Vui trong Chúa- Vui trong Năm Thánh Giu-se
- CN, 26/01/2025 - 16:13
- Lm Dương Trung Tín
CN 3 MV
Vui trong Chúa- Vui trong Năm Thánh Giu-se
“Tôi mừng rỡ muôn phần nhờ Đức Chúa. Nhờ Thiên Chúa tôi thờ, tôi hớn hở biết bao” (Is 61,10).
Hôm nay, Chúa Nhật thứ 3 mùa vọng; còn gọi là Chúa Nhật Hồng, Chúa Nhật vui và Chủ tế mặc áo lễ hồng. Tại sao trong Mùa Vọng lại có sự vui mừng, Mùa Vọng là mùa chờ đợi mà? Chúa và Giáo hội muốn cho con cái mình chờ đợi trong sự vui mừng, dù chúng ta đến với Chúa hay Chúa đến với chúng ta.
Chúng ta vui mừng vì được Chúa cứu độ chứ không phải bị đoán phạt. Chúng ta vui mừng nhờ Chúa, vui mừng trong Chúa: “Tôi mừng rỡ muôn phần nhờ Đức Chúa. Nhờ Thiên Chúa tôi thờ, tôi hớn hở biết bao”. Vì sao? “Vì Người mặc cho tôi hồng ân cứu độ; choàng cho tôi đức chính trực công minh”.
“Như chú rể chỉnh tề khăn áo; như cô dâu lộng lẫy điểm trang; như đất đai làm đâm chồi nảy lộc; như vườn tược cho nảy hạt sinh mầm, Đức Chúa là Chúa Thượng, cũng sẽ làm trổ hoa công chính, làm trổi vang lời ca ngợi trước mặt muôn dân” (x. Is 61,11).
Cái gì làm cho chúng ta khăn áo chỉnh tề như chú rể; cái gì làm cho chúng ta đẹp lộng lẫy như cô dâu; cái gì làm cho chúng ta đâm chồi nảy lộc; cái gì cho chúng ta nảy hạt sinh mầm? Đó chính là ân sủng; đó là hồng ân cứu độ. Chúng ta cùng suy gẫm về ân sủng này qua sách Giáo Lý Công Giáo.
Ân sủng là gì? “Ân sủng là một ân huệ, một sự trợ giúp nhưng không mà Thiên Chúa ban để chúng ta đáp lại tiếng gọi của Người : trở nên con cái Thiên Chúa, làm nghĩa tử, tham gia vào bản tính Thiên Chúa và vào sự sống đời đời” (GLCG, số 1996).
“Ân sủng cho chúng ta tham dự vào sự sống Thiên Chúa, vào đời sống thâm sâu của Ba Ngôi Thiên Chúa. Nhờ bí tích Thánh Tẩy, người ki-tô hữu tham dự vào ân sủng của Đức Ki-tô, Đầu của Thân Thể. Nhờ kết hợp với “Con Một Thiên Chúa”, họ trở thành nghĩa tử và được gọi Thiên Chúa là “Cha” (x. GLCG, số 1997).
Chúng ta tham dự vào sự sống của Thiên Chúa ngay đời này cũng như mãi mãi ở đời sau. “Ơn gọi vào đời sống vĩnh cửu là một ơn siêu nhiên, tùy thuộc hoàn toàn vào sáng kiến nhưng không của Thiên Chúa. Vì chỉ mình Người mới có thể tự mặc khải và tự hiến. Ơn gọi ấy vượt mọi khả năng của trí tuệ và ý chí của con người, cũng như của mọi thụ tạo” (x. GLCG, số 1998).
“Ân sủng của Đức Ki-tô là ân huệ nhưng không, qua đó Thiên Chúa ban cho chúng ta sự sống của Người. Nhờ Thánh Thần, Thiên Chúa ban sự sống đó vào linh hồn để chữa trị tội lỗi và thánh hóa chúng ta” (x. GLCG, số 1999).
Theo đó, ân sủng chữa trị tội lỗi và thánh hóa chúng ta.
Về việc chữa trị tội lỗi thì : “Ân sủng của Thánh Thần có quyền năng công chính hóa chúng ta, nghĩa là thanh tẩy chúng ta sạch tội lỗi và được Thiên Chúa làm cho nên công chính nhờ tin vào Đức Giê-su Ki-tô” (x. GLCG, số 1987).
Ân sủng làm cho chúng ta nên công chính gọi là ơn Công Chính Hóa. “Ơn công chính hóa giải thoát con người và thanh luyện tâm hồn khỏi tội lỗi nghịch với tình yêu Thiên Chúa. Ơn công chính hóa xuất phát từ sáng kiến của Thiên Chúa giàu lòng thương xót và hằng tha thứ. Khi được công chính hóa, con người được hòa giải với Thiên chúa, được giải phóng khỏi ách tội lỗi và được chữa lành” (x. GLCG, số 1990).
Về việc thánh hóa chúng ta thì “Ơn thánh hóa là một ân huệ thường tồn, một trạng thái siêu nhiên bền vững; hoàn thiện linh hồn để chúng ta có thể giống với Thiên Chúa và hành động nhờ nhờ tình yêu của Người” (x. GLCG, số 2000).
Như thế, ân sủng sẽ giúp chúng ta hoàn thiện con người của mình, tức là giúp chúng ta nên thánh nên thiện; nên công chính, nên xinh đẹp, nên lộng lẫy.
Nói tóm, “Ân sủng thuộc bình diện siêu nhiên, nên vượt tầm kinh nghiệm của chúng ta và chỉ nhận biết được bằng đức tin. Cho nên chúng ta không thể dựa trên tình cảm hay các việc làm của chúng ta để suy luận rằng, chúng ta đã được công chính hóa và được cứu rỗi. Tuy nhiên theo Lời Chúa nói : Cứ xem họ sinh hoa quả nào thì biết họ là ai (x. Mt 7,20). Việc nhìn xem các ân huệ của Thiên Chúa trong đời sống chúng ta và trong đời sống các thánh, cống hiến cho chúng ta một bảo đảm rằng ân sủng đang hoạt động trong chúng ta và khuyến khích chúng ta tiến tới một đức tin lớn mạnh hơn và một thái độ nghèo khó đầy tín thác”
(x. GLCG, số 2005).
“Vì Thiên Chúa đã tự do an bài cho con người tự do cộng tác với ân sủng, nên trong cuộc sống, người ki-tô hữu có thể lập được công trạng trước mặt Thiên Chúa” (x. GLCG, số 2008).
Quả thật, “Chính nhờ ân sủng mà chúng ta được cứu độ; cũng chính nhờ ân sủng mà các hoạt động của chúng ta mang lại hoa trái cho đời sống vĩnh cửu” (x. GLCG, số 1697).
Vậy theo lời thánh Phao-lô khuyên, chúng ta “hãy vui mừng luôn mãi và cầu nguyện không ngừng. Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh” (x. 1Thx 5,16-18). Nghĩa là trong khi chờ đợi Chúa, chúng ta hãy vui mừng luôn mãi, cầu nguyện không ngừng và tạ ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh sống của chúng ta. Có như thế, Thiên Chúa sẽ làm cho chúng ta trổ hoa công chính; mặc cho chúng ta hồng ân cứu độ và choàng cho chúng ta đức chính trực công minh.
Nói đến ân sủng, chúng ta cũng phải nói đến ân xá nữa, vì chúng ta đang sống trong Năm Thánh Giu-se (từ ngày 8 tháng 12 năm 2020 đến 8 tháng 12 năm 2021).
“Ân xá là tha những hình phạt tạm do tội gây nên, dù tội đã được tha. Muốn được hưởng ân xá, người ki-tô hữu phải hội đủ điều kiện và thi hành những điều Hội Thánh qui định” (x. GLCG, số 1471).
Trong Năm Thánh, khi chúng ta thi hành những điều Giáo Hội dạy, chúng ta sẽ lãnh nhận được ơn toàn xá. Ơn toàn xá này chính là ân sủng của Chúa mà chúng ta nhận được để tha tất cả những hình phạt tạm do tội chúng ta gây nên. Sau đây là những điều qui định của Giáo Hội:
- Ơn toàn xá được ban cho những ai suy niệm trong ít nhất 30 phút kinh Lạy Cha, hoặc tham gia vào một khóa tĩnh tâm tối thiểu một ngày bao gồm một bài suy niệm về Thánh Giu-se.
- Ơn toàn xá được ban cho những ai theo gương thánh Cả Giu-se, thực hiện một việc thương xót thể xác hay thiêng liêng. (Bố thí hay cầu nguyện cho một ai đó)
- Ơn toàn xá được ban cho những ai đọc kinh Mân Côi trong các gia đình và giữa các cặp đính hôn.
- Ơn toàn xá được ban cho những ai hàng ngày phó thác các hoạt động của mình cho sự bảo vệ của thánh Giu-se và cho bất kỳ tín hữu nào cầu xin sự chuyển cầu của người thợ thủ công thành Nazaret xưa, để những người đang tìm công ăn việc làm có thể tìm được việc và công việc của mọi người được xứng đáng hơn.
- Ơn toàn xá được ban cho những ai đọc kinh cầu Thánh Giu-se hoặc thánh ca kính thánh Giu-se hoặc đọc một số kinh nguyện khác; cầu xin cho Giáo Hội đang bị bách hại cả bên trong lẫn bên ngoài thế giới và cầu xin cho các ki-tô hữu đang chịu mọi hình thức bách hại.
- Ngoài những dịp đã nói trên, Ơn xá còn ban cho những ai đọc bất cứ kinh nguyện nào đã được phê chuẩn hoặc thực hiện một việc đạo đức nào để tôn vinh thánh Giu-se, vào các ngày: 19 thánh 3, lễ kính Thánh Cả Giu-se; ngày 1 tháng 5, lễ kính Thánh Giu-se Thợ; lễ Thánh Gia (27/12/2020); ngày 19 mỗi tháng và ngày thứ tư hằng tuần. (Trích Sắc lệnh về các ân xá trong Năm Thánh Giu-se, của Tòa ân giải tối cao).
Theo Sắc lệnh này, chúng ta có 5 dịp để lãnh ơn toàn xá, theo thứ tự trên và các ngày đặc biệt khi ta đọc kinh hay làm một việc tôn kính nào đối với thánh Giu-se trong các ngày thứ 4 hàng tuần; các ngày 19 mỗi tháng; ngày lễ kính thánh Giu-se, ngày lễ Giu-se thợ, ngày lễ Thánh Gia. Chúng ta sẽ lãnh được ơn toàn xá, trong điều kiện thông thường là xưng tội, rước lễ và cầu nguyện theo ý Đức Thánh Cha. Theo Luật hiện hành, mỗi ngày chúng ta chỉ được lãnh một ơn Toàn Xá mà thôi.
Đây là dịp rất tốt, để chúng ta lập công, để chúng ta đền tội; để chúng ta “noi gương Thánh Giu-se mà củng cố đời sống đức tin hàng ngày trong việc hoàn thành thánh ý Thiên Chúa”, để chúng ta nên thánh nên thiện, chúng ta hãy tích cực thi hành những gì Giáo Hội dạy, chúng ta hãy vui mừng và cầu nguyện khi có dịp, cũng như dành thì giờ đọc kinh, suy niệm để lãnh ơn toàn xá mỗi ngày. Như thế, chúng ta sẽ Vui luôn trong Chúa và Vui mừng trong suốt Năm Thánh Giu-se.
( Lm. Bosco Dương Trung Tín)