Người nghèo của Thiên Chúa
- CN, 26/01/2025 - 16:13
- Lm Dương Trung Tín
CN 26 QN
Người nghèo của Thiên Chúa
“Mô sê và các Ngôn Sứ mà họ chẳng chịu nghe, thì người chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu tin”(Lc 16,31).
Hôm nay Chúa nói với chúng ta qua dụ ngôn người La-za-rô nghèo khó.
“La-za-rô” trong tiếng Do thái là Ê-rê-a-zar, có nghĩa là “Thiên Chúa cứu giúp”. Do đó, La-za-rô chỉ là một biểu tượng. Người nghèo đây không phải là nghèo về tiền, về của hay nghèo về của ăn áo mặc mà là người được Thiên Chúa cứu giúp. Vậy, ai là người được Thiên Chúa cứu giúp đây, người nghèo hay người giàu?
Trong dụ ngôn ta thấy, người phú hộ giàu sụ, ăn mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình. Còn La-za-rô, chẳng có của ăn, cái mặc lại còn bệnh tật nữa. Dù vậy, cả hai đều không thoát khỏi cái chết. Cả hai người đều chết. Thế nhưng sau khi chết, thì số phận của hai người lại hoàn toàn trái ngược nhau. Người phú hộ giàu có, nay phải ở dưới địa ngục, chịu cực hình và bị lửa thiêu đốt. Còn La-za-rô thì hạnh phúc trong lòng Áp-ra-ham.
Người phú hộ thấy mình cực khổ quá nên nài xin Áp-ra-ham, sai La-za-rô cứu giúp. Nhưng Áp-ra-ham nói; “Con ơi, hãy nhớ lại, suốt đời con đã nhận được nhiều phần phước của con rồi; còn La-za-rô suốt một đời chịu toàn bất hạnh. Bây giờ, La-za-rô được an ủi nơi này, còn con thì phải chịu khốn khổ. Hơn nữa, giữa chúng ta đây và các con có một vực thẳm lớn, đến nỗi bên này muốn qua bên các con cũng không được; mà bên đó muốn qua bên chúng ta đây cũng không được” (x. Lc 16, 25-26).
Nghe vậy, người phú hộ nói: “Lạy Tổ Phụ, vậy con xin Tổ Phụ sai La-za-rô đến nhà cha con, vì con con 5 người anh em nữa. Xin sai anh đến cảnh báo họ, kẻo họ cũng sa vào chồn cực hình này”. (x. Lc 6, 27-28)
Nhưng Áp-ra-ham đáp: “Chúng đã cón Mô sê và các Ngôn Sứ, thì chúng cứ nghe các Vị đó”. Người phú hộ nói: “Thưa Tổ Phụ Áp-ra-ham, họ không chịu nghe đâu, nhưng nếu có người từ cõi chết đến thì họ sẽ ăn năn sám hối”. (Lc 6, 30)
Áp-ra-ham đáp lại: “Mô sê và các Ngôn Sứ mà họ chẳng chịu nghe, thì người chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu tin”. (Lc 6,31)
Qua sự đối dáp giữa người phú hộ với Áp-ra-ham, cho ta thấy được nhiều điều bổ ích; hay nói đúng hơn là ta thấy được nhiều chân lý.
Trước tiên, ta tin rằng có đời sau, tức là sau khi chết không phải là hết. Ta sẽ phải trả lời và sẽ nhận được những gì mà khi ta sống ở trên đời này. Tức là có thiên đàng và hỏa ngục. Thiên đàng là nơi hạnh phúc; hỏa ngục là nơi khốn khổ. Hai nơi này không qua lại với nhau được; do đó cũng không giúp đỡ nhau được.
Thứ đến, người phú hộ chấp nhận cảnh khốn khổ của mình. Vì xưa kia, khi còn sống, ông chỉ lo ăn, lo uống chứ đâu có lo gì cho đời sau của mình đâu. Còn La-za-rô, không thấy nói gì cả. Có phải cứ nghèo rớt mùng tơi là đương nhiên, sau khi chết được lên thiên đàng không? Bây giờ, không ai trong chúng ta đơn sơ mà nghĩ như vậy. Người nghèo rớt mùng tơi mà cũng chỉ lo cái ăn cái mặc, mà không lo cho đời sau của mình thì sẽ cùng chung với phận của người phú hộ thôi.
Người phú hộ chấp nhận hoàn cảnh của mình và muốn cứu giúp anh em mình, nên xin Áp-ra-ham cho La-za-rô đến cảnh báo; với lý do là “nếu có người trở về từ cõi chết”, họ sẽ nghe.
Đây là cách suy nghĩ của rất nhiều người, ngay cả hiện nay và có cả những người tín hữu Công Giáo nữa. Nhiều người mê tín, hay tin vào lời của những người được cho là đã “chết lâm sàng”, họ trở về từ cõi chết. Nhưng những người từ cõi chết trở về họ nói gì? Chung chung họ cũng chỉ nói là họ thấy họ đi qua một con được hầm đen tối và thấy một ánh sáng ở cuối đường hầm. Rồi có gì thêm sau nữa họ chẳng biết; có chăng chỉ là thêm thắt hay thêm mắm thêm muối cho ly kỳ thôi. Thế mà nhiều người lại tin.
Áp-ra-ham đã bác bỏ cách suy nghĩ này. Họ đã có Mô-sê và các Ngôn Sứ, họ cứ nghe các Vị đó. Nếu mà họ chẳng nghe thì người chết có hiện về họ cũng chẳng chịu tin. Thế đấy, Lời Chúa nói qua Mô-sê, qua các Ngôn Sứ hay qua chính Con Một Thiên Chúa nói mà đâu có mấy ai nghe; có nghe thì cũng nghe cho vui thôi, chứ không thực hành.
Nếu nói là người từ cõi chết trở về nói người ta sẽ tin. Thì tại sao chính Đức Giê-su, Đấng từ cõi chết sống lại và nói, người ta lại không tin; cả người tín hữu nữa? Đức Giê-su đã nói dụ ngôn này trước khi người chết. Ngài chính là người đã từ Thiên Đàng tới và sau này, Ngài đã từ cõi chết sống lại, tại sao người ta lại không tin Lời Ngài nói cơ chứ? Cho nên, nói người từ cõi chết trở về nói, họ sẽ ăn năn sám hối là lý do không chính đáng. Nếu ai tin vào điều đó, thì họ phải tin vào Đức Giê-su chứ?
Dù sao, người tin hay không tin đều muốn sau khi chết mình được lên thiên đàng, nơi đó mình được hạnh phúc, chứ không phải đau khổ. Đời này đã khổ quá rồi, sợ rồi, không muốn đời sau mình lại chịu khổ nữa. Công bằng mà nói thì người giàu cũng khổ mà người nghèo cũng khổ. Mỗi người đều có cái khổ riêng của mình, chẳng có ai là sung sướng cả. Khổ cái này thì sướng cái kia. Ở trần gian này, có ai được hạnh phúc viên mãn không? Ở trần gian này, không có hạnh phúc viên mãn, chỉ có đời sau và ở trên thiên đàng mới có hạnh phúc viên mãn mà thôi.
Vậy ta phải làm gì để sau này ta được được hưởng hạnh phúc viên mãn đó? Ta phải trở nên “Người Nghèo của Thiên Chúa”. “Người nghèo của Thiên Chúa’ không hệ tại ở tiền của mà là bất cứ người nào tin Chúa, theo Chúa và thực hành Lời Chúa dạy.
Nói cách khác đó là người mà thánh Phao-lô nói: “Hỡi người của Thiên Chúa, hãy gắng trở nên người công chính và đạo đức; giàu lòng tin và lòng mến; sống nhẫn nại và hiền hòa. Hãy thi đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp vì đức tin, giành cho được sự sống đời đời” (x. 1Tm 6,11-12).
“Người của Thiên Chúa” chính là “Người nghèo của Thiên Chúa”. “Người nghèo của Thiên Chúa” không phải là người lười biếng, mà là người siêng năng, cần cù; chịu thương, chịu khó; hăng say và nhiệt thành; ra công, ra sức làm việc. Chính qua những công việc đó, họ trở nên công chính và đạo đức; họ trở nên người giàu lòng tin và lòng mến; họ sống nhẫn nại và hiền hòa.
Người nào sống công chính và đạo đức; người nào giàu lòng tin và giàu lòng mến; người nào sống nhẫn nại và hiền hòa, thì người đó có cơ may giành được sự sống đời đời; có được hạnh phúc viên mãn ở đời sau. Điều này có thực tiễn, có cụ thể, có đáng tin hơn là những lời của những người từ cõi chết trở về không?
Quả thực, điều này ai cũng cho là đúng và đáng tin hết. Có điều, hơi khó thực hiện, nên người ta tìm cách tránh né. Tránh né điều này không phải là cách tốt nhất, vì đó là sự thật. Ta đừng sợ đối diện với sự thật. Ta mà tránh né thì sẽ có hại cho ta mà thôi. Sự có hại này nó liên quan đến sự sống đời đời của ta đó, nên tốt nhất ta hãy đón nhận sự thật đó và cố gắng bao có thể để sống cho công chính và đạo đức; làm cho mình giàu về lòng tin và lòng mến và tập sống nhẫn nại và hiền hòa. Còn hơn là “nhắm mắt đưa chân”, mù quáng dẫn ta vào cõi khổ đau đời đời.
Vậy Lời Chúa hôm nay, cho chúng ta nhận biết chân lý, nhận biết sự thật, ta đừng sợ nhưng hãy cố gắng hết sức mình để sống theo sự thật; sống theo chân lý. Đó là cách tốt nhất để chúng ta giành cho được sự sống đời đời; có được hạnh phúc ở đời này và được hạnh phúc viên mãn ở đời sau nữa. Có thế chúng ta mới trở nên “Người nghèo của Thiên Chúa”, được Thiên Chúa cứu độ; giúp chúng ta giành được sự sống đời đời và có được hạnh phúc viên mãn.
Lm. Bosco Dương Trung Tín