Nhìn lên ảnh Mẹ
- T7, 07/12/2024 - 16:12
- Lm Phạm Quốc Hưng
NHÌN LÊN ẢNH MẸ.
LM Phạm Quốc Hưng, CSsR
Đó là sáng thứ ba ngày 21/5/1996. Tôi vừa thâu xong bài giảng cho Chương Trình Phát Thanh Mẹ Hằng Cứu Giúp tối hôm ấy. Khi đang sửa soạn đi Long Beach để đưa cuốn băng xuống phòng phát thanh, tôi nghe thầy Martin ở cùng nhà hỏi:
-Hôm nay Cha có xuống Long Beach không?
-Con tính xuống bây giờ đây. Tôi trả lời.
-Nếu được Cha để chiều chiều hãy xuống.
-Có chuyện gì vậy thầy?
-Có một ông cụ người ngoại giáo đau nặng đang nằm ở Memorial Hospital gần nhà Dòng Long Beach. Mình nên đến thăm an ủi ông ấy, và biết đâu trước việc làm bác ái của mình ông ta sẽ được ơn trở lại. Nghe đâu có các Mục sư Tin Lành và các thầy bên đạo Phật mấy hôm nay cũng hay đến thăm và khuyên nhủ ông ấy theo đạo họ đó. Nhưng hình như ông ấy chưa chịu theo đạo của họ.
Nghe thầy nói thế, tôi liền có dịp chia sẻ với thầy về quan niệm truyền giáo của mình.
-Con nghĩ nếu mình có thời giờ để đến thăm những người đau bịnh như vậy thì tốt quá. Đó là một việc bác ai làm đẹp lòng Chúa và đem lại niềm vui cho người khác. Khi mình không có thời giờ đến với họ được, nếu có những mục sư Tin Lành hay các thầy bên đạo Phật đến thăm và an ủi họ như thế thì thật mừng. Nếu mình có đến thăm họ là vì mình muốn bày tỏ lòng yêu thương đối với họ và muốn chia sẻ niềm vui khi được biết Chúa với họ. Chứ mình đâu có đến để “tranh mối” để giành tín đồ với các tôn giáo khác. Vì dù những người đau bịnh thuộc tôn giáo nào, họ vẫn là những con người được dựng nên giống hình ảnh Chúa, được Chúa yêu thương vô cùng, được mời gọi để hưởng ơn cưú chuộc, nhờ gía máu thánh Chúa Kitô, và mình có bổn phận phải yêu mến kính trọng họ. Còn việc có muốn theo đạo hay không là tùy ở ý thức và tự do của họ. Con rất sợ người ta hiểu lầm rằng chúng ta đến thăm họ chỉ cốt để “dụ họ vào đạo” mà thôi. Tiếc là con lu bu nhiều chuyện quá. Chứ nếu có giờ đến thăm ông cụ ấy thì tốt quá.
Thầy Martin vẫn từ tốn thuyết phục tôi.
-Mình hoàn toàn đồng ý với Cha. Nhưng mình nghĩ là cha nên đi với mình đến thăm ông cụ này. Sau vài lần mình thăm viếng ông cụ, biết đâu ông cụ sẽ được ơn trở lại.
Tôi hỏi lại thầy :
-Thầy có quen với ông cụ à ?
-Không phải. Nhưng mình quen với người con trai của ông. Thầy ôn tồn trả lời.
Dù ngày hôm ấy tôi còn nhiều việc phải làm, nhưng trước sự tha thiết muốn làm việc tông đồ bác ái của thầy, tôi đã bằng lòng đi thăm ông cụ với thầy. Tôi liền nói với thầy :
-Thầy đã nói thế thì con xin đi với thầy. Thầy muốn bao giờ mình đi ?
Thầy chậm rãi trả lời :
-Đến chiều thì anh Đức là người con của ông cụ mới về. Cha có thể đi Long Beach khoảng 5 hay 6 giờ chiều nay được không?
