Phêrô Giulianô Eymard:Vị Thánh Say Yêu Thánh Thể
- T7, 07/12/2024 - 19:34
- Lm Phạm Quốc Hưng
PHÊRÔ GIULIANÔ EYMARD:VỊ THÁNH SAY YÊU THÁNH THỂ
Lm. JBT Phạm Quốc Hưng, CSsR.
Lời ngỏ: Nhân Thứ Năm Tuần Thánh-kỷ niệm ngày Chúa Giêsu lập Phép Thánh Thể và Chức Linh Mục và giới luật yêu thương, xin gửi đến quý độc giả bài viết này. Đây là bài viết đã được đăng trên Nguyệt San Trái Tim Đức Mẹ số tháng 6 năm 2005. Sau đó, được in trong cuốn “Có Mẹ trong Đời”. Ước mong qua gương sáng, giáo huấn và lời bầu cử của Thánh Phêrô Giulianô Eymard, chúng ta được thêm lòng yêu mến sùng mộ Chúa Giêsu Thánh Thể, trân quý thiên chức linh mục và hết lòng sống giới luật yêu thương (Mar. 30th, 2021). HP
Khi phát động Năm Thánh Thể đầu tiên trong lịch sử Giáo Hội, từ tháng 10/2004 đến tháng 10/2005, Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II muốn mọi tín hữu Công Giáo canh tân đời sống đức tin bằng việc canh tân niềm tin và tình yêu của họ đối với Chúa Giêsu ngự thật trong Bí Tích Thánh Thể. Ngài xác tín rằng: “Trong tấm Bánh Thánh nhỏ bé đó chứa đựng câu trả lời cho mọi vấn nạn của thế giới”. Ngài cũng từng ân cần căn dặn các linh mục: “Sự cống hiến tốt đẹp nhất mà các con là những linh mục có thể dành cho Giáo Hội là đặt Hy Tế Thánh Thể làm trung tâm cuộc sống các con, và trung tâm cuộc sống của những người các con phục vụ”.
Điều mà Đức Gioan-Phaolô II luôn ân cần mời gọi các tín hữu ngày nay thực hiện đã được thể hiện cách tuyệt hảo nơi đời sống của Thánh Phêrô Giulianô Eymard. Hơn nữa, đó còn chính là lẽ sống và sứ mạng của thánh nhân trong lịch sử Giáo Hội như lời tuyên bố của Chân Phước Giáo Hoàng Gioan XXIII trong dịp tôn phong hiển thánh cho ngài ngày 9/12/1962: “Các đặc điểm và các tư tưởng hướng định cuộc đời mục vụ của Cha Thánh Giulianô Eymard là: Tình yêu tuyệt vời đối với Chúa Giêsu Kitô ngự trong Bí Tích Thánh Thể”. Trước đó, vào ngày 15/07/1962, khi nhìn nhận phép lạ do lời chuyển cầu của thánh nhân, Đức Gioan XXIII đã nhận xét: “Trong các vị tôn sùng Thánh Thể, Cha Thánh Giulianô Eymard đứng hàng đầu”.
Vì vậy, để hưởng hứng lời kêu gọi thiết tha của Vị Cha Chung và tận dụng những hồng ân Chúa ban trong Năm Thánh Thể hồng phúc này, chúng ta hãy tìm hiểu con người, cuộc sống và giáo huấn của Thánh Phêrô Giulianô Eymard, Vị Tông Đồ của Thánh Thể, để nhờ gương sáng, giáo huấn và lời chuyển cầu của ngài, chúng ta sẽ trở nên những người say yêu Thánh Thể như ngài.
Thời thơ ấu với ước mơ trở thành linh mục
Thánh Phêrô Giulianô Eymard sinh ngày 04/02/1811 tại La Mure d’Isère, một làng nhỏ thuộc Giáo Phận Grenoble, nước Pháp.
Cha ngài là Ông Giulianô Eymard, một tín hữu Công giáo sốt sắng thuộc giới trung nông. Ông lập gia đình lần đầu năm 1785 với cô Jeanne Marie Caix. Lúc ấy ông được 20 tuổi. Từ năm 1786 đến năm 1799, bà sinh cho ông được 6 người con. Ít lâu sau bà từ trần.
Ngày 27/11/1804, Ông Giulianô tái hôn với Cô Maria Mađalêna Pelorce. Bà đã sống xứng hợp với câu nói: “Đầu gối các bà mẹ là trường huấn luyện các thánh”, vì đã nên tấm gương cho Thánh Eymard về lòng say yêu Chúa Giêsu Thánh Thể.
Bà Maria Mađalêna sinh được 4 người con, và bà đã hiến dâng tất cả các con cho Chúa ngay cả trước khi chúng chào đời. Chúa đã chấp nhận ý nguyện dâng hiến của bà: Ngài đã đưa 3 người con đầu của bà về Thiên Đàng khi chúng còn thơ ấu; riêng cậu út Phêrô Giulianô thì được Ngài chọn để trở nên Vị Thánh cổ võ lòng tôn sùng Chúa Giêsu Thánh Thể.
Trong lúc mang thai Phêrô Giulianô, Bà Eymard thuờng đến nhà thờ viếng Thánh Thể và dâng con cho Chúa Giêsu trong nhà tạm. Sau khi sinh con, mỗi khi nghe chuông nhà thờ báo hiệu có chầu phép lành Thánh Thể, bà thường vội vã đưa con đến nhà thờ để dâng hiến cho Chúa và lãnh nhận phép lành. Và khi vừa mới biết đi, ngày ngày Phêrô Giulianô được theo mẹ đến nhà thờ viếng Thánh Thể. Mẹ cậu thường ở lại nhà thờ rất lâu với Chúa, nhưng cậu bé không bao giờ đòi về sớm hơn.
Khi đã có thể tự mình đi đến nhà thờ, Phêrô Giulianô thường trốn đến nhà thờ viếng Chúa Giêsu Thánh Thể. Một hôm thấy vắng cậu, người chị cùng cha khác mẹ tìm khắp nơi không thấy liền vào nhà thờ và gặp thấy cậu đang quỳ trên chiếc ghế nấp sau bàn thờ, mắt đăm đăm nhìn vào Nhà Tạm và cầu nguyện. Chị hỏi: “Em làm gì ở đây? Cả nhà tìm em.” Cậu bé trả lời: “Em cầu nguyện.” “Nhưng sao lại leo lên đó?” “Vì ở đây gần Chúa hơn và dễ nghe thấy tiếng Người.”
Vào khoảng 5 tuổi, một hôm cậu nói với ngừơi chị: “Chị thật diễm phúc vì được rước Chúa thường xuyên. Chị làm ơn Rước Lễ chỉ cho em một lần nhé!” Người chị hỏi: “Thế em muốn chị xin cho em điều gì?” “Chị xin cho em được ngoan ngoãn, hiền từ, trong sạch và nhất là cho em có ngày trở thành linh mục nhé!”
Khi lên 8, Phêrô Giulianô được xưng tội lần đầu, dự lễ và giúp lễ mỗi ngày. Và cậu bắt đầu cảm thấy đói khát rước Chúa Giêsu Thánh Thể. Cậu viết: “Hồng ân được Rước Lễ, ước vọng của tôi lúc 8 tuổi, là quy hướng mọi sự về Bí Tích Thánh Thể”. Cậu rất ham mê việc giúp lễ. Thời ấy, em nào muốn giúp lễ phải đến sớm chừng 15 phút để đi lắc chuông trong xứ cho bà con đến dự lễ. Vì muốn giúp lễ, Phêrô Giulianô nhiều lần đến nhà thờ từ tối hôm trước để lấy chuông đem về nhà, để sáng hôm sau không em nào tranh được với cậu.
Ngày 22/05/1822, cậu lãnh Bí Tích Thêm Sức do Đức Cha Claude Simon, Giám Mục Địa Phận Grenoble, người đã truyền chức linh mục cho Cha (Thánh) Gioan Vianey năm 1815. Để dọn mình Rước Lễ Lần Đầu, cậu gia tăng việc ăn chay hãm mình. Cậu còn đi hành hương một mình đến Đền Thánh Đức Mẹ ở Laus, cách La Mure hơn 60 km để kính Đức Mẹ. Sau này, cậu viết: “Ở đó, lần đầu tiên tôi được biết Đức Mẹ, và tôi yêu mến Ngài”. Tại đây, cậu gặp được Cha Touche thuộc Dòng Đức Mẹ Vô Nhiễm và bày tỏ với ngài ước mơ làm linh mục. Cậu đã được ngài khích lệ thêm lòng say yêu Chúa Giêsu Thánh Thể và chuyên chăm Rước Lễ để biến ước mơ thành hiện thực.
Và ngày 16/03/1823, nhằm Chúa Nhật Thương Khó, Phêrô Giulianô Eymard đã được diễm phúc Rước Mình Thánh Chúa lần đầu. Hôm ấy cậu ghi: “Khi tôi ẵm Chúa Giêsu trong trái tim tôi, tôi nói với Chúa: ‘Con sẽ làm linh mục, con hứa cùng Chúa như vậy’”. Ba mươi năm sau, Cha Eymard còn rơi lệ khi nhớ đến kỷ niệm Rước Lễ lần đầu. Cha thường nói: “Chúa đã ban cho tôi những ơn lạ trong ngày Rước Lễ lần đầu! Vâng, tôi tin là sự hoán cải của tôi lúc ấy là chân thành và hoàn hảo.”
Vào tháng 07/1823, cậu ghi danh gia nhập Hội Đền Tạ Thánh Tâm và sốt sắng giữ đủ mọi khoản luật của Hội, kể cả việc đọc kinh ban đêm.
Phêrô Giulianô đã xin thân phụ ngài cho ngài đi học Latinh để theo đuổi ước mơ làm linh mục. Ông Eymard nhất quyết không bằng lòng, vì ông muốn cậu nối nghiệp ông làm chủ cơ sở ép dầu ở La Mure do ông gầy dựng. Dầu vậy, Phêrô vẫn vững chí theo đuổi ước mơ. Cậu đến xin một linh mục ở La Mure dạy Latinh, nhưng ngài từ chối vì cho rằng cậu còn nhỏ dại. Một lần nọ, khi thấy một cậu bé cầm cuốn văn phạm Latinh, Phêrô liền hỏi cậu làm thế nào để học tiếng Latinh. Được giải thích một vài nguyên tắc văn phạm căn bản, cậu mừng lắm và đã để dành tiền mua cho được cuốn văn phạm Latinh. Cậu còn nhờ mấy thầy chủng sinh chỉ dẫn thêm và sửa chữa bài tập. Vì vậy, chỉ sau 2 năm âm thầm tự học, cậu đã đạt được trình độ Latinh tương đương lớp 8.
Một buổi tối kia, khi Phêrô Giulianô nghe biết việc cha mẹ bàn tính chuyện lập gia đình cho cậu, cậu đã mạnh dạn cho cha mẹ biết quyết tâm trở nên linh mục của cậu. Sau đó, cậu được học bổng để theo học tại một trường ở La Mure với điều kiện là phải giúp việc cho ông hiệu trưởng. Nhưng chỉ sau một năm, cậu phải ngưng học vì Ông Eymard và ngay cả cha phó La Mure đều phản đối.
Năm 1828, Cha Desmoulins, vốn quen biết Ông Eymard, tuyên uý “nhà tá túc” Thánh Robert gần Grenoble và cha xứ Giáo Xứ Thánh Engrève, đang tìm một thanh niên giúp việc cho ngài. Bù lại, ngài sẽ lo cho ăn học. Lần này, vì nể ngài Ông Eymard đã cho phép cậu Phêrô Giulianô theo ngài. Tại đây, Phêrô Giulianô đã phải làm việc vất vả và chứng kiến nhiều nỗi thương tâm vì “nhà tá túc” là nơi trú ngụ của những người xấu nết. Nhưng chỉ 6 tháng sau, cậu nhận được tin người mẹ yêu quý của cậu qua đời ngày 05/08/1828, thọ 57 tuổi. Cậu đã chạy đến trước tượng Đức Mẹ ở “nhà tá túc” khóc lóc và xin Đức Mẹ chúc lành cho ước nguyện trở thành linh mục của ngài. Sau đó, ngài trở về La Mure để an ủi và giúp đỡ cha cậu.
Tháng 05/1829, các cha Dòng Đức Mẹ Vô Nhiễm giảng tĩnh tâm tại La Mure. Phêrô Giulianô đã đến gặp Cha Bề Trên là Cha Guibert (sau này trở thành Hồng Y Tổng Giám Mục Paris) bày tỏ ước muốn trở thành linh mục và những khó khăn đang gặp phải. Cha liền đề nghị cậu gia nhập Dòng Đức Mẹ Vô Nhiễm, và chính Cha đến thăm Ông Eymard tại nhà để xin phép cho Phêrô Giulianô vào Dòng. Lần này, Ông Eymard đã chấp nhận thánh ý.
Phêrô Giulianô rời La Mure và được nhận vào Nhà Tập Dòng nhằm Lễ Hiện Xuống ngày 07/06/1829 tại Marseille dưới sự hướng dẫn của Cha Giugues (sau này là Giám Mục tiên khởi ở Ottawa-Canada). Nơi đây, cậu sung sướng vì được tha hồ học tập và chuyên chăm mọi việc đạo đức. Câu thấy thời gian trôi quá nhanh. Nhưng chỉ 6 tháng sau, vì bị viêm phổi, cậu phải theo lời bác sĩ rời Tập Viện để về La Mure dưỡng bệnh. Bệnh tình của cậu ngày càng trầm trọng đến mức gần như phải chết, nhưng cậu vẫn tha thiết cầu xin Chúa: “Lạy Chúa, xin cho con niềm vui ít là dâng một Thánh Lễ trước khi lìa đời”. Chúa đã chấp nhận ước nguyện lành thánh đó, và cậu đã dần dần bình phục.
Ngày 01/03/1831, sau một cơn bệnh ngắn ngủi, Ông Eymard từ trần cách thánh thiện trên tay Phêrô Giulianô. Lúc đó, ông được 65 tuổi.
Sau khi đã lành bệnh và sắp xếp công chuyện gia đình, cuối tháng 09/1831, Phêrô Giulianô đã được nhận vào Đại Chủng Viện Địa Phận Grenoble với sự giới thiệu của Cha Eugene de Monzenod, Vị Sáng Lập Dòng Đức Mẹ Vô Nhiễm và sau trở thành Giám Mục Địa Phận Marseilles.
Ngày 20/07/1834, cùng với 22 bạn cùng lớp, Phêrô Giulianô đã được thụ lãnh Chức Linh Mục qua việc đặt tay của Đức Cha Philibert de Bruillard, Giám Mục Grenoble. Cha đã đến dâng lễ mở tay tại Đền Thờ Đức Mẹ của Dòng Đức Mẹ Vô Nhiễm tại Osier vào ngày 22/07/1834, Lễ Thánh Maria Mađalêna. Tâm hồn Cha tràn đầy niềm vui Thiên Quốc khi thấy ước mơ sâu thẳm nhất đời đã được thực hiện. Lòng Cha ngập tràn lòng tri ân đối với Đức Mẹ, Đấng đã làm cho ước mơ của Cha được thành tựu.
Nhận thấy sức khỏe của ngài còn yếu kém, chị ngài đã xin Đức Cha cho ngài về La Mure dưỡng sức, Đức Cha đã chấp thuận. Thế là Cha Eymard đã được về lại quê nhà. Trong vài tháng dưỡng sức tại đây, ngài đã trở nên gương mẫu thánh thiện và chinh phục nhiều tâm hồn cho Chúa. Mọi người đều tôn kính ngài như vị thánh sống.
Cha phó nhiệt thành
Ngày 17/10/1834, Cha Eymard được Đức Cha bổ nhiệm về làm Cha Phó Giáo Xứ Chatte thuộc hạt Thánh Marseille. Giáo xứ này có khoảng 2.300 giáo dân.
Nhận thấy cần phải trau giồi thêm khả năng để phục vụ dân Chúa, Cha Eymard đã vạch ra một chương trình để tự đào luyện cho mình về Thánh Kinh, thần học, lịch sử Giáo Hội và các khoa nhân văn. Đặc biệt, Cha dành ra mỗi ngày một giờ để học hỏi Thánh Kinh. Ngài nói: “Một linh mục mà để một ngày qua đi không đọc Thánh Kinh là đã phí phạm thời giờ”. Ngài còn xác định thứ tự ưu tiên trong đời sống thiêng liêng như sau: “Trong việc học này, tôi ghi chép điều gì, điều ấy sẽ dùng cho thừa tác vụ của tôi, nhưng những suy niệm của tôi sẽ để dành cho tôi. Người anh em tôi sẽ ở chỗ thứ nhì; trước tiên tôi phải nuôi tôi, rồi kế đó là nuôi anh em tôi”. Điều này cho thấy ngài đã nắm chắc nguyên lý: “Không ai có thể cho người khác điều mà mình không có”.
Sau Thánh Kinh, cuốn sách ngài yêu chuộng hơn cả và đọc hàng ngày là cuốn Gương Chúa Giêsu. Chắc chắn ngài đã được gia tăng lòng say yêu Bí Tích Thánh Thể nhờ chuyên cần suy gẫm Quyển IV bàn về Bí Tích Thánh Thể trong cuốn sách này. Ngài viết: “Nó thật tuyệt vời! Chắc hẳn phải là một thiên thần biên soạn!”.
Về luân lý, tu đức, tinh thần tông đồ và đường hướng mục vụ, ngài chọn học hỏi với Thánh Tiến Sĩ Anphong Maria Liguori, Đấng Sáng Lập Dòng Chúa Cứu Thế. Ngài nói: “Có nhiều tác giả để tham khảo là điều tốt, nhưng phải có một tác giả mà thôi để tôi lấy làm cơ sở. Thánh Anphong Liguori là tác giả tôi căn cứ”. Hàng năm, ngài đọc lại cuốn Người Tông Đồ của Thánh Anphong. Ngài cũng khuyến khích mọi người dùng cuốn Viếng Thánh Thể và Đức Mẹ của Thánh Anphong, một cuốn sách đã giúp chính ngài và bao người thêm lòng yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể. Ngài viết: “Hãy cầm đọc cuốn Viếng Thánh Thể và Đức Mẹ của Thánh Anphong Liguori. Khi cuốn sách này được xuất bản, nó đã làm nên một cuộc cách mạng đạo đức. Nó đã làm trổ sinh và tiếp tục làm trổ sinh mỗi ngày biết bao hoa trái của ơn cứu độ”.
Vừa chuyên chăm tự đào luyện, cha vừa tận tâm hướng dẫn dạy dỗ mọi tầng lớp giáo dân: dạy giáo lý cho thiếu nhi, thăm viếng bệnh nhân, săn sóc và giúp đỡ người nghèo. Cha thực sự đặt Thánh Thể làm trung tâm đời sống và mọi hoạt động của mình. Ngài thường dùng 2 giờ để dọn mình trước khi dâng lễ và 2 giờ sau lễ để cám ơn Chúa. Buổi chiều, Cha lại vào nhà thờ hướng dẫn giáo dân đọc kinh trước Thánh Thể. Trước khi đi ngủ, Cha lại viếng Chúa Giêsu Thánh Thể hàng giờ và đi Đàng Thánh Giá. Cha thường khích lệ giáo dân nhớ đến sự Hiện Diện Thực Sự của Chúa Giêsu trong Bí Tích Thánh Thể và tìm đến kính viếng Người.
Nhờ kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu Thánh Thể, Cha Eymard đã trở nên giống Người; nghĩa là trở nên “tấm bánh ngon” cho mọi người bằng đời sống bác ái trọn hảo. Ngài sẵn sàng hy sinh mọi sự cho dân chúng: thời giờ, tiền bạc, sức lực...Ngài thường nói: “Với tôi, Xứ Chatte luôn ở giữa đĩa thánh và Bánh Thánh”.
Đường lối tu đức của Cha Eymard luôn có tính chiến đấu và gắn liền với hai mầu nhiệm Thánh Thể và Thánh Giá. Ngài nói: “Tôi sẽ nói hai trọng tâm: một trọng tâm cho việc làm là Đỉnh Canvê của sự phục tùng, bỏ mình và chịu đóng đinh; trọng tâm kia là nghỉ ngơi nơi Nhà Tạm của Thiên Chúa trong Bí Tích Thánh Thể”. Để giúp mình sống linh đạo Thánh Giá cách sâu đậm hơn, ngày 10/06/1835 Cha đã gia nhập Dòng Ba Sêraphim với danh hiệu Giuse do Cha Giám Đốc thuộc Dòng Caphuchin thâu nhận.
Cha xứ tận tâm
Ngày 02/07/1837, Cha Eymard được thuyên chuyển về làm Chánh Xứ Giáo Xứ Monteynard gần La Mure. Giáo xứ này chỉ có chừng 500 người. Vì đã vắng bóng linh mục thì thời Cách Mạng, nên dân chúng nơi đây hầu như đã mất đức tin. Cha Eymard đã đến giáo xứ này với 40 xu còn sót lại sau khi đã cống hiến tất cả cho người nghèo tại Chatte. Trước mắt cha là sứ mạng canh tân đời sống đức tin cho dân chúng tai xứ mới này. Để chuẩn bị cho sứ vụ, một lần nữa Cha đã hành hương kính viếng Đền Thánh Đức Mẹ ở Laus.
Cha đã bắt tay vào việc bằng cách sửa sang lại nhà thờ giáo xứ. Và Cha đã thu hút dân chúng đến với Chúa qua những nghi lễ phụng vụ trang trọng, cao đẹp và sốt sắng. Ngài tiếp tục nêu cao gương cầu nguyện và bác ái tuyệt bậc, sẵn sàng trao tặng những người nghèo túng tất cả những gì ngài có: tiền bạc, áo quần, thức ăn, vật dụng…. Cha cũng ra công giảng dạy giáo lý cho dân chúng, tận tâm giúp họ giao hòa với Chúa nơi tòa cáo giải, nhất là khuyến khích họ đến với Chúa Giêsu Thánh Thể. Hai chị của Cha là Marianne và Annette Bernard cũng dọn về đây để giúp Cha.
Cũng như Thánh Anphong Liguori, Quan Thầy các cha giải tội, Cha Eymard yêu quý việc giải tội và giúp giáo dân đến gần Chúa hơn qua Bí Tích Giải Tội. Chị Marianne kể: “Ngay năm đầu tiên, Cha Eymard ngồi tòa cho nhiều người tới xưng tội. Cha giúp cho nhiều tội nhân vốn bê trễ bổn phận Mùa Phục Sinh được trở lại.” Bà Marie Ravet vốn là giáo dân ở đây ghi nhận: “Cha là một cha giải tội rất khéo lời khuyên bảo. Chúng tôi nhớ rõ rằng khi rời tòa giải tội, chúng tôi rất hạnh phúc và được phấn khởi chu toàn bổn phận.”
Chỉ sau hai năm phục vụ giáo xứ, Cha Eymard đã thực sự canh tân đời sống đức tin của dân chúng tại Monteynard.
Trong thời gian này, Cha Touche-người đã hướng dẫn cậu bé Eymard năm xưa tại Đền Thánh Đức Mẹ ở Laus-có dịp ghé đến Monteynard. Cha Eymard vui mừng gặp lại vị ân nhân yêu quý của ngài. Cha Touche đã ân cần chia sẻ những câu chuyện mục vụ thú vị với Cha Eymard. Đặc biệt, ngài thích thú kể cho Cha Eymard nghe về việc một Dòng Đức Mẹ mới được Cha Jean Claude Colin sáng lập. Cha Eymard bị cuốn hút bởi ý hướng muốn gia nhập Dòng Đức Mẹ, vì từ lâu ngài vẫn nhận mình là con riêng Đức Mẹ. Thế là Cha Eymard nhờ Cha Touche coi xứ hộ ít bữa để chính ngài đi Lyons tìm hiểu Dòng. Ngài đã gặp Cha Colin-Vị Sáng Lập-và được ngài sẵn sàng nhận vào Dòng.
Cha Eymard trở về Monteynard lòng tràn ngập vui sướng và xin phép Đức Cha Địa Phận cho gia nhập Dòng. Thoạt đầu, Đức Cha từ chối, nhưng sau khi nhận biết đó là Thánh Ý, Đức Cha De Bruillard đã cho phép ngài nhập Dòng. Cha Eymard đã xin Chúa một ơn để củng cố ơn gọi tu sĩ Dòng Đức Mẹ nơi ngài: Cha tất cả mọi người trong xứ tham dự Lễ Phục Sinh, giao hòa với Chúa và được vui mừng. Chúa đã cho ước nguyện ngài thành tựu: Tất cả mọi giáo dân Xứ Monteynard đều tham dự Lễ Phục Sinh 31/03/1839 và cung nghinh Thánh Thể.
Vào ngày 18/08/1839, sau khi dâng lễ Chúa Nhật như thường lệ, Cha Eymard đã âm thầm từ giã Monteynard để vào Nhà Tập Dòng Đức Mẹ ở Lyons. Hai chị của Cha bắt gặp Cha dọc đường, nhưng Cha vẫn cương quyết bước đi mặc cho Chị Marianne phải ngất đi trong tay Chị Annette Bernad, bất chấp sự luyến tiếc não nề của giáo dân tại Monteynard.
Cha Dòng Đức Mẹ
Ngày 20/08/1839, Cha Colin đã đón tiếp Cha Eymard vào Dòng Đức Mẹ. Cha đã tham dự kỳ tĩnh tâm toàn dòng năm ấy từ 28/08 đến 03/09 tại Belley. Cha đã giữ mãi lòng sốt sắng của kỳ phòng này trong suốt thời gian Nhà Tập ở Lyons. Chúa Nhật 16/02/1840, Cha Eymard đã tuyên khấn để trở thành tu sĩ chính thức Dòng Đức Mẹ.
Liền sau đó, ngài được bổ nhiệm làm Linh Hướng Chủng Viện Belley. Cha đã giữ chức vụ này cho đến tháng 09/1844. Người ta đã công nhận Cha là vị linh hướng lỗi lạc nhất tại trường này, và các chủng sinh yêu kính ngài như cha ruột. Ngài đã nhiệt tâm cổ võ lòng tôn sùng Đức Mẹ nơi các chủng sinh và tạo ra một sinh khí mới cho chủng viện. Sau đó, ngài lại được giao phó trọng trách làm Giám Tỉnh Lyons. Ý thức được trách nhiệm nặng nề, ngài càng ra sức ăn ở khiêm nhường hiền hậu và xin các chị thêm lời cầu nguyện cho ngài.
Vào Chúa Nhật trong Chúa Nhật kính Mình Máu Thánh Chúa ngày 25/05/1845, Cha Eymard được Cha Xứ Thánh Phaolô nơi có Dòng Đức Mẹ mời mang Mình Thánh Chúa khi rước kiệu. Dịp này, Cha Eymard đã được ơn sùng mộ Phép Thánh Thể cách đặc biệt. Ngài viết:
“Ngày 25 tháng 5 Lễ Mình Máu Thánh Chúa, tôi được đặc ân mang Mình Thánh Chúa tại Nhà Thờ Thánh Phaolô và linh hồn tôi được một ân lộc to lớn do việc này. Hồn tôi được thấm nhuần lòng tin yêu Chúa Giêsu trong Bí Tích thần diệu. Hai giờ mà tôi coi như một khoảnh khắc vắn vỏi. Tôi đặt dưới chân Chúa cả Giáo Hội, cả nước Pháp, các người Công Giáo, Dòng Đức Mẹ và bản thân tôi. Tôi nức nở khóc ròng! Tim tôi nát tan như ở trong máy ép rượu nho. Vào lúc ấy, tôi ao ước có mọi trái tim trong trái tim tôi! Có nhiệt huyết của Thánh Phaolô!
“Tôi hứa cùng Chúa. Kể từ đầu tháng này, tôi được cảm thấy cuốn theo Chúa. Chưa bao giờ tôi cảm thấy mãnh liệt như vậy. Sự thu hút ấy gợi cảm hứng cho tôi trong khi giảng, trong việc làm linh hướng, để đưa cả thế giới về tìm bíêt và yêu mến Chúa chúng ta; để chỉ còn giảng về Chúa Giêsu Kitô, Chúa Giêsu Thánh Thể. Tôi đã làm như thế nhiều lần, cả trong khi giải tội, trong khi giảng thuyết, và Chúa đã chúc lành-điều tôi đã hết lòng và hết linh hồn hứa cùng Chúa-đó là một quyết tâm vững chắc. Từ nay nó sẽ là đối tượng của việc cầu nguyện và cam kết của tôi.
“Tôi đã xin Chúa ban cho tôi được tinh thần trong các thư của Thánh Phaolô, ngài rất yêu Chúa Giêsu Kitô. Từ hôm nay, tôi sẽ đọc các thư ấy, ít là mỗi ngày một chương. Tôi đã nhận Thánh Phaolô làm Đấng Bảo Hộ và Bổn Mạng cho loại công tác tông đồ này và tôi đã xin Đức Mẹ cho tôi đạt được tinh thần của Con Chí Thánh Mẹ, và làm cho Người hiện thân nơi tôi.
“Lạy Thiên Chúa của con, hạnh phúc biết bao nếu con nghe được từ miệng Chúa những lời Chúa nói với Thánh Tôma Tíên Sĩ: Con đã nói rất khéo về Cha! Lạy Thiên Chúa của con, Chúa bíêt lời kinh con đọc trong cuộc khải hoàn của Chúa: Lạy Cha, Cha ở trên trời...Con sẽ đọc kinh ấy nhiều lần...Ôi kinh ấy làm nhiều ích cho con..”
Ý hướng trở nên Tông Đồ Thánh Thể của Cha Eymard đã bắt đầu rõ nét từ biến cố này.
Tháng 12/1839, Cha được bổ nhiệm làm Tổng Giám Đốc Hội Dòng Ba Đức Mẹ. Trong vai trò này, Cha đã làm cho Hội Dòng bành trướng mau lẹ. Đến tháng 09/1846, Cha được đặt làm Tổng Kinh Lược toàn Dòng Đức Mẹ. Sau 4 năm làm Tổng Kinh Lược, ngài được Bề Trên đặt làm giáo tập thay thế cho vị giáo tập vừa lâm bệnh nặng. Chỉ sau một năm, ngài lại được đổi về làm Bề Trên tại Đại Học La Seyne sur Mer.
Tông đồ Thánh Thể
Trong thời kỳ làm giáo tập, vào Thứ Ba ngày 21/01/1851, khi cầu nguyện tại Đền Đức Mẹ Fourvìere, ngài được “ơn thiên triệu” lập Dòng Thánh Thể. Ngài được Đức Mẹ cho thấy sự thờ ơ lãnh đạm của con người đối với Chúa Giêsu Hiện Diện Thực Sự trong Bí Tích Thánh Thể. Ngài nhận ra có nhiều dòng tu đã được thành lập để tôn kính các mầu nhiệm khác nhau của cuộc đời Chúa, nhưng chưa có một dòng nào được thành lập để suy tôn mầu nhiệm Chúa ngự thật trong Bí Tích Thánh Thể, mầu nhiệm cao cả nhất trong đạo. Từ đó, ước nguyện hiến thân trọn đời cho việc cổ võ lòng tôn sùng Chúa Giêsu Thánh Thể trở nên rõ nét hơn nơi ngài.
Chúa hiểu thấu ước nguyện của Cha Eymard, nên tháng 09/1851 Cha được chỉ định để phụ trách Hội Chầu Thánh Thể tại Toulon, một công việc đúng như ước nguyện sâu thẳm nhất nơi ngài. Vì thế, ngài đã đem hết tâm trí chỉ chu toàn nhiệm vụ và gặt hái những kết quả kỳ diệu. Ngay sau khi nghe bài giảng đầu tiên của ngài về Phép Thánh Thể, một hội viên ở Toulon đã thốt lên: “Đây quả là con người mà chúng tôi đang mong muốn”.
Vì lòng ước ao muốn luôn được chiêm ngắm Chúa Giêsu Thánh Thể, khi ở La Seyne, Cha Eymard đã đục một lỗ nhỏ ở vách ngăn giữa phòng Cha và Nhà Nguyện để Cha có thể chiêm ngắm Nhà Tạm luôn. Cha đã gặt hái được những thành quả tông đồ tại đây còn hơn cả tại Belley bội phần. Bí quyết của Cha là làm mọi việc dưới chân Nhà Tạm Chúa Giêsu Thánh Thể.
Ngày Thứ Hai 18/04/1853 là một ngày nghỉ ở Đại Học La Seyne. Các cha và sinh viên đều đi chơi. Cha Eymard dâng lễ trễ hơn mọi ngày, và trong lúc cám ơn sau Thánh Lễ Cha đã được ơn soi sáng đặc biệt có ảnh hưởng sâu đậm trong cuộc đời còn lại của Cha. Cha bày tỏ việc này trong thư viết cho Bà Tholin Bost ở Tarare như sau:
“Ngày 18 tháng 4, trong khi cám ơn sau thánh lễ, bỗng nhiên tôi có cảm giác mạnh về lòng biết ơn và yêu mến Chúa Giêsu, và kết quả là tôi thưa với Chúa: ‘Con làm được điều gì vĩ đại cho Chúa?’ Một ý tưởng ngọt ngào êm đềm, nhưng cũng mạnh mẽ, làm cho tôi hạnh phúc nghĩ đến việc tận hiến chính mình cho việc phụng sự Bí Tích Thánh Thể, xin phép được làm việc này, tìm ra đường hướng duy trì và phát huy công việc quan trọng là Chầu liên tiếp và thúc bách thành lập Dòng Thánh Thể. Con ơi! Đó chẳng là một ý đẹp sao? Kể từ ngày lập Giáo Hội đến nay, Bí Tích Thánh Thể chưa có một Dòng riêng, chưa có đoàn danh dự hầu can, chưa có triều đình, chưa có một gia đình nào, như các mầu nhiệm khác của Chúa đã từng có những Hội Dòng để tôn vinh và rao giảng các mầu nhiệm ấy, lại không phải là chuyện ngạc nhiên sao?Cha thấy như mình đang muốn hy sinh cho Chúa Giêsu trong Phép Thánh Thể.”
Sau này, trước khi qua đời ít ngày, Cha Eymard đã tâm sự với một người bạn: “Ngày 18/04/1853, tôi đã thề hứa với Chúa là sẽ tận hiến trọn đời để thành lập Dòng Thánh Thể. Tôi cam kết với Chúa là không gì có thể cản trở tôi được, dù phải ăn đất đá, hay phải chết thảm thương cùng cực đến mức độ nào đi nữa, tôi cũng sẽ chẳng từ nan. Viên đá nền tảng của Dòng Thánh Thể đã được đặt xuống từ ngày đó”.
Với tâm tình vâng phục Mẹ Hội Thánh, Cha Eymard đã nhờ Cha Jandel là Bề Trên Cả Dòng Đaminh đệ trình lên Tòa Thánh dự án lập Dòng Thánh Thể. Ngày 29/06/1853, Đức Thánh Cha Piô IX nhận định: “Đây là một tư tưởng hết sức cao cả, nếu thực hiện được. Ta sẽ hết lòng ủng hộ”.
Khi Cha Touche có dịp đi Rôma, Cha Eymard lại nhờ ngài trình lên Đức Thánh Cha thỉnh nguyện thơ thành lập Dòng Thánh Thể với những nét đại cương về quy luật của Dòng. Cha Touche đã được yết kiến Đức Thánh Cha Piô IX ngày 27/08/1855. Sau khi đọc qua thỉnh nguyện thư của Cha Eymard, Đức Thánh Cha nói: “Ta tin chắc đây là công cuộc phát xuất từ Thiên Chúa. Giáo Hội rất cần một công cuộc như vậy. Phải dùng mọi cách để người ta nhận biết và tôn thờ Phép Thánh Thể”. Ngài còn lập lại: “Đây quả là công cuộc của Chúa và Ta cũng mong muốn công cuộc này. Nhưng hiện nay, Ta chưa châu phê được, trong tương lai Ta sẽ châu phê”.
Thánh ý Chúa đã tỏ tường qua nhận định của Đức Thánh Cha. Để có thể dâng trọn tâm lực cho việc lập Dòng Thánh Thể, Cha Eymard buộc lòng phải xin tháo lời khấn trong Dòng Đức Mẹ mà Cha hằng yêu mến. Cha Bề Trên Cả Dòng Đức Mẹ bấy giờ là Cha Fabre đồng ý và hứa sẽ ban phép chuẩn cho Cha Eymard bằng một văn thơ chính thức. Trong thời gian chờ đợi, Cha Eymard đã góp phần tu chỉnh Thủ Bản và Quy Luật của Hội Dòng Ba Đức Mẹ và thay thế vị giám đốc đệ tử vắng mặt ít ngày. Sau đó Cha Eymard về Lyons, và ở đây ngài gặp phải sự chống đối mãnh liệt của Hội Đồng Dòng. Vì vậy, ngài đã xin Bề Trên Cả tạm giữ lại phép chuẩn. Ngày 01/05/1856, ngài lên Paris tĩnh tâm và bàn hỏi thêm.
Theo lời khuyên của Đức Cha Địa Phận Bouillerie, Cha Eymard đã trình bày sự việc với Đức Cha Sibour là bà con và Giám Mục Phụ Tá ở Paris để xin Đức Tổng Giám Mục Paris chấp thuận và ủng hộ công cuộc đã được Đức Piô IX nhìn nhận là phát xuất từ Thiên Chúa. Sau khi gặp gỡ Đức Tổng Giám Mục, trình bày và giải thích về tinh thần và đường lối hoạt động của Dòng, Cha Eymard đã được sự chấp thuận của ngài.
Cuối cùng, Cha Eymard đã nhận được phép chuẩn rời Dòng Đức Mẹ để lập Dòng Thánh Thể như Chúa muốn. Cha đã trình bày ngắn gọn tinh thần, đường lối và mục đích của Dòng Thánh Thể với những lời khiêm tốn chân thành sau: “Người ta gọi tôi là Đấng Sáng Lập Dòng. Thật ra tôi chẳng sáng lập ra gì cả. Làm sao có thể nói được là sáng tạo ra Phép Thánh Thể hay phát minh ra việc tôn thờ Bí Tích này? Quả thực, những tư tưởng căn bản của Dòng Thánh Thể thì quá đơn sơ và hiển nhiên đến nỗi suốt 19 thế kỷ sau Bữa Tiệc Ly, không một ai nghĩ đến sự cần thiết của một dòng tu như vậy.”
Theo Cha Eymard, nguyên lý căn bản của Dòng Thánh Thể là: “Chúa Giêsu ngự ở đó, vậy tất cả hãy đến với Ngài”. Tinh thần của Dòng là một tình yêu tuyệt đối dành cho Chúa Giêsu ngự trong Bí Tích Thánh Thể. Chính tình yêu này cũng được bắt nguồn từ tình yêu của Đấng đã hiến thân và ẩn mình trong Bí Tích Cực Trọng này. Mục đích của Dòng là tôn thờ Chúa Giêsu ngự thật trong Bí Tích Thánh Thể và cổ cõ lòng tôn sùng Bí Tích này khắp nơi. Phương thế của Dòng là thực hiện việc chầu Thánh Thể cách long trọng và công khai.
Nhà đầu tiên của Dòng Thánh Thể được khai mở vào ngày 01/06/1856 tại số 114 Đường Enfer tại Paris. Người bạn đồng chí tiên khởi của Cha Eymard là Cha Raymond de Cuers, một thuyền trưởng hồi hưu đã dâng mình cho Chúa trong thiên chức linh mục. Và Lễ Hiển Linh 06/01/1857, Dòng Thánh Thể đã chính thức ra mắt bằng giờ chầu Thánh Thể với sự hiện diện của đông đủ đại diện các dòng tu. Từ ngày ấy, các giờ chầu Thánh Thể được tiếp diễn hàng tuần vào các ngày Chúa Nhật, Thứ Ba và Thứ Năm. Ước mơ của Cha Eymard là Mình Thánh Chúa được trưng bày suốt năm từ sau Thánh Lễ Đêm Phục Sinh đến Thứ Năm Tuần Thánh năm sau.
Tháng 12 năm 1858, Cha Eymard đích thân đi Rôma để yết kiến Đức Thánh Cha xin ngài châu phê luật Dòng Thánh Thể. Sau khi gặp Cha Eymard, Đức Thánh Cha Piô IX nói với Đức Ông Fioramonti: “Hôm nay Ta gặp một linh mục từ Paris tới. Ta rất hài lòng về ngài”. Hai tuần sau, vào ngày 05/01/1859, chính tay Đức Piô IX đã ký Sắc Lệnh Tán Dương nhìn nhận Dòng Thánh Thể. Bốn năm sau, ngày 08/05/1863, Dòng mới được châu phê với sắc lệnh ký ngày 03/06/1863, nhằm đúng Lễ Mình Máu Thánh Chúa. Khi ấy, Dòng đã có thêm hai nhà, một ở Marseilles và một ở Angers.
Cha Eymard còn khuyến khích và trợ giúp một người con thiêng liêng của ngài là Chị Marguerite Guillot thành lập một Dòng nữ gọi là Dòng Nữ Tỳ Thánh Thể. Dòng nhằm mục đích nhắc các nữ tu noi gương Mẹ Maria trở thành những người say yêu Chúa Giêsu ẩn thân trong Phép Thánh Thể.
Linh đạo Thánh Thể
Vì đặt Chúa Giêsu Thánh Thể làm trung tâm và nền tảng của đời sống tâm linh, Cha Eymard đã có một sự hiểu biết thật phong phú và độc đáo về mầu nhiệm Bí Tích Thánh Thể. Đối với ngài, “Thánh Thể chứa đựng tất cả các mầu nhiệm và tất cả các nhân đức...Thánh Thể là kỷ niệm của tất cả các mầu nhiệm trong đạo; Thánh Thể canh tân tình yêu và ân sủng của các mầu nhiệm đó”. Chính nhờ ánh sáng của Chúa Giêsu Thánh Thể, ngài đã có sự hiểu biết sâu xa hơn về các mầu nhiệm đức tin và các giáo huấn Tin Mừng.
Mầu nhiệm Thánh Thể trước hết là mầu nhiệm của tình yêu. Tình yêu phải là căn nguyên trước hết cho sự hối cải đích thực, cho việc phục vụ Chúa Giêsu Kitô cách hoàn hảo và cho việc trở nên hoàn thiện theo Phúc Âm. Tình yêu còn phải là trung tâm và cùng đích cho mọi sinh hoạt của mỗi tín hữu. Vì vậy, tôn chỉ của mọi người tôn thờ phải là :Tất cả vì tình yêu Chúa Giêsu ngự thật trong Bí Tích Thánh Thể.
Đối với ngài, Thánh Lễ là tột đỉnh của việc thờ lạy Thiên Chúa. Trong Thánh Lễ, Chúa Giêsu dâng chính Mình cho Chúa Cha, thờ lạy Người, cảm tạ Người, đền tạ Người và khấn xin Người nhân danh Giáo Hội của Ngài, anh em nhân loại của Ngài và mọi tội nhân khốn khổ. Chúa Giêsu tiếp tục không ngừng lời nguyện cao cả này trong trạng thái Hiến Tế Thánh Thể của Ngài. Vì vậy, để thờ lạy Thiên Chúa cách tốt đẹp nhất, chúng ta hãy noi gương Chúa Giêsu và liên kết với Ngài trong Bí Tích Thánh Thể để cầu nguyện với Chúa Cha theo 4 mục đích là thờ lạy, cảm tạ, đền tạ và khấn xin.
Cha Eymard không quên hướng về Mẹ Maria như mẫu gương tuyệt hảo của việc tôn thờ Chúa Giêsu Thánh Thể. Ngài mời gọi mọi người bắt chước đời sống của Mẹ Maria. Đó là một đời sống ẩn khuất, một đời sống nội tâm và một đời sống hy sinh. Sau Mẹ Maria, Thánh Giuse, Thánh Gioan Tiền Hô và Thánh Maria Mađalêna là những vị thánh giúp ta noi gương các ngài để say yêu Chúa Giêsu Thánh Thể và làm tông đồ cho Bí Tích Cực Trọng này.
Đối với Cha Eymard, lòng say yêu Chúa Giêsu Thánh Thể của các tín hữu bao giờ cũng phải gắn liền với những bổn phận đối với Hội Thánh. Ngài kể ra 4 bổn phận của mỗi tín hữu đối với Hội Thánh. Đó là phải thảo kính, yêu mến, vâng phục và trợ giúp Hội Thánh.
Theo Cha Eymard, Tháng Sáu nên được gọi là Tháng Thánh Thể hơn là Tháng Thánh Tâm, vì mọi việc sùng kính Thánh Tâm đích thực phải hướng người ta đến với Chúa Giêsu ngự thật nơi Bí Tích Thánh Thể. Đây là thời gian thuận tiện để canh tân, củng cố và gia tăng niềm tin yêu của ta đối với Chúa Giêsu Thánh Thể.
Sau khi hoàn tất sứ mạng thành lập Dòng Thánh Thể, Cha Eymard đã qua đời lúc 2:30 chiều ngày 01/08/1868, nhằm Lễ Thánh Anphong Liguori, Vị Thánh mà ngài luôn hết lòng ngưỡng mộ kính yêu. Ngài đã được an táng tại La Mure. Đến năm 1877, hài cốt của ngài được đặt dưới bàn thờ Nhà Nguyện Corpus Christi ở Paris. Trên mộ ngài ở La Mure, người ta cho khắc hàng chữ đơn giản nhưng gói trọn sứ điệp của đời ngài: “Ta hãy yêu mến Chúa Giêsu, Đấng đã yêu ta trong Bí Tích Thánh Thể”.
Đức Thánh Cha Piô XI đã tôn phong Chân Phước cho ngài ngày 12/07/1925. Và đến ngày 09/12/1962, Chân Phước Giáo Hoàng Gioan XXIII đã tôn phong ngài lên bậc hiển thánh.
Kinh Thánh Phêrô Giulianô Eymard
Lạy Thánh Phêrô Giulianô, Cha đã được đặc ân nhận biết kho tàng vô giá dành cho nhân loại nơi Bí Tích Thánh Thể, được lòng cháy lửa kính mến Mầu Nhiệm Đức Tin, và tâm hồn nhiệt thành khát mong nhân loại đến chúc tụng tôn thờ Chúa trong Bí Tích Tình Yêu này, xin cầu cho chúng con được muôn ơn lành hồn xác.
Xin cho chúng con biết noi gương Cha, trung thành thờ kính Phép Thánh Thể trong tinh thần và chân lý, luôn cố gắng tấn tới trong mọi nhân đức, nhất là đức khiêm nhường, để nhờ việc Chúa ngự vào linh hồn mỗi ngày chúng con được kết hợp mật thiết hơn với Người như lòng Cha hằng thiết tha mong ước.
Sau hết, lạy Thánh Phêrô Giulianô, xin cũng cầu cho chúng con cũng được lòng thảo hiếu và tôn sùng Đức Mẹ là Mẹ Thánh Thể, để nhờ Mẹ từ ái chỉ dạy dẫn dắt, chúng con biết phụng sự Chúa ẩn thân trong Phép Thánh Thể, hầu ngày sau được thờ lạy và chúc tụng Người muôn đời trên Thiên Đàng. Amen.
(May 01-05, 2005)