Phúc lộc trời ban
- T7, 07/12/2024 - 19:35
- Lm Phạm Quốc Hưng
PHÚC LỘC TRỜI BAN
Lm JBT Phạm Quốc Hưng, CSsR
Trong Tháng Tư vừa qua, tôi được diễm phúc theo dõi chương trình truyền hình trực tuyến ba biến cố lớn trong lịch sử Giáo Hội: tang lễ Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II, cuộc xuất hiện đầu tiên của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI ngay sau khi đắc cử và Thánh Lễ đăng quang Giáo Hoàng của ngài.
Tang lễ Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II sáng Thứ Sáu 08/04/2005 tại Rôma đã trở thành tang lễ vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại. Từ ngày ngài qua đời 02/04 cho đến khi Đức Bênêđictô XVI được chọn, cứ mỗi khi nghĩ đến ngài nước mắt tôi lại tràn mi. Với hơn nửa đời sống dưới triều đại của ngài, từng được trực tiếp nhìn thấy ngài và nghe ngài giảng dạy, được chiêm ngưỡng gương sáng của ngài, tôi nhận ra ngài đã thực sự là người có ảnh hưởng sâu đậm nhất trong đời sống tâm linh tôi và cũng là người tôi yêu mến ngưỡng mộ hơn cả.
Những lời của Đức Gioan-Phaolô II mà tôi muốn suốt đời ghi nhớ và cố gắng thực hiện là: “Hành trang duy nhất tôi mang theo từ quê hương Balan là lòng sùng kính Mẹ Maria...Kinh nguyện mà Cha ưa thích hơn cả là Kinh Mân Côi” và “Việc phục vụ tốt nhất mà chúng con là những linh mục có thể cống hiến cho Hội Thánh là đặt Hy Lễ Thánh Thể làm trung tâm đời sống chúng con và trung tâm đời sống của những người chúng con phục vụ…Trong Tấm Bánh Thánh nhỏ bé đó chứa đựng câu trả lời cho tất cả mọi vấn nạn trên thế giới”.
Với chữ M và dấu Thánh Giá trên cỗ quan tài đơn sơ của ngài, với việc ngài chọn khẩu hiệu totus tuus và được chết giữa Năm Thánh Thể mà chính ngài đã công bố, Đức Gioan-Phaolô II như muốn cho cả thế giới biết ngài là Giáo Hoàng của Mẹ Maria và của Chúa Giêsu Thánh Thể. Lòng say yêu Chúa Giêsu Thánh Thể và Mẹ Maria chính là bí quyết của cuộc đời đầy hoa trái thánh đức của ngài. Cả Giáo Hội như muốn hợp ý với Đức Hồng Y Joseph Ratzinger trong bài giảng lễ an táng của ngài để thưa với ngài: “Xin Đức Thánh Cha chúc lành cho chúng con”. Vâng, xin Đức Thánh Cha cầu nguyện cho chúng con bíêt noi gương ngài mà say yêu Chúa Giêsu Thánh Thể và Mẹ Maria.
Triều đại giáo hoàng hơn 26 năm của ngài đã là một ơn phúc vĩ đại cho Hội Thánh và nhân loại.
Sáng 19/04/2005 (gần 6 giờ chiều tại Rôma), qua chương trình truyền hình trực tiếp lần đầu tiên tôi được nhìn thấy khói trắng từ Nhà Nguyện Sistine bốc lên báo hiệu Hồng Y Đoàn đã chọn được giáo hoàng kế vị Đức Gioan-Phaolô II. Và khi nghe thấy tiếng chuông xác định việc Giáo Hội đã có được Vị Chủ Chăn mới, nhà tập chúng tôi đã cùng nhau hát vang bài Magnificat để tạ ơn Chúa và Đức Mẹ.
Cùng với hàng trăm ngàn người tụ họp ở Công Trường Thánh Phêrô, lòng tôi rộn ràng cảm xúc khi được ngắm nhìn Vị Cha Chung Chúa vừa ban cho Hội Thánh xuất hiện lần đầu tiên ngay sau khi đắc cử: Đức Bênêđíctô XVI, nguyên là Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, Bộ Trưởng Thánh Bộ Đức Tin.
Những lời đầu tiên của ngài là: “Anh Chị em thân mến, sau Vị Giáo Hoàng vĩ đại Gioan-Phaolô II, các Hồng Y đã chọn tôi, một lao công đơn hèn trong vườn nho của Chúa. Ý thức rằmg Chúa biết làm việc và hành động ngay cả với những khí cụ bất toàn an ủi tôi, và trên hết tôi trao phó chính tôi cho lời cầu nguyện của anh chị em. Chúng ta hãy tiến tới trong niềm vui của Chúa Phục Sinh, vững tin vào sự trợ giúp không sai sót của Ngài. Chúa sẽ giúp chúng ta và Đức Maria, Mẹ Thánh Người, sẽ ở bên chúng ta. Cảm ơn anh chị em”.
Tôi cảm thấy một mối liên hệ thật mật thiết với Đức Tân Giáo Hoàng, vì từ hơn 5 năm nay mỗi ngày tôi vẫn cầu nguyện đích danh cho ngài!
Năm 1989, khi còn là tập sinh được huấn luyện trong Tỉnh Dòng Baltimore, tôi đã nghe nói đến tên ngài-Hồng Y Joseph Ratzinger, Bộ Trưởng Thánh Bộ Đức Tin. Khi ấy, tôi đã được nghe một số linh mục trong Tỉnh Dòng Baltimore nói về ngài một cách rất tiêu cực, cho rằng ngài là con người “cực kỳ bảo thủ”, không biết thích nghi với thời đại. Tôi nhận thấy những người có ác cảm với ngài và có ý kiến tiêu cực về ngài là những người có đầu óc phản nghịch và bất phục Giáo Huấn và kỷ luật Hội Thánh: Họ muốn có linh mục phụ nữ, muốn cho linh mục tự do ở độc thân hay lập gia đình, tự do ngừa thai, tự do ly dị và tái hôn! Họ là những con người muốn sống theo lề thói thế gian, a dua theo đám đông quần chúng, coi thường đời sống cầu nguyện, các việc hy sinh hãm mình và các kỷ luật phụng vụ.
Nhìn quả biết cây: những đơn vị dòng tu nào có ác cảm với Đức Hồng Y Ratzinger và bất phục Giáo Huấn Hội Thánh là những dòng tu không còn ơn gọi, hay có rất ít ơn gọi. Ngay thời ấy, tôi cảm thấy ghê tởm những luận điệu bất mãn Tòa Thánh của những linh mục đầy nếp nghĩ thế gian.
Sau đó, khi bước vào chương trình thần học với khóa Kitô học, lần đầu tiên tôi đã được diễm phúc đọc tác phẩm đầu tiên của Đức Hồng Y Ratzinger, được dùng làm sách giáo khoa: cuốn Nhập Môn Kitô Giáo! Chính từ tác phẩm này tôi đã nhận ra ngài là một nhà thần học gia hàng đầu của Hội Thánh, biết cách trình bày đức tin Công Giáo với những tư tưởng khôn ngoan và trác tuyệt.
Trong dịp hướng dẫn một khóa huấn luyện giáo lý viên năm 1998, có lần tôi tỏ ý than phiền về việc Linh Mục Anthony de Mello, Dòng Tên, một tác giả thời danh, đã tương đối hóa Chúa Giêsu trong các tác phẩm của ông, khiến nhiều người không nhận ra tính cách độc đáo của Kitô giáo và tuyệt đối tính của Chúa Giêsu. Không ngờ, một tuần sau, tôi đọc được bản Thông Cáo của Tòa Thánh do Đức Hồng Y Ratzinger viết với sự chuẩn nhận của Đức Gioan-Phaolô II xác định rằng “những bài viết của Linh Mục Anthony de Mello không tương hợp với đức tin Công Giáo”. Tôi thầm tạ ơn Chúa và Đức Mẹ đã cho tôi có cùng cảm nghĩ với Hội Thánh, và tôi thêm lòng cảm phục Đức Hồng Y Ratzinger đã khôn ngoan ngăn chận sự lầm lạc để gìn giữ sự tinh ròng của đức tin chân thật. Sau đó, tôi cũng đọc được tin nhiều linh mục Dòng Tên phản đối Thông Cáo trên: “mã tầm mã, ngưu tầm ngưu” là thế!
Tháng 05/1999, khi đọc được tác phẩm Những Chặng Đường-Ghi Niệm 1927-1977 (Millstones-Memoirs 1927-1977), tập hồi ký của Đức Hồng Y Ratzinger, tôi càng thêm lòng yêu quý ngài. Tôi cảm nhận những đau khổ và cực nhọc ngài phải âm thầm gánh chịu trong sứ mệnh gìn giữ và bảo vệ sự tinh ròng của Đức Tin Công Giáo. Dù rất yêu thích công việc suy tư và viết lách của một thần học gia lỗi lạc, vì yêu mến Hội Thánh và vâng phục Vị Đại Diện Chúa Kitô, ngài đã vui lòng đón nhận gánh nặng của vai trò mục tử của hàng giám mục, và sau đó vai trò bảo vệ đức tin của Thánh Bộ Đức Tin.
Ở cuối hồi ký, ngài cho biết khẩu hiệu giám mục và cũng là giáo hoàng của ngài là: “Cộng tác với sự thật” (3 Jn 8). Trên huy hiệu của ngài có hình đầu một vị vua mầu nâu, một vỏ sò và một con gấu mang một bao hàng.
Ngài giải thích rằng ngài muốn giữ lại hình đầu vua vốn có trên huy hiệu giám mục ở Freising (ngài được đặt làm Tổng Giám Mục Munich và Freising năm 1977) cả ngàn năm nay. Ngài không hiểu ý nghĩa nguyên thủy của nó, nhưng với ngài nó chỉ tính cách phổ quát của Giáo Hội.
Chiếc vỏ sò nhắc tích truyện khi Thánh Augustinô-Vị Thánh ngài yêu thích nhất và có ảnh hưởng lớn nhất đối với ngài-đang suy nghĩ về mấu nhiệm Chúa Ba Ngôi trên bờ biển thì gặp một đứa trẻ đang dùng chiếc vỏ sò múc nước biển đổ vào một lỗ cua. Thấy vậy, Thánh Augustinô hỏi: “Con đang làm gì vậy?” Đứa bé trả lời: “Con muốn tát cạn nước biển!” Thánh nhân nói: “Con không thể làm được việc đó.” Đứa bé đáp: “Điều con muốn làm còn dễ hơn việc ông đang suy tưởng!” Chiếc vỏ sò nhắc ngài noi gương Thánh Augustinô và biết khiêm nhường nhận biết sự vĩ đại vượt tầm trí con người của các mầu nhiệm đức tin.
Con gấu chở hàng nhắc đến một giai thoại về Thánh Corbinian, giám mục tiên khởi ở Freising. Khi thánh nhân đang trên đường đi Rôma, một con gấu xuất hiện và cắn giết con ngựa chở hàng của thánh nhân. Thánh Corbinian liền nghiêm nghị la mắng con gấu và trừng phạt nó bằng cách bắt nó mang gánh hàng của ngài đến Rôma thay con ngựa đã bị nó giết. Và chỉ khi nó chở hàng đến Rôma, nó mới được tự do.
Ngài viết thêm: “Con gấu bị đè nặng bởi gánh nặng của thánh nhân nhắc tôi nhớ đến một bài suy niệm của Thánh Augustinô về các Thánh Vịnh. Trong câu 22 và 23 của Thánh Vịnh 72, ngài thấy được thể hiện cả hai gánh nặng và hy vọng của đời ngài. Điều ngài thấy nơi những câu nói và bình giải thì như là một bức họa chính mình, được vẽ trước mặt Chúa, và vì vậy không chỉ là một tư tưởng vui mừng nhưng còn là một chú giải của cuộc đời ngài và một ánh sáng trên con đường của ngài.
“Với tôi, điều Thánh Augustinô viết trong sự liên kết này đã trở thành một bức họa của vận mạng của chính tôi. Thánh Vịnh này thì truyền thống các sách khôn ngoan cho thấy những đặc tính của đức tin đến từ sự vắng bóng của những thành công trần tục. Khi bạn đứng về phía Thiên Chúa, bạn không nhất thiết đứng về phía được thành công…”
Rồi ngài kết thúc tập hồi ký như sau: “Người ta nói rằng khi đến Rôma, Thánh Corbinian đã thả tự do cho con gấu. Giai thoại không bàn về việc con gấu đã đi đâu, nó đi đến rặng núi Abruzzi hay rặng Alps. Trong khi đó tôi đã mang gánh của tôi đến Rôma và giờ đây đang rảo bước trên những đường phố của Kinh Thành Muôn Thuở một thời gian lâu. Tôi không biết bao giờ tôi mới được buông ra, nhưng một điều tôi biết rõ: lời Thánh Vịnh đó cũng áp dụng cho tôi Con đã trở nên con lừa của Ngài, và chỉ trong cách này con được ở với Chúa (Tv. 72:22-23).”
Cảm mến, ngưỡng mộ và biết ơn ngài, từ đó tôi đã cầu nguyện đích danh cho ngài mỗi ngày, xin Chúa ban ơn giúp sức cho ngài có được sự kiên dũng và niềm an vui để chu toàn sứ mạng gìn giữ, bênh vực và rao giảng đức tin chân chính. Tôi cũng tìm mua hơn một chục tác phẩm đã được dịch ra Anh ngữ của ngài.
Một trong những điều tâm đắc nhất mà tôi học hỏi được từ các tác phẩm của ngài là việc phải đọc Thánh Kinh dưới ánh sáng đức tin và sự hướng dẫn của Hội Thánh, vì “các tín điều là những giải thích Thánh Kinh chính thức của Giáo Hội”. Tất cả những lối giải thích Thánh Kinh dẫn đến sự nghi ngờ các tín điều của đức tin hay sự bất phục Giáo Huấn Hội Thánh đều là những lối giải thích sai lạc, ác ý.
Trong tác phẩm Phúc Âm-Giáo Lý-Sách Giáo Lý (Gospel-Catechesis-Catechism), ngài đã giúp tôi thấy rằng đức tin phải được bảo tồn và thể hiện một cách tích cực trong mọi chiều kích của đời sống tín hữu. Ngài víêt: “Đức tin không được bảo tồn cách tự động. Nó không phải là một việc đã hoàn tất mà chúng ta có thể coi là tất nhiên. Đời sống đức tin phải được canh tân liên lỉ. Và vì đức tin là một hành động bao gồm mọi chiều kích của sự hiện hữu của chúng ta, nó cũng đòi hỏi sự suy tư được canh tân và sự làm chứng. Vậy nên những điểm chính yếu trong đức tin—Thiên Chúa, Đức Kitô, Chúa Thánh Thần, ân sủng và tội lỗi, các Bí Tích và Giáo Hội, sự chết và sự sống đời đời—không bao giờ lỗi thời. Chúng là những chủ đề có ảnh hưởng sâu xa nhất đối với chúng ta. Chúng phải là trọng tâm thường xuyên trong việc giảng dạy và những suy tư thần học.”
Ngài viết thêm: “Đức tin là một định hướng toàn bộ sự hiện hữu của chúng ta. Nó là một chọn lựa căn bản ảnh hưởng mọi khía cạnh của sự hiện hữu của ta. Nó cũng không thể thành hiện thực trừ khi tất cả năng lực của sự hiện hữu của ta nhắm vào việc bảo tồn nó. Đức tin không chỉ là của trí tuệ, hay chỉ là của ý chí, hoặc chỉ là của sinh hoạt cảm xúc…nó là tất cả những thứ này gồm lại. Nó là một hành động của toàn thể bản ngã, của toàn thể con người trong sự hiệp nhất tụ lại. Theo hướng này, Thánh Kinh diễn tả đức tin là một hành động của tấm lòng (Rom 10:9).
“Đức tin là một hành động hết sức thiết thân. Song chính vì nó hết sức thiết thân, nó vượt lên lên bản ngã và những giới hạn của cá nhân. Thánh Augustinô nhận xét rằng không có gì quá nhỏ bé nơi ta như bản ngã của ta. Nhưng nơi đâu con người nhập cuộc với trót bản ngã của mình, nó vượt lên trên chính mình: một hành động với trót bản thể của mình đồng thời luôn là một sự mở lòng cho tha nhân. Hơn nữa, chúng ta không thể thực hiện này mà không đụng đến tận đáy thẳm sâu nhất của ta, Thiên Chúa hằng sống, Đấng hiện diện trong những chỗ sâu thẳm nhất của sự hiện hữu của ta như nền tảng củng cố nó”.
Vốn là một trong những người góp công nhiều nhất trong việc biên soạn Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo (1983), cũng như Đức Gioan-Phaolô II, ngài nhìn nhận cuốn sách giáo lý ngài là quà tặng quý giá Thiên Chúa ban cho Giáo Hội ngày nay. Việc chuyên cần học hỏi, tham chiếu và thực hành các giáo huấn được trình bày trong Sách Giáo Lý này là phương thế chắc chắn và hữu hiệu để sống niềm tin trong thế giới hôm nay.
Ngài thực xứng danh “người bảo vệ đức tin” như một số tác giả từng gán cho ngài và Đức Gioan-Phaolô II. Tuần Báo National Catholic Register ghi nhận rằng Đức Gioan-Phaolô II có lần nói: “Nhắc đến tên Ratzinger là tôi nghĩ ngay đến Hào Quang Chân Lý và Tin Mừng Sự Sống (tên của hai Thông Điệp Đức Gioan-Phaolô II đã ban hành)”. Ngài nói thế để nhìn nhận công khó của Đức Hồng Y Ratzinger trong việc giúp ngài soạn thảo các văn kiện trên, nhưng chắc hẳn cũng để tỏ lòng ngưỡng mộ Đức Hồng Y như một con người của sự thật và của Tin Mừng Sự Sống.
Tôi không biết Giáo Hội và nhân loại sẽ được hưởng phúc lộc Chúa ban qua sự khôn ngoan thánh đức của Đức Bênêđictô XVI bao lâu vì ngài đã ở tuổi 78, nhưng ngay qua bài giảng tuyệt vời trong Thánh Lễ đăng quang giáo hoàng vào Chúa Nhật 24/04/2005, ngài đã ghi tạc vào lòng tôi biết bao lời khôn ngoan dẫn dắt, an ủi và khích lệ tôi trong hành trình đức tin.
Khi giảng giải về việc Giáo Hội đọc Kinh Cầu Các Thánh trong lễ an táng Đức Gioan-Phaolô II, trong lễ trước khi bắt đầu Cơ Mật Viện bầu giáo hoàng và trong lễ đăng quang giáo hoàng, Đức Bênêđictô đã nói về niềm an ủi và niềm vui lớn lao của người tín hữu khi được ở trong lòng Hội Thánh, trong sự hiệp thông với các thánh:
“Những ai có niềm tin không bao giờ phải lẻ loi-cả khi sống cũng như lúc chết…Chúng ta biết rằng chúng ta không lẻ loi, chúng ta biết rằng chúng ta được bao bọc, dẫn dắt và hướng dẫn bởi các bạn hữu Chúa…
“Tôi không lẻ loi. Tôi không phải một mình gánh vác điều mà tôi thực sự không bao giờ gánh vác nổi. Tất cả các thánh ở đấy để bảo vệ tôi, nâng đỡ tôi và gánh vác tôi. Và lời cầu nguyện của anh chị em, các bạn thân yêu tôi, sự khoan dung của anh chị em, tình thương của anh chị em, đức tin của anh chị em, và niềm hy vọng của anh chị em đồng hành với tôi. Thật vậy, sự hiệp thông các thánh không chỉ bao gồm những con người vĩ đại đã đi trước chúng ta và chúng ta đã biết đến tên họ. Tất cả chúng ta thuộc về sự hiệp thông các thánh, chúng ta- những người đã được Rửa Tội nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, chúng ta-những người kín múc sự sống từ món quà Mình và Máu Chúa Kitô qua đó Ngài biến đổi chúng ta nên giống Ngài.
“Và Giáo Hội thì tươi trẻ. Giáo Hội nắm giữ trong mình tương lai của thế giới và vì thế chỉ cho mỗi chúng ta con đường tiến đến tương lai. Giáo Hội đang sống và chúng ta đang nhìn thấy thế: Chúng ta đang cảm nghiệm niềm vui mà Chúa Phục Sinh đã hứa với các môn đệ. Giáo Hội đang sống-Giáo Hội đang sống vì Chúa Kitô đang sống, vì Người thực đã sống lại.
Đức Thánh Cha còn đưa ra một chương trình cai trị thật đáng gọi là “khuôn vàng thước ngọc” cho tất cả các vị lãnh đạo trong Giáo Hội ở mọi cấp, mọi nơi, mọi thời như sau: “Chương trình cai trị thực sự của tôi là không làm theo ý riêng tôi, không theo đuổi ý kiến riêng tôi, nhưng biết lắng nghe, cùng với toàn thể Giáo Hội, lời và ý Chúa, để được Người hướng dẫn, để rồi chính Người sẽ dẫn dắt Giáo Hội trong giờ này của lịch sử chúng ta”.
Khi giải thích ý nghĩa của dây pallium ngài sẽ được đeo trên vai trong nghi thức đăng quang, ngài đã giảng giải về ý Chúa như sau: “Ách Chúa là ý Chúa mà chúng ta chấp nhận. Và ý này không đè chúng ta xuống, không áp bức chúng ta và không tước đoạt tự do chúng ta. Biết điều Chúa muốn, biết tìm đâu được con đường sự sống—đây là niềm vui của Israel, đây là đặc quyền của họ. Đó cũng là niềm vui của chúng ta: Ý Chúa không làm xa cách chúng ta, nó thanh tẩy ta—ngay cả nếu điều này có thể đau đớn—và để rồi nó dẫn ta đến với chính mình.”
Ngài còn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của đức nhẫn nại như sức mạnh của tình yêu trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa như sau: “Không phải quyền lực, nhưng chính tình yêu cứu chuộc chúng ta! Đây là dấu chỉ của Thiên Chúa: Chính Người là tình yêu. Chúng ta thường ước rằng Chúa phải tỏ ra Người mạnh mẽ hơn, rằng Người sẽ đánh phá quyết liệt, đập tan sự dữ và tạo dựng một thế giới tốt đẹp hơn. Tất cả các ý thức hệ dựa vào quyền lực đều tự công chính hóa đúng theo lối này, chúng công chính hóa sự tàn phá bất cứ điều gì ngăn cản sự tiến bộ và giải phóng nhân loại. Chúng ta đau khổ vì sự nhẫn nại của Thiên Chúa. Thế nhưng chúng ta cần sự nhẫn nại của Người. Thiên Chúa, Đấng đã trở thành một con chiên, bảo chúng ta rằng thế giới được cứu độ nhờ Đấng Chịu Đóng Đinh, chứ phải phải nhờ những kẻ đóng đinh Người. Thế giới được cứu độ nhờ sự nhẫn nại của Thiên Chúa. Nó bị tiêu hủy bởi sự bất nhẫn của con người.”
Sứ mạng chủ chăn được Đức Thánh Cha nhìn dưới góc cạnh tình yêu như sau: “Một trong những đặc nét căn bản của một chủ chăn phải là yêu thương dân chúng được giao phó cho ngài, ngay cả như ngài yêu mến Chúa Kitô, Đấng ngài phục vụ. Chúa Kitô đã nói với Phêrô Hãy chăn nuôi chiên Thầy, và ngay lúc này Ngài cũng nói thế với tôi. Chăn nuôi nghĩa là yêu thương, và yêu thương cũng có nghĩa là sẵn sàng chịu đau khổ. Yêu thương có nghĩa là trao ban đàn chiên điều thực sự tốt, dưỡng chất của sự thật Chúa, của Lời Chúa, dưỡng chất của sự hiện diện của Ngài mà Ngài trao ban cho ta trong Bí Tích Thánh Thể.”
Trước sứ mạng nặng nề trước mắt, Đức Thánh Cha đã khẩn thiết nài xin mọi người cầu nguyện cho ngài. Điều này cho thấy ngài là người xác tín sâu xa sự cần thiết và tầm quan trọng của việc cầu nguyện trong đời sống tâm linh. Ngài nói: “Các bạn thân yêu tôi, ngay lúc này tôi chỉ biết nói: Cầu nguyện cho tôi, để tôi học bíêt yêu mến Chúa ngày một hơn. Cầu nguyện cho tôi, để tôi học bíêt yêu mến đàn chiên Người ngày một hơn-nói khác đi, yêu mến anh chị em, Giáo Hội, từng người trong anh chị em và hết thảy anh chị em. Cầu nguyện cho tôi, để tôi khỏi trốn chạy vì sợ hãi sói dữ. Chúng ta hãy cầu nguyện cho nhau, để Chúa sẽ gánh vác chúng ta và để chúng ta sẽ học bíêt gánh vác lẫn nhau”.
Khi giải thích ý nghĩa chiếc nhẫn ngư phủ của giáo hoàng, Đức Thánh Cha đưa ra những ý tưởng thật sâu sắc về thực tại cuộc đời, ý nghĩa đời sống và sứ mạng tông đồ như sau: “Chúng ta đang sống trong sự thù nghịch, trong nước muối của đau khổ và chết chóc, trong một biển tăm tối không ánh sáng. Chiếc lưới Tin Mừng kéo chúng ta ra khỏi nước chết chóc và đem ta vào hào quang ánh sáng Thiên Chúa, vào sự sống thật. Thực sự là vậy: Khi chúng ta bước theo Chúa Kitô trong sứ mạng là ngư phủ lưới người, chúng ta phải đem người ta ra khỏi biển bị muối mặn bởi biết bao hình thức thù nghịch và đem vào đất sự sống, vào ánh sáng Thiên Chúa.
