Nhảy đến nội dung

Thánh Anphong Liguori: Nhiệt Thành Rao Giảng Mẹ Maria

THÁNH ANPHONG LIGUORI:
NHIỆT THÀNH RAO GIẢNG MẸ MARIA
 

Lm. JBT Phạm Quốc Hưng, CSsR.

  Vài hàng tiểu sử 
    Thánh Anphong Liguori sinh ngày 27/09/1696 trong một gia đình quý phái thành  Naples, nước Ý. Ngài sinh lúc 7:00 AM, khi các nhà thờ trong vùng đổ chuông mai để mọi người đọc kinh Truyền Tin. Hôm đó cũng là Thứ Bảy, ngày Giáo Hội dành để biệt kính Đức Mẹ. Ngày 29/09/1696, ngài được rửa tội tại Nhà Thờ Đức Mẹ Đồng Trinh. Trong sổ rửa tội, ngài mang tên thật dài: Anphonsus Maria Antonio Giovanni Francesco Cosimo Damiano Michel Angelo Gasparro de Liguori. Sau khi trở thành giám mục, ngài không ký tên là Anphong Liguori nữa, mà ký là Anphong Maria để bày tỏ lòng biệt kính Đức Mẹ.


    Ngay từ thuở bé ngài đã được hấp thụ một nền giáo dục toàn diện gồm triết lý, văn chương và nghệ thuật. Ngài đã tỏ ra là một con người xuất chúng về nhiều mặt: âm nhạc, văn chương, thi phú, kiến trúc, hội họa, luật pháp, hùng biện, giảng thuyết. Khi lên 16 tuổi, ngài đã đậu tiến sĩ về cả dân luật lẫn giáo luật. Rồi ngài bắt đầu hành nghề luật sư và trở thành một luật sư lỗi lạc. 


    Năm 1723, do sự gian dối của đối thủ tại pháp đình, Anphong đã bị nếm mùi thảm bại lần đầu tiên trong vụ kiện giữa hai nhà quý tộc Orsini và Medici. Bước ra khỏi pháp đình như một kẻ mất hồn, ngài nói: “Thế gian ơi, ta đã biết ngươi rồi! Hỡi pháp đình, ngươi sẽ chẳng bao giờ thấy ta nữa”. Trở về nhà cha mẹ, ngài buồn bã không ăn không ngủ suốt ba ngày. Sau đó, nhờ cầu nguyện, ngài nhận biết rằng Chúa muốn dùng biến cố này để chuyển hướng đời ngài. Ngài tiếp tục cầu nguyện để tìm hiểu ý Chúa. Đồng thời, ngài cũng thường đi thăm viếng các bệnh nhân nghèo tại Bệnh Viện Nan Y ở Naples, vì ngài vốn có chân trong Hội Hiệp Sĩ Quý Tộc Naples.


    Ngày 28/08/1723, khi đang phục vụ bệnh nhân, Anphong chợt cảm thấy một luồng sáng bao trùm lấy toàn thân ngài, đất rung động, nhà chuyển lay. Và ngài nghe thấy tiếng nói: “Hãy từ bỏ thế gian mà tận hiến đời con cho Ta”. Ngài bối rối, chưa dám tin đó là sự thật. Nhưng hiện tượng này được lập lại một lần nữa ngay sau khi ngài rời khỏi bệnh viện. Nhận ra thánh ý Chúa, Anphong tiến về Thánh Đường Đức Mẹ Chuộc Kẻ Làm Tôi gần đó. Trước tượng ảnh Đức Mẹ, Anphong thề hứa sẽ dâng mình cho Chúa trong ơn gọi linh mục. Để bày tỏ quyết tâm của mình, ngài rút gươm hiệp sĩ của ngài và đặt trước bàn thờ Đức Mẹ. Sau này, ngài thường tìm đến đây để cầu nguyện với Đức Mẹ. Ngài nói: “Tại đây, chính Đức Mẹ đã khiến tôi từ giã thế gian”.


    Vào Lễ Đức Mẹ Chỉ Bảo Đàng Lành ngày 26/04/1726, Anphong chịu chức phó tế. Đây là khởi điểm của công cuộc rao giảng Tin Mừng đầy nhiệt thành của thánh nhân. Vì lao lực quá, thày phó tế Anphong bị đau nặng. Các bác sĩ cho rằng thày khó sống, nên người ta đã mời linh mục cho thày chịu phép Xức Dầu Thánh. Anphong bình tĩnh xin người ta đưa đến cho ngài pho tượng Đức Mẹ Chuộc Kẻ Làm Tôi. Rồi ngài tha thiết cầu nguyện với Đức Mẹ. Lập tức, ngài cảm thấy bắt đầu khỏe lại. Và ngày 21/12/1726, Anphong được thụ phong linh mục. Lúc ấy ngài được 30 tuổi.


    Suốt sáu năm đầu đời linh mục, Anphong hăng say rao giảng Tin Mừng và phục vụ dân Chúa tại thành Naples và vùng lân cận. Ngài quan tâm đặc biệt đến việc dạy giáo lý cho những người nghèo khổ. Vì kiệt sức do làm việc quá mức, theo lời khuyên của bác sĩ và cha linh hướng, Anphong rời thành Naples để đi dưỡng sức tại miền đồi núi Scala vùng biển Amalfi. Tại đây, Anphong đã xót xa khi thấy những người dân quê sống trong cảnh nghèo khổ tận cùng mà không có ai lo cho họ, nhất là về mặt tinh thần, trong khi tại thành phố Naples có tới 12,000 linh mục. 
    Khi trở về Naples, Anphong có ý lập một dòng tu để lo giảng dậy cho những người nghèo khổ tất bạt. Khi ấy,

Nữ Tu Marie Celeste Crostarosa (1696-1755) vốn là một nữ tu Dòng Camêlô nay thuộc Dòng Thăm Viếng tại Scala, được Chúa cho thị kiến để lập một dòng chiêm niệm (Dòng Nữ Chúa Cứu Thế hiện nay). Đức Cha Thomas Falcoia, linh hướng của Chị Crostarosa và cũng là linh hướng của Cha Anphong, truyền cho Cha Anphong điều tra về thị kiến này. Sau một thời gian tra xét cẩn thận, Cha Anphong nhìn nhận các thị kiến của Chị Crostarosa quả thật đã đến từ Thiên Chúa. 


    Không ngờ rằng một năm sau, Chị Crostarosa lại cho Thánh Anphong biết là Chúa đã mạc khải cho chị về một dòng thừa sai nam mà chính Anphong sẽ là người sáng lập. Sau khi đã cẩn thận cầu nguyện và bàn hỏi với nhiều bậc khôn ngoan thánh đức, Cha Anphong chấp nhận thánh ý Chúa. 


    Dòng Chúa Cứu Thế đã chính thức chào đời vào ngày 09/11/1732 với bốn linh mục và một trợ sĩ. Sáu tháng sau, tất cả các linh mục đã rời bỏ Cha Anphong, chỉ còn lại Thầy Vitus Curtius. Cha Anphong đã bị áp lực bên ngoài lẫn khủng hoảng nội tâm bên trong, nhưng ngài vẫn kiên trì cầu nguyện và cậy trông Đức Mẹ. Dần dần, những ơn gọi mới được Chúa gửi đến cho ngài và Dòng Thánh bắt đầu phát triển với ý hướng rao giảng Tin Mừng cho những người nghèo khổ tất bạt bằng một lối giảng bình dân dễ hiểu.


    Tháng 03/1762, Đức Giáo Hoàng Clêmentê XIII đặt Cha Anphong làm giám mục địa phận Thánh Agatha thành Goths. Dù tuổi đã già và mệt mỏi với công việc điều hành nhà dòng và giảng dạy, Cha Anphong vẫn chấp nhận thánh ý Chúa qua Đức Thánh Cha, như ngài hằng tâm niệm: “Ý Đức Thánh Cha là Ý Chúa”. Tuy vậy, ngài coi việc làm giám mục như một việc đền tội Chúa gửi cho ngài vì những tội trong quá khứ của ngài. Ngài được tấn phong giám mục vào ngày 20/06/1762. Sau ít năm, ngài làm đơn từ chức vì cảm thấy trách nhiệm quá sức mình, nhưng Đức Clêmentê không chấp nhận. Ngài nói với anh em trong dòng: “Đức Giáo Hoàng này không cho, thì Đức Giáo Hoàng sau sẽ cho”. Thật vậy, đến năm 1775, dưới thời Đức Piô VI, Thánh Anphong đã được từ chức giám mục địa phận để về sống với anh em trong dòng.


    Sau một cuộc đời dài tận tâm phụng sự Thiên Chúa và Giáo Hội với lời thề khi còn xuân trẻ là “không lãng phí một giây phút nào”, Thánh Anphong đã an nghỉ trong Chúa ngày 01/08/1787 tại Pagani. Ngài để lại 111 tác phẩm tu đức và luân lý, nhiều bức họa và nhiều bản thánh ca vẫn còn được sử dụng rộng rãi tại Ý. 


    Các tác phẩm của ngài đã được dịch ra nhiều ngôn ngữ,  và được nhiều người yêu chuộng vì lối văn dễ hiểu và chất đầy lòng mến. Các tín hữu Công Giáo Việt Nam sốt sắng chắc chắn sẽ phải tận tình biết ơn Thánh Anphong vì đã giúp họ thêm lòng sám hối và nồng nhiệt sống thánh qua các tác phẩm như Dẫn Đường Mến Chúa, Chân Lý Đời Đời, Cầu Nguyện-Phương Thế Tuyệt Hảo, Viếng Thánh Thể và Đức Mẹ, Nữ Tu Thánh Thiện, Vinh Quang Đức Mẹ. 


    Dòng Chúa Cứu Thế, gia đình thiêng liêng của Thánh Anphong, đã tiếp tục phát triển và có mặt tại hầu hết các quốc gia trên thế giới, với tổng số khoảng 5.000 sĩ tử. Trong số các sĩ tử nổi bật của Dòng Chúa Cứu Thế phải nói đến Thánh Giêrađô, Thánh Clêmentê, Thánh Gioan Newman.


    Năm 1807, Thánh Anphong được tuyên phong là Đáng Kính. Chín năm sau (1816) ngài được tôn lên bậc Chân Phước. Năm 1839, Giáo Hội tôn phong hiển thánh cho ngài. Nhận biết giá trị, ảnh hưởng và lợi ích lớn lao của các tác phẩm của ngài đối với đời sống tâm linh của Giáo Hội, năm 1871, Đức Giáo Hoàng Piô IX đã tôn vinh Thánh Anphong lên hàng Tiến Sĩ Giáo Hội với danh hiệu “Tiến Sĩ Rất Nhiệt Thành”. Và năm 1950, Đức Giáo Hoàng Piô XII đã đặt Thánh Anphong làm Quan Thày các cha giải tội và các nhà thần học luân lý.


    Khi tôn phong Chân Phước cho ngài, Đức Giáo Hoàng Piô VII đã nói: “Trong tay Chúa, Anphong như một mũi tên bắn thẳng vào sự đồi bại thế gian, ngõ hầu Danh Thiên Chúa được vinh hiển và các linh hồn được cứu độ. Như mũi tên nhọn bốc lửa yêu mến, người đả thương nhiều linh hồn và nung cháy tim họ để họ cũng từ khước tất cả mọi sự mà bước theo Chúa Cứu Thế”.


    Tầm vóc vĩ đại và ảnh hưởng sâu đậm của Thánh Anphong trong đời sống Giáo Hội hiện đại còn được ghi nhận nơi những lời sau của Chân Chước Giáo Hoàng Gioan XXIII, Vị Giáo Hoàng đã có công khai mở Công Đồng Vatican II: “Ôi Thánh Anphong! Ngài là danh dự và mẫu gương tuyệt vời chừng nào cho hàng giáo sĩ Ý Đại Lợi học hỏi và kính tôn! Chúng tôi đã quen thuộc với đời sống và các tác phẩm của ngài từ những năm đầu của chương trình đào luyện để phục vụ Giáo Hội”.

   Một đời yêu Mẹ
    Lòng nhiệt thành tôn sùng Đức Mẹ của Thánh Anphong đã được nảy sinh và vun trồng ngay từ thời thơ ấu nhờ người mẹ tốt lành của ngài là Donna Anna. Sử gia Tannoia viết: “Donna Anna đã cố gắng cách đặc biệt để gieo vào lòng các con bà một tình yêu dịu dàng đối với Chúa Giêsu và một lòng cậy trông thảo mến đối với Đức Mẹ Maria”.


    Sau này, khi nghĩ đến mẹ mình, Thánh Anphong nói: “Tôi phải thú nhận rằng: nếu tôi sống tử tế suốt thời niên thiếu và được gìn giữ khỏi những sự xấu xa, đó là hoàn toàn nhờ sự săn sóc của mẹ tôi”. Ngài thuật rằng: “Mỗi sáng sau khi chúc lành cho các con, người mẹ này cho chúng quỳ xuống cầu nguyện. Mỗi chiều tối bà tập họp chúng lại quanh bà và dạy chúng các chân lý đức tin. Bà luôn lần chuỗi Mân Côi với các con và dạy chúng sùng kính các thánh.”


    Một buổi chiều nọ, khi Anphong được hơn mười tuổi, cậu được một nhóm trẻ con lối xóm rủ tham dự một trò chơi gần như đánh đáo. Thấy bạn bè nài nỉ, Anphong chấp thuận. Sau khi được cắt nghĩa luật lệ của trò chơi, Anphong nhập cuộc và thắng liên tiếp nhiều ván. Vì ghen tức với Anphong, một đứa trẻ trong nhóm lên tiếng chửi thề. Nghe thế, Anphong lập tức ngừng chơi và tiến đến nói với cậu bé vừa chửi thề: “Chỉ vì thua mấy đồng bạc cắc mà bạn dám buông lời xúc phạm đến Chúa sao? Tôi xin trả lại tất cả và không thèm chơi nữa.” Dứt lời, Anphong bỏ lại tất cả số bạc cắc ngài thắng cuộc và chạy về nhà. Chiều hôm ấy, người nhà thấy vắng bóng Anphong. Sau một hồi lâu tìm kiếm, người ta gặp thấy cậu đang quỳ cầu nguyện trước một tượng Đức Mẹ nho nhỏ ở một góc vườn. Anphong đã biết tìm đến Đức Mẹ trong mọi nỗi vui buồn ngay từ thời thơ ấu!


    Là một người có đủ tài hội họa, thi phú, âm nhạc và văn chương, Thánh Anphong đã tận dụng tất cả tài năng của mình để ca ngợi sự cao cả tuyệt mỹ và khả ái của Đức Mẹ và bày tỏ lòng ngưỡng mộ, mến yêu, cậy trông ngài dành cho Mẹ. Ngài đã để lại nhiều bức tranh, nhiều bài thơ và nhiều bản nhạc để ngợi khen và kêu cầu Mẹ. Có lẽ bản nhạc của Thánh Anphong được người Việt Nam biết đến hơn cả là bài thánh ca “Hội Nhạc Thiên Quốc” với lời Việt của Linh Mục Hoàng Diệp. Trong mọi bài giảng hay bài viết của ngài, trước khi kết thúc, bao giờ ngài cũng có một vài lời cầu xin với Đức Mẹ. 


    Thánh Anphong thường hình dung mình đang cầm bút hay cọ vẽ để bày tỏ lòng mộ mến của mình đối với “Mamma Maria” (Mommy Mary) trên giấy hay trên những tấm phông. Ngài còn tự tay vẽ một bức họa Đức Mẹ tuyệt đẹp để làm bìa cho tác phẩm Vinh Quang Đức Mẹ của ngài. 


    Trong quá trình phong thánh cho ngài, sử gia Tannoia kể: “Một ngày nọ, khi đã làm giám mục địa phận Thánh Agatha, ngài đã vẽ một bức họa Đức Mẹ thật rực rỡ và xinh đẹp đến nỗi ngài không ngớt chiêm ngưỡng nó. Ngài lập đi lập lại hoài: Ôi Đức Mẹ xinh đẹp dường nào! Ôi Đức Mẹ xinh đẹp dường nào!”.


    Cha Felice Verzella, nguyên bí thư của Thánh Anphong ở tòa giám mục, làm chứng rằng: “Ngài luôn có một mẫu ảnh Đức Mẹ Chỉ Bảo Đàng Lành ở bên ngài. Tôi thường xem thấy và nghe được ngài cầu nguyện với những lời yêu mến, cậy trông và các kinh nguyện khác. Khi có những người từ các nơi đến bàn hỏi việc linh hồn, ngài thường tặng họ mỗi người một mẫu ảnh Đức Mẹ và khuyến khích họ tôn sùng Đức Mẹ. Ngài hay nói với họ: Đây là Mẹ chúng ta. Đây là người sẽ đưa chúng ta lên Thiên Đàng. Đây là người sẽ giúp chúng ta trong giờ chết. Chúng ta sẽ ra sao nếu chúng ta không có Đức Mẹ”.


    Để tỏ lòng yêu mến Mẹ cách đặc biệt, Thánh Anphong thường ăn chay với bánh mì và nước lã mỗi Thứ Bảy và những ngày áp lễ Đức Mẹ. Ngài yêu mến việc đọc kinh Kính Mừng và lần chuỗi Mân Côi. Cứ mỗi khắc, ngài đọc một Kinh Kính Mừng. Dù bận trăm công ngàn việc, mỗi ngày ngài thường trung thành lần 8 chuỗi Mân Côi để tỏ lòng yêu kính Mẹ.


    Ngài còn dành riêng một bài giảng về Đức Mẹ trong mỗi lần giảng Tuần Đại Phúc, và ngài gọi đó là “kỷ vật yêu quý” của ngài. Trong Hiến Pháp và Quy Luật nguyên thủy của Dòng Chúa Cứu Thế do ngài sáng lập năm 1732 có ghi các khoản sau: “VI. Vào các ngày Thứ Bảy ở tất cả các nhà dòng phải có một bài giảng về Đức Mẹ hay liên hệ đến các phép lạ của Đức Mẹ... XXIII Trong những Tuần Đại Phúc và cả những cuộc lễ bên ngoài Tuần Đại Phúc, phải có một bài giảng về Đức Mẹ. Vì kinh nghiệm cho thấy điều này rất có hiệu quả...” 


    Chuỗi hạt Mân Côi đeo trên áo dòng các sĩ tử Dòng Chúa Cứu Thế như có ý nói rằng, lòng tha thiết yêu mến Mẹ Maria phải là sợi dây tình thương liên kết họ với Chúa Cứu Thế, với Hội Thánh, với các linh hồn và với nhau.
    Lòng yêu mến Mẹ Maria đích thực đã khiến ngài dễ cảm nhận và xác tín sâu xa về những đặc ân Thiên Chúa ban cho Mẹ. Dù thời ấy tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội chưa được chính thức định tín, Thánh Anphong đã theo truyền thống đạo đức của các đại học Công Giáo ở Âu Châu thời ấy long lọng tuyên tín đặc ân này của Mẹ trong dịp ngài lãnh hai bằng tiến sĩ giáo luật và dân luật vào Thứ Bảy ngày 21/01/1713. Hơn nữa, ngài còn chọn Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội làm Quan Thày Dòng Chúa Cứu Thế và truyền cho các sĩ tử phải tuyên tín và rao giảng về đặc ân này của Mẹ. 


    Vì vậy, thật là một sự sắp đặt tuyệt vời của Chúa Quan Phòng, Đức Piô IX--Vị Giáo Hoàng tuyên bố tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội ngày 08/12/1854-- cũng là người tôn phong Thánh Anphong lên bậc Tiến Sĩ Hội Thánh ngày 23/03/1871.  Trước đó, vào năm 1865, chính Vị Chân Phước Giáo Hoàng này đã giao cho Dòng Chúa Cứu Thế mẫu ảnh gốc Đức Mẹ Hằng Giúp với lời truyền: “Hãy làm cho mọi người nhận biết Mẹ”.


    Lòng tôn sùng Đức Mẹ, vốn là bí quyết thành công trong cuộc đời hoạt động của Thánh Anphong, đã trở nên nguồn an ủi lớn lao cho thánh nhân khi ngài về già. Bị lãng tai vì tuổi tác nên ngài dặn người ta nhắc ngài khi có chuông báo hiệu đọc Kinh Truyền Tin. Lúc ấy, ngài sẽ gắng quỳ xuống ngay và sốt sắng đọc kinh. 


    Vì không còn trí nhớ như khi còn trẻ, ngài thường hay hỏi: “Không biết hôm nay tôi đã lần chuỗi chưa?” Một ngày nọ, vì không nhẫn nại đủ, Thày Antonio Romito trả lời: “Dĩ nhiên là rồi! Tai sao Cha luôn thắc mắc vậy?” Vị thánh già nua nghiêm trang trả lời: “Khi tôi thắc mắc về việc lần chuỗi Mân Côi, xin đừng bắt lỗi tôi. Phần rỗi linh hồn và số phận đời đời đối với tôi quan trọng hơn bất cứ điều gì khác. Khi tôi thắc mắc về việc lần chuỗi Mân Côi, đó là tôi đang thắc mắc về phần rỗi của tôi” Rồi chỉ vào Chuỗi Mân Côi ngài nói: “Phần rỗi của tôi tùy ở Chuỗi Mân Côi”.


    Thánh Anphong thường thích nghe đọc truyện các thánh, nhưng ngài thích nghe đọc về Đức Mẹ hơn cả. Một ngày nọ, Cha Thánh nói với Thày Romito: “Hãy đọc cho tôi một đoạn sách về Đức Mẹ”. Romito kiếm một quyển sách về Đức Mẹ và đọc. Thánh nhân lắng nghe và lộ vẻ thích thú. Sau đó, ngài hỏi: “Hay quá! Thày đang đọc cho tôi nghe quyển sách nào vậy? Ai viết quyển sách đó?” Thày Romito trả lời: “Thưa Đức Cha, chính Đức Cha viết quyển sách này. Đó là quyển Vinh Quang Đức Mẹ của Đức Cha”. Thánh Anphong xúc động nghẹn ngào: “Lạy Chúa Giêsu của con, con cảm tạ Chúa đã cho con viết về Mẹ Thánh Chúa. Ôi! Ngọt ngào chừng nào khi đến giờ chết con nghĩ rằng con đã có thể làm được ít điều để khơi lên lòng sùng kính Mẹ Thánh Chúa nơi tâm hồn người ta”. Thày Romito ghi nhận hôm ấy là ngày 25/10/1784.


    Lần khác, Thánh Anphong gọi Thày Romito lại và nói: “Đầu óc tôi hôm nay bối rối quá. Xin thày đọc cho tôi nghe đoạn sách trong Vinh Quang Đức Mẹ về mối hy vọng được cứu rỗi của chúng ta qua sự chuyển cầu của Đức Mẹ”. Khi thày đọc xong, thánh nhân nói: “Lạy Mẹ rất đáng yêu, nay con đã già và không thể nói về vinh quang Mẹ nữa, nhưng xin ban cho con ít nữa là luôn có người nói với con về Mẹ”.


    Ngày 16/07/1787, Thánh Anphong bị sốt nặng vì bệnh lỵ và bệnh tình ngài ngày càng trầm trọng. Ngài lãnh phép Giải Tội lần cuối ngày 27/07. Ngày 28/07, người ta đem lại cho ngài một tượng Đức Mẹ. Thánh nhân nhìn lên tượng Đức Mẹ, đôi môi mấp máy và đôi tay mở rộng như một cử chỉ dâng hiến. Ngày 29/07, ngài nói: “Cho tôi Đức Mẹ”. Rồi ngài giữ ảnh Mẹ trong tay và cầu nguyện. Lúc 6:00 giờ chiều 31/07, khi Thánh Anphong đang cầm ảnh Đức Mẹ, nét mặt ngài rực lên như tỏa sáng. Ngài nói nhỏ nhẹ và mỉm cười với Đức Mẹ. Một lần “gặp gỡ” như vậy diễn ra khoảng một giờ sau trước sự chứng kiến của ba cha khác. 


    Gần trưa ngày 01/08/1787, không tỏ dấu đau đớn hay trăn trở gì cả, Thánh Anphong trút hơi thở cuối cùng để về cùng Chúa, trong tay vẫn cầm ảnh Đức Mẹ. Lúc đó, chuông nhà thờ trong vùng cũng trỗi lên báo hiệu đọc Kinh Truyền Tin. 


    Sau một đời yêu Mẹ, Thánh Anphong đã bước vào Thiên Quốc để hợp đoàn với toàn thể thần thánh cùng ngợi ca vinh quang Đức Mẹ và cùng Mẹ để yêu mến và tôn thờ Chúa Ba Ngôi đời đời.

   Rao truyền Danh Mẹ
    Khi tìm hiểu cuộc đời và sự nghiệp của Thánh Anphong, nhiều tác giả không ngần ngại gọi ngài là “vị thánh vĩ đại”. Người ta gọi ngài là “Augustinô của thế kỷ XVIII”. Ngay khi còn sinh thời Thánh Anphong đã được nhiều người mến mộ. Qua các tác phẩm để lại, ngày nay Thánh Anphong vẫn tiếp tục giúp vô số các linh hồn ở khắp nơi trên thế giới bước vào đường yêu mến Chúa, để được cứu độ và nên thánh. 


    Người ta có thể lý luận để tìm ra những lý do khác nhau giúp tạo nên một vị thánh vĩ đại nơi con người Anphong. Về phần bản thân ngài, Thánh Anphong quy hướng tất cả phúc lộc đời mình về Mẹ Maria. Trong lời tựa quyển Vinh Quang Đức Mẹ, ngài thưa với Đức Mẹ: “Lạy Mẹ Maria là Mẹ và là Nữ Vương dịu dàng, con cũng ngước về Mẹ. Mẹ đã biết, ngoài Chúa Giêsu, thì con đặt trót niềm hy vọng được hạnh phúc đời đời nơi Mẹ. Con chân nhận rằng, nhờ Mẹ can thiệp, con mới đón nhận được hết những gì tốt đẹp cho cuộc đời con: ơn qui hồi, ơn thiên triệu nên trọn lành và biết bao ơn khác”.


    Linh mục John Hardon, SJ, một nhà thần học nổi tiếng tại Hoa Kỳ và từng là Cha giải tội cho Mẹ Teresa Calcutta, khi viết về lòng sùng kính Đức Mẹ của Thánh Anphong đã đưa ra nhận xét độc đáo sau: “Theo Thánh Anphong, ngoài bốn đặc nét chứng minh tính cách chân thực của Hội Thánh Công Giáo là duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền, ta phải kể thêm đặc nét thứ năm. Đó là lòng biệt kính Mẹ Maria.” Điều đó cũng có nghĩa là, đối với Thánh Anphong, một tín hữu Công Giáo đích thực phải là một người có lòng biệt kính Mẹ Maria.
    Tình thương cao trọng và quyền bầu cử vạn năng của Đức Mẹ là hai điều Thánh Anphong muốn mọi người ghi nhớ hơn cả về Mẹ Maria. 


    Thánh nhân đã diễn tả về tình thương của Đức Mẹ dành cho mỗi linh hồn như sau: “Nếu giữa các thần thánh chân phúc đã không có vị nào mến yêu Chúa như Mẹ Maria, thì chúng ta cũng không thể tìm đâu ra một người nào, sau Thiên Chúa, yêu thương chúng ta hơn Mẹ Maria chí ái được. Cứ đem dồn vào một trái tim độc nhất tình yêu của hết các người mẹ đối với con mình, của hết các đôi bạn tình loan phượng, của hết các thần thánh đối với những người sùng mộ các đấng, chúng ta cũng chưa có một ý niệm nào khả dĩ so được với tình yêu Mẹ Maria đối với chỉ một linh hồn”. 


    Điều an ủi và khiến chúng ta là những tội nhân cậy trông Đức Mẹ hơn cả là nơi Mẹ chỉ có tình thương chứ không có công thẳng. Thánh Anphong viết: “Là Nữ Vương, nhưng Mẹ không nắm trong tay cái phủ việt công lý để trừng trị kẻ phạm tội, mà chỉ giữ một quyền năng sử dụng tình thương, chỉ có mỗi một trách vụ là thi ân bố đức và ân xá mà thôi. Đó là tư tưởng của Giáo Hội khi dạy chúng ta tung hô Mẹ Maria là Trinh Vương Thương Xót.” Ngài cũng trích lời Cha Gioan Gerson, Chưởng Ấn Đại Học Balê: “Thiên Chúa thống trị bằng quyền năng và tình thương. Chúa nắm giữ toàn quyền sử dụng quyền năng, nhưng việc thi hành tình thương thì lại đã trao toàn quyền sang tay Mẹ Maria là Nữ Vương, là Mẹ Chúa Kitô”.


    Về quyền bầu cử vạn năng của Đức Mẹ, thánh nhân viết: “Mẹ và Con phải được hưởng dùng cùng một quyền năng như vậy, nên Chúa Giêsu toàn năng cũng tôn phong cho Mẹ có quyền toàn năng. Nhưng ta phải hiểu cho đúng rằng Chúa Giêsu bao giờ cũng toàn năng do bản tính mà Mẹ Maria chỉ toàn năng do ân sủng”. Ngài trích lời Chúa Giêsu nói với Đức Mẹ theo mạc khải riêng cho Thánh Brigita: “Mẹ đã chẳng từ chối Con điều gì dưới đất, thì Con cũng sẽ chẳng từ chối Mẹ điều gì trên trời” và lời Thánh Bênađô: “Hễ Mẹ muốn là mọi sự tất thành”. Và ngài tóm tắt quyền bầu cử vạn năng của Đức Mẹ trong câu thơ phổ biến thời ấy:
 

Lời cầu Đức Mẹ làm nên
Những gì Thiên Chúa phán truyền làm ra
    Từ việc nhận biết tình thương cao trọng và quyền bầu cử vạn năng của Mẹ Maria, Thánh Anphong mời gọi chúng ta hằng vững lòng cậy trông và kêu cầu Mẹ để được Mẹ ban ơn trợ giúp. Theo ngài, người ta mất linh hồn chỉ vì không biết cậy trông kêu cầu Đức Mẹ. Ngài trích lời Đức Mẹ tỏ cho Thánh Brigita như sau: “A! Vô phúc cho ai khi có thể mà lại không chịu đến nương nhờ Mẹ! Phải, thật vô phúc đời đời cho ai ở trần gian có thể kêu xin Mẹ là Mẹ đầy nhân từ thương xót, rất ước ao cứu vớt tội nhân, mà lại hững hờ cậy trông Mẹ. Không cậy trông Mẹ, nên họ mới bị trầm luân thảm hại”. Và Thánh Anphong kết luận về hạnh phúc của những người biệt kính Đức Mẹ:
Con Đức Bà là con nhà Thiên Quốc
Con Đức Mẹ là con nước Thiên Đàng

   
    Vì xác tín là mọi ơn lành hồn xác Thiên Chúa đều ban cho chúng ta qua tay Mẹ Maria và lòng biệt kính Đức Mẹ là điều cần thiết để được cứu độ và nên thánh,     nên Thánh Anphong đã suốt đời luôn nhiệt thành rao giảng về Đức Mẹ với ước nguyện làm cho mọi người biết Mẹ, yêu Mẹ, ngợi khen Mẹ, cậy trông Mẹ, kêu cầu Mẹ và noi gương Mẹ. Cuốn Vinh Quang Đức Mẹ của ngài được viết ra với niềm xác tín rằng: “Rao giảng Mẹ Maria và lòng tin tưởng vào sự cầu bầu của Mẹ, đó là việc quan thiết đến phần rỗi các linh hồn”.


    Ước gì sau khi chiêm ngưỡng gương nhiệt thành yêu mến và rao giảng Mẹ Maria của Thánh Anphong và cảm nhận tình yêu và quyền năng của Đức Mẹ qua giáo huấn chân thực của ngài, mỗi người chúng ta có được cùng một niềm xác tín với thánh nhân : “Những ai cầu nguyện với Mẹ sẽ được ơn bền đỗ. Những ai giúp kẻ khác hiểu biết và yêu mến Mẹ sẽ thẳng tiến về Thiên Đàng”. 


    Và cùng với ngài, ta sẽ thiết tha cầu nguyện và đoan hứa với Mẹ: “Con muốn được là người yêu mến Mẹ trên hết mọi người chỉ trừ Chúa. Sự ao ước của con nếu có táo bạo là vì Mẹ đó thôi. Mẹ đã khơi lên nơi lòng con sự ao ước ấy bằng những ơn đặc biệt Mẹ đã ban cho con. Nếu Mẹ không rất đáng yêu, con đã chẳng yêu Mẹ như thế...Con hứa sẽ cao rao danh Mẹ nơi công cộng cũng như chốn tư riêng. Ôi! Mẹ Đồng Trinh, xin hãy làm cho con xứng đáng ngợi khen Mẹ” (Trích sách Viếng Thánh Thể và Đức Me).

  Để noi gương Thánh Anphong trong việc sùng kính Đức Me, chúng ta sẽ thiết tha cầu nguyện với ngài với những lời kinh chứa đầy tinh thần của Cha Thánh sau:

Kinh Thánh Anphong
    Lạy Thánh Anphong là quan thày rất vinh hiển và yêu dấu của con. Cha đã lao nhọc và đau khổ biết bao, để bảo đảm hoa trái ơn cứu độ cho nhân loại. Xin Cha đoái nhìn đến sự khốn khổ của linh hồn con và thương xót con cùng. Nhờ sự chuyển cầu mạnh thế của Cha với Chúa Giêsu và Mẹ Maria, xin cho con được thực lòng thống hối vì tội lỗi con, cùng với ơn tha thứ và xá giải, một lòng ghét tội thẳm sâu và sức mạnh ngày càng gia tăng để chống trả mọi cám dỗ.


    Con nguyện xin Cha chia cho con ít là một tàn lửa của tình yêu đã hằng thiêu đốt tim Cha. Xin cho con biết noi gương Cha đặt Thánh Ý Chúa làm luật sống duy nhất của đời con. Xin Cha cũng cho con một tình yêu nồng nhiệt và bền bỉ dành cho Chúa Giêsu, một lòng sùng kính dịu dàng thơ bé dành cho Mẹ Maria, cùng với ơn biết cầu nguyện không ngừng và bền đỗ trong việc phụng sự Chúa cho đến cuối đời con, để cuối cùng con được sum họp với Cha ngợi khen Chúa và Đức Mẹ đời đời. Amen.


Kinh Cha Thánh Anphong
    (Do Cha A. Desurmon, CSsR soạn dành cho các sĩ tử Dòng Chúa Cứu Thế)

   Lạy Cha Thánh Anphong, con rất vui mừng mà được gọi Cha là Cha yêu dấu. Con xin cám ơn Cha đã nhận con vào số các con của Cha, nhưng đời sống của con còn xa với sự thánh thiện của ơn kêu gọi.


    Lạy Cha Thánh, Đấng Tiến Sĩ lừng danh, gương lành và đời sống của Cha vang tận đáy lòng con, nhưng ý chí con thiếu can đảm và đại độ. Xin Cha tha thứ cho con, xin giúp con trở nên một sĩ tử Cứu Thế chân chính.


    Lạy Cha yêu dấu, xon cầu bầu cho con ơn được như Cha: tận tâm bắt chước Chúa Giêsu Chịu Đóng Đinh, được nên bạn chí thiết của Thánh Tâm Chúa, và tôi tớ sốt sắng của Đức Maria. Xin cho con biết cầm lòng cầm trí bằng việc luôn nhớ Chúa hiện diện, bằng thói quen cầu nguyện và giữ ý chí ngay lành.


    Xin ban cho con được lòng khiêm nhượng, đơn sơ và bỏ mình như Cha. Xin Cha thông cho con lòng nhiệt thành hăng hái như Cha để làm sáng danh Chúa và cứu các linh hồn tất bạt nhất. Lại xin Cha đừng để con coi thường việc giữ lề luật và đừng để con khốn nạn bất trung cùng lời khan.


    Lạy Thánh Anphong, Cha rất yêu dấu, từ trời cao xin Cha chúc lành cho Dòng yêu quý này mà Cha đã chịu bao nỗi hy sinh để lập nên. Xin Cha chúc lành cho các Bề Trên và mọi an hem trong Dòng. Đặc biệt, xin Cha chúc lành cho con, để sau khi được hạnh phúc sống chết trong gia đình Cha, con được xứng đáng nên một trong muôn vàn hạt ngọc nơi triều thiên của Cha muôn đời. Amen.