).
Chúng ta hãy noi gương, bắt chước Đức Ma-ri-a mà luôn luôn tin tưởng, cậy trông vào Chúa, vì Người là Đấng Toàn Năng; đồng thời, chúng ta cũng hãy vâng nghe Lời Chúa, cách trực tiếp từ Chúa hay qua những người khác, chúng ta sẽ thấy được sự lạ trong cuộc đời của mình. Sự Lạ như người Trinh Nữ mà sinh con vậy. Sự lạ đó là Thiên Chúa ở cùng chúng ta. “Đức Ki-tô ở trong cung lòng Đức Ma-ri-a chín tháng; ở trong cung điện đức tin của Hội Thánh đến tận thế; còn trong tâm hồn của người tín hữu đầy hiểu biết và yêu mến đến muôn đời”(Chân Phước I-sa-ác, Viện Phụ Đan Viện Sao Mai).
Theo đó, có thể nói là: Đức Ki-tô ở trong tâm hồn đồng trinh đầy hiểu biết và yêu mến từ bây giờ và cho đến muôn đời. Vậy, chúng ta hãy trở nên người có tâm hồn đồng trinh nhé. Vì bất cứ ai, trong bậc sống nào cũng có thể có tâm hồn đồng trinh được hết.
Lm. Bosco Dương Trung Tín