-Vâng con sẽ thu xếp để đi với thầy chiều nay.
Lúc gần 5 giờ chiều hôm ấy, tôi lấy xe đón thầy Martin cùng đi xuống Long Beach. Không hiểu nghĩ sao tôi lại mang theo dây các phép, sách nghi thức, nước và dầu thánh và cả Mình Thánh Chúa nữa. Khi xe bắt đầu lên xa lộ, theo thói thường tôi nói với thầy :
-Mình đọc ít Kinh kính Đức Mẹ để xin ơn đi đường bình an và cầu nguyện cho ông cụ mình sẽ thăm chiều nay nghe thầy ?
-Cha xướng kinh đi cho mình theo.
Thế là chúng tôi cùng nhau đọc một kinh Lạy Cha, ba kinh Kính Mừng, một kinh Sáng Danh, một kinh Hãy Nhớ, rồi kêu cầu Thánh Tâm Chúa, Mẹ Hằng Cứu Giúp, thánh cả Giuse, cha thánh Anphong...Tôi thầm dâng ông cụ xa lạ mà tôi sẽ gặp chiều nay cho Trái Tim Tinh Tuyết Mẹ. Tôi nài xin Mẹ cầu cùng Chúa đổ đầy ơn Thánh Thần của Chúa xuống trên tôi và trên ông cụ, để tôi biết cách an ủi ông cụ và giúp cảm nghiệm được tình yêu ngọt ngào của Chúa đối với cụ. Tôi cũng âm thầm xin Mẹ cầu xin Chúa giúp tôi biết nhẫn nại và sẵn sàng chấp nhận những sự khước từ hiểu lầm có thể xảy ra như nhiều câu chuyện tôi đã từng nghe.
Trước khi đến bệnh viện, chúng tôi ghé nhà dòng Long Beach. Sau khi để lại cuốn băng thâu bài giảng cho phòng phát thanh, tôi ra chỗ tủ kính trưng bày các mẫu ảnh thánh. Tôi bỗng gặp thấy những tấm ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp nho nhỏ thật xinh đẹp hiền từ. Tôi liền cầm lấy một tấm ảnh Mẹ và làm phép rồi bỏ vào túi áo. Sau đó cùng với thầy Martin tôi đến Memorial Hospitalcùng nằm tren đường Atlantic với nhà dòng chỉ cách xa vài trăm mét.
Lúc ra khỏi xe, tôi nói với thầy :
-Chắc con khỏi cần mang theo dây các phép, sách nghi thức và dầu thánh làm chi vì họ chưa bao giờ gặp mình mà. Cũng như chưa có ai cắt nghĩa lẽ đạo cho ông cụ. Chiều nay mình chỉ cần vào thăm cụ mà thôi.
Thầy tỏ ý tán thành.
Thế là hai thầy trò chúng tôi bước vào bệnh viện. Hỏi thăm thì được biết ông cụ mới được dời sang phòng mới. Theo sự chỉ dẫn của nhân viên, chúng tôi cùng tìm đến phòng mới này để gặp cụ.
Khi chúng tôi vào phòng của cụ Nguyễn Viết Đặng, chúng tôi thấy cụ đang nhắm mắt nằm trên giường. Cụ đang được truyền nước biển. Anh Đức là người con còn lại duy nhất của cụ chưa đi làm về. Có chị Tâm là người em họ của anh Đức đã đi làm về vào thăm cụ đang có mặt ở đó.
Khi chúng tôi vừa chào hỏi nhau được mấy câu thì anh Đức đã đi làm về và đến thăm cha anh. Thầy Martin giới thiệu tôi với anh Đức :
-Đây là Cha Hưng mà mình đã nói với anh mấy hôm trước.
-Xin hân hạnh gặp linh mục. Anh Đức vừa nói vừa bắt tay tôi.
-Em cũng hân hạnh được gặp anh nhờ thầy M giới thiệu. Tôi đáp lễ.
Sau đó tôi hỏi thăm anh Đức về bệnh trạng của ông cụ. Anh Đức ôn tồn kể thật đầy đủ về bệnh trạng của cụ. Tôi được anh cho hay cụ nay đã 94 tuổi. Bình thường cụ rất khỏe mạnh vạm vỡ và không có một thứ bệnh gì. Nhưng cách đó ít lâu, cụ bị thức ăn lọt qua khí quản vào phổi làm cho phổi bị sưng lên và có nước rất đau đớn. Mấy hôm gần đây cụ không ăn uống được gì nữa nên phải được tiếp nước biển.
Càng nghe anh Đức nói, tôi càng nhận ra anh là người con chí hiếu. Anh thương cha nên ngày nào đi làm về cũng vào bệnh viện thăm cha và ở lại đến khuya với cha mình. Gặp ai anh cũng xin cầu nguyện cho cha anh được lành mạnh, được an bình. Anh cũng thường vào nhà nguyện của bệnh viện để cầu khẩn cùng Đức Mẹ. Anh còn đọc thêm các sách về bảo vệ sức khỏe để săn sóc cha anh cho đúng cách. Anh nói rằng anh rất vui mừng khi thấy có nhiều người thuộc các tôn giáo khác nhau đến thăm viếng an ủi cha anh.
Chúng tôi đang nói chuyện thì có bác sĩ Minh là bác sĩ gia đình của cụ. Bác sĩ cho biết là vì cụ không ăn uống được nữa nên có lẽ sắp phải giải phẫu để gắn ống thực phẩm vào thẳng bao tử của cụ. Có thể mới hy vọng kéo dài sự sống của cụ. Mọi người đều cảm thấy mến mộ vị bác sĩ trẻ trung và tận tâm này. Sau đó bác sĩ chào biệt.
Anh Đức quỳ bên giường cha mình và tiếp tục tâm sự với tôi :
-Ông thân tôi rất rộng rãi với các việc từ thiên xã hội. Ông không theo đạo nào, nhưng ngày trước đã góp tiền của rất nhiều cho việc xây dựng chùa chiền và nhà thờ. Chú tôi đi theo đạo Công Giáo, nhưng không hiểu sao cha tôi không theo đạo và cũng không muốn tôi theo đạo. Bây giờ ông thân tôi đau nặng thế này, tôi chỉ muốn cho ông tìm được niềm tin nơi một tôn giáo nào đó để có sự bình an trước lúc sang bên kia thế giới. Xin linh mục thêm lời cầu nguyện cho ông thân tôi.
Bầu khí trong căn phòng lúc ấy thật trầm lắng. Nắng chiều đã tàn cũng như cuộc đời viên mãn của cụ Đặng đang đi vào đoạn kết. Khoa học kỹ thuật tiến bộ của ngành Y khoa hiện đại đã bó tay trước mênh trời dành sẵn cho mỗi kiếp người. Trước sự bất lực đó của khoa học, con người bắt đầu chân nhận sự giới hạn của mình và cảm thấy nhu cầu tâm linh rõ hơn.
Tôi cảm thấy một sự liên kết thật sâu xa giữa những người đang có mặt trong căn phòng. Vì chúng tôi có chung một mục đích là làm sao giúp cho cụ Đặng có được một niềm tin, được an bình trước lúc bước sang bên kia thế giới. Theo lời anh Đức, tôi được biết là ông cụ đã biết đến đức tin Công giáo phần nào vì em của cụ có đạo. Nhưng lý do nào khiến cụ không theo, tôi không biết và cũng không thắc mắc. Tôi cứ lắng nghe những lời trần tình thật chân thành tha thiết của anh Đức, để cảm thông với anh, để chia sẽ với anh nỗi lắng lo của một người con thảo trước cái chết gần kề của người cha kính yêu. Tôi tin rằng lòng thảo hiếu của anh chắc hẳn đã cảm được lòng Trời.
Tôi thong thả chia sẻ niềm tin với anh và mọi người có mặt trong phòng.
-Cảm ơn anh đã chia sẻ với em về tình trạng của cụ đây . Em thấy rằng chính trong những lúc như thế này, khi chúng ta nhận ra sự bất lực của con người trước đau khổ và sự chết, chúng ta mới có dịp nhận thức sâu xa hơn về gía trị của niềm tin tôn giáo trong cuộc sống chúng ta. Mỗi tôn giáo có một cái nhìn về đời sống con người, về ý nghĩa cuộc đời, về Thượng Đế, về thế giới bên kia.
Tôi ngưng một chút rồi tiếp tục :
-Trong niềm tin Công giáo, mỗi người được Thiên Chúa yêu thương và dựng nên giống Ngài, để họ nhận biết yêu mến và phụng sự Ngài và tìm được ý nghĩa trong cuộc sống hiện tại và chia sẻ sự sống và hạnh phúc với Ngài trong cuộc sống vĩnh cửu đời sau. Chúa Giesu chínhlà Con Thiên Chúa đã xuống làm người như chúng ta để dạy chúng ta biết Thiên Chúa là Cha yêu thương ta vô cùng. Và qua Chúa Kitô, Thiên Chúa ban ơn tha tội cho ta và hứa ban sự sống đời đời nghĩa là ơn cứu độ hay hạnh phúc Thiên đàng cho ta. Đối với người không có đức tin, chết là hết, hay chết là một sự mất mát hoàn toàn. Nhưng với niềm tin Công giáo, chết không phải là hết, nhưng là ngưỡng cửa để ta bước vào sự sống đời đời, để ta trở về với Chúa là Đấng đã dựng nên ta và sống bên Ngài mãi mãi.
Ông cụ vẫn đang nằm nhắm mắt trên giường. Tôi đoán rằng nếu cụ không ngủ và còn tỉnh táo có lẽ cụ đã nghe được những gì tôi nói nãy giờ. Anh Đức lại gần cụ lay nhẹ. Cụ mở mắt nhìn anh. Anh kéo chiếc chăn lên một chút cho cụ và nói với cụ :
-Có linh mục Hưng vào thăm ba.
Cụ đưa mắt nhìn tôi không nói.
Tôi cúi đầu chào cụ và khẽ nói :
-Con chào cụ. Nghe thầy M cho biết cụ đau cháu vào thăm cụ đây. Cụ có còn đau lắm không cụ ?
-Đau, đau lắm. Ông cụ rên rỉ.
Anh Đức chỉ những sợi dây tren giường và cho biết là có những lúc người ta phải cột tay chân cụ vào thành giường để cụ khỏi vùng vẫy vì đau. Rồi anh đưa tay âu yếm vuốt tóc cho cụ. Anh lại bắt đầu nói thêm về các diễn biến đã qua về bệnh tình của cụ.
Tôi liếc nhìn đồng hồ. Hơn một giờ đã trôi qua. Tôi đưa mắt nhìn thầy Martin. Chúng tôi ngầm hiểu với nhau là có lẽ cuộc thăm viếng hôm nay của chúng tôi nên chấm dứt ở đây. Tôi nói với anh Đức :
-Bây giờ em phải về. Em sẽ cầu nguyện cho cụ được lành mạnh, nhất là xin cho cụ được bình an như anh mong muốn. Em rất cảm phục tấm lòng thảo hiếu của anh và ngưỡng mộ đời sống quảng đại của cụ. Ông cụ sống đến tuổi này tức là lộc trời của cụ lớn lắm.
Anh Đức nhìn tôi với ánh mắt tri ân thành khẩn và nói bằng một giọng thật trầm đầy cảm xúc :
-Cám ơn linh mục rất nhiều đã có lòng quý đến thăm ông thân tôi. Tôi chẳng biết làm gì hơn nữa cho ông thân tôi. Xin linh mục tiếp tục cầu nguyện cho cha tôi. linh mục tiếp tục cầu nguyện cho cha tôi.
Tôi đỡ lời anh :
-Em nghĩ là ông cụ chắc rất hài lòng và cảm động trước lòng hiếu thảo của anh. Anh không nên lo nghĩ nhiều nữa vì anh đã làm hết khả năng để lo cho ông cụ.
Nói xong tôi lấy tấm ảnh Đức Mẹ Hằng Cúu Giúp ra và nói :
-Em biếu anh tấm ảnh này của Đức Mẹ. Đức Mẹ là Mẹ Chúa Giêsu và cũng là Mẹ thiêng liêng của mỗi người chúng ta. Bất cứ ai, không phân biệt tôn giáo, kêu cầu cùng Đức Mẹ, thì đều được Ngài cầu Chúa ban ơn cứu giúp.Vì thế người ta mới gọi Ngài là Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Chính em cũng được nhiều ơn giống như phép lạ do lời cầu của Đức Mẹ, nên em muốn anh biết đến Mẹ và tin yêu Mẹ hơn. Em mừng lắm vì thấy anh cũng đã có lòng yêu mến Đức Mẹ.
Trước khi đưa tấm ảnh của Mẹ cho anh, tôi lấy bút ra viết vào mặt sau bản kinh Kính Mừng, rồi trao cho anh và nói :
-Những lúc anh cầu nguyện với Đức Mẹ, anh cứ dùng bản kinh này, gọi là kinh Kính Mừng. Chắc chắn, anh sẽ làm vui lòng Đức Mẹ và Ngài sẽ chúc lành cho nguyện ước của anh.
-Cám ơn linh mục thật nhiều. Anh Đức vừa nói vừa cầm lấy tấm ảnh.
Anh đi lại chỗ đầu giường cụ Đặng và dựng tấm ảnh cho hướng về phía cụ. Cụ Đặng đưa mắt nhìn lên ảnh Mẹ cách thật tha thiết.
Một hứng khởi bỗng bừng lên trong lòng tôi. Tôi tiến lại gần cụ nắm lấy tay cụ và ân cần nói với cụ :
-Cụ ơi, Cụ biết không Chúa và Đức Mẹ thương cụ lắm đó. Chúa thương cụ nên đã cho cụ sinh ra làm người, cho cụ sống một cuộc đời thật đầy đặn. Đâu mấy người có được tuổi thọ như cụ. Chúa lại thương cụ đến nỗi ban cho cụ Chúa Giêsu và Đức Mẹ nữa. Nhất cụ rồi đó ! Cụ cứ yên tâm và tin ở tình thương của Chúa. Cụ đừng lo lắng sợ hãi gì vì Chúa luôn thương yêu cụ. Chết là sẽ được gặp Chúa và được sống bên Ngài đó.
Cụ lắng nghe và nhìn tôi cách trìu mến khiến tôi thật an tâm. Tôi đánh bạo hỏi cụ :
-Cụ ơi, Cụ có tin Chúa không ?
-Tin. Cụ trả lời thật rõ ràng và đơn sơ như một em bé
tiểu học đang trả bài.
-Thế cụ có tin Chúa Giêsu không ? Tôi hỏi thêm.
-Tin. Cụ trả lời thêm.
Tôi sung sướng đến quên hết mọi sự, nên hỏi luôn một câu vắn tắt :
-Cụ có tin tất cả những điều đạo Công giáo dậy không ?
-Tin. Cụ trả lời gọn gàng và rõ ràng cho mọi người cùng nghe.
Tôi liền hỏi thêm một câu có tính cách quyết định :
-Vậy cụ có muốn con rửa tội cho cụ để cụ được trở thành người Công giáo như con không ?
-Muốn.
Mọi người trong phòng đều ngỡ ngàng trươc những diễn tiến ngay trước mắt họ. Hơn chín mươi năm trường cụ khước từ niềm tin Công giáo, mà bây giờ chỉ trong chóc lát cụ đã bằng lòng đón nhận niềm tin từ một linh mục hòan toàn xa lạ.
Anh Đức ôm chầm lấy thầy Martin trong nghẹn ngào cảm xúc.
Tôi cảm thấy mình như đang trong giấc mơ.
Để chắc chắn, tôi hỏi cụ thêm :
-Con hỏi lại cụ nhé. Cụ có muốn cháu thay mặt cho Chúa Giêsu và Giáo Hôi Công giáo làm phép Rửa tội cho cụ để cụ trở thành một thành viên chính thức của Giáo Hội Công giáo, một người Công giáo như cháu không ?
Một lần nữa cụ trả lời thật gọn, thật rõ :
-Muốn.
Tôi đưa mắt nhìn anh Đức, chi Tâm và thầy M. Rồi tôi hỏi anh Đức :
-Bây giờ anh nghĩ sao ?
Anh Đức đáp :
-Ông thân tôi đã hoàn toàn tự do ngỏ ý muốn gia nhập đạo Công giáo thì xin linh mục giúp Rửa tội cho ông như sự mong ước Công giáo thì xin linh giúp Rửa tội cho ông như sự mong ước của ông.
Trời đã tối. Tôi không muôn mất giờ trở lại bãi đậu xe để lấy dây các phép, cuốn nghi thức, nước thánh và dầu thánh. Không chắc là ông cụ sẽ sống được bao lâu nữa, nên tôi quyết định Rửa tội ngay cho cụ.
Anh Đức và chị Tâm ân cần hỏi han tôi có cần gì để làm nghi thức không. Tôi nói chỉ cần chút nước, một cái thau để hứng nước, và khăn để lau cho cụ là đủ. Trong phòng có sẵn chai nước lọc để uống còn đầy hơn một nửa, thau và khăn bông cũng sẵn ở đó.
Tôi nhờ thầy Martin làm bõ đỡ đầu cho cụ và chọn thánh Cả Giuse làm quan thầy cho cụ với ý xin thánh cả cho cụ được ơn chết lành, điều mà mọi tín hữu đều mong ước.
Anh Đức và chị Tâm cũng phụ đỡ cho đầu cụ nghiêng lên để tôi Rửa tội. Tôi vui mừng đọc công thức Rửa tội khi đổ nước trên đầu cụ :
-Cụ Giuse Nguyễn Viết Đặng, con rửa cụ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.
Sau này anh Đức cho hay rằng anh cứ lo là khi tôi dội nước lạnh lên đầu cụ như thế chắn cụ sẽ la lên, nhưng anh đã lấy làm lạ vì cụ không la hét chi cả.
Khi cụ đã được lau khô và đặt cho nằm ngay lại, tôi hỏi cụ
-Cụ ơi, bây giờ cụ có vui mừng vì đã được làm con Chúa trong Giáo Hội Công giáo không ?
-Vui lắm. Cụ trả lời với nét mặt thật rạng rỡ tươi vui.
Tôi nắm lấy tay cụ ân cần nói với cụ :
-Bây giờ cụ vui lòng dâng mọi sự đau đớn của cụ cho Chúa để tỏ lòng yêu mến Chúa nhé vì Chúa Giêsu cũng đã hy sinh chịu đau khổ và chịu chết vì cụ.
-Vâng. Cụ trả lời.
Vì cụ không ăn uống được nên tôi không thể cho cụ chịu Mình Thánh Chúa. Tôi sung sướng nhìn khuôn mặt rạng rỡ ngập tràn đầy ơn thánh sủng của cụ. Linh hồn cụ chắc chắn còn xinh đẹp ngần nào vì đã được Thánh Tẩy bởi Máu Thánh Chúa Kitô qua dòngnước Rửa tội. Cụ đáng yêu quá sức. Tôi cúi xuống hôn lên trán cụ. Rồi tôi nói với cụ :
-Cụ sung sướng quá. Chừng nào cụ được lên Thiên đàng cụ nhớ cầu nguyện cho con nhé.
-Vâng.
Rồi thầy Martin và tôi chào cụ, anh Đức và chị Tâm để ra về.
Đó là một trong những ngày vui nhất của đời tôi.
Sáng hôm sau, tôi trở lại ban Phép Thêm Sức và Xức Dầu cho cụ. Cụ cũng xác định lại niềm vui sướng khi được làm con Chúa. Tôi đã giúp cụ nói ít câu tỏ lòng yêu mến Chúa và Đức Mẹ và dâng các đau khổ cho Chúa và Đức Mẹ.
Tôi còn đến thăm cụ mấy lần nữa. Bệnh tình cụ ngày càng nặng hơn. Người ta đã khoan lỗ bên hôn của cụ để tiếp đồ ăn cho cụ. Cụ vẫn còn phải tiếp nước biển và dùng ống thở dưỡng khí. Đau đớn nhất là cứ mấy tiếng người ta lại phải cho ống hút vào mũi cụ để hút bớt nước trong phổi của cụ ra. Anh Đức vừa mệt mỏi vì phải thức khuya dậy sớm lo lắng cho cha, vừa phải chứng kiến những đau đớn cha mình phải chịu. Biết rằng y khoa đã bó tay trong bệnh tình của cụ và đời sống cụ đã thật viên mãn, tôi âm thầm làm tuần Cửu Nhật kính Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp từ ngày 01-09/06/1996 để xin ơn chết lành cho cụ, sau khi đã làm một tuần Cửu Nhật để tạ ơn Chúa cho cụ được ơn làm con Chúa.
Một lần nữa, tôi cảm nghiệm được tình thương của Mẹ. Vừa kết thúc tuần Cửu Nhật vào tối ngày 09/06 thì trưa hôm sau thứ hai ngày 10/06/1996 anh Đức gọi cho biết cha anh vừa từ trần. Tôi lại bắt đầu một tuần Cửu Nhật khác để tạ ơn Chúa và Đức Mẹ đã cho cụ ơn chết lành.
Vừa được tin cụ qua đời,tôi liền lên bệnh viện. Anh Đức và một vài người bạn Công giáo của anh đã có mặt ở đó. Một cỗ tràng hạt đã được buộc vào đôi tay đang chắp lại trước ngực cụ. Thật lạ lùng khi thấy khuôn mặt cụ trông dường như xinh tươi hơn cả khi cụ còn sống. Vị mục sư Tin lành làm Tuyên Úy bệnh viện đang có mặt ở đó. Tôi đã làm phép xác và cầu nguyện cho cụ. Tôi có nói với vị mục sư là cụ đã được tôi Rửa tội theo nghi thức Công giáo. Ông ta nói là anh Đức chỉ muốn ông ta và tôi có mặt ở nghĩa trang để làm nghi thức trước khi hạ huyệt.
Tôi nói với anh Đức là ngay chiều tối hôm ấy, tôi sẽ dâng Thánh lễ tại nhà dòng cho linh hồn cụ Giuse Đặng, vì dù sao tôi cũng “có duyên” với cụ. Nếu anh muốn, xin mời anh đến tham dự.
