Yêu vì được yêu
- T7, 07/12/2024 - 05:27
- Lm Phạm Quốc Hưng
Chúa Nhật VI Phục Sinh (May 13-2012)
Yêu vì được yêu
Khi được hỏi “Đạo Công giáo dạy ta những gì?”, đa số người Công giáo đều trả lời: “Mến Chúa yêu người”! Câu trả lời này dĩ nhiên là đúng, nhưng quá thiếu sót! Hơn nữa, nó còn xem ra phản sư phạm hay luận lý! Sao vậy?
Câu trả lời ngắn gọn nhưng thật súc tích được tìm thấy trong phần mở đầu của cuốn sách Giáo Lý Công Giáo nho nhỏ thường được dùng tại Việt Nam trước năm 1975 như sau: “Đạo Công Giáo dạy ta biết Đức Chúa Trời là ai, Người thương yêu ta thế nào, và ta phải làm gì để đáp lại lòng thương yêu ấy”.
Như vậy, “mến Chúa yêu người” chỉ là một phần ba của câu trả lời và lại là phần sau hết!
Trong truyền thống của việc dạy giáo lý trong Hội Thánh, một thứ tự phải luôn được tôn trọng là: trước tiên là tín lý với Kinh Tin Kính, rồi đến Phụng Vụ với Các Bí Tích, sau đó mới là luân lý Phúc Âm mà căn bản là luật mến Chúa yêu người nơi Mười Điều Răn, và đời sống cầu nguyện được tóm gọn trong Kinh Lạy Cha.
Câu trả lời “mến Chúa yêu người” như điều cốt lõi của đức tin Công giáo và những thắc mắc xoay quanh việc “điều này điều nọ có tội không” cho thấy đa số tín hữu Công giáo bị chi phối bởi khuynh hướng “giáo lý vụ luân lý”. Khuynh hướng này thường làm cho người ta sống đạo một cách tiêu cực, khó khăn nặng nề!
Phụng Vụ Lời Chúa trong Chúa Nhật hôm nay vừa cho ta thấy sự độc đáo mới mẻ tuyệt vời của đức tin Công Giáo vừa là phương thuốc chữa trị khuynh hướng “giáo lý vụ luân lý” và lối sống đạo tiêu cực nơi nhiều tín hữu.
Thực vậy, ngay trong Tin Mừng hôm nay, trước khi Chúa Giêsu dạy các môn đệ giới luật yêu thương: “Đây là lệnh truyền của Thầy: Các con hãy yêu mến nhau, như Thầy đã yêu mến các con” (Ga 15: ), Chúa đã nói: “Như Cha đã yêu mến Thầy, Thầy cũng yêu mến các con. Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy” (Ga 15: 9). Điều này có nghĩa là Thiên Chúa yêu chúng ta như Người yêu chính Người, vì Chúa Cha và Chúa Con là một. Sự thật này phải làm chúng ta cảm động và ngẩn ngơ đời đời!!!
Hơn nữa, Thiên Chúa không yêu chúng ta cách dè sẻn chừng mực, nhưng Người đã yêu chúng ta “đến cùng” (Ga 13:1b). Đó cũng là một tình yêu lớn lao nhất, cao trọng nhất, như chính Giêsu đã nói và đã đích thân thực hiện: “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình” (Ga 15:13).
Khi truyền cho chúng ta giới luật yêu thương, Chúa Giêsu muốn chúng ta đạt đến cùng đích của cuộc đời là được ở lại trong tình yêu của Người. Đó cũng có nghĩa là được hiệp thông trong tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa để tận hưởng niềm vui trọn vẹn. Người nói: “Nếu các con tuân lệnh Thầy truyền, các con sẽ ở trong tình yêu của Thầy, cũng như Thầy đã giữ lệnh truyền của Cha Thầy, nên Thầy ở lại trong tình yêu của Người. Thầy nói với các con những điều đó để niềm vui của Thầy ở trong các con, và niềm vui của các con được trọn vẹn” (Ga 15:10-11).
Trong khi nhiều tín hữu cảm thấy mệt mỏi và nặng nề vì phải “gắng” giữ luật “mến Chúa yêu người” để khỏi “phạm tội sa hỏa ngục”, và một số khác lại tỏ ra hãnh diện vì đã làm được công kia việc nọ “cho Chúa và tha nhân”; thì Thánh Gioan tuyên bố rõ ràng: “Tình yêu là thế này: Không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã thương yêu chúng ta trước, và đã sai Con Một Người đến hy sinh, đền thay vì tội lỗi chúng ta” (1Ga 4:10).
Nói khác đi, chúng ta chỉ có thể thực sự mến Chúa yêu người khi chúng ta đã mở lòng đón nhận tình yêu Chúa dành cho chúng ta. Thực vậy, lòng mến Chúa yêu người đích thực nơi ta chỉ là hoa trái của tình yêu Thiên Chúa đang hoạt động nơi ta. Vì vậy, điều kiện căn bản để ta có thể thực hiện luật mến Chúa yêu người là ta phải thực sự đích thân cảm nghiệm và xác tín sâu xa tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta. Điều này tùy thuộc vào mức độ của lòng tin và đời sống cầu nguyện của mỗi người.
Đó chính là điều Thánh Gioan xác quyết trong Phụng Vụ hôm nay bao gồm mạc khải vĩ đại nhất của Thánh Kinh “Thiên Chúa là Tình Yêu” như sau: “Các con thân mến, chúng ta phải thương yêu nhau, vì tình yêu bởi Thiên Chúa mà ra. Vì lẽ hễ ai thương yêu, thì đã sinh bởi Thiên Chúa, và nhận biết Thiên Chúa. Còn ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là Tình yêu. Điều này biểu lộ tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta là Thiên Chúa chúng ta đã sai Con Một Người đến trong thế gian, để nhờ Ngài mà chúng ta được sống” (1Ga 4:7-9).
Chắc hẳn đây cũng là lý do khiến Thánh Gioan đã tự gọi mình là “người môn đệ được Chúa Giêsu yêu” (Ga 13:23; 19:26; 20:2; 21:7). Đối với thánh nhân, việc “được Chúa yêu” phải là căn bản và là lẽ sống cho mọi người tin vào Chúa Kitô. Sau này, Thánh Phaolô cũng có cùng một tâm tư ấy khi viết: “Tình yêu Đức Kitô thúc bách tôi vì chúng tôi nghĩ rằng: nếu một người đã chết thay cho mọi người, thì mọi người đều chết. Đức Kitô chết thay cho mọi người, để những ai đang sống không còn sống cho chính mình nữa, mà sống cho Đấng đã chết và sống lại vì mình” (2Cor. 5:14-15).
Cùng với Các Thánh Tông Đồ Gioan và Phaolô, Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận cũng có cùng một xác tín: “Đối với Kitô hữu, tin trước hết là chấp nhận được cứu rỗi, được thứ tha, được yêu thương vô cùng; Chúa không phải là Đấng bắt con phải kính mến, nói đúng hơn, Chúa là Đấng mà con phải để cho Ngài yêu thương con vô hạn. Chúa của người Công giáo cao cả, không phải vì Ngài ‘toàn năng’, nhưng vì Ngài ‘toàn ái’. Ngài siêu việt vì Ngài là ‘tình yêu tuyệt đối’” (Đường Hy Vọng 288-289).
Vậy nên, điều căn bản và trước hết đạo Công giáo hay đức tin Công giáo dạy chúng ta phải xác tín là: “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1Ga 4:8b); kế đến là: “Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một cho thế gian để những ai tin vào Con của Người thì không phải hư mất nhưng được sống đời đời” (Ga 3:16); và sau đó mới là “mến Chúa yêu người” như hệ quả của việc chúng ta xác tín rằng mình được Thiên Chúa yêu thương: “Anh em thân mến, nếu Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta như thế, chúng ta cũng phải yêu thương nhau” (1Ga 4:11).
Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ giúp chúng con cảm nhận sâu xa tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng con nơi Chúa Giêsu Con Mẹ, để chúng con biết tận tình đáp mến Chúa và tận tâm giúp mọi người cùng nhận biết và yêu mến Chúa như Mẹ đã từng yêu mến Chúa và làm cho mọi người yêu mến Chúa. Amen.
Lm Phạm Quốc Hưng