Ra đời của Chúa Giê-su I
- CN, 26/01/2025 - 16:13
- Nguyễn Ước
Ra đời của Chúa Giê-su I
Nguyễn Ước dịch
Không ai để ý tới việc ấy, nhưng vào một ngày, giữa đám đông đến để được Gio-an tẩy rửa, Đấng Cứu thế hằng trông đợi xuất hiện.
Ngài là ai? Ngài đến từ nơi nào?
Có lẽ ngài nói thổ ngữ xứ Ga-li-lê vì ngài đến từ một tỉnh phía Bắc, nơi thật ra bán lương bán giáo và ít được quí trọng. Quê nhà của ngài là một thôn làng nhỏ bé náu mình trên một ngọn đồi – Na-da-rét. "Tự Na-da-rét thì có thể xảy ra điều gì tốt được!" đó là phản ứng của một người Do Thái khi nghe chuyện này (Ga. 1:46). Tuổi ngài "khoảng ba mươi" (Lc. 3:23) và tên của ngài không tạo ra nổi bật đặc biệt nào: Gio-su-ê, hoặc như ta gọi Giê-su.
Những trình thuật hời thơ ấu
Ngài là ai?
Như có thể thấy trong những chương khởi đầu Tân Ước, công bố đầu tiên không liên quan gì tới thời thanh xuân và ngay cả diễn biến cuộc đời của ngài, nhưng liên quan tới cao điểm sự hiện hữu của ngài: cái chết và sự giải thoát khỏi sự chết của ngài bởi Thiên Chúa, là sự sống lại. Biến cố thiêng liêng này tỏa sáng khắp mọi trang khác. Điều tuyên bố đầu tiên về ngài là ngài hằng sống.
Sau đó, khi những lời nói và chuyện đời ngài trở thành thành phần của rao giảng, chúng được nhìn dưới quan điểm đức tin trong vấn đề ngài là ai. Cuối cùng, lúc thời thơ ấu của ngài được tỉ mỉ kể lại – bằng cách tìm ngược trở lại nguồn gốc – thì việc sưu tập các sự kiện về "cuộc đời Chúa Giê-su" không phải để có thể làm thỏa mãn sự hiếu kì thuần túy. Rõ ràng có các hồi tưởng lịch sử giúp vào việc soạn ra các trình thuật thời thơ ấu (Mt. 1 và 2, Lc. 1 và 2). Mục đích chính của các trình thuật ấy là đặt trước mặt những người tin rằng ngài đã sống – và đã nếm trải điều đó trong cuộc sống và kinh nguyện – ý nghĩa sâu xa của việc ngài ra đời; rằng những lời hứa của Thiên Chúa bắt đầu được hoàn tất; rằng sự sáng đã xuyên tới. Các trình thuật thời thơ ấu là "phúc âm" chân chính, nghĩa là, "tin mừng".
Để có thêm thảo luận về các vấn đề này, ta có thể đọc chương "Người này là Ai", và thêm các mục "Nguồn gốc Phúc âm" và "Bằng chứng xưa nhất về Chúa Giê-su".
Dù sao đi nữa, điều đáng tiếc vẫn là khi khảo sát các trình thuật thời thơ ấu của Chúa Giê-su, ta thu được quá ít thông tin về phần lớn các chi tiết lịch sử đó. Dường như sự thiếu các chi tiết cụ thể này đã khiến một số người áy náy, như có thể thấy vào các thời kỳ đầu việc Kitô hữu cảm thấy cần bịa đặt những chuyện thời thơ ấu của Chúa Giê-su – cậu bé lấy bùn nặn các con chim ra sao, và khi cậu vỗ tay thì các con chim đó vụt bay như thế nào. Trong những nỗ lực của thời đại chúng ta cũng xuất hiện cái gì đó có chung tâm trạng ấy khi cố khám phá càng nhiều càng tốt những hoàn cảnh cụ thể trong các ngụ ý có tính cách lịch sử. Nỗ lực đó là sự hiếu kỳ được tình yêu truyền cảm hứng, dấu chỉ của cố gắng để biết và để hiểu ngài sâu và rõ hơn.
Nhưng đó có phải là phương pháp đúng để đạt tới kết cuộc không? Có phải bất cứ sự góp nhặt chi tiết cụ thể nào cũng có thể biểu lộ cho chúng ta thành tích cứu rỗi của Chúa hằng sống cách hiệu quả ngang với những trình thuật phúc âm về thời thơ ấu trong Mat-thêu và Lu-ca là những tin mừng chân chính, và bằng tất cả vẻ giản dị, chúng phản ánh tuyệt vời tới độ chúng ta có thể theo chúng mà cử hành ba lễ trọng thể: lễ Giáng Sinh, lễ Hiển Linh và lễ Đức Bà Dâng Chúa Giê-su Vào Đền Thánh.
