Nhảy đến nội dung

Niềm hy vọng và Niềm vui của chúng ta

Chúa Nhật Chúa lên trời (A) 

Niềm hy vọng và Niềm vui của chúng ta

  “Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”(Mt 28,20).

   Hôm nay, người tín hữu ki-tô chúng ta mừng kỷ niệm việc Đức Giê-su lên trời. Đó là niềm vui cho chúng ta. Niềm vui này được lồng vào thời điểm các thánh lễ được thực hiện trở lại sau một thời gian gián đoạn vì bệnh dịch covid 19, trong những nơi được cho là an toàn. Chắc hẳn, người tín hữu ki-tô chúng ta rất vui và hạnh phúc khi được tham dự Thánh Lễ ngày Chúa Nhật.

   Qua những ngày tháng không được tham dự thánh lễ chung với mọi người mà chỉ “xem” lễ trên màn hình, chúng ta mới thấy rõ sự quan trọng và cần thiết của đời sống cộng đoàn trong xã hội cũng như trong Giáo Hội. Lời Chúa hôm nay, nói về việc Đức Giê-su lên trời. Nhưng tại sao, trước khi Chúa lên trời, Chúa lại nói: “Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”.

   Cũng như chúng ta thấy, những nơi Nhà Thờ được mở cửa và cử hành thánh lễ trở lại, điều đó không có nghĩa là bệnh dịch covid 19 đã chấm dứt, nhưng chúng ta vẫn cần phải có những biện pháp ngăn ngừa bệnh dịch tái phát trở lại. Cũng giống vậy, Đức Giê-su lên trời, nhưng vẫn ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế. Vậy, việc Đức Giê-su lên trời có ý nghĩa gì?

   Việc “Đức Giê-su lên trời nghĩa là nhân tính của Người vĩnh viễn đi vào thượng giới của Thiên Chúa. Từ nơi đó, Người sẽ trở lại. Giữa Thăng Thiên và Tái Lâm, loài người không trông thấy Người được” nữa. (x. GLCG, số 665).

   Như thế, thân xác đã phục sinh của Đức Giê-su đã về trời, từ nay Người không còn hiện diện với chúng ta cách hữu hình như xưa, những sẽ hiện hiện với chúng ta cách vô hình, với thiên tính của Ngài. Với cách hiện diện này, Đức Giê-su có thể hiện diện với tất cả mọi người trên thế giới này.

   Theo Đức Giáo Hoàng Lê-ô Cả: “Khi được đón nhận vào vinh quang rực rỡ của Chúa Cha thì Con Người hiển hiện là Con Thiên Chúa cách tuyệt vời và thánh thiêng hơn lúc nào hết. Và Đấng rời xa các môn đệ theo nhân tính lại bắt đầu hiện diện cách khôn tả theo thần tính. Bây giờ đức tin sáng suốt hơn bao giờ hết bắt đầu hiểu được Chúa Con ngang hàng với Chúa Cha và không cần phải đụng chạm tới xác thể nơi Đức Ki-tô là phần làm cho Người thua kém Chúa Cha. Đành rằng bản tính của thân xác hiển vinh của Chúa vẫn còn đó, nhưng các tín hữu được kêu mời lấy đức tin tiếp xúc với Đấng là Con Một ngang hàng với Chúa Cha, đụng chạm tới Người không phải bằng tay, nhưng bằng tâm trí”(Trích Bài đọc 2 Kinh Sách; thứ 5 tuần VI Phục Sinh).

     Bởi thế, ngày nay chúng ta có thể gặp được Đức Giê-su bất cứ lúc nào và bất cứ nơi đâu, qua kinh nguyện, qua việc đọc và suy gẫm Lời Chúa, qua các bí tích và nhất là qua việc chúng ta tham dự Thánh Lễ. Vì trong Thánh Lễ, Đức Giê-su hiện diện nơi Linh Mục và thực hiện những gì mà Ngài đã từng làm xưa kia khi còn ở với các môn đệ.

  Đức Giê-su đã nói : “Bây giờ anh em lo buồn, nhưng Thầy sẽ gặp lại anh em, lòng anh em sẽ vui mừng và niềm vui của anh em sẽ không bị ai lấy mất” (x.Ga 16,22). Đối với người tín hữu chúng ta, không chỉ đến ngày Chúa quang lâm mà ngay bây giờ, nếu chúng ta gặp được Chúa qua kinh nguyện, qua việc đọc và suy gẫm Lời Chúa, qua các bí tích; nhất là qua Thánh Lễ, chúng ta sẽ có được niềm vui ở trong tâm hồn và niềm vui đó không gì và không ai có thể lấy đi được; dù trong cuộc sống có nhiều những khó khăn; có nhiều những thất bại; có nhiều những nỗi buồn;có nhiều những đau khổ; có nhiều những lo lắng;vv...........

    Việc chúng ta mừng Đức Giê-su lên trời là để làm gì?

   “Đức Giê-su Ki-tô, Đầu của Hội Thánh, đi trước chúng ta vào Vương Quốc vinh hiển của Chúa Cha, để chúng ta là chi thể của Thân Thể Người, sống trong niềm hy vọng một ngày kia được ở vĩnh viễn với Người” (x. GLCG, số 666).

   Theo đó, Nước Trời, Thiên Đàng là hy vọng, là mơ ước của tất cả chúng ta; để một ngày nào đó, chúng ta được lên đó và vĩnh viễn sống với Chúa. “Như Đấng đã rời chúng ta mà lên trời thế nào, thì chúng ta cũng sẽ được lên trời như Người như vậy”.

    Đó là niềm hy vọng của chúng ta, “niềm hy vọng mà chúng ta nhận được nhờ ơn Người kêu gọi” (x.Ep 1,18a).

   Đó là “gia nghiệp vinh quang phong phú chúng ta được chia sẻ cùng dân thánh”(x.Ep 1,18b).

   Đó là “quyền lực vô cùng lớn lao Người đã thi thố cho chúng ta là những tín hữu”(x. Ep 1, 19).

Đó chính là sức mạnh toàn năng đầy hiệu lực mà Người đã biểu dương nơi Đức Ki-tô, khi làm cho Đức Ki-tô trỗi dậy từ cõi chết và đặt ngự bên hữu Người trên trời” (x. Ep 1, 20).

   “Đức Giê-su Ki-tô đã vinh hiển đi vào cung thánh trên trời. Người không ngừng chuyển cầu cho chúng ta như là Đấng Trung Gian, bảm đảm sẽ luôn ban tràn đầy Thánh Thần cho chúng ta” (x. GLCG, số 667).

   Như thế, Đức Giê-su ở cùng chúng ta cho đến tận thế qua Thánh Thần.

   Đức Giê-su đã nói : “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”(x. Mt 28, 18-19).

   “Làm môn đệ” nghĩa là như 4 môn đệ đầu tiên đi theo Chúa là hai cặp anh em Phê-rô và An-rê; Gia-cô-bê và Gio-an (x. Mt 4, 18-22). Chúng ta những người được chịu phép rửa, đã trở thành môn đệ của Chúa Ki-tô, chúng ta không được mời gọi bỏ mọi sự mà theo Chúa, nhưng chúng ta được kêu gọi, đừng “đứng nhìn trời” mà biết làm theo sự chỉ dẫn của Thánh Thần.

    Vì “Thánh Thần sẽ dẫn chúng ta đến sự thật toàn vẹn” (x. Ga 16,13). Sự thật toàn vẹn đó chính là chúng ta sẽ được lên trời như Đức Giê-su.

   Vậy chúng ta hãy luôn sống trong niềm vui với Chúa Giê-su qua sự chỉ dẫn của Thánh Thần, để chúng ta thực sự nên môn đệ của Chúa. Cùng sống, cùng làm việc với Đức Ki-tô, chúng ta sẽ luôn sống trong bình an với Chúa ở đời này và ngày sau cũng được sống hạnh phúc với Chúa trên thiên đàng. Đó chính là niềm hy vọng và niềm vui của chúng ta.

Lm. Bosco Dương Trung Tín

Tác giả: