Nhảy đến nội dung

Chết mà không Hết; Tiêu mà không Hao; Mất mà không Mất

CN V MC      

Chết mà không Hết; Tiêu mà không Hao; Mất mà không Mất

   Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi thì nó vẫn trơ chọi một mình; còn nếu chết đi nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12,24).

   “Cái chết đi” của hạt lúa là cái chết gì? Chúng ta biết trong hạt lúa có một cái mầm. Khi gieo xuống đất, thì cái mầm này sẽ nảy mầm và mọc lên thành cây lúa. Trong khi rễ lúa chưa mọc ra và chưa có khả năng nuôi cây, thì mầm lúa sẽ dùng những chất bổ chứa trong hạt lúa để sống. “Cái chết đi” của hạt lúa là ở chỗ này.

   Nếu chúng ta nhổ cây lúa lên xem, thì hạt lúa gieo lúc đầu chỉ còn có cái vỏ không mà thôi, phần thịt; phần chất bổ bên trong đã tiêu hết rồi; đã nuôi mầm lúa hết rồi. Đó là hình ảnh của cái chết; của sự tiêu hao; của sự mất đi. Thế nhưng sự chết này, sự tiêu hao này; sự mất đi này đã không vô ích, nó sẽ được đền bù lại khi cây lúa mọc lên và kết hạt. Có thể nói, cái chết của hạt lúa là “chết mà không hết”; tiêu mà không hao; mất mà không mất. Vì sẽ sinh ra được rất nhiều hạt, giống y như hạt đã được gieo vàng ươm và bổ dưỡng. Chứ nếu nói hạt lúa chết đi hay thối đi thì mầm lúa cũng không sống nổi và chắc chắn sẽ không có mùa bội thu. Qua đó, chúng ta mới thấy được ý nghĩa sâu xa cái “cái chết” của hạt lúa.

   Đức Giê-su đã lấy hình ảnh cái chết đó của hạt lúa mà nói về cái chết của chính mình. Chính Ngài sẽ như hạt lúa, gieo vào thế gian này; nếu Ngài không chết đi thì con người chúng ta sẽ không được cứu độ. Nếu Ngài chết đi, Ngài sẽ đem ơn cứu độ cho tất cả mọi người chúng ta, từ người đầu tiên cho đến người cuối cùng. Bởi đó, chúng ta cùng tìm hiểu về cái chết nhiệm mầu của Đức Giê-su Ki-tô.

  Theo sách Giáo Lý Công Giáo thì : “Cái chết đau thương của Đức Giê-su không phải là hậu quả của ngẫu nhiên do các hoàn cảnh bất ngờ hợp lại. Điều này thuộc về mầu nhiệm của ý định Thiên Chúa”(x. GLCG, số 599). Nghĩa là cái chết của Đức Giê-su là cái chết theo ý định của Thiên Chúa.

   Cái chết của Đức Giê-su là Cái chết vì tội lỗi chúng ta đúng như lời Thánh Kinh: “Ý định cứu độ của Thiên Chúa là giải thoát con người khỏi nô lệ tội lỗi nhờ cái chết của “Người tôi tớ, Đấng công chính”. Ý định này được báo trước trong Kinh Thánh như là mầu nhiệm cứu độ phổ quát. Thánh Phao-lô tuyên xưng đức tin mà Người đã lãnh nhận: Đức Giê-su đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như Thánh Kinh.

   Cái chết cứu độ của Đức Giê-su ứng nghiệm lời tiên tri về “Người tôi tớ đau khổ”: “Nhờ nỗi thống khổ của mình, Người sẽ nhìn thấy ánh sáng và được mãn nguyện. Vì đã nếm mùi đau khổ, Người công chính, tôi trung của Ta sẽ làm cho muôn người nên công chính và sẽ gánh lấy tội lỗi của họ” (x. Is 53,11);(x. GLCG, số 601).

   Như vậy, chúng ta thấy, Đức Giê-su biết rất rõ về cái chết của mình sinh lợi thế nào, nên Ngài sẵn sàng chấp nhận cái chết đau thương và mãn nguyện khi làm cho ý định cứu độ của Thiên Chúa được thành toàn.

   Vì con người chúng ta, Thiên Chúa đã coi Đức Giê-su như hiện thân của tội lỗi : “Khi cử chính Con Một Người đến trong thân phận tôi đòi; thân phận loài người sa đọa và phải chết vị tội lỗi, “Thiên Chúa vì chúng ta, đã coi Đức Ki-tô, Đấng không hề biết tội là gì, như hiện thân của tội lỗi, để trong Người, chúng ta được trở nên công chính trước mặt Thiên Chúa” (x. GLCG, số 602).

   Vì yêu thương, Thiên Chúa đã đi bước trước để cứu chuộc mọi người: “Khi trao nộp Con của Người vì tội lỗi chúng ta, Thiên Chúa cho thấy ý định yêu thương của Người đi trước mọi công trạng của chúng ta: “Tình yêu cốt ở điều này: Không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta và đã cử Con của Người đến hy sinh làm của lễ đền tội cho chúng ta”(x.1Ga4,10). “Bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta là Đức Ki-tô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là tội nhân”(x. Rm 5,8)(x.GLCG, số 604). Và “Tình yêu này (của Thiên Chúa) không loại trừ một ai” (x. GLCG, số 605). Tức là mọi người đều có thể, nếu muốn thì nhận được, dù người đó là ai.

   Đối với Đức Giê-su, “Ước muốn sống chết với ý định yêu thương cứu chuộc của Chúa Cha là động lực cho cả cuộc đời của Ngài” (x. GLCG, số 607). Có thể nói, vì đó mà Đức Giê-su đã nhập thể và nhập thế; cũng như chấp nhận “chén đắng” mà Ngài phải uống. Có thể nói, tất cả cuộc sống của Đức Ki-tô là của lễ dâng tiến Chúa Cha, từ lúc nhập thể làm người, cho đến khi chết trên thập giá.

    Ngài đã tự nguyện sống chết theo tình thương cứu chuộc của Chúa Cha: “Khi sống chết với tình thương của Chúa Cha dành cho con người, bằng trọn trái tim nhân loại của mình, Đức Giê-su đã yêu thương con người chúng ta đến cùng, vì “Không có tình thương nào lớn hơn tình thương của người hy sinh mạng sống mình cho bạn hữu”(x.Ga 15,13). Như vậy trong đau khổ và cái chết, nhân tính của Người đã trở thành dụng cụ tự do và hoàn hảo cho tình yêu Thiên Chúa, luôn ước muốn cứu chuộc loài người. Quả thật, Người đã tự do chấp nhận chịu nạn và chịu chết vì yêu mến Chúa Cha và yêu thương loài người” chúng ta(x. GLCG, số 609).

     Đức Giê-su làm thế là để thay thế cho sự bất tuân của con người chúng ta. Điều bất tuân đó được biểu hiện qua sự bất tuân của A-dam: “Cũng như vì một người duy nhất đã không vâng lời Thiên Chúa (đó là A-dam), mà muôn người bị liệt vào hàng tội nhân; thì cũng nhờ một người duy nhất đã vâng lời Thiên Chúa(đó là Đức Giê-su), muôn người cũng sẽ được kể là công chính. Nhờ vâng phục cho đến chết, Đức Giê-su đảm nhận hoàn toàn vai trò Người tôi Tớ Đau Khổ “hiến mạng sống mình làm của lễ đền tội cho muôn dân”(x, GLCG, số 615).

    Như thế, cái chết đau thương của Đức Giê-su trở thành vinh quang cho Thiên Chúa, vì đã làm cho ý định cứu chuộc của Thiên Chúa được hoàn thành; trở thành vinh quang cho chính Ngài, cũng như là của lễ hy sinh cho con người chúng ta.

   Vậy chúng ta hãy tạ ơn Chúa luôn mãi, vì Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta quá đỗi và mãi mãi. Chúng ta cũng hãy yêu mến Đức Giê-su, đi theo Người và phục vụ Người, vì để cứu chuộc chúng ta, Người đã hiến dâng mạng sống mình cho Thiên Chúa. Có như thế, Đức Giê-su ở đâu thì chúng ta cũng sẽ ở đó với Ngài. Đức Giê-su đã ở trong đau khổ và trên thiên đàng, chúng ta cũng sẽ ở trong đau khổ và trên thiên đàng với Đức Giê-su và chúng ta sẽ được Chúa Cha quí trọng.

   Noi gương Đức Giê-su, chúng ta cũng hãy yêu thương và hy sinh thân mình vì người khác. Đó chính là biểu tượng và ý nghĩa cái chết của hạt lúa. Cái chết đó là cái “chết mà không hết; tiêu mà không hao; mất mà không mất” đấy. Vì nó đem lại hạnh phúc, niềm vui và ơn cứu độ .

  Lm. Bosco Dương Trung Tín

Tác giả: