Chơi hết mình và Sống hết mình
- CN, 26/01/2025 - 16:13
- Lm Dương Trung Tín
Chơi hết mình và Sống hết mình
“Tôi đã đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp, đã chạy hết cùng đường và đã gữi vững niềm tin”(2Tm4,7).
Trong lời mở đầu văn kiện “Hãy hiến tặng hết mình” của Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô, có viết: “Hiến tặng hết mình là một chủ đề căn bản trong thể thao, vì các vận động viên, cả trong tư cách cá nhân lẫn trong tư cách tập thể, luôn phải phấn đấu để đạt được mục tiêu của họ trong môn chơi của mình. Khi một người hiến tặng hết mình, họ cảm nghiệm được sự hài lòng và niềm vui thành tựu. Điều này cũng đúng trong đời sống con người nói chung và trong đời sống đức tin Ki-tô giáo”.
Đối với thánh Phao-lô, cuộc sống đức tin; công cuộc truyền giáo cũng giống như một cuộc thi đấu thể thao vậy. Ngài đã thi đấu đến cùng và đã gữi vững được niềm tin. Khi gần kết thúc cuộc sống trên trần gian này, thánh Phao-lô mới dám nói lên điều đó. Ngài là một người đã tin và đã dám sống đức tin của mình cho đến cùng.
Chúng ta, những người tín hữu Việt Nam, đang trong Năm Thánh mừng 30 năm ngày phong thánh cho 117 thánh Tử Đạo. Các Thánh Tử Đạo cũng đã sống hết mình vì niềm tin cho đến hy sinh đến giọt máu cuối cùng. Đó chẳng là mô phạm cho các tín hữu ngày nay cũng như cho các vận động viên nói chung và cho các cầu thủ bóng đá nói riêng, khi đang là Mùa bóng đá thế giới 2018 tại Nga sao !!!!!
- Chơi hết mình - một đức tính của thể thao và Sống hết mình là một đức tính của niềm tin.
“Hiến tặng hết mình”, nói nôm na là “chơi hết mình”. Người ta coi đó là một tinh thần rất quí báu của thể thao. Người ta gọi đó là “tinh thần thể thao”. Đó là một đức tính căn bản mà những vận động viện, những cầu thủ phải có. Và khi chơi hết mình như vậy, họ sẽ cảm thấy hài lòng; cảm thấy được niềm vui, dù khi có thành tựu hay không thành tựu.
Thế nhưng ngày nay, tinh thần thể thao đó hơi hiếm, do tác động của nhiều yếu tố, trong đó “Tiền” là yếu tố mạnh nhất. Đồng tiền đã làm mất tinh thần cao đẹp của thể thao; làm mất đi sự “chơi hết mình” ấy. Có thể nói, sự thương mại hóa đã làm cho tinh thần thể thao xuống cấp và không thấy nổi bật như xưa.
Đời sống đức tin cũng thế. Ngày nay, vì kinh tế, vì đồng tiền bát gạo, người tín hữu lo ăn, lo làm hơn là lo sống đức tin. Không còn sống hết mình vì Chúa, vì đức tin nữa, kể cả những Tu sĩ và Linh mục.
Khi xem các trận cầu, mà đội nào, cầu thủ nào có tinh thần thể thao, chơi hết mình thì trận đấu đó tuyệt vời, xem mà phấn khởi và hào hứng. Đội thua cũng không buồn mà đội thắng cũng xứng đáng. Khi chơi hết mình, thì cá nhân sẽ phát huy hết khả năng mình có cũng như phối hợp ăn ý với đồng đội, tạo ra những pha bóng tuyệt vời và những bàn thắng đẹp. Tinh thần thể thao là Vị thể thao chứ không Vị tiền. Tinh thần đức tin là Vị Chúa chứ không Vị tiền.
- Dùng thời gian.
Chơi hết mình là chơi từ đầu đến cuối, chơi cho tới khi nào trọng tài thổi còi ngưng thì thôi. Cái “Tinh thần” này thật là quan trọng. Chính tinh thần này mới là sức mạnh để có thể chơi hết mình và chơi cho đến giây phút cuối cùng. Cầu thủ nào không có tình thần này thì biết ngay. Có khi thắng trước một bàn, là bắt đầu lơ là, không cố gắng; nếu thua trước một bàn, là bắt đầu chán, rồi nản không muốn đá nữa.
Trong khi có cả 90 phút thi đấu chứ đâu có ít. Thế mà mới đầu, các cầu thủ đá tà tà, thi đấu mà cứ như đang luyện tập, cứ chuyền bóng cho nhau trên sân nhà, không chịu tấn công. Đến khi, chỉ còn 5 phút cuối cùng mới lo phản pháo. Lúc này tấn công thì vô ích, lại chẳng còn thì giờ nữa, nên thua là cái chắc. Tại sao các cầu thủ lại không tấn công ngay từ lúc đầu đi, có nhiều thời giờ cũng như tạo thêm phấn khởi ? Sợ mệt hay sợ mất sức chăng ? Nếu muốn khỏe thì ở nhà cho khỏe chứ đi thi đấu làm chi.
Các tín hữu trong đời sống đức tin cũng thế. Bây giờ còn trẻ, còn khỏe không lo cầu nguyện, đi dâng lễ; đợi đến lúc bệnh hoạn hay “gần đất xa trời” mới luống cuống, muốn cầu nguyện cũng chẳng có sức; muốn đi dâng lễ cũng không đi nổi; e là không kịp. Nếu chết bất đắc kỳ tử thì coi như Amen. Tại sao ta không cố gắng ngay từ bây giờ, cứ chuẩn bị sẵn sàng bằng một đời sống đức tin sâu xa và sốt sắng, có hơn không !!!
- Sự dấn thân và hiến dâng
Có cầu thủ có thể vì ích kỷ hay muốn ghi bàn sớm để được thưởng, nên có bóng mà không chuyền ngay cho đồng đội, cứ loay hoay giữ bóng, cuối cùng cũng bị mất bóng. Có lúc sút vào khung thành đối phương lại sút nhẹ hều, thủ môn bắt được hay đá ra ngoài. Còn đưa cho đồng đội thì sút cực mạnh, khiến đồng đội phải vất vả đón bóng. Nếu làm ngược lại thì tốt biết mấy.
Tinh thần thể thao là làm sao cho trái bóng vào lưới đối phương thì thôi. Không phải là háo thắng, mà đó là mục tiêu phải nhắm tới; có sự hiến thân; nghĩa là có sự cố gắng hết mình; có sự hiến dâng nghĩa là dám hy sinh bản thân mình để công phá để có những bàn thắng đẹp. Có người sợ bị thương, đâu có dám lao vô, thấy người ta ra cản phá là “thôi cứ lấy bóng đi”, cho tôi yên thân. Đá bóng mà không đá vào khung thành thì đá vào đâu ? Chẳng lẽ “đốt nhà”, đá vào khung thành nhà mình ư?
Tinh thần của người tín hữu là phải nên thánh chứ không muốn hơn thua với người khác. Tôi có hiến thân, tôi có dấn thân cũng là để phục vụ tha nhân và phụng sự Thiên Chúa, chứ không muốn đè đầu cưỡi cổ hay chà đạp người khác. Việc của tôi là phải nên thánh nên thiện qua những công việc mình làm hằng ngày.
- Tính cá nhân và tập thể
Trong thể thao, nhất là bóng đá cá nhân và đồng đội rất cần thiết, vì có lúc phải cần đến nỗ lực cá nhân; có lúc phải phối hợp với đồng đội. Hai điều này không thể tách rời nhau. Nếu cầu thủ nào thiên về cá nhân quá sẽ không có bóng mà sút; nếu thiên về đồng đội quá sẽ không có cơ hội ghi bàn. Bởi đó, mỗi cá nhân phải lo phát triển sở trường của mình đồng thời biết phối hợp với đồng đội, chắc chắn sẽ có kết quả.
Trong đời sống đức tin cũng thế, cá nhân và cộng đoàn sẽ hỗ trợ nhau, nhưng cá nhân là nồng cốt và cơ bản. Vì cá nhân có vũng mạnh thì cả cộng đoàn mới mạnh; cá nhân mà yếu thì cộng đoàn sẽ suy sụp. Do đó, mỗi người cần đào sâu và sống đức tin của mình, để giúp đỡ nhau, trợ lực cho nhau, cùng nhau nên vững mạnh.
- Sự vững mạnh, vững trãi
Nói đến sự vững mạnh, trong thể thao cần đến sự vững trãi và mạnh mẽ của một cầu thủ. Họ phải có thể lực, có kỹ năng chuyền bóng, dắt bóng, giữ bóng và sút bóng. Chứ chạy đến cầu môn thì mệt nhoài, không còn sức để đá nữa; có một mình một bóng cũng đá ra ngoài hay để thủ môn bắt được. Phải biết lượng sức và giữ sức của mình, đừng có chạy lung tung, để khi có thời cơ sẽ tung ra cú sút mạnh và chuẩn xác. Chứ đụng bóng là té; giữ bóng không được; chuyền bóng không xong, sút bóng ra ngoài thì còn nói gì nữa. Ai mà cần những cầu thủ như thế.
Đời sống đức tin cũng cần sự vững trãi, vì sống đức tin không phải dễ và trung thành cho đến giọt máu cuối cùng, cho đến hơi thở cuối cùng cũng không dễ làm bao giờ. Ngày nay, ta không thể giới hạn vào việc đọc ba câu kinh, lần hạt, dâng lễ một tuần một lần là được. Không. Muốn được vậy, người tín hữu phải đọc, suy gẫm và sống Lời Chúa hằng ngày. Lời Chúa là món ăn tinh thần; Lời Chúa là thức ăn đức tin của ta. Sống Lời Chúa làm cho đời sống đức tin của mình thêm mạnh mẽ; làm cho cuộc sống đức tin của mình thêm phong phú. Có thể ta mới gặp được niềm vui trong tâm hồn và bình an trong cuộc sống, dù biển đời có “ 3 chìm, 7 nổi, 9 cái lênh đênh”; dù bản thân mình có mang gông cùm, xiềng xích; dù có phải máu chảy đầu rơi; dù có phải gặp những bất công, những vất vả, những gian truân.
Vậy, như thánh Phao-lô và Các Thánh Tử Đạo tại Việt Nam, các ngài đã chiến đấu trong cuộc chiến đấu cao đẹp là cuộc chiến của đức tin. Các ngài đã chạy hết cùng đường, đã giữ vững niềm tin và các ngài đã lãnh được vòng hoa chiến thắng; đã lãnh được nhành lá tử đạo. Các tín hữu cũng hãy noi gương các ngài mà sống hết mình vì đức tin cũng như các cầu thủ hãy chơi cho hết mình trên sân cỏ, để cống hiến cho khán giả những pha bóng đẹp; những bàn thắng hay và những trận cầu hào hứng và phấn khởi. Tinh thần thể thao là “Chơi hết mình” và tinh thần đức tin là “Sống hết mình”.
Lm. Bosco Dương Trung Tín