Nhảy đến nội dung

Tản mạn Chuyện tình Em-ma-nu-en

Tản mạn Chuyện tình Em-ma-nu-en

“Ngôi Lời đã làm người và cư ngụ giữa chúng ta”(Ga 1,14).

Đó là mầu nhiệm Giáng Sinh. Trong mầu nhiệm Giáng Sinh, “Đức Giê-su được sinh hạ khiêm tốn trong chuồng sức vật, thuộc một gia đình nghèo. Các mục đồng chất phác là những chứng nhân đầu tiên của biến cố. Chính trong cảnh nghèo hèn này mà vinh quang Thiên Chúa được tỏ lộ. Hội Thánh không ngừng hoan hỷ hát mừng vinh quang đêm ấy như sau:

“Hôm nay, Đức Trinh Nữ hạ sinh Đấng Hằng Hữu,

Thế gian dâng tặng hang đá cho Đấng vô biên.

Thiên Thần và mục đồng ca tụng.

Đạo sĩ tiến bước theo ánh sao,

Bởi Người sinh ra cho chúng con.

Lạy Chúa Hài Nhi, Chúa Trời Hằng Hữu !” (x. GLCG, số 525).

Vâng. Mầu nhiệm Giáng Sinh đó, đã được loan báo cho thánh Giu-se: “Này đây, một Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai. Người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en. Nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”(x. Mt 1,23).

Nhạc sĩ Mai nguyên Vũ, đã sáng tác bài hát “Chuyện tình Em-ma-nu-en”, có lời như sau: PK 2 “Tim con giờ đang đau nhói. Nhân gian đón Chúa muôn trùng: Bê-lem gió rét lạnh lùng, chẳng nơi tạm dung. Dâng lên mềm rơm hôi nồng. Dâng lên vành nôi giá băng, bạn dê với chiên, mục đồng khó nghèo ghé thăm”.

ĐK “Em-ma-nu-en, một chuyện tình kỳ lạ nhất trần thế; một chuyện tình say đắm muôn thế hệ, làm nhỏ bao châu lệ; làm đui muôn lý trí. Em-ma-nu-en, một cuộc tình chẳng môn đăng hộ đối, một cuộc tình gây chấn động đất trời: Thiên Chúa yêu con người, hạ sinh xuống cõi đời”.

Đúng vậy. Em-ma-nu-en, không phải là câu chuyện thần tiên, mà là câu chuyện của Thiên Chúa. Cũng không phải là câu chuyện rùng rợn, mà là một câu chuyện tuyệt vời. Cũng không phải là câu chuyện hư cấu, mà là kế hoạch của Thiên Chúa. Cũng không phải là câu chuyện đùa, mà là một câu chuyện có thật. Cũng không phải là câu chuyện “ngày xửa ngày xưa” mà là câu chuyện của bây giờ, của mãi mãi. Cũng không phải là câu chuyện cười, mà là câu chuyện vui mừng và bình an. Một câu chuyện đáng chúc mừng, một câu chuyện tình, “Chuyện tình Em-ma-nu-en”. Chuyện tình đó là “Thiên Chúa yêu con người; hạ sinh xuống cõi đời”.

Chuyện tình đó thật kỳ lạ, kỳ lạ nhất trần thế: Thiên Chúa đi yêu con người. Một Thiên Chúa lại xuống thế làm một con người. Chuyện tình đó đã hơn hai ngàn năm rồi, trải qua bao thế hệ, vẫn làm con người chúng ta say đắm, tìm hiểu, suy gẫm. Đã có biết bao giọt nước mắt rơi, khi suy gẫm về Mầu Nhiệm Giáng Sinh; mầu nhiệm Con Thiên Chúa làm người. Quả thật, Câu chuyện Tình này đã “làm đui muôn lý trí”, đã làm cho lý trí của con người chúng ta không thể hiểu thấu. Tại sao, Thiên Chúa lại yêu con người; tại sao Thiên Chúa lại xuống thế làm người?

Đó là một cuộc tình “chẳng môn đăng hộ đối”. Một bên là một Thiên Chúa Cao cả, Quyền năng, với ba lần Thánh. Một bên là một con người hèn mọn, yếu đuối và tội lỗi. Thật chẳng cân xứng chút nào; không có môn đăng hộ đối chút nào hết !!! Một cuộc tình “Gây chấn động đất trời”. Nó như một cuộc động đất mạnh nhất với 12 độ rích-te. Nó như nổ tung, là rung chuyển cả trời đất, không còn biết đâu là trời, đâu là đất. Vì với biến cố Giáng Sinh, “trời ở dưới đất và đất ở trên trời. Thiên Chúa xuống thế làm người; con người được lên thiên đàng với Thiên Chúa”.

Không chấn động sao được, khi Thiên Chúa “ở chuồng”:

Chim có tổ, chồn có hang,

Con Người thì tính tình tang “ở chuồng”. (x. Mt 8,20)

Thiên Chúa “ở chuồng”. Thiên Chúa làm một hài nhi mới sinh, nên chỉ quấn tã thôi, không “ở truồng” sao được. “Ở chuồng” đây còn được hiểu là ở chuồng bò, chuồng súc vật.

“Mầu nhiệm Giáng Sinh được thực hiện nơi chúng ta, khi Đức Ki-tô “thành hình” nơi chúng ta. Giáng Sinh là mầu nhiệm của việc “trao đổi kỳ diệu” này: “Ôi việc trao đổi kỳ diệu ! Đấng sáng tạo loài người, đã đoái thương làm con một Trinh Nữ, đảm nhận một thể xác và một tâm hồn và đã ban cho chúng ta thiên tính của Người khi làm người mà không cần đến sự can thiệp của con người” (x. GLCG, số 526). Chỉ nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần. Nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần mà Đức Giê-su được thụ thai trong lòng Đức Ma-ri-a.

Chân phước I-sa-ac, Viện phụ đan viện Sao Mai nói: “Đức Ki-tô ở trong cung lòng Đức Ma-ri-a 9 tháng; trong cung điện đức tin của Hội Thánh đến tận thế; còn trong tâm hồn tín hữu đầy hiểu biết và yêu mến đến muốn đời”(Trích Kinh sách bài đọc 2, ngày thứ 7, CN II MV).

Nói cách ngắn gọn là Đức Ki-tô ở trong cung lòng Đức Ma-ri-a 9 tháng 10 ngày; ở trong cung điện đức tin của Hội Thánh cho đến ngày tận thế và ở trong tâm hồn người tín hữu cho đến muôn đời. Đức Giê-su ở trong cung lòng Đức Ma-ri-a 9 tháng 10 ngày, đó là luật tự nhiên khi mang thai và sinh con của loài người chúng ta. Đức Ki-tô ở trong cung điện của Hội Thánh, tức là Đức Ki-tô hiện diện trong Hội Thánh, trong Lời Chúa, trong các bí tích nhất là bí tích Thánh Thể cho đến ngày tận thế. Sau ngày tận thế, không còn Hội Thánh; không còn các bí tích; không còn Lời Chúa và cũng không còn bí tích Thánh Thể nữa. Còn Đức Ki-tô ở trong tâm hồn người tín hữu cho đến muôn đời. Nhưng tâm hồn đó là một tâm hồn đầy hiểu biết và yêu mến, chứ không phải bất cứ tâm hồn nào.

Bởi đó, chúng ta là những người tín hữu, những người, qua phép rửa đã được nên con cái Thiên Chúa, chúng ta hãy trở nên những người có tâm hồn đầy hiểu biết và yêu mến. Chúng ta hiểu biết về mầu nhiệm Giáng Sinh; chúng ta hiểu biết về việc Ngôi Lời đã làm người để chúng ta yêu mến Thiên Chúa và yêu thương anh chị em của mình.

Chúng ta suy gẫm để hiểu biết về Ngôi Lời Thiên Chúa làm người để làm gì. “Ngôi Lời đã làm người để cứu độ chúng ta. Ngôi Lời đã làm người để giúp chúng ta nhận ra tình thương của Thiên Chúa. Ngôi Lời đã làm người để trở nên mẫu mực thánh thiện cho chúng ta. Ngôi Lời đã làm người để chúng ta được thông phần bản tính của Thiên Chúa”(x.GLCG, số 457-460).

Có như thế, chuyện tình Em-ma-nu-en mới thật sự là chuyện tình kỳ diệu và làm say đắm cuộc sống của chúng ta; làm chấn động cuộc đời chúng ta, khi chúng ta được cứu độ; khi chúng ta nhận ra tình yêu thương của Thiên Chúa; khi chúng được nên thánh nên thiện như Chúa; khi chúng ta được thông phần bản tính Thiên Chúa và chúng ta sẽ được ở với Chúa bây giờ và mãi mãi.

CHÚC MỪNG GIÁNG SINH

Chim có tổ, chồn có hang,

Con Người thì tính tình tang “ở chuồng”.

(x. Mt 8,20)

Kính chúc toàn thể QUÍ VỊ,

MÙA GIÁNG SINH

AN LÀNH- HẠNH PHÚC

và luôn TÍNH TÌNH TANG

ở trần thế, giữa cơn đại dịch Co-vid này như HÀI NHI GIÊ-SU

Lm. Bosco Dương Trung Tín

Tác giả: