Nhảy đến nội dung

Phép lạ điện ảnh: phim cuộc thương khó của Đức Kitô

PHÉP LẠ ĐIỆN ẢNH:

PHIM CUỘC THƯƠNG KHÓ CỦA ĐỨC KITÔ                           

Lm. JBT Phạm Quốc Hưng, CSsR

Trong năm 2003, một cuốn phim dù chưa được trình chiếu tại các rạp xinê tại Hoa Kỳ nhưng đã gây nhiều tranh luận hơn cả là cuốn phim Cuộc Thương Khó của Đức Kitô do đạo diễn đã từng là tài tử thượng thặng Mel Gibson thực hiện. Cuốn phim sẽ được bắt đầu trình chiếu công khai tại các rạp xinê tại Mỹ vào Thứ Tư Lễ Tro ngày 25/02/2004.

Trong cuộc phỏng vấn truyền hình trực tiếp những người vừa được coi buổi chiếu phim đầu tiên tối Thứ Hai ngày 23/02/2004, hầu hết đều bày tỏ sự xúc động và nhìn nhận cuốn phim này là một tuyệt phẩm giúp mọi người cảm nhận một cách sâu xa tình yêu Thập Tự của Chúa Kitô.

Tạp Chí Công Giáo Inside The Vatican đã dành trang bìa nhất của cả hai số báo tháng 12/2003 và tháng 01/2004 để giới thiệu cuốn phim. Đạo diễn Mel Gibson được tạp chí này chọn là người số 1 trong số những “Nhân Vật Trong Năm 2003” (Man of the Year).

Lý do Mel Gibson được chọn là nhân vật số 1 của tạp chí được giải thích như sau:

“Chúng tôi chọn Ông Gibson dựa trên phán đoán về bản chất của thời đại chúng ta. Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên thông tin và hình ảnh—một kỷ nguyên mà truyền thông có một ảnh hưởng lớn lao chưa hề có trước đây, và một kỷ nguyên khi phim ảnh có lẽ là phương tiện trổi vượt để chuyển thông tư duy, để dạy bảo và thuyết giảng.

“Trong một kỷ nguyên như thế, một người dám quyết định, như Ông Gibson đã quyết định năm 2002, bỏ ra một khoản lớn gia sản riêng của mình và đánh liều cả sự nghiệp chuyên biệt của mình để thực hiện một cuốn phim về Đức Giêsu Kitô là một việc hiếm có.

“Và trong một kỷ nguyên như thế, khi một người như thế quyết định làm một cuốn phim như thế, không phải để trình bày một Đức Kitô theo óc tưởng tượng, nhưng để trình bày một Đức Kitô đúng theo các Phúc Âm, một người như thế đã thực sự tham gia vào công cuộc ‘Phúc Âm hóa’ theo sát nghĩa của từ ngữ này: ông ta đang loan truyền chân lý Phúc Âm về Chúa Giêsu.

“Và khi một người như thế kiên trì bất chấp biết bao phê bình và những tấn công liên tục về các động cơ thực hiện và tư chất của ông, ông trở thành đáng ngưỡng mộ.

“Và khi một cuốn phim như thế trở thành—như những người đã xem làm chứng—một cuốn phim cảm động nhất về loại này từ trước đến nay, chúng tôi cảm nhận rằng chúng ta đang ở trước sự hiện diện của một sư kiện thực sự phi thường nào đó. Trong kỷ nguyên tục hóa của chúng ta, sự dấn thân của Ông Gibson trong năm 2003 để hoàn tất cuốn phim Cuộc Thương Khó của Đức Kitô—để phác họa, như nó thực sự là, bức tranh ‘Nguyện Đường Sistine’ của chính ông dưới hình thức phim ảnh—mang chứng tá cho một điều siêu việt hơn chính Ông Mel Gibson.

“Và chính vì ‘điều siêu việt’ đó mà chúng tôi hân hạnh chọn Mel Gibson làm ‘Nhân Vật trong Năm’ của chúng tôi” (Inside the Vatican 01/2004).

Tạp chí này cũng chọn câu chuyện cuốn phim Cuộc Thương Khó của Đức Kitô của Mel Gibson là “Câu Chuyện trong Năm (2003)” (The Story of the Year). Hầu hết các bài viết trong số tháng 01/2004 của tạp chí này bàn về việc thực hiện cuốn phim trên với những bối cảnh, tranh luận và ảnh hưởng của cuốn phim đặc biệt này.

Cuộc tranh luận về cuốn phim được tạp chí Inside the Vatican giải thích ngắn gọn như sau: “Câu chuyện cuốn phim Cuộc Thương Khó của Đức Kitô của Mel Gibson là câu chuyện của tranh đấu gay go giữa hai nhóm—một nhóm được hứng khởi với xác tín rằng cuốn phim này là một sự diễn tả niềm tin tôn giáo và tuyệt phẩm nghệ thuật tối quan trọng, không có hại cho ai và có thể hữu ích cho mọi người—nhóm khác thì tin rằng cuốn phim này buộc tội người Do Thái giết Chúa Giêsu và vì vậy làm tăng thái độ bài Do Thái”.

Như Chúa Giêsu đã bị hiểu lầm và bách hại, đạo diễn Mel Gibson cũng cảm thấy bị bách hại trước những lời phê bình chỉ trích đầy ác ý cho rằng ông thực hiện cuốn phim để khích động tinh thần bài Do Thái. Ông nói: “Tôi trở thành đối tượng cho sự bách hại tôn giáo, sự bách hại một nghệ sĩ, sự bách hại một người dân Mỹ, sự bách hại một con người”. Với tinh thần đức tin, ông nói: “Những điều này đã xảy ra năm ngoái. Tôi tha thứ cho họ tất cả. Nhưng thế là đủ rồi. Họ cố làm cho tôi thành thằng điên. Tôi chỉ biết bỏ đi và cầu nguyện. Cho bản thân tôi. Cho gia đình tôi. Cho toàn thế giới. Đó là điều tôi làm” (Los Angeles Times Feb. 15, 2004).

Cuốn phim Cuộc Thương Khó của Đức Kitô được hình thành từ kinh nghiệm tôn giáo của Mel Gibson. Chính con người của ông cũng là một hiện tượng hiếm lạ trong giới điện ảnh Hollywood.

Ông Mel Gibson sinh năm 1956 tại thành phố Peekskill, tiểu bang New York, trong một gia đình Công Giáo nhiệm nhặt. Ông là người con ở giữa trong số 11 anh chị em. Hiện nay, ông đã lập gia đình được 23 năm với Robyn Moore, và hai người có bảy người con. Gia đình ông giữ đạo rất sốt sắng và thường dự lễ theo nghi thức cũ trước Công Đồng.

Năm 1968, khi lên 12 tuổi, ông theo gia đình qua Úc sống. Ở đây ông bắt đầu ham thích nghệ thuật và theo học tại Học Viện Kịch Nghệ của Đại Học New South Wales. Sự nghiệp điện ảnh của ông bắt đầu năm 1976, và ngay năm sau ông đã đoạt giải Oscar của Úc. Trong thập niên 1980, Mel Gibson là một trong những tài tử được ưa chuộng nhất. Các tạp chí điện ảnh đặt ông là “tài tử của thời đại” và nhiều lần chọn ông vào số “những người đẹp nhất thế giới”. Một tạp chí xếp ông vào hạng 12 trong số 100 tài tử nổi bật nhất trong lịch sử điện ảnh.

Năm 1997 ông đạt danh dự cao nhất của nước Úc, “Viên Chức của Phẩm Tước Úc Đại Lợi” (Officer of the Order of Australia). Ông đã diễn xuất trong 42 phim và đoạt Giải Thưởng Hàn Lâm Viện (Acadamy Award) với phim Braveheart. Ông trở thành triệu phú và lập nên một hãng phim riêng lấy tên là Icon Productions. Hãng phim của ông có tiếng là chống lại tội đồng tính luyến ái và lối sống tôn thờ tiền bạc thường được kỹ nghệ điện ảnh cổ võ. Ông công khai bày tỏ lập trường chống phá thai và ngừa thai của ông. Như vậy, Mel Gibson đã tự đặt mình là kẻ thù của “văn hóa sự chết”.

Khoảng năm 1990-1991, Mel Gibson trải qua một cơn khủng hoảng nội tâm. Cuộc khủng hoảng này khiến ông lượng định lại cuộc sống, canh tân niềm tin và sống thân mật hơn với Chúa Giêsu Chịu Đóng Đinh. Trong cơn khủng hoảng, ông cảm thấy không muốn sống nhưng lại sợ chết. Nhưng không lúc nào ông không tin Chúa. Ông đã được củng cố đức tin khi chiêm ngắm Chúa Giêsu Chịu Đóng Đinh và ông nói: “Cuộc Thương Khó của Chúa Kitô và các vết thương của Người đã chữa lành các thương tích của tôi”. Và ông đã có một cảm nhận mới mẻ về Cuộc Tử Nạn Thập Hình của Chúa Kitô. Sau này, khi được Hệ Thống Truyền Hình Lời Hằng Sống hỏi về sự quan trọng của Hy Lễ Thánh Giá, ông đã nói: “Nó là mọi sự...Ngoài nó ra không còn mục đích cho cuộc sống”.

Mùa Xuân năm 2002 ông bắt đầu thực hiện cuốn phim Cuộc Thương Khó của Đức Kitô. Ông xin Cha William Fulco, SJ giáo sư và học giả về cổ ngữ vùng Viễn Đông, khảo cổ và tôn giáo tại Đại Học Loyola Marymount, California, chuyển ngữ bản thảo cuốn phim sang tiếng Aram (tiếng Do Thái thời Chúa Giêsu) và Latinh. Ông muốn dựng lại hình ảnh 12 giờ cuối đời của Chúa Giêsu theo sát văn bản các Phúc Âm hết sức có thể. Ông nói: “Tôi muốn trung thành với các Phúc Âm. Điều này chưa hề được thực hiện trước đây”. Chi phí dự trù cho việc thực hiện cuốn phim lên tới 25 triệu Mỹ kim.

Vì vùng Trung Đông đang có nhiều biến động quân sự nên không bảo đảm an ninh, Mel Gibson đã chọn phim trường tại Cinecittà, vùng ngoại ô Rôma vào cuối năm 2002. Tài tử Jim Caviezel cũng là một tín hữu Công Giáo được mời thủ vai Chúa Giêsu. Maia Morgenstern, nữ diễn viên là con của một người Do Thái sống sót sau Cuộc Tàn Sát hồi đệ nhị thế chiến, thủ vai Đức Mẹ. Các diễn viên và những cộng tác viên của ông thuộc về các tôn giáo khác nhau.

Trong suốt thời gian thực hiện cuốn phim, mỗi ngày ông và những cộng sự viên Công Giáo đều tham dự Thánh Lễ và rước lễ sốt sắng. Mục đích rao giảng Tin Mừng của ông trong việc thực hiện cuốn phim ngày càng mạnh mẽ. Trong tháng 6/2003, khi nói chuyện với 800 mục sự giáo phái Evangelicals tại Colorada, ông nói: “Chúa Thánh Thần đã làm việc qua tôi trong cuốn phim này, và tôi chỉ như người hướng dẫn xe cộ thôi. Tôi hy vọng cuốn phim có sức Phúc Âm hóa. Hy vọng của tôi rất mạnh là bất cứ ai có thể xem hết cuốn phim này đều thay đổi”.

Sự thay đổi đã thực sự xảy ra ngay trong quá trình thực hiện cuốn phim. Mel Gibson cảm nghiệm như đang sống lại một Lễ Hiện Xuống mới. Ông nhận xét: “Thật là một sự hòa hợp lạ lùng giữa những điều khó khăn nhất mà tôi chưa hề thực hiện trước đây, nay được diễn ra cách dễ dàng không thể tin được. Mọi người làm việc trong cuốn phim này đều thay đổi. Có những người không tôn giáo và Hồi giáo đang bắt đầu trở lại Kitô giáo. Chúng tôi có một ban diễn xuất và nhân viên thuộc các chủng tộc và tôn giáo khác nhau—Hồi giáo, Do thái giáo, Kitô giáo, Phật giáo và ngay cả không tôn giáo. Và tất cả làm việc chung với nhau một cách thật hài hòa, và thực sự tất cả đều gặt hái được những điều tốt đẹp từ đó. Người ta được đánh động và ngay cả thay đổi bằng kinh nghiệm...Nói cùng bằng một tiếng Aram đã cho họ một điểm chung và một cảm nhận rằng họ tất cả cùng chia sẻ một liên hệ...Có nhiều điều lạ lùng xảy ra trong quá trình này, những điều tốt lành như có người được khỏi các thứ bệnh, có hai người được sáng mắt và nghe được trở lại..” (Inside the Vatican 01/2004).

Cuộc phỏng vấn tài tử Jim Caviezel, người thủ vai Chúa Giêsu trong phim Cuộc Thương khó của Đức Kitô, của Tuần Báo National Catholic Register (Dec 21, 2003-Jan. 3, 2004) càng chứng thực rằng cuốn phim này đã được thực hiện trong bầu khí đức tin Công giáo đích thực và là một công cuộc lạ lùng của chính Chúa.

Hỏi: “Có gì đặc biệt Gibson muốn anh làm để chuẩn bị cho phần vụ của anh?”

Đáp: “Mel và tôi chỉ là những người điều hành của công việc của Chúa, và đó là tất cả những gì chúng tôi cầu xin. Và đó là lý do tại sao chúng tôi tập trung mỗi ngày vào Thánh Lễ và Rước Lễ. Không có ngày nào đóng phim mà tôi đã không Rước Lễ. Tôi chỉ cố gắng trở thành tín hữu Công Giáo thật tốt. Tôi trở lại sự thực này—Chúa muốn gì? Đó là điều cần phải trở lại luôn—Chúa muốn gì?”

Hỏi: “Anh đã phải trải qua những gì để hoàn thành phần vụ của anh?”

Đáp: “Cuốn phim này đã là một khổ hình ngay từ buổi đầu dưới mọi hình thức. Tôi đã bị nhổ, bị đánh đập và tôi đã vác thập giá của tôi nhiều ngày, cứ trở đi trở lại trên cùng một con đường; điều đó thật dữ dằn. Có lần tôi bị gọi dậy lúc 2 giờ sáng để hóa trang cho cảnh bị đánh đòn và đóng đinh thập hình, nên tôi phải có mặt ở đó trước những người khác trong ban diễn viên và nhân viên. Tôi coi tất cả những điều này thật đáng chịu để đóng vai này; nó thật quan trọng đối với tôi.

“Tôi luôn luôn làm cho việc diễn xuất đi theo sự thật, và Mẹ Maria đã luôn luôn chỉ cho tôi sự thật đó. Tôi thực sự tin rằng Mẹ đặt tôi vào vai trò đó, chuẩn bị cho tôi đóng vai Con của Mẹ. Mẹ đã kiến trúc tất cả điều này. Người ta đã hỏi tôi: ‘Anh có sợ về cuốn phim này không?’ Và tôi nói, ‘Vâng, tôi có sợ phần nào.’ Nhưng có phần khác nơi tôi nói rằng tôi tuyệt đối được vinh dự khi qua Mẹ Maria Chúa chọn tôi đóng vai này.”

Hỏi: “Việc đóng vai Chúa Giêsu đã ảnh hưởng việc lần chuỗi Mân Côi của anh thế nào?”

Đáp: “Trước khi đi diễn xuất mỗi ngày, tôi chuẩn bị cho mình bằng việc suy niệm hay lần chuỗi Mân Côi, luôn luôn nhờ Mẹ Maria. Tôi cũng đi xưng tội, và Chúa Thánh Thần sẽ tỏ cho tôi biết tội lỗi tôi. Một khi tôi đã làm điều đó, mọi sự khác trở thành đơn giản; thực sự là thế.”

Và anh kết luận: “Từ việc đóng vai này, tôi trở nên nồng nhiệt hơn về con đường thập giá. Đó là về sự hy sinh của Chúa chúng ta cho nhân loại, để đền tội chúng ta, để đem chúng ta trở về cùng Thiên Chúa, và chính tình yêu đã thực hiện điều này”.

Cũng vậy, lòng tin sống động của Jim Caviezel còn được thấy trong cuộc phỏng vấn dành cho Linh Mục Michael Morris. Jim Caviezel cho biết anh muốn Giáo Hội Khải Hoàn trợ giúp anh trong quá trình thực hiện cuốn phim này, khi cả hai- anh và Gibson - là thành phần của Giáo Hội Chiến Đấu đang cố gắng đem sứ điệp cứu độ của Chúa Kitô cho một thế giới đầy hoài nghi và ngày càng bị tục hóa.

Vì vậy, anh kiếm một số thánh tích của một số vị thánh như Phanxicô, Padre Piô, Antôn de Pađua, Maria Goretti và Genesius (Thánh Quan Thầy của các tài tử) cho khâu vào mảnh khố anh mặc trong cảnh Chúa Giêsu chịu đóng đinh cùng với áo Đức Bà Camêlô. Mẹ Angelica cũng tặng cho anh một mảnh của Thánh Giá Thực để gắn vào cây thập giá dùng trong phim (New Oxford Review 02/2004).

Người ta có thể nhận biết giá trị cao quý và ảnh hưởng kỳ diệu của cuốn phim Cuộc Thương Khó của Đức Kitô do Ông Mel Gibson thực hiện nơi nhận xét và lời khen ngợi nồng nhiệt của một số nhân vật uy tín đã được xem trước cuốn phim như sau:

Đức Tổng Giám Mục John Foley, Chủ Tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Truyền Thông Xã Hội, tin rằng cuốn phim này là “một cuộc suy niệm về Cuộc Thương Khó” của một người thấm nhuần các trình thuật Phúc Âm về những gì Chúa Giêsu đã trải qua và muốn tường trình lại hết sức trung thực như đã được thuật trong Phúc Âm. Theo ngài, tất cả chất liệu trong phim đều đến trực tiếp từ Phúc Âm. Ngài nói: “Vậy nên, nếu người ta phê phán cuốn phim, là người ta phê phán chính Phúc Âm”.

Đức Hồng Y Dario Castrillon Hoyos, Bộ Trưởng Bộ Giáo Sĩ, phát biểu: “Nó là một cuộc chiến thắng của nghệ thuật và đức tin. Nó sẽ là một công cụ để giải thích con người và sứ điệp của Chúa Kitô.” Theo ngài, cuốn phim “bổ túc các trình thuật Phúc Âm với những sáng ý và suy niệm của nhiều vị thánh và các nhà thần bí qua nhiều thế kỷ. Mel Gibson không chỉ đi theo các trình thuật Phúc Âm..sự chọn lựa đầy tính nghệ thuật của ông giúp cuốn phim trung thành với ý nghĩa của Phúc Âm như được Hội Thánh hiểu”.

Về lời chỉ trích cuốn phim có tính cách bài Do Thái, Đức Hồng Y trả lời: “Thái độ bài Do Thái, như mọi hình thức kỳ thị chủng tộc, bóp méo sự thật để đặt cả một dân tộc trong cái nhìn xấu xa. Cuốn phim này không làm điều gì như thế...Nó nắm bắt những sự quỷ quái và kinh hoàng của tội lỗi, cũng như sức mạnh dịu dàng của tình yêu và sự tha thứ, mà không tạo nên sự kết án hồ đồ bất cứ một nhóm người nào. Cuốn phim này diễn tả điều ngược lại với thái độ bài Do Thái, đó là học hỏi từ gương Chúa Kitô, không bao giờ nên có hành vi bạo động chống lại bất cứ con người nào”.

Ngài nói thêm: “Phim Cuộc Thương Khó là một cuốn phim hiếm có về đau khổ, tình yêu và việc cứu độ, một trong những phim tôn giáo tuyệt hảo nhất xưa nay và hoàn toàn phù hợp với giáo huấn Công Giáo. Theo ý tôi, một trong những thành quả lớn nhất của cuốn phim là đã chỉ ra một cách có hiệu quả cả hai sự kinh khủng của tội lỗi và ích kỷ cũng như sức mạnh cứu chuộc của tình yêu. Xem cuốn phim này gợi lên tình yêu và lòng từ bi. Nó khiến người xem muốn yêu thương hơn, tha thứ, luôn ăn ở tốt lành và mạnh mẽ bất chấp mọi sự, như Chúa Kitô đã hành động ngay cả khi đương đầu với những đau khổ kinh hoàng như thế. Người xem được lôi kéo vào một cảm nghiệm mạnh mẽ của tình yêu mãnh liệt nhưng thật dịu dàng của Thiên Chúa, của lòng thương xót dạt dào của Người. Tôi tin rằng nếu chúng ta có thể nhận biết Chúa Giêsu Kitô đã làm gì cho chúng ta và chúng ta có thể noi gương yêu thương và tha thứ của Người, sẽ không còn thù hận và bạo động trên thế giới nữa. Cuốn phim này sẽ giúp thực hiện điều đó”.

Ngài xác quyết: “Tôi tin chắc rằng nó sẽ làm cho mọi người xem trở nên tốt hơn, những người Kitô hữu cũng như những người không phải là Kitô hữu. Nó sẽ đem người ta lại với Chúa và với nhau....Ông Mel Gibson đã đạt được một điều thực phi thường...Tôi muốn tất cả các linh mục Công Giáo của chúng ta trên toàn thế giới xem cuốn phim này. Tôi hy vọng tất cả Kitô hữu có thể xem cuốn phim này, và mọi người ở khắp nơi” (Inside the Vatican 12/2003).

Mục Sư Billy Graham, mục sư Tin Lành thế giá nhất tại Mỹ, phát biểu về phim Cuộc Thương Khó của Đức Kitô như sau: “Tôi đã xúc động đến rơi lệ. Tôi đoán là chẳng bao giờ có được một sự trình bày sống động và cảm động hơn về cuộc tử nạn và phục sinh của Chúa Giêsu, điều mà các Kitô hữu tin là những biến cố quan trọng nhất trong lịch sử nhân loại...Cuốn phim này trung thành với giáo huấn Phúc Âm là chúng ta hết thảy có trách nhiệm về cái chết của Chúa Giêsu, vì chúng ta hết thảy đều đã phạm tội. Chính tội lỗi của chúng ta gây ra cái chết của Người, không phải riêng nhóm nào”.

Mục Sư Ted Haggard, Chủ Tịch Hiệp Hội Quốc Gia Giáo Phái Evangelicals nhận xét: “Cuốn phim theo rất sát Thánh Kinh. Mel Gibson là một nghệ sĩ siêu quần. Ông đã thực hiện một việc tuyệt diệu là truyền thông một câu chuyện vĩ đại... Mel Gibson là Michelangelo của thế hệ này...Cuốn phim này có gì bài Do Thái không? Không có chút nào. Nó truyền thông ngày cuối cùng của cuộc đời Chúa Giêsu trên trái đất. Không khác gì hơn Matthew, Mark, Luke và John làm”.

Mục Sư Jim Richard, Giám Đốc Đại Hội Southern Baptist của Texas nói: “Tôi đã giảng về Thập Giá 33 năm. Cuốn phim này bao gồm tất cả những gì tôi có thể truyền thông bằng lời và hơn nữa...Tôi đã không xem thấy gì mà tôi đã không đọc thấy trong Thánh Kinh, nhưng tôi đã thấy nó một cách sống động hơn vì nó được trình bày ngay trước mắt tôi”.

Mục Sư Ed Young Jr. thuộc Giáo Hội Fellowship vùng Dallas nói rằng ông tin chắc cuốn phim sẽ là một trong những công cụ Phúc Âm hóa vĩ đại nhất trong lịch sử hiện đại: “Người ta sẽ đi xem phim này và rồi sẽ lũ lượt đến nhà thờ tìm hiểu thêm về cách thực hiện những gì học được nơi cuốn phim”.

Nếu việc hối cải và tin vào Tin Mừng là mục đích tối hậu của mọi công cuộc rao giảng Tin Mừng, thì nhận xét thật cảm động sau của Bà Barbara Nicolosi, một người soạn kịch và ký giả, thật đáng được ghi nhớ: “Bây giờ đã được xem cuốn phim, tôi chỉ ngỡ ngàng nhận ra những sự công phá cuốn phim quả là có tính cách của ma quỷ...Nó là cuốn phim vĩ đại nhất về Chúa Giêsu xưa nay...Trên đường về nhà sau khi xem phim, tôi thấy mình cầu nguyện trên xe rằng ‘Lạy Chúa Giêsu, con rất hối lỗi, con đã quên lãng...’ Gần đây đã có bao nhiêu phim dẫn bạn đến sự thống hối? Cuốn phim Cuộc Thương Khó là một phép lạ”. (Inside the Vatican 01/2004).

Sự chống phá bôi bác cuốn phim Cuộc Thương Khó của Đức Kitô càng chứng thực giá trị đầy tính Phúc Âm của nó. Người ta dễ dàng nhận ra sự tấn công cuốn phim này thường đến từ những người thù ghét Giáo Hội Công Giáo, bác bỏ các giá trị Tin Mừng của Chúa Kitô và chạy theo lối sống buông thả theo các đam mê của “văn hóa sự chết”. Theo ngôn ngữ của Thánh Phaolô, đó là những kẻ thù của Thập Giá.

Nhật Báo Los Angeles Times số ra ngày Thứ Tư Lễ Tro 25/02/2004 có bài viết với tựa đề “Đức Kitô và Sự Thật Phúc Âm” của ký giả Larray B. Stammer là một minh họa rõ rệt. Bài viết này có nội dung bôi bác và hạ giá cuốn phim Cuộc Thương Khó của Đức Kitô với hàng chữ in đậm liền sau tựa đề như sau: “Với Cuộc Thương Khó của Đức Kitô, Mel Gibson bày tỏ sự kính trọng Các Phúc Âm—có lẽ một cách lầm lạc”.

Trước hết, ký giả này lập lại lời minh định của Mel Gibson: “Tôi nghĩ tuyệt đối cần thiết phải bám sát một cách hết sức trung thành với bốn sách Phúc Âm. Sau hết, đó chính là điều các Kitô hữu đặt nền tảng cho đức tin của mình, bốn chứng từ của các Thánh Sử.” Và rồi ông bác bỏ sự thật của các Phúc Âm: “Thật quan trọng để nhận biết rằng chính các tác giả Sách Phúc Âm không được tin là các chứng nhân thấy tận mắt của câu chuyện vĩ đại nhất được kể lại xưa nay”.

Tất cả nỗ lực bài bác đầy ác ý cuốn phim Cuộc Thương Khó của Đức Kitô nơi bài báo trên ký giả Stammer đã trở thành chứng từ thật giá trị và sinh động cho lời nhận xét trên kia của Đức Tổng Giám Mục John P. Foley, Chủ Tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Truyền Thông Xã Hội: “Nếu người ta phê phán cuốn phim này, là người ta phê phán chính Phúc Âm”.

Mục quan điểm của Tuần Báo National Catholic Register (Feb. 22- 28, 2004) đưa ra nhận định sau:

“Nhưng lý do căn bản cho tính cách sôi động về Cuộc Thương Khó của Đức Kitô là chủ đề của nó. Nó nói về Đức Kitô...Những sự buộc tội dường như nhắm vào chính câu truyện Phúc Âm hơn là chống lại cá nhân Gibson. Ngay cả sự tranh cãi về cuốn phim cũng là về Đức Kitô. Điều này nhắc cho những người Công Giáo một sự kiện mà họ thường quên: Đức Kitô hấp dẫn người ta...

“Bài học kế đến từ cuốn phim là: Giáo Hội nên đặt Cuộc Thương Khó vào trung tâm sứ điệp của mình. Các tín hữu Công Giáo biết điều này cách sâu xa hơn cả, Tượng Chịu Nạn và Các Chặng Đường Thánh Giá buộc phải có trong mỗi nhà thờ. Nhưng chúng ta rất hay quên điều đó, để thay thế bằng việc trao ban những sứ điệp ‘khôn ngoan hơn’ như cải cách xã hội chẳng hạn.

“Không có gì đánh động người ta như Cuộc Thương Khó. Khi Ngôi Hai của Chúa Ba Ngôi hiến mình chịu bạo lực dữ dằn và tha thứ cho chính những kẻ giết Người, Người dạy chúng ta rằng tình yêu Thiên Chúa là một tình yêu tận tuyệt. Đây là căn bản duy nhất cho sự cải cách xã hội đích thật”.

“Sự dữ dằn của thập giá không phải là điều mà chúng ta tự nhiên ưa chuộng. Nhưng đó là một chọn lựa siêu nhiên. Đúng như lời Thánh Phaolô: ‘Vì chưng trong khi Do Thái đòi có dấu lạ, và Hy Lạp tìm sự khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một vì Kitô đã bị đóng đinh thập giá, cớ vấp phạm cho Do Thái, sự điên rồ đối với dân ngoại; nhưng đối với những ai được kêu gọi dù là Do Thái hay dân ngoại, thì lại là chính Đức Kitô, quyền năng của Thiên Chúa và sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Bởi vì sự điên rồ nơi Thiên Chúa thì khôn ngoan hơn loài người, và sự yếu đuối nơi Thiên Chúa thì mạnh mẽ hơn loài người’” (1Cor. 1:22- 25).

Trong Tạp Chí New Oxford Review số tháng 02/2004, Linh Mục Michael Morris, người đã quen biết Mel Gibson và Jim Caviezel từ khi họ bắt đầu thực hiện cuốn phim, đưa ra kết luận về những cuộc tấn công cuốn phim Cuộc Thương Khó của Đức Kitô của Mel Gibson như sau: “Một điều chắc chắn: Mel Gibson có một thập giá thật vinh quang để vác, nhưng chính việc bước lên Đồi Canvê chứng thực là một việc vừa cam go vừa gai góc”.

Chắc hẳn Thiên Chúa đã chúc lành đặc biệt cho thiện chí,  nỗ lực, lòng tin và sự hy sinh của Mel Gibson trong việc thực hiện cuốn phim này. Vậy nên, tất cả sự chống phá cuốn phim đã trở thành phương thế làm gia tăng con số khán giả tìm xem và chứng thực tính cách siêu việt của cuốn phim này. Nhiều nhà thờ Công Giáo và Tin Lành đã ủng hộ cuốn phim này qua việc đặt mua hàng trăm, hàng ngàn vé. Nhiều người không phải là Kitô hữu cũng náo nức muốn xem. Người ta ước tính chỉ trong vài tuần cuốn phim được trình chiếu trong mùa Chay, số tiền vé thu vào sẽ lên đến hơn 100 triệu (National Catholic Register Feb. 22-28/02/2004).

Lợi nhuận về tài chánh cho việc thực hiện cuốn phim Cuộc Thương Khó của Đức Kitô đối với Mel Gibson đã trở thành hiển nhiên. Nhưng có lẽ chỉ có chính Thiên Chúa mới có thể thấu biết lợi ích siêu nhiên vô cùng lớn lao sẽ nảy sinh qua việc phổ biến cuốn phim siêu việt này. Vì suy cho cùng, đúng như sự nhìn nhận của Mel Gibson và Jim Caviezel, Cuộc Thương Khó của Đức Kitô bao giờ cũng là khí cụ đầy hiệu lực để thực hiện ý định và chương trình cứu độ đầy yêu thương của chính Chúa.

Với những chứng từ mạnh mẽ như thế, ngay cả trước khi coi cuốn phim Cuộc Thương Khó của Đức Kitô, tôi đã cảm thấy mình bị đánh động mãnh liệt bởi tấm gương dấn thân phục vụ Tin Mừng và đức tin mạnh mẽ sống động của Mel Gibson và Jim Caviezel, cũng như cảm nhận công trình kỳ diệu thật tỏ tường Chúa đã thực hiện nơi họ qua cuốn phim trên.

Cảm tạ Chúa và Mẹ đã ban cho thời đại chúng con phép lạ điện ảnh này.

Xin Chúa khắc sâu hình ảnh Cuộc Thương Khó của Đức Kitô vào tâm hồn của con và của tất cả những ai đã đang hay sẽ xem cuốn phim kỳ diệu này, để tất cả chúng con cảm nhận cách sâu xa tình yêu tuyệt đối Chúa dành cho chúng con qua những đau thương cùng cực mà Chúa đã phải gánh chịu vì chúng con, để chúng con tận tình đáp mến Chúa và trở thành những người tình của Thánh Giá, những người chọn Chúa Giêsu Chịu Đóng Đinh là đối tượng duy nhất của lòng trí chúng con và khí cụ của Lòng Thương Xót Chúa cho thế giới hôm nay. Amen.

(23-25/02/2004)

PS: “Tình huynh đệ đích thực, tình máu mủ thắm thiết, tình yêu thương chân thành cốt ở điều này là thông truyền cho nhau những kho báu thiêng liêng” (Thánh Gioan Kim Khẩu). Bài viết này đã được đăng trên Nguyệt San Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp trong số tháng 3 năm 2002. Nay xin gửi đến chia sẻ với quý độc giả Thanhlinh.net. nhân dịp bước vào Mùa Chay 2021 HP (Feb. 15, 2021).