Tư Tế chính hiệu; Ngôn sứ chính tông; Vua chính trực
- CN, 26/01/2025 - 16:13
- Lm Dương Trung Tín
CN 12 QN
Tư Tế chính hiệu; Ngôn sứ chính tông; Vua chính trực
“Phàm ai ở trong Đức Ki-tô đều là thọ tạo mới” (2Cor 5,17).
“Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần xức dầu và tấn phong Đức Giê-su Ki-tô là “Tư Tế, Ngôn Sứ và Vua”. Toàn thể Dân Thiên Chúa tham dự vào ba chức năng đó của Đức Ki-tô và lãnh nhận trách nhiệm thực hiện sứ mạng phục vụ xuất phát từ ba chức năng đó” (x. GLCG, số 783).
Toàn thể Dân Thiên Chúa, tức là những tín hữu Công Giáo, khi được xức dầu trong bí tích Rửa Tội và Thêm Sức, chúng ta được tham dự vào ba chức năng Tư Tế, Ngôn Sứ và Vua với Đức Ki-tô. Khi lãnh bí tích Rửa tội và Thêm Sức, chúng ta trở thành thọ tạo mới. Qua dòng thời gian, chúng ta sẽ không còn mới nữa. Vì chúng ta “hữu danh mà vô thực”; chúng ta chỉ có tên trong sổ Rửa Tội, mà không sống ơn gọi mới của mình. Thế nhưng “ai ở trong Đức Ki-tô” thì luôn luôn mới; luôn luôn là thọ tạo mới.
“Ở trong Đức Ki-tô” nghĩa là luôn thực thi ba chức năng Tư Tế, Ngôn sứ và Vua với Đức Ki-tô. Chúng ta cùng tìm hiểu và suy tư về ba chức năng này.
- Chức năng Tư Tế.
“Khi gia nhập Dân Thiên Chúa bằng đức tin và phép rửa, chúng ta dự phần vào ơn gọi vô song của Dân ấy: Ơn gọi Tư Tế. “Đức Giê-su Ki-tô được cất nhắc làm Thượng Tế giữa loài người, đã làm cho Dân Mới “thành một vương quốc, thành những tư Tế cho Thiên Chúa, Cha Người”. Thực vậy, những người đã lãnh phép rửa, nhờ sự tái sinh và xức dầu Thánh Thần, được thánh hiến để trở nên đền thờ thiêng liêng và nhận chức Tư Tế Thánh” (x. GLCG, số 784).
Vậy, chúng ta sẽ thực thi chức năng Tư Tế này như thế nào?
“Nếu họ chu toàn trong Thánh Thần mọi hoạt động, kinh nguyện và công cuộc tông đồ; đời sống hôn nhân và gia đình; công việc làm thường ngày; việc nghỉ ngơi thể xác và tinh thần. Nếu họ kiên trì đón nhận những thử thách của cuộc sống, tất cả đều trở nên hiến lễ thiêng liêng đẹp lòng Thiên Chúa, nhờ Chúa Giê-su Ki-tô và được thành kính dâng lên Thiên Chúa Cha cùng với Mình Thánh Chúa khi cử hành phép Thánh Thể. Như thế, giáo dân thánh hiến thế giới này cho Thiên Chúa, nhờ biết phụng thờ Ngài bằng hành động thánh thiện khắp nơi” (Hiến chế Tín Lý về Giáo Hội - Lumen Gentium, số 34).
Nói tóm là tất cả những gì trong cuộc sống chúng ta, nếu chúng ta biết dâng lên Thiên Chúa, là chúng ta đã và đang thi hành chức năng Tư Tế của mình. Như vị Linh Mục dâng Thánh Lễ thế nào thì người tín hữu Công Giáo cũng dâng cuộc sống của mình hằng ngày như vậy. Mỗi ngày mỗi dâng; mỗi ngày mới là một cuộc dâng mới, với một tinh thần mới; không bao giờ dâng lại cái cũ hay dâng y chang một thứ. Dù có y chang đi nữa thì cũng phải dâng với một tâm hồn mới.
Cuộc sống là động, là đổi mới chứ không dậm chân tại chỗ. Dậm chân tại chỗ coi như đã chết. Vì, “Thiên Chúa của chúng ta là Thiên Chúa của kẻ sống chứ không phải Thiên Chúa của kẻ chết” (x. Mt 22,32), nên chúng ta phải dâng cuộc “sống”, chứ không dâng cuộc “chết” lên Thiên Chúa. Cuộc đời của chúng ta là lễ dâng lên Thiên Chúa mà: “Xin dâng lên, dâng trọn cuộc đời, với bao tâm tình đầy vơi” (Lời một bài hát).
2. Chức năng Ngôn Sứ.
“Dân thánh của Thiên Chúa tham dự chức năng Ngôn Sứ của Đức Ki-tô, nhờ cảm thức siêu nhiên của đức tin; của toàn thể dân Chúa; của giáo dân cũng như hàng giáo phẩm, khi “gắn bó hoàn toàn với Đức Tin đã được truyền lại cho dân thánh chỉ một lần là đủ”, khi tìm hiểu, đào sâu nội dung đức tin ấy và khi trở nên chứng nhân của Đức Ki-tô giữa đời” (x. GLCG, số 785).
Vậy, chúng ta phải làm gì để thực thi chức năng Ngôn Sứ đây?
Như “Chúa Ki-tô, vị Ngôn Sứ cao cả, Đấng đã dùng chứng tích đời sống và sức mạnh của Lời nói để công bố Vương Quốc của Cha” thế nào, thì người tín hữu công giáo cũng phải dùng chứng tích đời sống và lời nói để công bố Vương Quốc Thiên Chúa như vậy. Nói tóm là bằng một đời sống thấm nhuần đức tin. Bởi đó, mà người tín hữu công giáo phải hăng say tìm hiểu và luôn đào sâu nội dung đức tin mình đã lãnh nhận.
Đời sống hôn nhân và gia đình là một phương thế tốt để loan báo Nước Thiên Chúa. “Gia đình là môi trường hoạt động và trường học tuyệt diệu cho việc tông đồ giáo dân. Từ gia đình, Ki-tô giáo thấm nhập vào các tổ chức cuộc sống và dần dần biến đổi các tổ chức ấy. Nơi gia đình, vợ chồng tìm thấy ơn gọi riêng của mình và làm chứng cho nhau và cho con cái lòng tin và tình yêu Chúa Ki-tô. Gia đình Ki-tô giáo lớn tiếng loan truyền sức mạnh của Nước Thiên Chúa và niềm cậy trông vào một đời sống hạnh phúc”. (Hiến chế LG, số 36).
3. Chức năng Vương Giả.
“Dân Thiên Chúa còn tham dự vương quyền của Đức Ki-tô. Đức Ki-tô thi hành vương quyền bằng cách nhờ cuộc khổ nạn và phục sinh mà thu hút mọi người đến với mình. Dù là Vua và là Chúa muôn loài, Đức Ki-tô đã tự hạ làm tôi tớ mọi người, vì “Người không đến để được hầu hạ mà để hầu hạ và hiến dâng mạng sống làm giá cứu chuộc muôn người”.
Vậy chúng ta phải làm gì để thi hành chức năng vương giả đây?
Đối với người tín hữu công giáo, “Muốn làm Vua với Đức Ki-tô, phải phục vụ Người”, cách riêng “trong những người nghèo khó và đau khổ, vì nơi họ, Hội Thánh nhận ra những hình ảnh của Đấng Sáng Lập nghèo khó và đau khổ của mình’. Dân Thiên Chúa thực hiện “phẩm giá vương giả” của mình bằng cách sống phù hợp ơn gọi phục vụ với Đức Ki-tô”(x. GLCG, số 786).
Như “Chúa Ki-tô, Đấng đã hạ mình vâng lời cho đến chết và vì thế Người được Chúa Cha tôn vinh, đã vào trong vinh quang nước Người” thế nào, “Chúa Ki-tô cũng muốn nhờ cả giáo dân để mở rộng nước Người, Nước của chân lý và sự sống; của ân sủng và thánh thiện; của công lý, tình yêu và hòa bình”.
“Vì thế, người tín hữu phải nhận biết bản tính sâu xa của vạn vật cũng như giá trị và cùng đích của chúng là ca tụng Thiên Chúa. Đồng thời phải giúp nhau sống đời thánh thiện, nhờ những việc trần thế, để thế gian thấm nhuần tinh thần Chúa Ki-tô và đạt đến cùng đích một cách hữu hiệu hơn trong công lý, bác ái và hòa bình”(x.LG, số 36).
Vậy chúng ta hãy thi hành ba chức năng Tư Tế, Ngôn Sứ và Vương Giả này với Đức Ki-tô trong cuộc sống mình, để chúng ta nên thọ tạo mới. “Thật vậy, ai vương giả hơn người bắt thân xác mình qui phục Thiên Chúa? Và ai xứng đáng làm Tư Tế cho bằng kẻ hiến cho Thiên Chúa một lương tâm trong sạch và dâng trên bàn thờ tâm hồn mình những lễ vật tinh tuyền của một đời phụng sự Chúa?” (Thánh Lê-ô Cả).
Vâng. Người bắt thân xác mình qui phục Thiên Chúa là Vua chính trực; Người có một lương tâm trong sạch là Tư Tế chính hiệu và người phụng sự Thiên Chúa là Ngôn Sứ chính tông.
Lm. Bosco Dương Trung Tín