Niềm vui của Thiên Chúa
- CN, 26/01/2025 - 16:13
- Lm Dương Trung Tín
CN II QN
Niềm vui của Thiên Chúa
“Như cô dâu là niềm vui cho chú rể,
ngươi cũng là niềm vui cho Thiên Chúa ngươi thờ”(Is 62,5).
Hình ảnh cô dâu và chú rể trong một đám cưới là một cuộc vui và một việc quan trọng. Quan trọng, vì một gia đình mới được thiết lập, mà gia đình là tế bào của xã hội. Một cuộc vui, vì hai người yêu nhau, giờ được ở bên nhau mãi mãi. Cô Dâu sẽ là niềm vui cho Chú Rể và Chú Rể sẽ là niềm vui cho Cô Dâu.
Hình ảnh này cũng được trình bày trong Thánh Kinh khi nói về Thiên Chúa và Dân Người; Đức Ki-tô và Giáo Hội. Thiên Chúa là Chú Rể và Dân Chúa là Cô Dâu: “Như trai tài sánh duyên cùng thục nữ, Đấng tác tạo người đã cưới ngươi về”(x. Is 62,5a).
Trong sách tiên tri Ê-dê-ki-en, có một đoạn rất hay kể về mối tình giữa Thiên Chúa và Dân Người. Đoạn sách này, là bài đọc một, được đọc trong Thánh Lễ năm chẵn, (tức năm nay) của ngày thứ Sáu, Chúa Nhật thứ 29 Quanh Năm:
“Ta đi ngang qua chỗ ngươi và thấy ngươi giẫy giụa trong máu. Thấy ngươi mình đầy máu me, Ta đã phán với ngươi: Cứ việc sống. Ta làm cho người nảy nở như hoa ngoài đồng. Ngươi đã nẩy nở, lớn lên thành cô thiếu nữ với bộ ngực nở nang, mái tóc mượt mà, nhưng ngươi vẫn trần truồng, không mảnh vài che thân. Ta đi ngang qua chỗ ngươi và thấy ngươi. Này ngươi đã đến tuổi yêu đương. Ta lấy vạt áo Ta phủ lên để che thân thể cho ngươi. Ta đã thề nguyền và lập giao ước với ngươi và ngươi thuộc về Ta. Ta đã lấy nước tắm gội, gột sạch máu me, rồi xức dầu thơm cho ngươi. Ta đã cho ngươi mặc gấm vóc, đi dày da mềm, thắt khăn vải gai mịm và khoác toàn tơ lụa. Ta đã lấy đồ trang sức tô điểm cho ngươi, đeo xuyến vào tay, đeo kiềng vào cổ. Ta đã lấy xuyến xỏ vào mũi ngươi, đeo hoa tai cho ngươi và lấy triều thiên rực rỡ đội lên đầu ngươi. Ngươi đã được nuôi bằng tinh bột lúa miến, mật ong và dầu. Ngươi đã nên xinh đẹp tuyệt trần và xứng ngôi hoàng hậu. Giữa muôn dân nước, ngươi được nổi tiếng vì nhan sắc của ngươi. Nhan sắc đó tuyệt vời nhờ ánh huy hoàng của Ta chiếu tỏa trên ngươi”(x. Ed 16,6-14).
Người thiếu nữ này là hình ảnh của dân Ít-ra-en và cũng là hình ảnh của mỗi người chúng ta đó. Dân Chúa hay ta có được gì; có là gì như bây giờ là do Chúa yêu thương, chăm sóc và ban cho hết thảy. Từ lúc tượng thai cho đến lúc trưởng thành; từ lúc mới lập quốc cho đến bây giờ.
Đức Ki-tô là Chú Rể và Giáo Hội là Cô Dâu. Về vần đề này thánh Phao-lô nói như sau: “Người làm chồng hãy yêu thương vợ mình, như Đức Ki-tô đã yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh. Như vậy, Người thánh hóa và thanh tẩy Hội Thánh bằng Nước và Lời hằng sống, để trước mặt Người, có một Hội Thánh xinh đẹp, lộng lẫy, không tỳ ố, không vết nhăn hoặc bất cứ một khuyết điểm nào, nhưng thánh thiện và tinh tuyền. Cũng thế, chồng phải yêu vợ như yêu chính thân thể mình. Yêu vợ là yêu chính mình. Quả vậy, có ai ghét thân xác mình bao giờ, trái lại người ta lo chăm sóc thân xác mình như Đức Ki-tô nuôi nấng và chăm sóc Hội Thánh. Mầu nhiệm này thật là cao cả, tôi muốn nói về Đức Ki-tô và Hội Thánh. Vậy mỗi người trong anh em hãy yêu thương vợ mình như chính mình; còn vợ thì hãy kính sợ chồng”(x. Ep 5, 25-29, 32-33).
Trong đám cưới, không thể thiếu rượu; trong đời sống vợ chồng không thể thiếu tình yêu và trong đời sống người công giáo chúng ta không thể thiếu cầu nguyện. Như rượu góp phần làm cho bầu khí của bữa tiệc Tân Hôn vui mừng thế nào, thì tình yêu cũng góp phần làm cho đời sống vợ chồng hạnh phúc như vậy và việc cầu nguyện cũng góp phần làm cho cuộc sống của người công giáo chúng ta vui mừng như vậy.
Như cô dâu là niềm vui cho chú rể; như người vợ là niềm vui cho người chồng thế nào, thì chúng ta, những người công giáo cũng là niềm vui cho Thiên Chúa như vậy. Nói như vậy xem ra bất công; xem ra có một chiều, nhưng niềm vui và hạnh phúc đó ai được hưởng? Chính Cô dâu; chính người vợ và chính chúng ta được hưởng chứ ai vào đây nữa. Nên không bất công và thiệt thòi đâu hen.
Chất xúc tác làm cho bữa tiệc cưới vui là RƯỢU; làm cho đời sống vợ chồng hạnh phúc là TÌNH YÊU; và làm cho Thiên Chúa vui là Cầu Nguyện.
Rượu chỉ là chất xúc tác thôi, nên khi đi dự tiệc cưới, chúng ta không nên uống quá chén, kẻo say mèm, ăn nói lung tung hay có những hành động không phù hợp làm mất đi niềm vui của bữa tiệc.
Trong đời sống vợ chồng, tình yêu là điều làm cho hạnh phúc. Nhưng trong tình yêu đó, gói trọn tất cả những gì đem lại hạnh phúc cho nhau. Trong đó không thể không có sự tôn trọng và hiểu nhau. Nói cách khác, yêu nhau thì phải tôn trọng và phải hiểu nhau. Tôn trọng là tôn trọng từ giây phút ban đầu gặp nhau cho đến hơi thở cuối cùng. Càng có thời gian dài để có được nhau bao nhiêu thì càng phải trân trọng nhau bấy nhiêu. Và phải có thời gian để hiểu nhau trước khi quyết định kết hôn. Vì càng hiểu nhau bao nhiêu thì khi sống với nhau sẽ càng hạnh phúc bấy nhiêu. Yêu mà không tôn trọng nhau, không hiểu nhau thì không thể có hạnh phúc được.
Trong đời sống đức tin, theo tôi, điều làm cho Thiên Chúa vui, đó là việc cầu nguyện. “Truyền thống của Hội Thánh đề ra cho các tín hữu những dịp cầu nguyện để nuôi dưỡng đời sống nội tâm. Nhịp cầu nguyện hằng ngày là kinh sáng, kinh tối; trước và sau bữa ăn; các giờ kinh Phụng Vụ. Hằng tuần, ki-tô hữu phải thánh hóa ngày Chúa Nhật, chủ yếu bằng kinh nguyện, mà trọng tâm là Thánh Lễ. Hằng năm, chu kỳ phụng vụ và các đại lễ là những dịp căn bản cho đời sống cầu nguyện của các ki-tô hữu”(x. GLCG, số 2698).
“Các bậc thầy linh đạo đều nhấn mạnh: Cầu nguyện là nhớ đến Chúa” mà. Quên Chúa, không nhớ đến Chúa làm sao Chúa vui được?
Cho nên hàng ngày, nếu không đi dâng lễ được, thì chúng ta đọc kinh sáng và kinh tối. Rồi đọc kinh trước và sau bữa ăn. Nếu được thì đọc kinh Thần Vụ.
Đọc kinh sáng và kinh tối, có ý nghĩa sau: Kinh sáng, sau khi thức dậy chúng ta tạ ơn Chúa đã cho chúng ta qua một đêm bình an và xin Chúa thánh hóa những việc chúng ta sẽ làm trong ngày. Kinh tối, sau một ngày làm việc vất vả, chúng ta tạ ơn Chúa đã cho chúng ta qua một ngày bình yên. Nếu có làm gì tốt thì tạ ơn Chúa; nếu có làm gì xấu thì xin Chúa thứ tha. Kinh trước bữa ăn, chúng ta đọc kinh Lạy Chađể tạ ơn Chúa đã ban cho chúng ta có lương thực ăn và sau bữa ăn, chúng ta đọc kinh Sáng Danh, để tôn vinh Chúa, Đấng đã ban cho chúng ta một bữa ăn ngon và bổ dưỡng.
Đặc biệt là đọc kinh Thần Vụ. Đây là lời kinh chính thức của Giáo Hội, thường được dành cho các linh mục và tu sĩ. Nhưng Giáo Hội cũng kêu gọi giáo dân tham gia đọc nữa. “Kinh Nhật Tụng hay kinh Thần Vụ là kinh nguyện của Hội Thánh, qua đó các tín hữu (giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân) thực thi chức tư tế vương giả dành cho những ai đã được rửa tội. Được cử hành “dưới hình thức đã được Giáo Hội chuẩn y”, các giờ kinh Phụng Vụ “chính là tiếng nói của Hiền Thê(Cô Dâu), nói với Đấng Phu quân (Chú Rể) và hơn nữa là lời cầu nguyện của Chúa Ki-tô và Thân Thể Người dâng lên Chúa Cha” (x. GLCG, số 1174).
Khi đọc kinh Thần Vụ là chúng ta nhân danh Hội Thánh, dù đọc có một mình: “Tất cả những thực thi các việc đó (việc đọc kinh Thần Vụ), vừa chu toàn trách vụ của Giáo Hội, vừa thông phần vinh dự tối cao của Hiền Thê Chúa Ki-tô, bởi vị họ đứng trước ngai Thiên Chúa, nhân danh mẹ Giáo Hội chu toàn việc ca khen Ngài”( x. HCPV, số 85).
Nếu là giáo dân, thì chỉ cần đọc Kinh Sáng, Kinh Chiều, vì đó là hai giờ kinh quan trọng trong một ngày trong sách Phụng Vụ Các Giờ Kinh.
Hàng tuần, chúng ta tham dự Thánh Lễ ngày Chúa Nhật. Ngày Chúa Nhật là ngày kết thúc tuần cũ, cũng như là ngày khởi đầu cho một tuần mới. Sau một tuần làm việc, chúng ta nghỉ việc ngày Chúa Nhật và tham dự Thánh Lễ, để tạ ơn những gì Chúa đã ban cho chúng ta trong suốt một tuần qua và xin Chúa ban cho chúng ta mọi ơn lành trong tuần mới. Hơn nữa, “Ngày Chúa Nhật là ngày tuyệt hảo để cộng đoàn tín hữu tập họp để cử hành Phụng Vụ, “để nghe Lời Chúa và tham dự vào bí tích Thánh Thể; để kính nhớ sự Thương Khó, Phục sinh và Vinh Quang của Chúa Giê-su. Đồng thời cảm tạ Thiên Chúa vì Người đã dùng sự phục sinh của Chúa Giê-su từ trong kẻ chết mà tái sinh họ trong niềm hy vọng sống động” (x. GLCG, số 1167).
Hàng năm, chúng ta sống theo chu kỳ phụng vụ, từ Mùa vọng, đến mùa Giáng Sinh; từ Mùa Chay đến mùa Phục Sinh; sau là các Lễ trọng và mùa Quanh Năm: “Năm phụng vụ khai triển mầu nhiệm Vượt Qua dưới nhiều khía cạnh, đặt biệt là chu kỳ các lễ xoay quanh mầu nhiện nhập thể như Truyền Tin, Giáng Sinh, Hiển Linh, gợi lại những biến cố khởi đầu ơn cứu độ và cho chúng ta hưởng nhờ hoa trái đầu mùa của mầu nhiệm Phục Sinh”(x. GLCG, số 1171).
Vậy, như cô dâu là niềm vui cho chú rể thế nào, chúng ta cũng hãy là niềm vui cho Thiên Chúa chúng ta như vậy. Và như Rượu làm vui lòng thực khách thế nào; tình yêu làm cho vợ chồng hạnh phúc thế nao, chúng ta hãy siêng năng và sốt sắng cầu nguyện để đem lại niềm vui cho Thiên Chúa thế đấy.
Lm. Bosco Dương Trung Tín