Chiều hôm ấy anh chị Đức và một số bạn hữu trong và ngoài Công giáo đã đến dự thánh lễ cầu nguyện cho cụ. Sau lể, một bà người Công giáo đã quen biết gia đình anh Đức từ nhiều năm nói với tôi :
-Khi con mới nghe nói ông cụ Đặng đã được Rửa tội trước khi chết, con thật không tin được. Vì ông ấy đã bao lần khăng khăng không chịu theo đạo.Con vẫn thường khấn ông thánh Giuse cho ông ấy được ơn trở lại. Nên lúc con biết ông ấy được Rửa tội với tên thánh Giuse con thật vui sướng ngỡ ngàng. Quả là thánh Giuse thật phép tắc khôn lường. Cứ cầu khẩn thánh Giuse thì chúng ta sẽ được no đủ khi sống và an lành trong giờ chết.Con nghe nói có mấy thầy chùa đến thuyết giáo cho ông ấy. Ông ấy nói với họ là mấy ông về đi đức của tôi còn lớn hơn đức của mấy ông nữa. Ông ấy đâu có dễ thuyết phục.Cha làm sao mà ông ấy chịu theo đạo thì lạ thật
Tôi lại càng cảm tạ Chúa và Đức Mẹ vì đã thương ban ơn trở lại và ơn chết lành cho cụ Giuse Đặng.
Vừa tham dự thánh lễ xong, dù không hiểu biết các nghi lễ Công giáo, nhưng anh Đức đã đổi ý và xin tôi cử hành đầy đủ các nghi thức cho cha mình. Trong tình bác ái, nhiều bà con giáo dân và các bạn hữu Công giáo của anh đã đến tham dự các buổi đọc kinh tại nhà quàn và thánh lễ an táng của cụ Giuse Nguyễn Viết Đặng.
Thánh lễ an táng của cụ được tổ chức nhằm ngày lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu thứ sáu 14/06/1996 tại nhà thờ Đức Mẹ Mông Triệu ở Whittier, CA. Thật là một cơ hội tuyệt vời để ca ngợi tình thương vô bờ bến của Thánh Tâm Chúa dành cho nhân loại.
Cũng từ việc trở lại của cụ Đặng, tôi được hân hạnh quen biết giáo sư Duyên Hạc, một người có những đóng góp không nhỏ trong việc xây dựng nền văn học Việt Nam từ nhiều năm qua. Giáo sư dù không phải là tín hữu Công giáo nhưng đã cộng tác tích cực trong việc tô bồi cho tờ báo mang tên Mẹ Hằng Cứu Giúp khi tôi làm chủ bút.
Anh Đức cũng dành cho tôi cảm mến thật chân tình. Anh tiếp tục bày tỏ lòng thảo hiếu đối với cha mình qua việc xin lễ giỗ 49 ngày, 100 ngày, và đầy năm cho cụ Đặng. Thật cảm động khi anh viết cho tôi mấy hàng sau :“Với tôi linh mục bây giờ là người thân với tất cả những thương mến của tôi.”
Tôi vẫn nhớ đến cụ Đặng từng ngày và cầu nguyện với cụ như một vị thánh “của riêng tôi”. Cụ đã là một chứng từ sống động trong đời tôi về quyền năng và tình thương vô biên của Đức Mẹ. Phải chăng chỉ nhờ NHÌN LÊN ẢNH MẸ mà cụ được ơn làm con Chúa và ơn chết lành? Ước gì từng giờ phút của đời tôi luôn biết hướng về Mẹ, biết NHÌN LÊN ẢNH MẸ, để được Mẹ yêu thương, để được Mẹ cứu giúp, phù trì.
(Oct. 02, 1997)
PS: Bài này đã được đăng trên Nguyệt San Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp số tháng 11/1997 trong mục Câu Truyện Mục Vụ. Anh Đức-con Cụ Đặng cho biết là anh đã được Rửa Tội cách đây hơn chục năm. Giáo sư Duyên Hạc cũng đã qua đời gần 10 năm nay. Thầy Martin, người đã cho tôi cơ hội rửa tội cho Cụ Giuse Đặng cũng mới qua đời hôm Feb. 6, 2020. Câu truyện này cũng là an ủi lớn cho Thầy trong những ngày cuối đời. Nay xin chia sẻ với độc giả Thanhlinh.net để thấy vai trò của Đức Mẹ trong đời sống đức tin và hoạt động tông đồ. HP (Oct. 18, 2020)