Nhảy đến nội dung

An Tâm để sống trên đời và An Toàn về đến quê trời

Cn 14 QN

An Tâm để sống trên đời và An Toàn về đến quê trời

   “Đức Giê-su gọi nhóm 12 lại và bắt đầu sai từng hai người một. Người ban cho họ quyền trên các thần ô uế”(Mc 6,7).

   “Con số 12” có ý nghĩa tượng trưng cho 12 chi tộc của dân Ít-ra-en. Tên của 12 Tông Đồ là: Phê-rô và An-rê; Gia-cô-bê và Gio-an; Phi-lip-phê và Ba-tô-rô-mê-ô; Tô-ma và Mát-thêu; Gia-cô-bê con ông An-phê; Si-mon và Giu-đa Ta-đê-ô; Giu-đa Ít-ca-ri-ô; sau này là Mát-thi-a thay cho Giu-đa Ít-ca-ri-ô.

    Như chúng ta đã biết và tuyên xưng trong kinh Tin Kính, Giáo Hội chúng ta có 4 đặc tính là Duy Nhất, Thánh Thiện, Công Giáo và Tông Truyền. Hôm nay, chúng ta sẽ tìm hiểu về đặc tính thứ 4 là Tông Truyền.

    Theo sách Giáo Lý Công Giáo thì : “Hội Thánh Tông Truyền vì được xây trên nền tảng các Tông Đồ, theo 3 nghĩa: (x. GLCG, số 857)

  1. Hội Thánh đã và đang xây dựng trên “nền móng các Tông Đồ”, là những chứng nhân đã được chính Đức Ki-tô tuyển chọn và sai đi.
  2. Hội Thánh với sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần ở trong Hội Thánh, gìn giữ và lưu truyền giáo huấn, kho tàng quí báu, những Lời lành mạnh do các Tông Đồ giảng dạy.
  3. Hội Thánh tiếp tục được các Tông Đồ giảng dạy, thánh hóa và hướng dẫn cho đến khi Đức Ki-tô trở lại. Nhờ những vị kế nhiệm các Ngài trong nhiệm vụ mục tử là Giám Mục đoàn, “Với sự trợ giúp của các Linh Mục, hiệp nhất với Đấng kế nhiệm thánh Phê-rô, là mục tử tối cao của Hội Thánh”, tức là Đức Giáo Hoàng.

Sứ mạng của các Tông Đồ

    Các Tông Đồ, có nghĩa là “những người được sai đi”. Qua các Ngài, Đức Ki-tô tiếp tục sứ mạng của Người. Như vậy, thừa tác vụ của các Tông Đồ là “nối tiếp sứ mạng của Đức Ki-tô”(x.GLCG, số 858).

    Các Tông Đồ biết rằng các ngài đã được Thiên Chúa “ban cho làm Thừa Tác Viên Giao Ước mới; là Thừa Tác Viên của Thiên Chúa; là Sứ Giả thay mặt Đức Ki-tô; là Tôi Tớ của Đức Ki-tô; là Người Ban Phát các mầu nhiệm của Thiên Chúa” (x. GLCG, số 895).

    Trong nhiệm vụ tông đồ, có một điều không thể truyền lại được, đó là việc các Tông Đồ là chứng nhân được tuyển chọn cho cuộc phục sinh của Đức Ki-tô và là nền móng của Hội Thánh. Nghĩa là việc nhìn thấy Đức Ki-tô Phục sinh và là nền móng của Giáo Hội, chỉ có nơi 12 Tông Đồ mà thôi. Các Giám Mục không có hai tư cách này.

  Dù vậy, có một điều trường tồn và truyền lại cho các Đấng kế vị các Tông Đồ tức là các Giáo Hoàng và Giám Mục là “Sứ mạng của Thiên Chúa được Đức Ki-tô giao phó cho các Tông Đồ sẽ tồn tại cho đến tận thế. Bởi vì Tin Mừng các ngài có nhiệm vụ rao truyền phải là lẽ sống của Hội Thánh cho đến trọn đời; cho đến tận cùng thời gian(x. GLCG, số 860).

Các Giám Mục kế nhiệm các Tông Đồ

   “Cũng như nhiệm vụ mà Chúa đã đích thân trao phó cho Phê-rô, thủ lãnh các Tông Đồ và tiên liệu để truyền lại cho các vị kế nhiệm ông; thì cũng thế, nhiệm vụ trao cho các Tông Đồ chăn dắt Hội Thánh cũng phải trường tồn và được thi hành liên tục do thánh chức Giám Mục”. Vì thế, Hội Thánh dạy rằng: “Chính Chúa đã lập các Giám Mục kế nhiệm các Tông Đồ là mục tử Hội Thánh. Bởi vậy, ai nghe các ngài là nghe Chúa Ki-tô; còn ai khinh dể các ngài là khinh dể Chúa Ki-tô và Đấng đã cử Chúa Ki-tô đến; tức là khinh dể Chúa Cha(x. GLCG, số 862).

   Việc tông đồ

  “Toàn thể Hội Thánh có tính tông truyền vì hiệp thông trong đức tin và sự sống mới với nguồn cội của mình nhờ các vị kế nhiệm thánh Phê-rô và các Tông Đồ. Hội Thánh còn mang tính tông truyền vì “được sai đi” khắp thế gian. Tất cả các phần tử của Hội Thánh mỗi người một cách đều được sai đi. “Ơn gọi Ki-tô hữu tự bản chất cũng là ơn gọi làm tông đồ”. Mọi hoạt động của Nhiệm Thể nhằm “làm cho Nước Đức Ki-tô rộng mở trên khắp hoàn cầu” được gọi là “việc tông đồ”(x. GLCG, số 863).

   “Vì Chúa Ki-tô, Đấng được Chúa Cha cử đến, là nguồn mạch và là nguyên ủy của mọi việc tông đồ trong Hội Thánh”, nên kết quả phong phú của việc tông đồ, do thừa tác viên có chức thánh cũng như của giáo dân, tùy thuộc vào sự kết hợp sống động của chính họ với Chúa Ki-tô. Việc tông đồ thật đa dạng tùy theo các ơn gọi, các nhu cầu thời đại, các ân huệ khác nhau của Chúa Thánh Thần. Nhưng đức ái được nuôi dưỡng đặc biệt nhờ bí tích Thánh Thể, luôn được xem là “linh hồn của mọi việc tông đồ”(x. GLCG, số 864).

   Qua những điều chúng ta vừa biết trên theo giáo lý công giáo, chúng ta những tín hữu công giáo, được sống trong Giáo Hội Công Giáo có tính Tông Truyền, tức là được lưu truyền từ các Tông Đồ. Điều đó giúp cho mỗi người tín hữu công giáo chúng ta an tâm vì tính trung thực và chắc chắn của Đạo Công Giáo; chúng ta an toàn vì không sợ sai lầm cũng như không sợ trệch hướng.

    Đó là con đường cứu độ mà chúng ta an tâm và an toàn khi gia nhập. Các tôn giáo được coi như là các phương tiện để con người được cứu độ. Nhưng phương tiện nào sẽ an toàn và an tâm hơn Đạo Công Giáo chúng ta. Vì Đạo Công Giáo của chúng ta, bắt nguồn từ Thiên Chúa, qua Đức Giê-su Ki-tô, các Tông Đồ, các Giáo Hoàng, các Giám Mục và cho đến ngày tận thế.

   Chúng ta An Tâm vì giáo lý của Đạo Công Giáo là giáo lý của Chúa, chứ không phải của người đời. Chúng ta An Toàn vì Đạo Công Giáo sẽ đưa chúng ta đến bến thiên đàng. Đời người chúng ta chỉ sống có một lần, nếu lầm đường lạc lối thì một đời tiêu vong. “Sai một lần là đần đời đời” đấy. Nên chúng ta phải chọn phương tiện nào an toàn nhất, an tâm nhất.

   Phương tiện An Toàn và An Tâm nhất chính là Đạo Công Giáo.

    Là những tín hữu công giáo, chúng ta hãy tin tưởng và thực hành những điều Đạo dạy. Vì những điều Đạo Công Giáo dạy xuất phát từ Chúa, qua các Tông Đồ; các Giáo Hoàng và các Giám Mục, chắc chắn, trung thực và không sai lầm. Chúng ta cũng hãy sống sứ mạng và làm việc tông đồ trong cuộc sống của mình, làm cho Nước Chúa được mở rộng trên khắp hoàn cầu, để càng có nhiều người đi đúng đường càng tốt. Tất cả đều được an tâm để sống trên đời và an toànvề đến quê trời.

  Lm. Bosco Dương Trung Tín

Tác giả: