Nhảy đến nội dung

Mục đích tối hậu của đời ta : Nên hoàn thiện

CN 7 QN       

Mục đích tối hậu của đời ta : Nên hoàn thiện

 

Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt5,48).

     Cha trên trời hoàn thiện thế nào? Đó là “Người cho mặt trời mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt; và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất lương” (x. Mt 5, 45).

   Con người sống trên mặt đất này, đời nào cũng vậy và thời nào cũng thế, có người xấu, người tốt; có người công chính cũng như kẻ bất lương. Thế nhưng, Thiên Chúa cho mặt trời soi sáng cũng như cho mưa rơi xuống trên tất cả mọi người không trừ một ai. Điều đó, nói lên sự hoàn thiện của Thiên Chúa và đó cũng là sự thánh thiện của Thiên Chúa nữa (x. Lv 19,2).

   Qua đó, chúng ta cũng xác tín rằng, Thiên Chúa ban mọi ơn lành và ơn tha thứ cho tất cả mọi người không trừ một ai. Thế nhưng, chỉ những người nào biết cầu nguyện và biết tha thứ cho người khác, thì mới nhận được ơn Chúa và ơn tha thứ của Ngài mà thôi. Biết cầu nguyện và biết tha thứ là chúng ta mở lòng ra để đón nhận, nếu không thì ta như đóng cửa lòng mình, làm cho ơn Chúa không vào lòng chúng ta được. Cũng như, nếu như ta không ở cửa thì ánh sáng mặt trời sẽ không lọt vào nhà của ta được và nếu trời có mưa to mà ta đậy hũ, đậy lu lại thì nước mưa sẽ không vào đó được vậy.

    Ta sẽ tự hỏi tại sao trong dụ ngôn “Tên mắc nợ không biết thương xót”, Đức Giê-su lại nói : “Ấy vậy, Cha Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như vậy, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình” (Mt 18,35). Điều đó hiểu nôm na là ta không tha thì Chúa cũng không tha.

    Theo tôi nghĩ, đó là một cách nói “mạnh” để con người chúng ta phải tha thứ cho người khác thôi. Vì Chúa là Thiên Chúa, Ngài không như con người được. Thiên Chúa không ngang hàng với con người để đối xử như vậy. Nếu Chúa mà làm vậy, nghĩa là ta không tha thì Chúa cũng không tha, thì Chúa không là Thiên Chúa nữa. Theo kiểu nói dân gian : “Mày không tha, tao cũng không tha”, thì đâu có gì để nói nữa. Tao cũng như mày, mày cũng như tao, có nghĩa là Chúa cũng như ta mà ta cũng như Chúa, “Cá mè một lứa” à? Và nếu là như vậy, thì Chúa đâu có tư cách nào mà truyền cho ta phải nên hoàn thiện, nên thánh thiện như Chúa được, phải không bạn !!!

    Trong toàn bộ quyển Thánh Kinh, Kim chỉ nam xuyên suốt là Thiên Chúa là Đấng từ bi và nhân hậu, chậm bất bình và giàu lòng thương. Thiên Chúa không như con người, xác đất vật hèn của ta được.

    Thiên Chúa rõ ràng là không thiên vị ai, dù là người giàu hay nghèo; xấu hay tốt; công chính hay bất lương. Bởi đó, Thiên Chúa là Đấng thánh thiện và hoàn thiện. Thiên Chúa, qua Đức Giê-su cũng mời gọi mỗi người chúng ta hãy nên hoàn thiện như Thiên Chúa. Nên hoàn thiện tức là nên thánh nên thiện. Do đó, mục đích tối hậu của đời người chúng ta là nên hoàn thiện, nên thánh nên thiện. Nói cách khác, chúng ta sống trên đời là phải nên thánh nên thiện.

    Vậy ta phải làm gì để hoàn thiện con người mình đây?

    Trong bài đọc 1, có nêu lên 4 điều:

  1. Không được để lòng ghét người anh em (x. Lv 19,17).
  2. Không được trả thù. (x.Lv 19, 18a).
  3. Không được oán hận (x. Lv 19,18 b).
  4. Phải yêu đồng loại như chính mình (x.Lv 19,18c).

Trong bài Phúc Âm cũng nêu ra 4 điều :

  1. Đừng chống cự người ác (x.Mt 5, 39).
  2. Ai xin thì hãy cho (x.Mt 5,42a).
  3. Ai muốn vay mượn thì đừng ngoảnh mặt đi (x.Mt 5,42b).
  4. Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em (x. Mt, 5,44).

      Quả thật, người không để lòng ghét ai là người hoàn thiện. Ghét thường đi với ghen. Thấy người ta xấu, bất chính mà không ghét; thấy người ta tốt, công chính mà không ghen thật là người tốt lành, thánh thiện.

      Gặp người ngược đãi hay làm khó, làm hại mình mà không trả thù, không oán hận, lại yêu thương và cầu nguyện cho họ nữa thì là người thánh thiện rồi. Có thể nói là đã yêu đồng loại như chính mình rồi. Vì chính bản thân ta cũng có lúc làm khó, làm hại người khác mà. Thế mà mình có ghét mình, có trả thù, có làm hại mình bao giờ. Yêu đồng loại như chính mình có nghĩa là mình yêu mình làm sao thì mình yêu người khác làm vậy.

      Còn việc “đừng chống cự người ác” là sao? Chẳng lẽ cứ để kẻ ác làm điều xấu, điều ác cho mình và cho người khác sao? Chắc là không phải như vậy rồi. Chẳng vậy, ta sẽ dung túng và đồng lõa với họ luôn. Ở đây, chữ “Chống cự” phải hiểu là nếu nó tát má phải thì đưa luôn má trái; nó muốn lấy áo trong thì cho luôn áo ngoài; nó muốn đi 1 dặm, ta đi với nó 2 dặm, tức là ta phải làm hơn những gì nó muốn.

       Chẳng hạn, nó muốn cướp của, mà ta thấy không thể nào chống cự lại thì ta cứ để cho nó lấy, đừng có chống cự kẻo mất cả mạng. Người ta gọi là “Của đi thay người” đó mà. Nếu ta chống cự thì có khi mất cả tiền, mất cả mạng. Biết nó lấy thì cứ để cho nó lấy, rồi đi báo cảnh sát có hay hơn không. Không mất mạng mà có khi lấy lại được của !!!

   Có khi nó xin 1 ta cho 2; muốn vay thì ta cho mượn. Chứ nó xin mà ta không cho, nó sẽ tìm cách “chôm”; vay mà ta cho cho nó “giựt” luôn, thế là ta mất “cả chì lẫn chài”. Người ác, hãy để cho cảnh sát hay pháp luật trừng trị ở đời này và đời sau hãy để cho Chúa xử lý, chúng không chạy đâu mà thoát được.

   Còn ta mà chống lại “người thi hành công vụ” thì ta sẽ bị phạt đấy.

    Việc không chống lại người ác, không chỉ là khôn ngoan mà còn làm cho ta nên thánh nên thiện nữa. Vì ta còn được sống, tức là còn có thì giờ, còn có thời gian để nên thánh nên thiện mà.

   Vậy có thể nói :

  Người không để lòng ghét ai là người hoàn thiện.

  Người không trả thù là người hoàn thiện.

  Người không oán hận ai là người hoàn thiện.

  Người yêu đồng loại như chính mình là người hoàn thiện.

  Người không chống cự kẻ ác là người hoàn thiện.

  Người mà ai xin thì cho là người hoàn thiện.

  Người mà ai vay cũng cho mượn là người hoàn thiện.

  Người yêu kẻ thù và cầu nguyện cho kẻ bách hại mình là người hoàn thiện.

  Vậy ta phải làm tất cả 8 điều trên sao? Không. Ta chỉ cần chọn 1 trong 8 việc làm trên mà ta thấy là có thể làm được. Vì chỉ cần tập và làm được 1 điều đó là ta sẽ làm được tất cả.

   Lấy ví dụ như việc làm số một. Một người mà không để lòng ghét ai thì tất nhiên cũng sẽ không oán hận ai, không trả thù ai. Vì có ghét đâu oán với hận; có ghen đâu mà trả thù. Họ sẽ yêu đồng loại như chính mình. Không ghét thì yêu thôi. Họ sẽ không chống cự kẻ ác; ai xin thì sẽ cho; ai muốn vay sẽ cho mượn và sẽ yêu kẻ thù và cầu nguyện cho kẻ bách hại mình. Vì khi yêu rồi thì “tứ hải giai huynh đệ”, mọi người đều là anh chị em, thì chỉ giúp đỡ nhau thôi. Có ai làm gì sai quấy thì góp ý sửa sai. Có ghét thì ghét điều xấu, chứ không ghét người làm điều xấu. Ghét điều xấu để mình khỏi làm điều xấu và không ghét người xấu là không ghét người anh chị em của mình.

   Và khi ta làm 1 trong cách điều khác thì cũng vậy.

   Vậy ta hãy chọn và tập một điều trong các điều đã kể trên, ta sẽ dần dần hoàn thiện con người của mình. Dù ta có là ai hay ta có là gì, ta hãy tập điều đó trong cuộc đời của mình. Ta hãy tập điều đó ngay hôm nay, ngay bây giờ, kẻo trễ, vì thời gian đang đi qua và không bao giờ trở lại. Chắc chắn, ta sẽ mỗi ngày qua đi sẽ nên hoàn thiện hơn, nên thánh nên thiện mỗi ngày một hơn. Đó là mục đích tối hậu của cuộc sống của ta trên trần gian này đấy, thưa bạn.

                                                                                             

Lm. Bosco Dương Trung Tín

Tác giả: