Người sáng trí và khôn ngoan
- CN, 26/01/2025 - 16:13
- Lm Dương Trung Tín
CN 22 QN
Người sáng trí và khôn ngoan
“Người sáng trí để tâm nghiên cứu các ẩn dụ;
kẻ khôn ngoan ao ước có tai thính để nghe”(Hc 3,29).
1.“Người sáng trí để tâm nghiên cứu các ẩn dụ”.
Nghiên cứu các ẩn dụ là tìm hiểu và tìm ra các điều bí ẩn có trong các dụ ngôn. Các điều bí ẩn là những chân lý, những điều bổ ích làm cho ta sống tốt, sống khỏe và sống hạnh phúc. Người sáng trí thì để tâm nghiên cứu các ẩn dụ này. Họ biết rút ra được nhiều bài học; học được những kinh nghiệm và áp dụng cho cuộc sống của mình.
Trong Phúc Âm, Đức Giê-su đã dùng nhiều dụ ngôn để giảng dạy. Như dụ ngôn Người gieo giống(x.Mt 13,4-9); dụ ngôn Cỏ lùng(x.Mt 13, 24-30); dụ ngôn Hạt cải(x.Mt 13, 31-32); dụ ngôn Men trong bột(x.Mt 13, 33); dụ ngôn Kho báu và ngọc quí(x.Mt 13, 44-45); dụ ngôn Chiếc lưới(x. Mt 13, 47-50); dụ ngôn Con chiên lạc(x. Mt 18, 12-14); dụ ngôn Tên mắc nợ không biết thương xót(x.Mt 18,23-35); dụ ngôn Người thợ làm vườn nho(x. Mt 20,1-16); dụ ngôn Hai người con(x.Mt 21,28-32); dụ ngôn Những tá điền sát nhân(x. Mt 21,33-42); du ngôn Tiệc cưới(x.Mt 22, 1-14); dụ ngôn Mười cô trinh nữ(x.Mt 25, 1-13); dụ ngôn Những yến bạc (x.Mt 25, 14-30); dụ ngôn Đồng bạc bị đánh mất (x.Lc 8-10); dụ ngôn Người Cha nhân hậu(x.Lc 15,11-32); dụ ngôn Người quản gia bất lương(x.Lc 16, 1-8); dụ ngôn Ông nhà giàu và La-za-rô nghèo(x.Lc 16,19-31). Khoảng 18 dụ ngôn. Mỗi dụ ngôn đều hàm chứa những mầu nhiệm cao cả, nếu chúng ta biết để tâm nghiên cứu, chúng ta sẽ hiểu biết được nhiều điều tốt cho đời sống hằng ngày và đời sống đức tin của chúng ta.
Trong kho tàng văn học thế giới cũng như Đất Nước, cũng có nhiều câu cao dao, tục ngữ. Đó là đúc kết những kinh nghiệm sống của những bậc tiền bối, được truyền lại cho các hậu bối.
Chúng ta nên để tâm nghiên cứu các ẩn dụ đó, để chúng ta trở thành những người sáng trí đích thực; trở thành người khôn ngoan chính tông. Người sáng trí thì để tâm nghiên cứu các ẩn dụ; còn người chưa sáng trí thì khi nghiên cứu các ẩn dụ, sẽ SÁNG TRÍ ra.
2.“Kẻ khôn ngoan ao ước có tai thính để nghe”.
Có tai thính để nghe cho rõ; ham nghe hơn là ham nói. Thường thì con người ta ham nói hơn là ham nghe. Ham nói thì dễ mang họa vào thân. Người ta nói: “Cái miệng làm khổ cái thân” mà. Câu này đúng theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Theo nghĩa đen, cái miệng mà ăn lung tung sẽ làm khô cái thân là “bị Tào Tháo đuổi” hay ăn nhiều quá cái thân sẽ bị béo phì và mắc nhiều thứ bệnh. Theo nghĩa bóng, cái miệng mà nói nhiều; nói bậy; nói sai sẽ bị ở tù; bị trù dập; gặp nhiều rắc rối.
Còn ai mà ham nghe sẽ thu được nhiều lợi ích; học hỏi được nhiều điều hay lẽ phải; biết được nhiều “kinh nghiệm xương máu” mà mình không đổ một giọt máu hay giọt mồ hôi nào. Nghe không phải để hóng hớt; không phải để đi tám; không phải để đi nói hành nói xấu mà là tích trữ cho mình những hiểu biết về sự đời; về cách ăn nết ở sao cho thích hợp; về cách xưng hô sao cho lễ phép; về cách ăn uống cho đúng phép lịch sự; về các mối tương quan cử xử sao cho đúng mực; về cách giải quyết các vần đề sao cho chuẩn mực; vv ......
Bởi thế người khôn ngoan đích thực thì ước ao cho mình có tai thính để mà nghe và cố gắng lắng nghe. Có thể nói, người biết lắng nghe, đích thực là người khôn ngoan. Thực ra, ai ai cũng có đôi tai để nghe được
hết, trừ những người bị điếc hay bị bệnh gì về tai thôi; còn ngoài ra ai cũng nghe được hết. Điều quan trọng là người đó có muốn nghe hay không.
Nói “ước ao cho mình có tai thính để nghe” là không phải nói về cái tai tốt mà muốn nói về người đó muốn nghe; muốn học hỏi; muốn được chỉ bảo; muốn được chỉ dạy; muốn hiểu, muốn biết thêm nhiều. Thường thì người ta cũng thích nghe nhưng thích nghe những chuyện phù phiếm, giật gân; nghe cho vui hay nghe để tò mò chứ có ít người nghe để mà học hỏi lắm. Nghe để được cứu độ; nghe để nên thánh nên thiện lại càng hiếm.
Cụ thể, chúng ta có thích nghe câu : “Con ơi, hãy hoàn thành công việc của con cách khiêm nhu”; hay “Càng làm lớn, con càng phải tự hạ” không?(Hc, 3, 17,18). Nếu chúng ta thích nghe và đem ra thực hành, chúng ta sẽ được “yêu mến hơn những người hào phóng và làm đẹp lòng Đức Chúa”.
Hay dụ ngôn, mà tôi đặt tên là dụ ngôn “Ngồi chỗ rốt”. Dụ ngôn này, tôi nghĩ một số người Công Giáo Việt Nam thi hành triệt để, nhưng chỉ có một nửa thôi. Chúa nói, khi đi dự tiệc thì đừng tìm chỗ nhất, nhưng hãy tìm chỗ rốt mà ngồi; để người ta phải mời mình lên chỗ nhất, ta sẽ được vinh dự trước mặt mọi người; Chứ mình ngồi chỗ nhất mà bị mời xuống chỗ rốt thì xấu hổ biết bao.
Một số người Công Giáo Việt Nam, khi đi dự lễ, thì thích ngồi chỗ xa bàn thờ thậm chí là ngồi ngoài sân cho mát mẻ, thoải mái. Được Cha Xứ hay người trong ban Hội Đồng mời lên trên ngồi, nhưng lại không chịu lên. Có lên cũng lầm bầm, càm ràm. Mà tuần nào cũng vậy, làm mệt lòng Cha Xứ cũng như những người làm việc. Được mời lên thì người ta vinh hạnh; còn đây được mời lên thì cảm thấy xấu hổ.
Thế nhưng, qua dụ ngôn đó, Chúa muốn cho chúng ta một bài học. Đó là “Phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống và ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên”. Không chỉ ở buổi tiệc mà đâu đâu chúng ta cũng phải mang lấy tinh thần này. Đừng bao giờ cho mình là nhất; là hay; là giỏi, kẻo bị hạ xuống. Hãy luôn luôn hạ mình xuống; hãy luôn sống khiêm nhường, ta sẽ được tôn lên; được quí trọng.
Qua dụ ngôn “Đãi khách”, khi làm tiệc đãi khách, thường chúng ta sẽ mời những người thân thuộc; quyền thế và giàu có; nhưng Chúa lại nói nên mời những người nghèo; những người cô thế cô thân thì hơn. Vì những người này không có mời lại chúng ta được, chúng ta sẽ được đáp lễ trong ngày sau hết. Tức là chính Chúa đáp lễ lại cho chúng ta.
Việc thực hành việc đãi khách này xem ra không khả thi và hầu như không ai thực hiện được. Nhưng tinh thần “phục vụ mà không màng báo đáp” thì chúng ta vẫn có thể thực hành được, trong những trường hợp chúng ta giúp đỡ những người nghèo hay bênh vực những người cô thế cô thân.
Việc để tâm nghiên cứu các dụ ngôn giúp chúng ta tìm ra ý nghĩa được hàm chứa trong đó. Có thể là nghĩa bóng; có thể là nghĩa đen; cũng có thể là nghĩa tinh thần. Như thế sẽ làm cho trí của chúng ta sáng ra và biết cách vận dụng vào cuộc sống của mình.
Vậy chúng ta ta hãy thành tâm nghiên cứu các ẩn dụ, để cho trí của chúng ta sáng ra và biết lắng tai nghe, để chúng ta thành người khôn ngoan đích thực. Chúng ta sẽ có được nhiều những kiến thức cũng như những “kinh nghiệm sống” làm cho chúng ta sống vui, sống khỏe, sống hạnh phúc và nhất là làm cho chúng ta nên thánh nên thiện.
Lm. Bosco Dương Trung Tín