Nhảy đến nội dung

Mình tha nợ người, Chúa tha tội mình

CN 24 QN            

“Mình tha nợ người, Chúa tha tội mình”

  Chúng ta có sống là sống cho Chúa; mà có chết cũng là chết cho Chúa. Vậy dù sống dù chết , chúng ta vẫn thuộc về Chúa”(Rm 14,8).

   Điều đó có nghĩa là :  “không ai sống cho chính mình; cũng không ai chết cho chính mình” cả. (x. Rm 14,7).

   Làm sao chúng ta có thể làm được điều này; sống điều này được? Chúng ta sẽ sống và làm được điều này qua việc tha thứ. Lời Chúa trong bài đọc 1 và bài Phúc Âm hôm nay cho thấy rõ việc chúng ta phải làm và phải sống trong cuộc sống của mình. Đó chính là sự tha thứ.

   Như chúng ta đều biết, việc tha thứ cho người khác, khi họ xúc phạm đến ta thật là một việc khó khăn. Có thể ví như nó còn khó hơn việc con lạc đà chui qua lỗ kim nữa. Ai trong chúng ta cũng cảm nghiệm được điều này. Và có điều nghịch lý là mình được tha thì vui sướng lắm, nhưng lại không biết tha thứ cho người khác.

   Qua dụ ngôn người đầy tớ độc ác, Chúa cho chúng ta thấy rõ được điều này. Một người đầy tớ kia mắc nợ ông chủ 10.000 yến vàng; số vàng tương đương với tiền công nhật của một năm; được ông chủ thương tha hết nợ cho; anh ta vui mừng lắm và ra về. Thế nhưng, khi đi về, anh ta gặp một người bạn mắc nợ anh ta 100 quan tiền, số tiền tương đương tiền công nhật của một tháng; anh ta liền bóp cổ và bắt người bạn phải trả nợ cho mình. Không trả thì tống người bạn vào tù cho đến khi trả xong nợ.

   Điều cần chủ ý là lời xin tha nợ hoàn toàn giống nhau : “xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả hết”(x. Mt 18,26;29). Thế nhưng ông chủ thì động lòng thương, tha cho y về và tha hết nợ; còn tên đầy tớ đó thì không động gì hết, tống ngục và phải trả hết nợ.

   Mắc nợ mà được tha hết nợ thì hạnh phúc biết chừng nào! Nhưng nhiều khi chúng ta chỉ biết có chính mình mà không dùng kinh nghiệm đó để đem niềm hạnh phúc đến cho người khác.

   Cuối cùng cũng cho biết một kết quả thật bất ngờ. Dù ông chủ đã thương và đã tha rồi, nhưng vì anh ta không chịu tha thứ cho người khác, nên ông chủ cũng rút lại lòng thương và đối xử như anh ta đã đối xử với bạn mình; đó là tống anh ta vào ngục, cho đến khi trả hết nợ cho ông. Và Chúa kết luận : “Ấy vậy, Cha của Thầy trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình” (x. Mt 18,35).

  Do vậy, chúng ta cũng hãy coi chừng, theo như dụ ngôn đó, chúng ta mà không tha thứ cho người khác; Chúa cũng sẽ không tha thứ cho chúng ta, dù ta đã xưng tội, đã được Chúa tha thứ rồi.  Đối với Đức Giê-su, chúng ta không chỉ tha đến 7 lần mà đến 70 lần 7, nghĩa là phải tha hết, tha hoài, tha mãi. Cứ mỗi lần người ta xin là tha.

   Chúng ta sẽ xem xét cụ thể hơn, nếu tha thứ thì sẽ được gì và không tha thứ thì sẽ ra sao qua bài đọc 1. Có 7 điều chúng ta cần ghi nhận.

  1. Kẻ báo thù sẽ chuốc lấy sự báo thù của Đức Chúa; tội lỗi nó Người xem xét từng ly” (x. Hc 28,1).

  Nếu chúng ta bị Chúa báo thù thì khốn khổ biết chừng nào; tội của chúng ta mà Chúa xem xét từng ly thì làm sao chúng ta có thể cứu thoát. Bởi đó, chúng ta đừng bao giờ báo thù ai, để chúng ta không bị Chúa báo thù và không bị Chúa xét nét từng li, từng tí.

