Nhảy đến nội dung

Vị Cha chung

VỊ CHA CHUNG
Lm. JBT Phạm Quốc Hưng, CSsR.

Lời Ngỏ: Nhân kỷ niệm 42 năm ngày Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II đắc cử Giáo Hoàng ngày 16/10/1978. Chúng tôi xin chia sẻ với độc giả Thanhlinh.net bài viết này. Bài này đã được đăng trong mục Trong Dòng Đời của Nguyệt San Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp số tháng 5/2005, nhân dịp Đức Gioan-Phaolô II qua đời. 

   Lễ an táng của Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II, vị giáo hoàng thứ 264 của Giáo Hội Công Giáo, diễn ra từ 10:00 AM đến 12:30 PM vào Thứ Sáu ngày 08/04/2005 tại Công Trường Thánh Phêrô, đã trở thành tang lễ vĩ đại và độc đáo nhất trong lịch sử nhân loại với khoảng 4 triệu người hiện diện và khoảng 2 tỉ người cùng theo dõi tang lễ qua các hệ thống truyền hình! Con số nguyên thủ quốc gia và các nhà lãnh đạo các tôn giáo bạn hiện diện trong tang lễ lên tới 200 vị, đến từ 140 quốc gia, vượt trên cả các hội nghị thượng đỉnh quốc tế xưa nay. 


    Chủ tế và giảng thuyết trong Thánh Lễ an táng Đức Gioan-Phaolô II là Đức Hồng Y Niên Trưởng Joseph Ratzinger. Cùng đồng tế là 164 trong tổng số 183 hồng y của Giáo Hội hoàn vũ, và khoảng 500 giám mục và 3,000 linh mục.


Người ta nghe thấy và đọc được khẩu hiệu “Santo Subito”  (“Sainthood Now” hay “Xin Phong Thánh Ngay”) nơi rừng người tham dự tang lễ. Nếu thủ tục phong thánh trong Giáo Hội đòi phép lạ qua sự chuyển cầu của ứng viên, thì chính sự độc đáo và vĩ đại của con người, sự nghiệp và tang lễ của Đức Gioan-Phaolô II đã chứng thực ngài là một vị đại thánh. Nhật Báo Los Angeles Times trước kia đã từng nhận xét: “Chỉ còn một điều kiện để Đức Gioan-Phaolô II được tôn phong hiển thánh: cái chết của ngài!”

   Những sự kiện và những con số kỷ lục
    Tầm kích độc đáo và vĩ đại của sự nghiệp Đức Gioan-Phaolô II có thể được nhận thấy cách hiển nhiên nơi những sự kiện sau: 
Khi đắc cử giáo hoàng ngày 16/10/1978, Đức Gioan-Phaoô II trở thành vị giáo hoàng không phải là người Ý đầu tiên sau 456 năm (từ năm 1522). Với 26 năm rưỡi trên ngôi giáo hoàng, ngài đã là một trong những giáo hoàng cai trị Hội Thánh lâu dài nhất, chỉ sau chính Thánh Phêrô và Chân Phước Giáo Hoàng Piô IX. 


Từ khi lãnh nhận sứ vụ giáo hoàng, ngài đã du hành trên 750,000 dặm để thực hiện 104 cuộc thăm viếng mục vụ đến 135 quốc gia ngoài nước Ý và 142 cuộc thăm viếng trong nước Ý. Với tính cách là Giám Mục Rôma, ngài đã thăm 301 trong số 334 giáo xứ tại Rôma. Điều này khiến ngài được gọi là “giáo hoàng du hành”.


Với việc ban hành 14 thông điệp, 13 tông huấn, 11 tông hiến, 42 tông thư và 5 cuốn sách trong thời gian làm giáo hoàng, ngài đã góp phần làm giàu cho kho tàng giáo huấn của Hội Thánh hơn hơn các vị tiền nhiệm khác.


Ngài đã chủ sự 138 cuộc tôn phong cho 1,310 Chân Phước, trong đó có Chân Phước Têrêsa Calcutta và Chân Phước Anrê Phú Yên, vị tử đạo đầu tiên của Giáo Hội Việt Nam. Ngài cũng chủ sự 48 cuộc tôn phong cho 469 vị thánh, trong đó có 117 Thánh Tử Đạo Việt Nam và nhiều vị thánh thời danh như Thánh Maximilian Kolbe, Thánh Maria Faustina và Thánh Piô Năm Dấu Thánh. Con số hiển thánh và chân phước do ngài tôn phong vượt quá con số đã được tôn phong trong thời gian hơn 4 thế kỷ trước khi ngài trị vì Hội Thánh. Điều này khiến ngài được mệnh danh “người làm ra các thánh” (saintmaker).


Với 8 lần vinh thăng, Đức Gioan-Phaolô II đã nâng lên hàng hồng y 201 vị. Trong số 117 hồng y dưới 80 tuổi có quyền bỏ phiếu chọn giáo hoàng kế vị cho ngài có 114 vị do ngài đặt lên.


Có lẽ Đức Gioan-Phaolô II cũng người gặp gỡ nhiều người nhất trong lịch sử nhân loại: Đã có hơn 16,700,000 khách hành hương tham dự hơn 1,000 cuộc hội kiến chung của ngài. Đó là chưa kể số người tham dự các cuộc hội kiến và các cuộc lễ đặc biệt, như 8 triệu khách hành hương ngài đón tiếp trong Đại Năm Thánh 2000 và hàng nhiều triệu người ngài đã gặp gỡ trong các chuyến thăm viếng mục vụ trong và ngoài nước Ý. Nhờ thông thạo 8 ngôn ngữ, ngài đã chinh phục sự cảm mến của bao người.


Ngài đã góp phần củng cố đời sống và kỷ luật trong Giáo Hội qua việc ban hành Bộ Giáo Luật 1983 và góp phần truyền bá, cập nhật hóa và làm minh bạch giáo huấn của Hội Thánh qua việc ban hành Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo năm 1992. Dưới triều đại giáo hoàng của ngài, số tín hữu Công Giáo đã gia tăng 41% từ 757 triệu năm 1978 lên tới 1.09 tỉ năm 2003.


Về sinh hoạt chính trị thế giới, người ta thường coi sự sụp đổ của chế độ Cộng Sản tại Balan, Nga sô và các quốc gia Đông Âu như kết quả của sự hiện diện đầy quyền năng của Thiên Chúa nơi Đức Gioan-Phaolô trong thế giới hiện đại. Chính lãnh tụ Sô-viết khi trước là Mikhail Gorbachev đã nhìn nhận điều này khi viết năm 1992: “Mọi việc xảy ra tại Đông Âu trong những năm vừa qua sẽ không thể thực hiện nếu không có sự hiện diện của Đức Giáo Hoàng và vai trò quan trọng-kể cả vai trò chính trị-mà ngài đã đóng trên sân khấu thế giới” (Tạp Chí Time April 11, 2005).

Những phản ứng và nhận định
    Nhật báo Los Angeles Times trong số ra ngày 9/4/2005 với nhiều hình ảnh đặc sắc về tang lễ của Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II với hàng tít lớn trên trang nhất “Hàng Triệu Ngừơi Tiễn Biệt Đức Giáo Hoàng”. Tác giả bài báo này bắt đầu bằng nhận xét: “Khi chết cũng như lúc sống, ngài thôi miên cả thế giới”. 


    Khi nghe tin ngài qua đời vào 9:37 PM Thứ Bảy ngày 02/04/2005, Tổng Thống Hoa Kỳ George W. Bush phát biểu: “Giáo Hội Công Giáo vừa mất Vị Chủ Chăn, thế giới vừa mất một quán quân bênh vực tự do con người, và một tôi tớ tốt lành và trung tín của Thiên Chúa đã được gọi về”. Và ông đã trở thành tổng thống đương nhiệm đầu tiên của Hoa Kỳ tham dự lễ an táng của một giáo hoàng. Cùng đi với ông là hai tổng thống tiền nhiệm, George H. W. Bush và Bill Clinton.


    Sau khi tham dự tang lễ Đức Gioan-Phaolô II, Tổng Thống George W. Bush phát biểu: “Thật là một vinh dự biết bao cho tôi khi được đại diện đất nước chúng ta tại một nghi lễ tôn vinh một con người thật vĩ đại, một người đang và sẽ mãi mãi là một hình ảnh vĩ đại của lịch sử.” 


Tổng Thống Bush còn cho rằng tang lễ này đã chứng thực lòng yêu mến và kính trọng cả thế giới dành cho Đức Gioan-Phaolô: “Nhưng có một lý do tại sao một đám đông chưa hề thấy đến để bày tỏ lòng tôn kính đối với một con người, và đó là vì tư chất của người này, những quan điểm của ngài, các thế đứng của ngài, tài lãnh đạo của ngài, khả năng giao tế với mọi người của ngài, lòng thương cảm sâu xa của ngài, sự yêu chuộng hòa bình của ngài”. Và ông kết luận: “Đây là một trong những cao điểm của thời gian làm tổng thống của tôi, khi được có mặt trong nghi lễ long trọng này”.


    Chuông Nhà Thờ Đức Bà ở Paris đã đổ 84 tiếng để thương tiếc Vị Cha Chung đã tận hiến cuộc đời 84 năm để phụng sự Thiên Chúa và nhân loại. Tổng Thống Pháp Jacques Chirac nói “Lịch sử sẽ giữ mãi dấu ấn và kỷ niệm của vị giáo hoàng phi thường này”. Thủ Tướng Anh Tony Blair nói: “Đức Gioan-Phaolô II không bao giờ nghiêng ngả, không bao giờ ngưng nghỉ trong cuộc đấu tranh cho những gì ngài nghĩ là tốt, là phải”.


    Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc Kofi Anman nói rằng Đức Thánh Cha không chỉ là một nhà lãnh đạo tâm linh mà còn là “một người cổ võ hòa bình, một tiền phong của đối thoại liên tôn và một thế lực mạnh mẽ cho việc tự lượng định phê phán của Giáo Hội.”
    Nguyên Chủ Tịch Liên Sô Mikhail S. Gorbachev nói: “Đức Gioan-Phaolô II là nhà nhân bản số 1 trên thế giới.”


    Trong bài giảng lễ cầu hồn cho Đức Thánh Cha ngay sau khi ngài qua đời, Đức Hồng Y Angelo Sodano, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, nói: “Suốt một phần tư thế kỷ, ngài đã đem Tin Mừng của hy vọng Kitô giáo đến mọi ngả đường trên thế giới, dạy chúng ta rằng cái chết không gì khác hơn là con đường dẫn đến quê trời”. 


    Trong bài giảng Thánh Lễ an táng Đức Gioan-Phaolô II, Đức Hồng Y Ratzinger nói: “Chúng ta có thể đoan chắc rằng Vị Giáo Hoàng yêu quý của chúng ta đang đứng bên cửa sổ của Nhà Cha, ngài nhìn thấy chúng ta và chúc lành cho chúng ta. Vâng, xin Đức Thánh Cha chúc lành cho chúng con!.. Hôm nay chúng ta chôn cất di hài của ngài vào lòng đất như một hạt giống bất tử—lòng chúng ta đầy buồn thảm, nhưng đồng thời cũng tràn đầy hy vọng vui tươi và biết ơn sâu thẳm”.


    Đức Hồng Y Ratzinger còn diễn tả Đức Gioan-Phaolô II như một linh mục tuyệt hảo. Ngài nói: “Đức Thánh Cha đã là một linh mục đến hơi thở cuối cùng, vì ngài đã dâng hiến cuộc đời ngài cho Thiên Chúa, cho đàn chiên của ngài, cho toàn thể gia đình nhân loại, trong việc hiến tế chính mình hàng ngày để phục vụ Hội Thánh, nhất là giữa những đau khổ của những tháng cuối đời. Và trong đường lối ấy ngài đã trở nên một với Chúa Kitô, Chúa Chiên Lành Đấng yêu mến chiên mình. Tất cả chúng ta đều biết Vị Giáo Hoàng của chúng ta đã không bao giờ muốn làm cho đời sống mình được an toàn, hay giữ lại cho chính mình; ngài muốn dâng hiến chính mình không dè dặt cho đến giờ phút cuối cho Chúa Kitô và cho chúng ta nữa.”


    Trên trang nhất của Tuần Báo National Catholic Register (April 10-16,2005), người ta cho in hình Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II đang cầm gậy giáo hoàng với hàng chữ “Đức Gioan-Phaolô, cầu cho chúng con” và “Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II 1920-2005—Một Cuộc Đời Đã Làm Thay Đổi Thế Giới”, để bày tỏ niềm xác tín vào sự thánh thiện và ảnh hưởng sâu đậm của ngài trên toàn thế giới. Cũng vậy, trang bìa ngoài của Tạp Chí U.S.News & World Report (April 11, 2005) đã in hình ngài đang ngồi với áo choàng đỏ và hàng chữ “Làm Thế Nào Ngài đã thay đổi Thế Giới”.


    Mục quan điểm Tạp Chí U.S. News & World Report nhận xét: “Đức Gioan-Phaolô II giờ đây được an nghỉ, nhưng viễn ảnh của ngài về tự do, về hòa giải liên tôn và tình huynh đệ đại đồng vẫn tồn tại. Ước gì nó tồn tại dài lâu để nâng đỡ chúng ta”. Trong mục bàn về sức khỏe của cùng một số báo, tạp chí này nhận xét: “Trong những ngày cuối đời ngài, yếu nhược và gần như câm lặng, Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II đã chỉ cho tất cả chúng ta chết như thế nào.” (số ra ngày April 18, 2005). 


    Báo Berliner Zeitung ở Đức nhận định về tang lễ Đức Thánh Cha: “Ngôi làng toàn cầu đã tìm được một chỗ. Đó là Rôma. Điều gặp thấy ở Rôma không phải chỉ là một Giáo Hội Công Giáo. Đúng hơn, đó gần như là một cái nhìn độc đáo toàn thể cộng đồng thế giới”.


    Mục sư Tin Lành thời danh Billy Graham nói: “Ngài sẽ đi vào lịch sử như vị giáo hoàng vĩ đại nhất trong lịch sử hiện đại. Ngài đã là lương tâm mạnh mẽ của cả thế giới Kitô giáo. Chúng tôi tin rằng thế giới cần ngài vì ngài lên tiếng cho hòa bình, cho người nghèo và người bị bỏ rơi”.


Nhận xét này cho thấy lời tiên đoán năm 1979 của Đức Cha Fulton J. Sheen trong tự truyện của ngài trước kia đã thành sự thật. Ngài viết: “Tôi tin rằng Đức Gioan-Phaolô II sẽ đi vào lịch sử như một trong những giáo hoàng vĩ đại của mọi thời”. Đức Cha Sheen còn viết thêm: “Hơn một thế kỷ trước, một thi sĩ Balan tên là Slowacki đã viết những hàng tiên tri sau: Chúa đã dọn sẵn ngai tòa cho một vị giáo hoàng Slav. Người sẽ quét sạch Giáo Hội từ trong ra ngoài.. Một bà cụ người Balan qua đời năm 1972 lúc 92 tuổi đã từng quen biết Cha Wojtyla lúc ngài còn là một linh mục trẻ. Sau khi bà mất, người ta thấy trong cuốn sách kinh của bà có ghi lời tiên tri trên của Slowacki và phía dưới bà viết: Giáo hoàng này sẽ là Karol”.


Trong thư gửi cho Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II ngày 26/11/1979, Đức Cha Sheen đã viết: “Con nên hát bài Giờ đây xin để tôi tá Chúa ra đi...Con cầu nguyện cho Đức Thánh Cha như cho một Đức Gregory Cả khác...”Không đầy hai tuần sau, ngày 9/12/1979, Đức Cha Sheen đã qua đời. Hiện nay, án phong Chân Phước cho ngài đang được tiến hành.

Tiếng dân
Ông Angel Arroyos, một giáo dân ở thành phố Duarte, California, phát biểu cảm tưởng: “Vị Giáo Hoàng thánh thiện là người đã chinh phục cả thế giới bằng diệu cảm và tình thương của ngài. Tôi gần như câm lặng vì ngài đã làm quá nhiều cho chúng ta”. Hai ông bà đã cầu nguyện nhiều cho Đức Thánh Cha khi nghe tin ngài hấp hối và đã bật khóc khi được tin ngài qua đời. Vợ ông, Bà Irene Arroyos, nói: “Tin đó làm chúng tôi thật buồn. Ngừơi ta nói bạn không nên khóc vì ngài đã bước sang một cuộc sống tốt hơn, nhưng là người, bạn vẫn cảm thấy sự mất mát chứ.”


“Ngài đã như một Chúa Kitô sống động. Không có vị giáo hoàng nào khác đã truyền giảng Tin Mừng như ngài đã làm; không giáo hoàng nào đã thăm viếng các quốc gia như ngài. Vừa lên ngôi, ngài đã tiến vào thế giới ngay vì đó là rao giảng Tin Mừng-đến với con ngừơi!”


Chị Elisabetta Pomacalca 25 tuổi người Peru sống ở Rôma nói: “Bố tôi mất năm ngoái. Bây giờ tôi có cảm giác y hệt.”


Cha Jerry Schmit, Chánh Xứ Giáo Xứ Thánh Tâm ở Altadena, California, phát biểu: “Chúng ta phải hiểu rằng đau khổ là một phần của cách thế chứng tỏ chúng ta xứng được Thiên Đàng. Đức Thánh Cha đã làm gương cho anh chị em phải chịu bệnh thế nào, phải đau khổ thế nào. Tôi vui mừng vì ngài đã làm cách tốt đẹp—thật tốt đẹp—và bây giờ ngài được lãnh thưởng”.


Chị Iolanta Szarkowiec ở Thủ Đô Warsaw của Balan vừa khóc vừa nói: “Đây là những giọt lệ của vui mừng. Đức Giáo Hoàng đã làm mọi sự có thể cho Balan. Ngài đã đem Chúa trở lại cho nước Balan Cộng Sản và rồi đem lại tự do.”


Anh Adam Pietrzak người Balan đã đến tham dự lễ an táng của Đức Thánh Cha phát biểu: “Tôi phải đến từ biệt Đức Thánh Cha. Thật khó mà thay thế ngài. Tôi được 26 tuổi, và Đức Thánh Cha đã ở trên ngôi gần 27 năm, nên với tôi giáo hoàng có nghĩa là Gioan-Phaolô II.” Anh Wojciech Piegza, một người trẻ Balan khác cùng dự tang lễ, cầm cờ Balan nói: “Ngài là Cha chúng tôi. Ngài là Cha của thế giới.”


Là một trong số hàng triệu người hiện diện trong lễ an táng Đức Thánh Cha, Chị Federica Casani phát biểu: “Với tôi, ngài đã sống như Chúa Giêsu đã sống—ngài đã bước đi giữa mọi người và nói với họ. Ngài đã mở cửa Giáo Hội cho mọi người.”
Chị Clemence Giral, một người Pháp đến Rôma dự tang lễ, phát biểu: “Tôi ở Lộ Đức khi ngài đến thăm và ở Paris trong dịp Ngày Giới Trẻ Quốc Tế. Tôi vui mừng được ở đây và tin rằng Đức Gioan-Phaolô II đang ở với Chúa. Ngài đã làm được bao điều tốt lành với lời cầu nguyện của ngài. ..Cảm ơn ngài, bây giờ chúng ta biết đường lên Thiên Đàng. Tinh thần của Đức Gioan-Phaolô II sẽ soi sáng vị giáo hoàng mới.”


Chị Daniela Puddu nhớ đến kỷ niệm chị đã có mặt ở Công Trường Thánh Phêrô trong dịp Đức Gioan-Phaolô II đắc cử giáo hoàng hơn 26 năm trước tâm sự: “Tôi ở công trường này khi Đức Gioan-Phaolô đắc cử giáo hoàng. Lúc ấy tôi được 11 tuổi và ngài đã ở trong đời tôi như một người thân. Ngài là một giáo hoàng vĩ đại. Ngài gần gũi với dân chúng thuộc mọi chủng tộc. Ngài gần gũi mọi giới giàu nghèo, và ngài dạy người trẻ hít thở niềm tin”.


Anh Tomasz Kotbuk 28 tuổi ở Los Angeles, California, nói: “Ngài là một người rất quan trọng trong đời tôi. Đôi khi tôi không chịu nghe ba mẹ tôi, nhưng tôi vẫn biết lắng nghe Đức Thánh Cha.”


Anh Bryan Pena 22 tuổi ở Montebello, California, tâm sự: “Ngài sẽ luôn ở với chúng tôi, trong trái tim chúng tôi, trong tâm trí chúng tôi. Chúng tôi sẽ luôn giữ bên mình một tấm ảnh của ngài”.


Chị Rita Mauro ở Calabria, miền Nam nước Ý, đến Rôma dự tang lễ Đức Thánh Cha phát biểu: “Tôi luôn bị đánh động bởi Đức Thánh Cha, nhưng sự kiện ngài được biết bao bạn trẻ yêu mến vẫn là một mạc khải kỳ diệu đối với tôi.”


Chị Lisa Rumpza 20 tuổi ở St. Paul, Minesota nói: “Ngài yêu mến giới trẻ. Ngài nhìn thấy hy vọng nơi giới trẻ. Ngay cả khi ngài già yếu đau bệnh, ngài vẫn là nguồn hứng khởi. Người trẻ đang tìm kiếm những gì tốt đẹp hơn, và họ tìm thấy những điều đó nơi ngài”. Chị Theresa Klein 21 tuổi cũng ở St. Paul nhận xét: “Ngài thật là một người kỳ diệu. Thật buồn cho chúng tôi vì ngài là vị giáo hoàng duy nhất chúng tôi được biết. Ngài thật là một bậc đại thánh, một giáo hoàng vĩ đại—sẽ không còn như thế nữa.”


Ông Theodore Charbel, một giáo dân Công Giáo 63 tuổi ở Cairo, Aicập, nói: “Ngài là một người thật đơn sơ và rất thực tế”. Vợ ông là Bà Evelyn nói thêm: “Các ông cứ tưởng sẽ gặp thấy ngài trong một quan tài trang hoàng lộng lẫy, nhưng xem kìa, quan tài của ngài đơn giản dường nào. Ngài khiêm nhường biết bao!”


Một người Nga ở Moscow, Ông Yelena Vudzilovich 70 tuổi, nói: “Tôi đã từng là đoàn viên Đoàn Thanh Niên Cộng Sản. Tôi đã không hề đến nhà thờ. Tôi đã không hề cầu nguyện. Tôi đã nghĩ rằng điều chính yếu là xây dựng chủ nghĩa Cộng Sản. Nhưng khi Đức Gioan-Phaolô bước vào tâm trí tôi, tôi đã nhận ra rằng điều chính yếu là Thiên Chúa. Thiên Đàng bỗng mở ra cho tôi ...Vị giáo hoàng này không giới hạn mình với quan niệm Chúng tôi là Công Giáo. Ngài đã gửi đến toàn thế giới sứ điệp là Thiên Chúa ở trong thế giới cho mọi người.”


Nếu gương xấu về việc lạm dụng tính dục của một số linh mục đồi bại tại Hoa Kỳ được giới truyền thông tung ra trong mấy năm gần đây khiến nhiều tín hữu Công Giáo phải hổ thẹn, thì con người và cuộc đời của Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II đã đem lại niềm hãnh diện tự hào cho mọi người Công Giáo. Bà Sandi Gonzales 58 tuổi ở Tustin, California phát biểu: “Tôi hết sức hãnh diện là một người Công Giáo. Ngài đã là gương mẫu cao cả nhất cho cả thế giới.”

Giáo hoàng của chữ M linh thánh
Bao danh xưng cao quý đã được dành cho Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II, ngay khi ngài còn sống cũng như lúc ngài đã qua đời. Mỗi danh xưng cho thấy một khía cạnh độc đáo nơi con người, lối sống và ảnh hưởng của ngài. 


Người ta gọi ngài là “Đức Gioan-Phaolô Cả” (John-Paul the Great), “giáo hoàng của giới trẻ”, “quán quân bênh vực tự do con người”, “giáo hoàng của những bất ngờ”, “giáo hoàng du hành”, “giáo hoàng bênh vực sự sống”, “ngôn sứ của thời đại”, “giáo hoàng của các gia đình”, “giáo hoàng đại chúng”.v.v.. .


Với việc chọn khẩu hiệu totus tuus –Tất cả cho Mẹ-cho sứ vụ giám mục và giáo hoàng của ngài, Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II dường như muốn cho mọi người biết rằng trước tiên và trên hết ngài là giáo hoàng của Mẹ, là một con người thuộc trọn về Mẹ Maria để nhờ Mẹ, với Mẹ, trong Mẹ và vì Mẹ mà thuộc về Chúa Giêsu một cách trọn vẹn hơn. Điều này đã được diễn tả qua việc ngài cho vẽ chữ M bên cạnh hình Thánh Giá trên huy hiệu giám mục và giáo hoàng của ngài. Ngừơi ta còn nhìn thấy chữ M và hình Thánh Giá này được khắc trên mặt chiếc quan tài đơn sơ của ngài, như muốn nói rằng dù sống, dù chết, ngài luôn thuộc trọn về Chúa Giêsu và Mẹ Maria.


Trong cuốn hồi ký Hồng Ân và Huyền Nhiệm, kỷ niệm 50 năm linh mục, ngài đã giải thích khẩu hiệu ấy như sau:
“Đây là nguồn gốc của khẩu hiệu totus totus. Câu nói này là của Thánh Luy Maria Grignion Môngphô. Đó là lời nguyện vắn tắt từ kinh dâng mình cho Đức Mẹ đầy đủ hơn như sau: Tất cả con đây là của Mẹ và mọi sự của con là của Mẹ. Con nhận lãnh Mẹ trong mọi sự của con. Xin Mẹ cho con muợn Trái Tim của Mẹ, lạy Mẹ Maria! Và vì thế, nhờ Thánh Luy, tôi bắt đầu khám phá ra kho tàng phong phú của việc sùng kính Mẹ Maria trong một nhãn quan mới.”


Với Đức Gioan-Phaolô II, hành trang vào đời, bí quyết thành công và con đường nên thánh của ngài không gì khác hơn là lòng sùng kính chân thực dành cho Đức Mẹ như ngài đã học được từ Thánh Môngphô. Ngài tuyên bố với mọi người: “Hành trang duy nhất tôi mang theo từ quê hương Balan là lòng sùng kính Đức Mẹ”. Và ngài xác tín: “Nhân loại cần Mẹ Maria! Nơi Mẹ chúng ta tìm được con đường bước vào Trái Tim của Con Mẹ, chỗ duy nhất nơi mà sự trăn trở của ta tìm được bình an, nơi mà những thương đau của ta tìm được an ủi, nơi mà những ý nguyện sống một đời trung tín với các giá trị Tin Mừng của ta tìm được sức mạnh và bền đỗ”.


Chính vì vậy, hầu như trong mọi bài giảng và mọi văn kiện, ngài luôn kết thúc bằng những lời hướng về Đức Mẹ như mẫu gương để mọi tín hữu noi theo và nài xin Mẹ cầu thay nguyện giúp. Ngài mời gọi mọi người tha thiết gắn bó với Mẹ Maria: “Hãy cầu nguyện thiết tha với Mẹ Maria Rất Thánh! Hãy ý thức Mẹ ở bên chúng con và hãy tận hiến bản thân cho Mẹ, suốt ngày hãy năng canh tân tình mến và cậy trông đối với Mẹ, để Mẹ đồng hành với các con trong công việc hàng ngày” (12/05/1991).


Món quà ngài thường tặng những ai đến với ngài là chuỗi hạt Mân Côi. Ngày 29/10/1978, chỉ một tuần sau lễ đăng quang, ngài đã chia sẻ với mọi người: “Kinh Mân Côi là kinh nguyện yêu quý nhất của tôi. Nó là một kinh nguyện tuyệt diệu! Tuyệt diệu trong sự đơn sơ và phong phú của nó”. 


Khi công bố “Năm Mân Côi” dịp kỷ niệm bước vào năm thứ 25 của triều giáo hoàng, ngài đã ban tặng Giáo Hội 5 “mầu nhiệm ánh quang” hay “năm sự sáng”, góp phần gia tăng hương vị Thánh Kinh nơi Kinh Mân Côi và giúp mọi người có dịp suy niệm đầy đủ hơn về các mầu nhiệm cuộc đời Chúa Giêsu nơi các biến cố: Chúa Giêsu chịu Phép Rửa, Chúa tỏ mình tại tiệc cưới Cana, Chúa loan báo Tin Mừng với lời kêu gọi hối cải, Chúa biến hình trên núi và Chúa lập Bí Tích Thánh Thể. Với ngài, khi cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi, chúng ta sẽ cùng với Mẹ tưởng nhớ Chúa Giêsu, học hỏi với Chúa Giêsu, cầu nguyện với Chúa Giêsu, nên giống Chúa Giêsu và rao giảng Chúa Giêsu. 


Việc Đức Gioan-Phaolô II đựơc qua đời vào Thứ Bảy Đầu Tháng ngày 02/04/2005 trong Tuần Bát Nhật Phục Sinh cũng là một dấu chỉ cho thấy ngài đích thực là tôi trung, con thảo và chiến sĩ tận hiến của Mẹ Maria. Cuộc đời ngài đã thể hiện trung thực hình ảnh của một tông đồ đích thực của Mẹ Maria như đã được thánh Môngphô phác họa như sau trong tác phẩm Thành Thực Sùng Kính, một tác phẩm ảnh hưởng sâu đậm đời sống tâm linh của ngài:


“Tông đồ của thời đại cuối cùng này phải là những chiến sĩ đích thực của Mẹ Maria. Họ là những môn đệ Chúa Giêsu, bám sát lối sống khó nghèo và khiêm nhượng của Chúa. Như Chúa, họ không sợ đời, và đầy lòng mến. Họ nói ngay, nói thực, theo đường lối Chúa đúng theo Phúc Âm, bất chấp lối suy luận của đời. Họ không sợ ai, không dua nịnh ai, dù ai đó có uy quyền đến đâu, vì ai đó cũng chỉ là người phàm. NƠi miệng họ được ngọn kiếm hai lưỡi là Lời Chúa, vai họ vác lá cờ đẫm máu là gian nan khổ giá; tay mặt cầm Ảnh Chuộc Tội, tay trái cầm tràng hạt, ngực ghi hai tên cực trọng Giêsu và Maria, toàn thân sáng chói hai đức khiêm nhường và khắc khổ của Chúa Kitô. Chúa muốn Đức Mẹ huấn luyện họ để đem lại vinh quang Chúa, chinh phục các linh hồn cho Chúa.”
Trong di chúc của ngài, Đức Gioan-Phaolô II lại xác quyết tâm tình tận hiến trọn vẹn cho Mẹ với những lời thiết tha sau: “Tôi cũng phó thác trong tay Mẹ của Thày Chí Thánh của tôi: Tutus Tuus. Trong cùng đôi tay từ mẫu này tôi trao phó mọi sự và mọi người đã gắn bó với cuộc đời và ơn gọi của tôi. Trên hết, trong đôi tay này tôi trao phó Hội Thánh, cũng như dân tộc tôi và toàn thể nhân loại”.


Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II được diễm phúc được qua đời không những vào Thứ Bảy Đầu Tháng thường để biệt kính Khiết Tâm Mẹ Maria, nhưng còn vào Lễ Vọng Chúa Nhật Kính Lòng Thương Xót Chúa. Chúa Quan Phòng muốn thế để cho thấy ngài không những là vị giáo hoàng của Đức Mẹ, nhưng còn là vị giáo hoàng của Thánh Tâm Thương Xót Chúa Giêsu. Giáo huấn, gương sáng và cuộc đời của Đức Gioan-Phaolô II sẽ mãi mãi chứng thực rằng: với những ai chân thành sùng kính Mẹ Maria, Mẹ sẽ dẫn họ và đặt họ vào Thánh Tâm Thương Xót của Chúa Giêsu, nơi đó họ sẽ tìm được tất cả những gì làm thỏa mãn mọi khao khát của con tim họ.


Chữ M trên huy hiệu của ngài không những phải được đọc là Maria mà còn có thể được hiểu là mercy-lòng thương xót.
Người ta còn nhớ sự kiện Đức Gioan-Phaolô II đã đắc cử giáo hoàng vào ngày 16/10/1978, Lễ Thánh Maria Margarita, Tông Đồ của Thánh Tâm Chúa Giêsu. Cũng vậy, ngài là người nước Balan, một nước được gọi là xứ sở của lòng sùng kính Thánh Tâm vì nơi đây Lễ Thánh Tâm được cử hành trên toàn quốc trước khi được cử hành trên toàn thế giới. Đức Gioan-Phaolô II đã được Chúa chọn để cổ võ việc sùng kính Lòng Thương Xót Chúa trên toàn thế giới, qua việc chính ngài đã tôn phong chân phước và hiển thánh cho một vị thánh cùng quê Balan, Thánh Maria Faustina Kowalska, Vị Tông Đồ của Lòng Thương Xót Chúa; đồng thời thiết lập Lễ Kính Lòng Thương Xót Chúa vào Chúa Nhật Kính Lòng Thương Xót Chúa trong Đại Năm Thánh 2000-ngày 30/04/2000.


Với Tượng Chịu Nạn trên gậy mục tử ngài thường cầm trên tay trong các cuộc thăm viếng mục vụ khắp nơi, Đức Gioan-Phaolô II như muốn không ngừng công bố với nhân loại và với từng người rằng: “Tin tưởng nơi Chúa Con Chịu Đóng Đinh có nghĩa là nhìn thấy Chúa Cha; có nghĩa là tin rằng tình yêu hiện diện trên thế giới, rằng tình yêu này mạnh hơn bất kỳ sự dữ nào mà các cá nhân, cả nhân loại hay toàn thế giới gặp phải. Tin vào tình yêu này có nghĩa là tin vào lòng thương xót, vì lòng thương xót là chiều kích không thể bỏ qua trong tình yêu; nó như thể là tên thứ hai của tình yêu” (Thông Điệp Lòng Thương Xót Chúa # 7).


Ngài cũng không ngừng mời gọi mọi người siêng năng lãnh nhận Bí Tích Hòa Giải như cơ hội để đón nhận dồi dào Lòng Thương Xót Chúa và gia tăng lòng tôn sùng Bí Tích Thánh Thể, Ngai Tòa của Lòng Thương Xót Chúa. Ngài ân cần khuyên nhủ các linh mục: “Sự cống hiến lớn nhất mà các con là những linh mục có thể dành cho Giáo Hội là đặt Hy Tế Thánh Thể làm trung tâm đời sống các con và trung tâm đời sống của những người các con phục vụ”. Ngài còn xác tín: “Trong tấm Bánh Thánh nhỏ bé đó chứa đựng câu trả lời cho mọi vấn nạn trên thế giới”.


Lòng khiêm nhường và sự tín thác sâu xa nơi Lòng Thương Xót Chúa của ngài còn được đọc thấy nơi di chúc của ngài: “Tôi xin mọi người tha thứ cho tôi. Tôi cũng xin cầu nguyện cho tôi, để Lòng Thương Xót Chúa sẽ tỏ ra lớn hơn sự yếu đuối và bất xứng của tôi”.


Cảm nhận sâu xa tình yêu thương xót của Thiên Chúa dành cho nhân loại, như Thánh Phaolô, Đức Gioan-Phaolô II đã cảm thấy rằng “tình yêu Chúa Kitô thúc bách tôi”, nên đã không ngại đi đến mọi nơi, gặp gỡ mọi người để rao truyền Tin Mừng Chúa Kitô cho họ. Vì vậy, chữ M nơi huy hiệu của ngài còn có thể đọc thành mission-truyền giáo. Điều này đã được ghi nhận nơi bài giảng của Đức Hồng Y Ratzinger trong Thánh Lễ an táng của ngài: “Tình yêu Chúa Kitô chính là động lực chi phối đời sống của Đức Thánh Cha yêu quý của chúng ta. Bất cứ ai nhìn thấy ngài cầu nguyện, hay nghe ngài giảng, nhận biết điều đó. Nhờ được cắm sâu chôn chặt trong Chúa Kitô, ngài đã có thể mang gánh nặng vượt khả năng nhân loại, gánh nặng làm chủ chăn của đàn chiên Chúa Kitô, giáo hội hoàn vũ của Chúa”.


Trong Thông Điệp Sứ Mệnh Đấng Cứu Thế, Đức Gioan-Phaolô II đã vạch ra cho mọi người một linh đạo truyền giáo với 4 đặc nét căn bản là: 1) phải được hướng dẫn bởi Thần Khí; 2) phải sống mầu nhiệm Chúa Kitô, “Đấng được sai đi”; 3) phải yêu Hội Thánh và yêu nhân loại như Chúa Kitô đã yêu và 4) phải nỗ lực nên thánh. Hơn nữa, ngài còn mời gọi mọi người hướng về Mẹ Maria như một nhà truyền giáo tuyệt hảo để nhờ Mẹ, với Mẹ, trong Mẹ và vì Mẹ làm việc truyền giáo. Ngài đã thực sự là một giáo hoàng truyền giáo.


Sự mến mộ sâu xa của hầu như mọi người thuộc mọi dân tộc, mọi ngôn ngữ và mọi tôn giáo dành cho Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II có thể được hiểu như hệ quả tất nhiên của sự kính trọng và lòng yêu mến ngài dành cho mỗi người và mọi người. Sự kính trọng và lòng yêu mến sâu xa ngài dành cho mỗi người dựa trên sự hiểu biết sâu xa về bản chất và phẩm giá của con người của ngài dưới ánh sáng đức tin Công Giáo. Ngài xác tín rằng con người được dựng nên giống hình ảnh Chúa, được cứu chuộc bằng giá máu Chúa Kitô và được mời gọi vào sự thông hiệp với Thiên Chúa trong tình yêu và sự sống vĩnh hằng.


Ngay trong Thông Điệp đầu tiên của ngài, Thông Điệp Đấng Cứu Chuộc Nhân Thế, Đức Gioan-Phaolô II đã tuyên bố: “Qua biến cố nhập thể, Chúa Kitô đã liên kết chính Ngài với từng người trong nhân loại”. Đức Ông David Liptak, giáo sư thần học tại Chủng Viện Các Thánh Tông Đồ ở Cromwell, Connecticut, hay nhắc đến ba tính từ Đức Gioan-Phaolô II dùng để diễn tả mỗi người: quý giá, độc đáo và vô tiền khoáng hậu (precious, unique, unrepeatable). Chính từ sự hiểu biết, sự kính trọng và lòng yêu mến sâu xa đối với phẩm giá và sự sống con người đã khiến Đức Gioan-Phaolô II đã trở thành quán quân trong cuộc đấu tranh bênh vực tự do con người, chống lại “văn hóa sự chết” và xây dựng một nền “văn minh tình thương” dựa trên Tin Mừng Sự Sống.


Chữ M trên huy hiệu của ngài vì thế còn có thể đọc thành man-con người, đối tượng của Lòng Thương Xót Chúa, đồng thời là đối tượng của lòng yêu mến và sự tận tâm phục vụ của cả cuộc đời Đức Gioan-Phaolô II. Ngài quả thực đã “trở nên mọi sự cho mọi người để đem mọi người về với Chúa”.

Tiếng lòng
Lạy Chúa, cùng với Mẹ Maria, Thánh Cả Giuse cùng toàn thể Giáo Hội và nhân loại, con cảm tạ Chúa về mọi ơn lành hồn xác Chúa đã ban cho chúng con nơi con người và cuộc sống tuyệt vời thánh thiện của Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II. Cảm ơn Chúa đã cho con được sống quá nửa cuộc đời dưới triều đại của ngài, được nhìn thấy chân dung thánh thiện của ngài, được lắng nghe lời giảng chân thực quý giá của ngài và được hứng khởi bởi gương sáng của ngài. 


Cảm ơn Chúa đã ban cho con biết noi gương Thánh Giuse-Maria Escriva, luôn yêu mến vâng phục Đức Thánh Cha liền sau Chúa Giêsu và Mẹ Maria; để luôn được gìn giữ, dắt dìu và nuôi dưỡng trong ánh sáng ân sủng và tình yêu Chúa. Chúa biết con yêu mến Đức Gioan-Phaolô II và tiếc thương ngài chừng nào!


Xin Chúa qua sự chuyển cầu của Vị Cha Chung yêu quý của chúng con, ban cho hết thảy chúng con được gấp bội thần trí của ngài. Xin cho chúng con biết noi gương ngài để trở nên những tôi trung, con thảo và chiến sĩ tận híên của Mẹ Maria và Hội Thánh; những sứ giả Lòng Thương Xót của Thánh Tâm Thánh Thể Chúa Giêsu Chịu Đóng Đinh Thánh Giá, để chúng con tiếp tục sứ mạng của ngài, sứ mạng một tín hữu đích thực của Chúa Kitô, là trở thành men nồng, muốn mặn và ánh sáng thế gian hôm nay và mãi mãi. Amen.


(Những ngày thương tiếc Đức Gioan-Phaolô II April 9-16, 2005)