Tin vào tình thương
- T7, 07/12/2024 - 05:26
- Lm Phạm Quốc Hưng
Chúa Nhật II Phục Sinh (April 15-2012)
Tin vào tình thương
Hôm nay là Chúa Nhật thứ hai trong Mùa Phục Sinh và cũng là ngày cuối trong Tuần Bát Nhật Phục Sinh. Từ Năm Thánh 2000, Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II đã chính thức đặt Chúa Nhật này để mừng kính Lòng Thương Xót Chúa, như chính Chúa đã truyền dạy Thánh Maria Faustina-Vị Tông Đồ của Lòng Thương Xót Chúa.
Lòng Thương Xót cùng với Đức Công Chính là hai phẩm tính của Thiên Chúa được Thánh Kinh nói đến nhiều hơn cả. Như Thánh Gioan định nghĩa: “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1Ga4:16). Nhưng trong tương quan yêu thương đối với nhân loại khốn khổ vì tội lỗi do chính họ gây nên, Tình Yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại mang một tên mới là “Lòng Thương Xót”. Lòng Thương Xót Chúa chính là căn nguyên của mọi việc Thiên Chúa làm cho con người, từ việc tác tạo, gìn giữ, quan phòng đến việc cứu chuộc và thánh hóa họ. Trọn cả con người và đời sống của Chúa Giêsu với những lời giảng dạy, các hoạt động, những phép lạ, và nhất là với Cuộc Khổ Nạn và Phục Sinh, cho thấy Người chính là Hiện Thân của Lòng Thương Xót Thiên Chúa dành cho nhân loại. Và như vậy, tin vào Chúa Giêsu là tin vào Tình Yêu hay tin vào Lòng Thương Xót Chúa dành cho nhân loại nói chung và cho mỗi người chúng ta nói riêng, như Thánh Gioan xác tín: “Chúng ta đã biết tình yêu của Thiên Chúa nơi chúng ta, và đã tin vào tình yêu đó” (1Ga 4:16).
Chúng ta có thể nhận ra chủ đề Lòng Thương Xót Chúa được gặp thấy trong bài Tin Mừng cùng với lời đáp ca và câu xướng đầu của Phụng Vụ Lời Chúa hôm nay cũng được dùng cho cả ba chu kỳ A, B, C .
Thật vậy, Tin Mừng hôm nay thuật về hai lần Chúa Giêsu Phục Sinh hiện ra với các môn đệ. Lần đầu vào chiều ngày thứ nhất trong tuần là chính Ngày Phục Sinh với sự vắng mặt của Tôma, và lần thứ hai sau đó tám ngày với sự hiện diện của Tôma mà chúng ta được nhắc nhớ trong Phụng Vụ hôm nay.
Lời chúc bình an mà Chúa Giêsu dành cho các môn đệ trong cả hai lần hiện ra chính là hoa trái của Cuộc Khổ Nạn và Phục Sinh của Người. Sự bình an này là ơn cứu độ hay sự tha thứ tội lỗi cho nhân loại mà Chúa Kitô đã đạt được bằng sự hy sinh vô giá của Người. Với lời ban tặng Thánh Thần và quyền tha tội cho Hội Thánh qua các môn đệ nơi Bí Tích Giải Tội: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội cho ai, thì tội Người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội Người ấy bị cầm lại” (Jn 20. 22-23), Chúa Giêsu đã biến các ông trở nên sứ giả và khí cụ của Lòng Thương Xót của Người.
Để chúng ta thêm lòng tín thác nơi Lòng Thương Xót Chúa mặc dù chúng ta có yếu đuối tội lỗi và sa đi ngã lại bao lần, và biết yêu quý việc năng lãnh nhận Bí Tích Giải Tội, chúng ta cần ghi nhớ sứ điệp mà Thánh Tâm Chúa Giêsu đã tỏ cho Chị Josefa Menendez (1889-1923), một nữ tu Dòng Thánh Tâm người Pháp, như sau:
“Ta là Thiên Chúa, nhưng là Thiên Chúa của tình yêu! Ta là Cha, nhưng là Cha đầy lòng từ bi và không bao giờ giận dữ. Trái Tim Ta vô cùng thánh thiện, nhưng cũng rất mực khôn ngoan. Ta biết loài người yếu đuối và bệnh hoạn, nên Ta hết lòng thương xót các tội nhân khốn khổ. Ta thương xót những ai sau khi sa ngã lần đầu biết đứng dậy, đến xin Ta tha lỗi…Ta còn thương yêu họ nhiều hơn nữa khi họ đến xin lỗi Ta vì lần thứ hai sa ngã. Và giả như điều ấy lại tái diễn, Ta sẽ không chỉ một triệu lần nhưng triệu triệu lần nhắc lại rằng Ta vẫn yêu thương và tha cho họ. Ta sẽ lấy Máu mình rửa sạch tội cuối cùng của họ y như đã rửa sạch tội đầu tiên của họ. Ta sẽ chẳng mệt mỏi chán ngán về các tội nhân ăn năn hoán cải, cũng chẳng hết hy vọng họ quay về. Họ càng khốn nạn bao nhiêu thì Ta càng sẵn lòng đón tiếp họ bấy nhiêu…”
Lời tuyên xưng của Thánh Tôma Tông Đồ hôm nay: “Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con” (Jn. 20:28) có thể là một lời tuyên xưng đức tin kiện toàn của các tông đồ vào Chúa Giêsu: Với Cuộc Khổ Nạn và Phục Sinh, Đức Kitô đã chứng thực Người là Thiên Chúa thật, là Con Thiên Chúa thật, là Người thật và là Đấng Chuộc Tội trần gian. Với chúng ta là những người không được tận mắt nhìn thấy Chúa Giêsu Phục Sinh hiện ta, lời Chúa Giêsu nói với Thánh Tôma lại là nguồn an ủi lớn lao: “Tôma, vì con đã xem thấy Thầy nên con đã tin. Phúc cho những ai đã không thấy mà tin” (Ga. 20:29). Tôma thấy và tin vào Chúa Giêsu Phục Sinh là đã có phúc vì chắc chắn ông phải được Thánh Thần hướng dẫn. Chúng ta không thấy mà tin vào Chúa Giêsu-Đấng đã ở trần gian hơn hai ngàn năm trước và hiện ở giữa chúng ta nơi Bí Tích Thánh Thể-càng có phúc hơn, vì chắc hẳn phải được Thánh Thần ngự đến trong chúng ta và tác động nơi chúng ta cách huyền diệu hơn.
Câu đáp ca được dùng trong Phụng Vụ hôm nay là: “Hãy cảm tạ Chúa vì Chúa hảo tâm, vì đức từ bi của Người muôn thuở” (Tv 117:1). Và câu xuớng đầu: “Hỡi nhà Israel hãy xuớng lên: Chúa hảo tâm, đức từ bi của Người muôn thuở. Hỡi nhà Aaron, hãy xuớng lên: Đức từ bi của Người muôn thuở. Hỡi những người tôn sợ Chúa, hãy xuớng lên; Đức từ bi của Người muôn thuở” (Tv. 117:2-4 ).
“Nhà Israel” ở đây có thể hiểu là toàn thể những người thuộc về Dân Chúa, thuộc về Hội Thánh Chúa. Sứ điệp ngàn đời và bài thánh ca muôn thuở của toàn thể Hội Thánh mãi mãi là sứ điệp về Lòng Thương Xót Chúa.
“Nhà Aaron” ở đây chỉ về giới tư tế thuộc chi tộc Lêvi của Dân Do-thái, những người được thánh hiến để dành riêng cho việc phụng thờ Chúa. Trong Hội Thánh Công Giáo là Dân Mới của Thiên Chúa, ngoài việc mỗi Kitô hữu đều chia sẻ chức tư tế của Chúa Kitô theo tính cách chung, còn các giám mục và linh mục được thánh hiến bởi Bí Tích Truyền Chức Thánh để thay vị Chúa Kitô làm Đầu Hội Thánh. Các ngài có trách nhiệm lãnh đạo Dân Chúa, rao giảng Lời Chúa và cử hành các bí tích. Như vậy, mọi Kitô hữu cách riêng là các linh mục phải là những sứ giả để ca ngợi và rao giảng Lòng Thương Xót Chúa, cũng như là những khí cụ để chuyển thông Lòng Thương Xót Chúa cho mọi người.
“Những người tôn sợ Chúa” ở đây theo nghĩa Thánh Kinh phải được hiểu là những người có lòng tin hoàn hảo, những người sống đẹp lòng Chúa, những người công chính thánh thiện. Như vậy, mọi Kitô hữu đích thực, mọi vị thánh đều là những người đặt trót tin tưởng vào Lòng Thương Xót Chúa, đặt cuộc đời của họ trên nền tảng là Lòng Thương Xót Chúa, van nài Lòng Thương Xót Chúa, tận hưởng Lòng Thương Xót Chúa, thực hành Lòng Thương Xót Chúa và ca ngợi cũng như rao giảng Lòng Thương Xót Chúa. Điều này đã được chính Đức Maria xác quyết trong Kinh Magnificat: “Đời nọ tới đời kia, lòng thương xót Chúa dành cho những ai kính sợ Người” (Lc. 1:50). Cũng vậy. ngay trong đoạn đầu của Truyện Một Tâm Hồn, Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu đã viết: “Vậy hôm nay con bắt đầu hát những sự mà con phải ngâm nga hát đời đời: lòng thương xót Chúa”.
Lạy Mẹ Maria là Mẹ Từ Bi Thương Xót, xin Mẹ chuyển cầu cùng Chúa Giêsu Phục Sinh cho chúng con được trở nên giống Mẹ, tuyệt đối tin cậy vào Lòng Thương Xót Chúa, và được trở nên khí cụ và sứ giả của Lòng Thương Xót Chúa cho thế giới hôm nay. Amen.
Lm Phạm Quốc Hưng