“Thực sự là vậy: Mục đích của đời sống chúng ta là bày tỏ Thiên Chúa cho con người. Và chỉ nơi nào Thiên Chúa được gặp thấy sự sống thực mới bắt đầu. Chỉ khi chúng ta gặp gỡ Thiên Chúa hằng sống nơi Chúa Kitô chúng ta mới biết sự sống là gì. Chúng ta không phải là một thứ sản phẩm của một cuộc tiến hóa bất chợt và vô nghĩa. Mỗi người chúng ta là kết quả của một ý tưởng của Thiên Chúa. Mỗi chúng ta được mong muốn, mỗi chúng ta được yêu thương, mỗi chúng ta được cần đến.”
Đức Thánh Cha còn nói thêm về niềm vui trong việc gặp gỡ Chúa Kitô và niềm vui làm chứng tá cho Ngài như sau: “Không có gì đẹp hơn là ngỡ ngàng bởi Phúc Âm, bởi gặp gỡ Chúa Kitô. Không có gì đẹp hơn là bíêt Ngài và nói với người khác về tình bạn của chúng ta với Ngài. Nhiệm vụ của chủ chăn, nhiệm vụ của ngư phủ lưới người, có thể thường mệt mỏi. Nhưng nó thật đẹp và tuyệt vời, vì nó thực sự là việc phục vụ dẫn đến iềm vui, đến niềm vui Thiên Chúa, niềm vui mong xâm chiếm thế giới”.
Cuối bài giảng, chia sẻ cùng một tâm tình yêu mến giới trẻ của Đức Gioan-Phaolô II, Đức Thánh Cha Bênêđictô kêu gọi những người trẻ đừng sợ dấn thân sống trọn niềm tin vào Chúa Kitô để tìm được ý nghĩa và hạnh phúc đích thực cho cuộc đời với những lời đầy nhiệt huyết như sau: “Và một lần nữa Đức Giáo Hoàng đã nói: Không! Nếu chúng ta để Chúa Kitô vào cuộc đời chúng ta, chúng ta không mất gì, không gì, tuyệt đối không mất điều gì làm cho cuộc đời được tự do, tươi đẹp và cao cả. Không! Chỉ trong tình bạn này những cánh cửa cuộc sống mới được rộng mở. Chỉ trong tình bạn này tiềm năng vĩ đại của sự hiện hữu con người mới thực sự được bày tỏ. Chỉ trong tình bạn này chúng ta mới cảm nghiệm vẻ đẹp và sự giải phóng.
“Vậy nên hôm nay, với sức mạnh lớn lao và niềm xác tín lớn lao, dựa trên kinh nghiệm sống thíêt thân dài lâu, Cha nói với các con, giới trẻ yêu dấu: Đừng sợ Chúa Kitô! Ngài không tước đoạt gì cả, và Ngài ban tặng các con mọi sự. Khi chúng ta dâng hiến chính mình cho Ngài, chúng ta được nhận lại gấp trăm. Phải, hãy mở ra, hãy mở rộng cửa cho Chúa Kitô và các con sẽ tìm thấy sự sống thật. Amen.”
Ngay từ buổi đầu của triều đại ngài, Đức Bênêđictô XVI cho thấy ngài thật xứng với danh hiệu đã chọn: Ngài thực sự là phúc lộc Trời ban cho Giáo Hội và thế giới hôm nay!
(Những ngày đón mừng Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống May 11-15, 2005)
PS: “Tình huynh đệ đích thực, tình máu mủ thắm thiết, tình yêu thương chân thành cốt ở điều này là thông truyền cho nhau những kho báu thiêng liêng” (Thánh Gioan Kim Khẩu). Bài viết này đã được đăng trên Nguyệt San Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp ở mục “Trong Dòng Đời” trong số tháng 6 năm 2005. Nay xin gửi đến chia sẻ với quý độc giả Thanhlinh.net. nhân kỷ niệm 16 năm ngày Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đắc cử Giáo Hoàng April 19t, 2021. HP