Niềm vui là phần thưởng; Thiên đàng là tiền công
- CN, 26/01/2025 - 16:13
- Lm Dương Trung Tín
Niềm vui là phần thưởng; Thiên đàng là tiền công
“Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng !” (1Cor 9,16).
Chữ “Khốn” ở đây, ta phải hiểu thế nào ?
Chữ “khốn” ở đây là “khốn khổ”, chứ không phải là “khốn nạn”. Nếu dùng chữ “khổ” thì ta sẽ dễ hiểu và nghe nó nhẹ nhàng hơn. “Khổ thân tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng”. Vì chữ “khốn”, nghe như một lời nguyền rủa hay một sự trừng phạt. Không. Ý của thánh Phao-lô không phải vậy. Đối với Ngài, nếu không Rao Giảng Tin Mừng, thì bản thân Ngài cảm thấy khốn khổ; cảm thấy một sự bất hạnh hay cảm thấy có một sự mất mát to lớn nào đó cho mình và cho người khác. Điều đó, giải thích cho ta biết tại sao mà thánh Phao-lô lại hăng say Rao Giảng Tin Mừng như vậy. Có ai trong các Tông Đồ xưa cũng như nay, có tinh thần Truyền Giáo như Ngài không? Chắc là không.
Đối với thánh Phao-lô, phải nói là Truyền Giáo hay Rao Giảng Tin Mừng như là hơi thở, như là của ăn, như là cuộc sống của Ngài vậy, không làm không sống được. Mà Ngài tự nguyện làm chứ không có ai bắt buộc Ngài làm. Nói chính xác ơn gọi của Ngài là Truyền Giáo; cuộc sống của Ngài là Rao Giảng Tin Mừng. Ngài thật xứng danh là thánh Tông Đồ, dù Ngài không ở trong nhóm mười hai Tồng Đồ. Trong ý nghĩa đó, ta mới hiểu được ý nghĩa sâu xa câu Ngài nói: “Khốn thân tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng”. Đó như là một quyền lợi và nghĩa vụ. Mạnh hơn nữa phải nói là, đó như là đặc quyền, đặc lợi và đặc vụ. Nghĩa là Rao giảng Tin Mừng là một quyền đặc biệt, một mối lợi đặc biệt và một nghĩa vụ đặc biệt.
Nếu ta tự ý, nghĩa là ta tự nguyện làm thì ta được thưởng công (x.1Cor 9,17a). Nếu không tự nguyện thì đó là một nhiệm vụ (x.1Cor 6,17b). Hai điều này khác nhau. Nếu ta tự nguyện làm thì ta vừa lãnh tiền công vừa lãnh tiền thưởng. Còn nếu ta không tự nguyện, nhưng vẫn phải làm thì ta chỉ có lãnh tiền công chứ không có lãnh tiền thưởng.
Mỗi người tín hữu Ki-tô, khi lãnh nhận bí tích Rửa tội là chia sẻ sứ mạng Rao giảng Tin Mừng của Đức Giê-su. Đức Giê-su đã nói: “Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng mạc chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt là để làm việc đó”(x.Mc 1,38). Bởi đó, việc làm của ta là phải Truyền Giáo; cuộc sống của ta phải là Rao Giảng Tin Mừng. Ta tự nguyện, tự giác làm hay không tự giác, tự nguyện làm thì tùy ta chọn.
Tự nguyện làm thì ta được thưởng công; không tự nguyện thì đó là nhiệm vụ ta vẫn phải làm. Như thế, ta tự nguyện làm thì tốt hơn biết mấy. Vì đằng nào ta cũng phải làm, dại gì để bó buộc phải làm mà chẳng được thưởng công ! Hơn nữa, ta biết Chúa thích ta làm vì tự nguyện, tự giác hơn là ta bị bắt buộc phải làm. Do đó, ta hãy noi gương thánh Phao-lô, dù không được 100% như Ngài thì ít ra cũng được 50% hay hơn chút nữa, ta mang lấy tinh thần Truyền Giáo của Ngài, cũng là khá lắm rồi. Ta cũng phải tự nhắc mình: “Khổ thân tôi, thật bất hạnh cho tôi, nếu tôi không Rao Giảng Tin Mừng”. Đó là đặc quyền, đặc lợi và đặc vụ của tôi.
Về đặc quyền. Tôi đã lãnh quyền đặc biệt này từ Chúa, từ ngày tôi được rửa tội. Rồi khi lãnh bí tích Thêm Xức; khi lãnh bí tích Hôn Phối; khi lãnh bí tích Truyền Chức hay Khấn Dòng thì quyền này càng đặc biệt hơn. Ta hãy nhớ và thi hành quyền này trong cuộc sống của mình.
Về đặc lợi. Tôi được ích lợi gì khi tôi Rao Giảng Tin Mừng ? Trước khi Rao Giảng Tin Mừng, thì tôi phải sống Tin Mừng cái đã. Sống Tin Mừng thì tôi có được niềm vui của Tin Mừng. Niềm vui này không ai lấy mất của tôi được. Điều mà Chúa nói với Mát-ta, khi Ma-ri-a ngồi nghe Lời Chúa; ngồi nghe Tin Mừng: “Mát-ta, Mát-ta ơi ! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá ! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi, Ma-ri-a đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi”(x.Lc 10,43-42).
Ta vui vì Tên của ta được ghi trên trời(x.Lc 10,20). Khi ta sống Tin Mừng, sống Lời Chúa là ta thực thi ý Chúa, “Vì không phải những ai kêu lạy Chúa, lạy Chúa mà được vào Nước Trời, chỉ có những người thi hành ý muốn của Cha trên trời mới được vào mà thôi”(x. Mt7,21).
Ta vui vì Tin Mừng được mặc khải cho kẻ bé mọn là ta: “Lạy Cha, Con cảm tạ Cha, vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những bé mọn”(x.Lc 10,21). Đó cũng là đặc ân của ta, vì “Có nhiều người muốn nghe điều anh em đang nghe mà không được nghe” đấy(x.Lc 10, 24).
Niềm vui của Tin Mừng chính là phần thưởng của ta; còn tiền công của ta chính là Nước Trời. Niềm vui này như Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô nói: “Niềm vui của Tin Mừng tràn ngập tâm hồn và cuộc sống của những ai gặp gỡ Đức Ki-tô. Những ai để cho Người cứu độ, sẽ được giải thoát khỏi tội lỗi, khỏi đau buồn, khỏi cuộc sống trống rỗng, khỏi cô đơn. Niềm vui phát sinh và luôn tái sinh cùng với Đức Ki-tô” (Trích Tông huấn Niềm vui của Tin Mừng, số 1).
Nghĩa là khi ta sống Tin Mừng, thì niềm vui của Tin Mừng sẽ tràn ngập tâm hồn và cuộc sống của ta; ta được cứu độ, ta được giải thoát khỏi tội lỗi, khỏi đau buồn, khỏi cuộc sống trống rỗng và khỏi cô đơn. Niềm vui đó phát sinh từ Đức Giê-su và làm cho ta luôn đổi mới, nên thánh nên thiện mỗi ngày một hơn.
Rồi sau đó, ta mới Rao Giảng Tin Mừng. Thực ra, Sống Tin Mừng là đã Rao Giảng Tin Mừng rồi. Ta Rao Giảng bằng cuộc sống. Ở đây, muốn nói là sống Tin Mừng, ta có niềm vui của Tin Mừng, rồi mới có thể chia sẻ niềm vui đó cho người khác.
Để thấy rõ hơn Niềm vui này, ta hãy xem hình ảnh của ông Gióp, trong bài đọc 1.
Ta mà không sống Tin Mừng thì cuộc sống của ta nơi dương thế chẳng khác gì là thời khổ dịch. Ta bị buộc phải làm mà. Ta sống những chuỗi ngày vất vả đâu khác chi kẻ làm thuê; ta như người nô lệ mong bóng mát; như kẻ làm thuê đợi tiền công; gia tài của ta là những tháng ngày vô vọng, ta sống lây lất cho qua ngày đoạn tháng. Vừa mới nằm xuống ta đã nhủ thầm: khi nào trời sáng. Mới thức dậy ta đã tự hỏi: khi nào chiều buông. Nghĩa là ta ngủ cũng không yên mà thức cũng không biết phải làm gì. Ngày đời ta thấm thoát như thoi đưa và chấm dứt không một tia hy vọng; mắt ta sẽ chẳng thấy hạnh phúc bao giờ. Thật là tội nghiệp; thật là tiếc, thật là khốn khổ, thật là bất hạnh cho ta quá !!!
Nếu ta sống Tin Mừng thì cuộc sống của ta nơi dương thế là thời Rao Giảng Tin Mừng, ta sẽ ra công ra sức làm việc như một người tôi tớ trung thành và khôn ngoan của Chúa. Gia tài của ta là niềm vui và hạnh phúc. Vừa mới nằm ta đã ngủ, ngủ ngon tới khi trời sáng. Mới thức dậy ta đã có bao nhiêu việc đợi chờ, ta làm không hết việc. Ngày đời của ta thấm thoát như thoi đưa và sẽ chấm dứt trong hy vọng tràn trề. Mắt ta sẽ thấy hai lần hạnh phúc. Một lần ở trần gian này và một lần ở thiên đàng. Một lần nơi bản thân ta và lần nữa nơi người ta chia sẻ.
Về đặc vụ, tôi như người chiến binh, được huấn luyện cách đặc biệt để làm công việc Rao Giảng Tin Mừng; để hoàn thành nhiệm vụ Truyền Giáo.
Vậy ta hãy tự nguyện sống Tin Mừng và Rao Giảng Tin Mừng, để ta được thông chia phần phúc của Tin Mừng; ta có được niềm vui và hạnh phúc của Tin Mừng cả ở đời này lẫn đời sau.Niềm Vui là phần thưởng; còn Thiên Đàng là tiền công của ta.
Lm. Bosco Dương Trung Tín