Chúng ta hy vọng trung thực với quan điểm của phúc âm khi chúng ta phải nói điều gì trong sách này về cuộc đời Chúa Giê-su. Ta sẽ không cố lập bản tiểu sử theo những dữ kiện của phúc âm như thể sưu tập thông tin về một người đã qua đời. Trái lại, ta sẽ cố để phúc âm tự nói lên bằng những thông điệp rõ ràng về một người đang sống.
Sinh bởi một người nữ
Những câu chuyện nguồn gốc của Chúa Giê-su kể rõ rằng ngài xuất phát bởi loài người và rằng ngài xuất phát bởi Thiên Chúa. Đồng nhất tính của tính cách loài người và tính cách thiêng liêng trong ngài, mà đức tin đó sau cùng được diễn tả bằng một lối nói của Công đồng Canxêđôn (xem dưới), đã được đưa ra trong những trang đầu của Mat-thêu, Mac-cô, Lu-ca và Gio-an.
Mat-thêu và Lu-ca dùng cách trang trọng nhất có thể được công bố rằng Chúa Giê-su có gốc rễ trong loài người. Cả hai đưa ra bản phả hệ (Mt. 1:1-17; Lc. 3:23-28). Chấn động của bản tóm tắt nầy được cảm thấy cách mãnh liệt trong Mat-thêu, là người mở đầu cuốn phúc âm mình với nó. Nó bắt đầu với lời, "Sách phả hệ", mà tiếng Hy Lạp có nghĩa là "Sách Sáng Thế" (Geneology - Genesis). Danh sách soạn thành ba phần bằng nhau, biểu lộ một nắn đúc có tính văn học đưa chúng vượt quá lãnh vực thông tin chính xác. Chủ ý của tác giả soạn lời mở đầu như thế là để kêu gọi độc giả lưu ý tới một số cao điểm đầy ý nghĩa. Từ Đavít trở xuống, phả hệ không rõ ràng, có thể giải quyết một số tường trình khác nhau giữa Mat-thêu và Lu-ca bằng giả dụ đâu đó có sự thay đổi theo lề luật hôn nhân Is-ra-el (Đnl. 25:6).
Ý định đó được nhận ra rõ hơn qua ghi nhận việc Lu-ca nhấn mạnh đến một cấp xa hơn, bắt nguồn từ Ađam để làm nổi bật sự kiện là Chúa Giê-su thuộc về toàn thể loài người.
Phả hệ Mat-thêu có gồm bốn phụ nữ, Tha-man, Ra-háp, Rút và người vợ của U-ri-a. Tại sao chỉ đề cập tới bốn phụ nữ này? Có thể cả bốn là người ngoại quốc. Nếu thế thì Mat-thêu vạch ra, cũng như Lu-ca đã vạch khi nhắc tới A-đam, là sự ra đời của Chúa Giê-su thuộc về toàn thể loài người. Mat-thêu đề cập tới họ phải chăng vì Cựu Ước đổ cho ba trong bốn phụ nữ này tình trạng tội lỗi và cám dỗ tội lỗi. Cũng có thể. Nhưng dù gì đi nữa, họ có ở đó (cùng với nhiều người đàn ông tội lỗi) như những dấu chỉ minh bạch rằng Chúa Giê-su đến từ lo ài người tội lỗi. Cả hai danh sách đều kết thúc với Thánh Giuse. Qua ngài, Mat-thêu và Lu-ca cho thấy Chúa Giê-su nối kết với loài người. Khuôn mặt khiêm tốn này trong buổi rạng đông của lịch sử cứu rỗi, một trong tính chất "nghèo đói Gia-vê", theo cách nhìn của lề luật, là mối liên hệ của Chúa Giê-su với dân tộc Is-ra-el. Ngài là "vị sau cùng của các Tổ phụ".
Sinh bởi Thiên Chúa
Cũng như nguồn gốc loài người của Chúa Giê-su, phúc âm cũng đưa ra nguồn gốc thiêng liêng của ngài.
Trong Cựu Ước, có nhiều nhân vật được nói ngày ra đời của họ là đáp ứng cho một nguyện cầu. Một cuộc hôn nhân loài người ban đầu muộn mằn, sau nhiều khát khao cầu nguyện và lời hứa thiêng liêng cuối cùng đơm hoa kết trái. Đó là cách đối với các tổ tiên I-sa-ac và Gia-cóp của Is-ra-el, và cũng với Sam-son, Sa-mu-en và đứa con trai dòng họ A-cát, kẻ là dấu hiệu sự chung thủy của Thiên Chúa trong thời cực kỳ gian truân. Sự ra đời của Gio-an Tẩy giả cũng thế.
Trong các chuyện kể này điều có thật về tất cả vai trò làm cha được nổi bật lên với sự nhấn mạnh cách riêng: rằng một con người – duy nhất trong mọi thời – căn bản xuất phát từ Thiên Chúa. Đứa bé đó là "tặng phẩm" từ Thiên Chúa như ta thường đọc trong cột báo loan tin "sinh hạ" – nghĩa là lớn lao hơn cái mà cha mẹ nó "có".
Chúa Giê-su là điểm tột đỉnh của mọi lời hứa về con trẻ được thực hiện tại Is-ra-el. Khi nhập thế, ngài là một người được cầu xin bởi toàn thể mọi dân tộc và được hứa hẹn bởi toàn bộ lịch sử. Trong ý nghĩa duy nhất, ngài là đứa con của hứa hẹn, và là niềm khao khát sâu xa nhất của toàn thể loài người. Ngài được sinh ra từ toàn bộ ân sủng, toàn bộ hứa hẹn – "cưu mang trong Chúa Thánh Thần". Ngài là tặng phẩm đó của Thiên Chúa ban cho loài người.
Điều ấy được hai soạn giả phúc âm Mat-thêu và Lu-ca diễn tả khi công bố rằng sự ra đời của Chúa Giê-su không do bởi ý chí loài người. Họ công bố rằng sự ra đời này, không dựa vào cái mà loài người có thể tự mình làm – so với những cuộc chào đời khác của loài người thì nó tuyệt đối rất ít giống. Không có gì trong cung lòng của loài người, không có gì trong sự đơm hoa kết trái của loài người có thể sinh nở ra ngài, đấng mà mọi đơm hoa kết trái của loài người, mọi phát sinh của nòi giống chúng ta tùy thuộc vào: vì mọi sự được làm ra trong ngài. Rốt cuộc loài người không phải cám ơn ai trừ Chúa Thánh Thần vì sự ra đời của đấng đã hứa này. Căn nguyên của ngài không phải do máu huyết, không phải do ý của xác thịt, không phải do ý của người đàn ông, nhưng do bởi Thiên Chúa: Đấng Tối cao
Mat-thêu
Mọi điều trên được Mat-thêu và Lu-ca nói bằng những lời giản dị và bình thường mà diễn tả được sự tươi mới của Chúa Giê-su. Chúng ta đọc trong Mat-thêu: "Chúa Giê-su Ki-tô sinh ra ["sáng thế - genesis", nữa] thế này, Ma-ri-a, mẹ Ngài đã đính hôn với Giu-se; trước khi ông bà phối hợp cùng nhau, thì xảy ra là bà đã có thai do tự Thánh Thần. Giuse chồng bà, vì là người công chính và không muốn tố giác bà, thì định âm thầm li dị. Sau khi ông đã quyết tâm như vậy, thì này: Thiên thần Chúa hiện ra trong mộng bảo rằng: 'Giuse, con của Đavít, chớ sợ lấy Maria vợ ông: thai sinh nơi bà là do tự Thánh Thần'"(Mt. 1:18-20).
Lu-ca
Và kế đến chúng ta có những trang tuyệt diệu rút ra từ tính cách tinh tế nhất trong các soạn giả phúc âm: trình thuật về truyền tin của Lu-ca (Lc. 1:26-38). Lu-ca thể hiện trung thực tới mức có thể được chân lý rằng ân sủng của việc Chúa Giê-su đến là một biến cố có tầm quan trọng toàn thế gian.
Sứ giả của Thiên Chúa được gọi là Gáp-ri-en mà theo sách Đa-ni-en, thiên thần ấy là kẻ loan báo ngày tận thế. Do đó việc nêu tên Gáp-ri-en ngụ ý là thời ân sủng sau cùng của Thiên Chúa đang ở gần bên. Sứ điệp tự nó cũng đầy những ngụ ý tới những lời hứa thuở trước của Thiên Chúa. Ngay lời chào của thiên sứ đã mở ra cho thế gian một bảo đảm trọn vẹn về công cuộc cứu rỗi từ Cựu Ước: "Vui lên! Hỡi đầy ân phúc". Mỗi người có cách chào riêng của mình. Chúng ta thường chào như chúc người khác mạnh khoẻ. Một trong các cách được dùng ở Hy Lạp là, "Vui lên". Lu-ca dùng lời chào đó – theo nghĩa đen, "Vui lên, Hỡi người được ân sủng". Nhưng lúc ấy, lời truyền tin còn hơn lời chào bình thường của Hy lạp. Nó là tiếng vọng của những lời đã hứa có tính cách tiên tri, như trong sách Xô-phô-ny-a:
"Reo vui lên, Nữ tử Sion, Hãy hò la, hỡi Is-ra-el!
Hãy vui mừng, hãy hoan hỉ hết lòng nữ tử Giêrusalem!..
Vua Is-ra-el – Gia-vê – ở giữa ngươi" (Xp. 3:14-15).
và:
"Hãy nhiệt liệt nhảy mừng, nữ tử Sion!
Reo hò lên, nữ tử Giêrusalem!
Này vua ngươi đến với ngươi.
Ngài, người tiết nghĩa và được độ sinh" (Drc. 9:9).
Những mời gọi đó được gởi tới "nữ tử Sion". Đó là dân tộc Is-ra-el, cách riêng Giê-ru-sa-lem, được nhân cách hoá bằng hình tượng người nữ.
Lúc này nỗi hân hoan được đáp ứng trong người nữ, kẻ bản thân ở đó như người đại diện cho toàn thể dân tộc. Is-ra-el ở đó trong Mẹ Ma-ri-a, và nghe sứ điệp rằng, Thiên Chúa phái vị vua, Đấng Cứu Thế, đến giữa họ.
Mẹ Ma-ri-a nói với thiên thần, "Điều ấy sẽ làm sao được? Vì việc phu thê tôi không nghĩ đến!" Câu hỏi này đặt ra ở đó như một đưa dẫn vào phần thứ hai của sứ điệp: "Thánh Thần sẽ đến trên người, và quyền năng Đấng Tối Cao trên người rợp bóng" (Lc. 1:35). Tiếng "rợp bóng" lấy từ Cựu Ước. Nó làm nhớ lại đám mây chói lọi phủ xuống lều trướng giữa sa mạc hoặc trên đền thánh Giê-ru-sa-lem như một dấu hiệu Thiên Chúa có mặt (Xh. 40:34-35; Ds. 9:15; 2Sb. 7:2). Trong trình thuật Truyền tin có rất nhiều lời khác nói bóng gió tới Cựu Ước.
Người Mẹ của Chúa
Ta hãy tiếp tục trong giây lát để ngẫm nghĩ về mẹ, người phụ nữ trẻ mà Thiên Chúa đã làm những việc trọng đại như thế cho mẹ, trong mẹ một kỷ nguyên của thế gian sắp kết thúc và bắt đầu một kỷ nguyên khác. Mẹ hiện thân những kỳ vọng của Is-ra-el ở mức cao khiết nhất của chúng. Không như Gio-an Tẩy giả hoặc các Tông đồ, mẹ không có nghĩa vụ trong việc loan truyền phúc âm. Mẹ không là một sứ giả chính thức. Và vì thế, phúc âm Mac-cô vốn bàn về việc thừa tác đại chúng của Chúa Giê-su, chỉ dành sự chú ý đặc biệt ít ỏi tới Mẹ Maria. Nhưng Mat-thêu, Lu-ca và Gio-an khám phá càng lúc càng nhiều về nghĩa vụ của mẹ. Nghĩa vụ này lớn hơn mối liên hệ huyết nhục với Chúa Giê-su (x. Lc. 8:19-21). Mẹ là "kẻ đã tin" (Lc. 1:45). "Prius mente concepit quam ventre" – Mẹ cưu mang ngài trong tâm hồn trước khi cưu mang ngài trong cung lòng mình. Thật hoàn toàn thích đáng với tinh thần phúc âm khi tôn vinh địa vị đặc biệt của mẹ trong mầu nhiệm Đức Kitô.
Chúa Giê-su là con đầu lòng của Mẹ. Phúc âm không nói Mẹ có người con nào khác sau ngài. Sự việc "các anh em và chị em của Giêsu" (Mt. 13:55-56) được đề cập đến không nhất thiết có ý nói tới mối quan hệ này. Trong tiếng Híp-ri và A-ram, bà con họ hàng xa hơn cũng được cho danh hiệu này. Phong tục ấy nay vẫn tồn tại ở Na-da-rét. "Các anh em và chị em" của Chúa Giê-su không nhất thiết phải là con của Thánh Giu-se và Mẹ Ma-ri-a, và có thể thấy qua việc hai anh em được nêu tên lần đầu trong Mt. 13:55 lại xuất hiện trong Mt. 27:56 là con của một Ma-ri-a khác. Cũng rất có thể Gio-an và Giu-se, được nhắc đến mà không ghi chú này, không phải là những người được đề cập đến ở trước. Thêm nữa Ga. 19:27 đưa ra khả năng rất lớn là Mẹ Ma-ri-a không có các con trai khác. Điều đầy ý nghĩa là trong nghệ thuật Kitô giáo, kể cả nghệ thuật thời Phục hưng, không có chỗ nào mà Mẹ Ma-ri-a được diễn tả cùng với những người con khác.
Giáo Hội kỷ niệm lễ truyền tin Mẹ Ma-ri-a vào ngày 25 tháng Ba, chín tháng trước lễ Giáng Sinh. Cũng có phong tục đọc kinh Truyền tin ba lần một ngày mỗi khi chuông nhà thờ rung, lúc sáu giờ sáng, chính ngọ và sáu giờ chiều. Kinh này là một ca nguyện nhắc nhở tới sự nhập thế.
Ngôi Lời làm bởi nhục thể
Mẹ Ma-ri-a có hiểu hoàn toàn đấng mà mẹ mang vào thế gian không? Không, chỉ sự sống lại của Chúa Giê-su mới biểu lộ rõ rệt ngài là ai. Tuy nhiên, Giáo Hội đã rất sớm soạn tụng ca như sau:
"Ngài là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình,
là trưởng tử giữa mọi thụ sinh;
vì trong Ngài vạn vật đã được tạo thành" (Cl. 1:15-16).
và một tụng ca khác có nội dung:
"Ngài phận là phận của một vì Thiên Chúa, nhưng ngài đã
không nghĩ phải giằng cho được
chức vị đồng hàng cùng Thiên Chúa
Song Ngài đã hủy mình ra không
là lĩnh thêm thân phận tôi đòi,
trở thành giống hẳn người ta;
đem thân đội lốt người phàm" (Pl. 2:6-7)
Những văn bản Tân Ước đó được viết ra còn trước cả sách phúc âm. Chúng không chỉ là những văn bản độc nhất. Các văn bản sau đây còn nói về mầu nhiệm nguồn gốc Thiên Chúa của Chúa Giê-su. Vì vậy chúng ta đọc thấy, thí dụ, trong lời mở đầu của Gio-an:
"Lúc khởi nguyên đã có Lời,
và Lời ở nơi Thiên Chúa,
và Lời là Thiên Chúa,
Ngài đã có lúc khởi nguyên nơi Thiên Chúa" (Gn. 1:1-2).
Ngài, đấng được sinh ra, đã ở sẵn tại nguồn gốc ấy, "trong khởi thủy" mà sách Sáng Thế 1:1 nói về nó.
"Mọi sự đã nhờ Ngài mà thành sự và
không Ngài thì không gì đã thành sự" (Gn. 1:3).
"Mọi sự đã được tạo thành nhờ Ngài và cho Ngài" (Gn. 1:16).
Vì thế, Tân Ước công bố rằng ngài, đấng được sinh ra, đã tác động lên thế gian ngay từ khởi thủy, điều này được chỉ rõ do tước hiệu mà Gio-an dùng, "Ngôi Lời". Nó là tiếng vọng của cách diễn tả "Thiên Chúa nói" trong trình thuật sáng thế. Nó là một nhắc nhở đến Ngôi Lời Thiên Chúa đã qua các tiên tri và những người lành thánh mà tạo ra Is-ra-el. Nó là một hồi tưởng cái Khôn Ngoan đầy-sinh-khí của Thiên Chúa, "ánh hào quang tinh ròng tự vinh quang Đấng Toàn năng phát hiện" (St. 7:25). Do đó, Thư gởi Tín hữu Do thái nói: "Ngài phản ảnh vinh quang của Thiên Chúa" (Dt. 1:3).
Sự hạ mình thiêng liêng này, mà những tiên báo nồng nhiệt đã được đưa ra trong Cựu Ước, nay xuất hiện là một con người ở trần gian. Thiên Chúa không còn tách biệt nữa: "Lời đã thành xác phàm" (Gn. 1:14).
Trong tĩnh lặng ngưỡng mộ, trầm tư về việc này sẽ làm nổi bật sắc nét hơn. Có thể đây là lý do độc nhất của mầu nhiệm nhập thể của Con Thiên Chúa: "Chỉ tình yêu làm những việc như thế." "Thiên Chúa đã yêu mến thế gian như thế (đó) đến đổi đã thí ban Người Con Một" (Gn. 3:16".
(còn nữa)