  1. Hãy bỏ qua điều sai trái cho kẻ khác, thì khi bạn cầu khẩn, tội bạn sẽ được tha” (x. Hc 28,2).

  Nếu ta thấy điều sai trái của người khác, ta có thể và phải góp ý sửa sai. Nhưng nói xong thì thôi, chứ đừng để lòng hay in trí. Ai mà không có sai trái, đâu có ai thập toàn; mình cũng vậy mà. Tại sao thấy người sai có một lần mà cứ in trí, cứ nhớ mãi; trong khi có biết bao những điều đúng, điều tốt người ta làm. Thế có phải là chúng ta đã cư xử cách bất công không. Ta mà không bỏ qua, cứ nhớ mãi thì Chúa cũng sẽ không bỏ qua và cũng nhớ mãi lầm lỗi của ta đấy.

    Vật, tốt hơn  hết, ta hãy bỏ qua những lầm lỗi, những sai trái của người khác, để khi cầu khẩn, Chúa sẽ tha thứ cho ta; Chúa không nhớ mãi, Chúa sẽ bỏ qua những lầm lỗi của ta.

   Đối với thánh Giu-se Phạm trọng Tả(1800-1859), chánh tổng, tử đạo ngày 13, tháng 1 năm 1859, thì “Mình quên nợ người, Chúa quên tội mình”. Nợ đây là người ta nợ tiền; mình mà quên nợ tiền của người ta nợ mình, thì Chúa sẽ quên tội mình đó. Lời của một vị thánh tử đạo Việt Nam chúng ta đó. Hay không? Quá hay, quá tuyệt vời !!!!!!!  Đáng cho chúng ta xác tín và thực hành.

    Tiền người ta nợ mình là mồ hôi, là nước mắt của mình đấy. Thế nhưng khi so với tội mà ta xúc phạm đến Chúa thì chẳng là bao; mà nếu có đem ra trao đổi thì cũng đáng lắm chứ; ta vẫn còn lời to.

  1. Người với người cứ nuôi lòng hờn giận, thế mà lại xin Đức Chúa chữa lành” (x. Hc 28,3).

   Mình mà cứ nuôi lòng hờn giận người khác, thì làm sao chúng ta xin Chúa chữa lành; xin Chúa tha thứ cho chúng ta được cơ chứ. Ta mà cứ nuôi, cứ để lòng hờn giận người khác trong lòng; cứ để cho nó sống trong lòng, trong trí của ta, thì Chúa không chữa lành cho tâm hồn chúng ta được đâu. Vết thương đó sẽ khóec sâu mãi, không bao giờ lành đâu. Do đó, chúng ta đừng nuôi lòng hờn giận ai, nếu có thì cũng chút ít hay một thời gian ngắn thôi, rồi quên đi, để chúng ta được Chúa chữa lành. Sự hờn giận đó chẳng ngon lành hay béo bổ gì mà ta giữ mãi làm chi cho khổ; để lâu quá coi chừng thành ung thư, nó sẽ phá hết mọi sự tốt lành trong con người của ta đấy.

  1. Nó chẳng biết thương người đồng loại, mà lại dám xin tha tội mình” (x. Hc 28,4).

    Điều răn Chúa dạy là : “Hãy yêu người như chính mình” (x. Mt 22,39). Điều đó cùng có nghĩa là yêu đồng loại như chính mình. Mình là người yếu đuối, tội lỗi; thì người khác cũng vậy thôi. Nếu chúng ta không yêu thương đồng loại, không tha thứ cho người ta, mà lại dám xin Chúa tha thứ cho mình, thì chúng ta “chơi đểu” quá. Không. Chúng ta hãy thương đồng loại như chính mình, vì chúng ta đều là người, đều là những người yếu đuối và tội lỗi, để chúng ta được Chúa thứ tha.

  1. Nó chỉ là người phàm mà để tâm thù hận, thì ai sẽ xin tha tội cho nó? “(x. Hc 28,5).

  Câu trả lời là không có ai hết. Nếu chúng ta không để tâm thù hận ai, thì Đức Giê-su sẽ đứng ra xin Thiên Chúa tha tội cho chúng ta.

  1. Hãy nhớ đến ngày tận số, mà chấm dứt hận thù; nhớ mình phải hao mòn và phải chết mà trung thành giữ các điều răn” (x. Hc 28,6).

    Ngày tận số là ngày chết của chúng ta. Ai trong chúng ta sẽ phải chết, nhưng không biết chết lúc nào thôi. Khi chúng ta chết, linh hồn của chúng ta sẽ về với Chúa để chịu phán xét. Nết ta tốt lành thì được lên thiên đàng; nếu chưa tốt thì xuống luyện ngục; nếu ba trợn quá thì xuống hỏa ngục. Nghĩ đến ngày đó mà chúng ta không sợ sao? Không khiếp vía kinh hoàng sao? Đến ngày đó mà ta còn nuôi hận thù thì ta sẽ nhận lấy sự công thẳng của Thiên Chúa đấy; không có châm chước hay du di gì hết. Vậy hãy nghĩ đến ngày chết của ta mà chấm dứt hận thù ngay bây giờ đi; kẻo ngày đó đến bất thình lình thì ta vô phương cứu chữa đấy.

    Và hãy nhờ mình phải hao mòn, càng sống lâu càng lắm tội; thân xác thì càng mỏi mòn, yếu nhược và dần dần đi về cõi chết. Vậy thì ta hãy lo trung thành giữ các điều răn Chúa ngay từ bây giờ đi, kẻo muộn. Bây giờ ta còn mạnh khỏe, còn cố gắng được thì ta hãy cố gắng đi, kẻo đến ngày đó thì ta chẳng còn được gì đâu.

  1. Hãy nhớ đến các điều răn mà đừng oán hờn kẻ khác; nhớ đến Giao Ước của Đấng Tối Cao, mà không chấp nhất điều lầm lỗi” (x. Hc 28,7).

      Chúng ta hãy nhớ và thực hành các điều răn Chúa dạy, để ta không làm hại cũng như không oán hờn người khác. Nhất là nhớ Giao Ước của Đấng Tối Cao, Giao Ước vĩnh cửu của Đức Giê-su khi hiến dâng mình trên thập giá; Đấng đã đổ máu đào mà chuộc tội cho chúng ta, để chúng ta không chấp nhất lầm lỗi của người khác nữa.

     Qua dụ ngôn Chúa Giê-su nói : “Ấy vậy, Cha của Thầy trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình”. Có nghĩa là ta không tha thì Chúa cũng không tha. Thật ra, đó chỉ là cách nói mạnh để gây ý thức cho con người chúng ta mà thôi. Chứ Chúa thì lúc nào cũng sẵn sàng tha thứ cho chúng ta hết, nhờ sự hy sinh của Đức Giê-su trên thập giá. Chúa tha nhưng chúng ta có nhận được hay không lại là chuyện khác; lại là việc của mỗi người chúng ta.

  Khi chúng ta tha thứ cho người khác là chúng ta mở lòng ra để đón nhận sự tha thứ của Chúa. Khi chúng ta không tha thứ cho người khác là chúng ta tự đóng cửa lòng chúng chúng ta lại, ơn tha thứ của Chúa không vào lòng chúng ta được. Chúng ta không được tha thứ là do chúng ta chứ không phải do Chúa không tha.

   Vậy theo Lời Chúa dạy hôm nay, chúng ta hãy hết lòng tha thứ cho người khác, để chúng ta nhận được sự tha thứ của Chúa. Tha thứ cho người khác là một cách chết cho Chúa và khi lãnh nhận được sự tha thứ của Chúa là chúng ta sống cho Chúa đó. Là người Công Giáo Việt Nam, theo gương các thánh tử đạo, nhất là thánh Giu-se Phạm Trọng Tả, chúng ta hãy khắc cốt ghi tâm và sống câu châm ngôn của ngài : “Mình tha nợ người, Chúa tha tội mình”. Thế là chúng ta an tâm, không phải sợ hãi hay lo lắng gì khi sống ở trên đời này nữa và nắm chắc sự tha thứ của Chúa và được lên thiên đàng.

                                                                                             Lm. Bosco Dương Trung Tín

Tác giả: