Ơn cứu độ của Chúa qua khoa học và đức tin
- CN, 26/01/2025 - 16:13
- Lm Dương Trung Tín
Ơn cứu độ của Chúa qua khoa học và đức tin
“Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh”(Mc 10,52).
Anh mù đã kêu lên: “Lạy ông Giê-su, Con vua David, xin dủ lòng thương tôi”. “Dủ lòng thương” đây là anh muốn được chữa lành con mắt. Tại sao, anh ta lại kêu cứu đến với Đức Giê-su, nếu anh ta không tin vào Ngài có thể chữa lành anh ta. Đúng vậy, anh ta tin rằng Đức Giê-su có thể chữa lành mắt của anh ta, nên anh mới kêu cứu như vậy. Nếu không tin, chắc anh ta chẳng kêu cứu làm gì.
Chúng ta đang sống trong thời đại của khoa học kỹ thuật và chúng ta cũng chứng kiến bao nhiêu thành quả của khoa học. Hầu như khoa học có thể giải thích được những điều lạ lùng trong thiên nhiên mà con người xưa kia đã gán cho Thiên Chúa. Ví dụ như sấm sét, đó là do những đám mây tích điện âm dương gặp nhau, nên xẹc lửa tạo thành những đường sáng trên bầu trời và kèm theo đó là tiếng nổ, mà ta gọi là tiếng sấm, chứ không phải Trời nổi cơn thịnh nộ; hay động đất là do trong lòng trái đất, có những giải phóng năng lượng bất ngờ ở lớp vỏ trái đất và phát sinh ra sóng địa chấn, chứ không phải do Chúa phạt; vv...Điều đó có làm cho đức tin của chúng ta lung lay và không có giá trị không? Nói cách khác là đức tin còn có cửa cho cuộc sống con người, nhất là những người tín hữu chúng ta không? Đức tin và khoa học có mâu thuẫn với nhau không, chúng ta cũng suy gẫm và tìm hiểu.
“Đức tin và khoa học. Mặc dù đức tin vượt trên lý trí nhưng không bao giờ hai bên thực sự mâu thuẫn nhau. Đấng mặc khải các mầu nhiệm và thông ban đức tin, cũng chiếu rọi ánh sáng khôn ngoan xuống tâm trí con người. Thiên Chúa không thể tự phủ nhận chính mình, cũng như điều chân thật không bao giờ nghịch lại điều chân thật. Bởi vậy, việc nghiên cứu có phương pháp trong mọi ngành, nếu tiến hành một cách thật sự khoa học và theo các tiêu chuẩn luân lý, sẽ không bao giờ trái nghịch với đức tin. Vì các thực tại trần thế và các thực tại đức tin đều bởi Thiên Chúa mà ra. Hơn nữa, những ai kiên nhẫn và khiêm tốn cố gắng nghiên cứu sâu xa những bí ẩn của các sự vật, thì mặc dù họ không ý thức, họ như được bàn tay Thiên Chúa hướng dẫn, vì Người là Đấng bảo trì muôn loài và khiến chúng hiện hữu theo bản tính riêng của chúng”(x. GLCG, số 159).
Theo đó, Giáo Hội xác quyết rằng Thiên Chúa vẫn là Chúa của những thực tại trần thế, tức là khoa học và thực tại đức tin, cả hai đều bởi Chúa mà có, nên không có sự mâu thuẫn nào cả. Hai bên đều có lãnh vực riêng của mình và bổ túc cho nhau. Khoa học giúp cho con người thêm hiểu biết thiên nhiên và các sự vật; giúp cho cuộc sống con người thêm thoải mái và tiện ích; bớt khó, bớt khổ. Còn đức tin giúp cho tinh thần, giúp cho tâm linh con người thêm vững mạnh; tin vào Thiên Chúa, như cái neo vững chắc trước những khó khăn, những nghịch lý, những bất công trong đời sống, mà không bị lung lay, mất pương hướng hay thất vọng.
Trong đức tin, chúng ta những người tín hữu Ki-tô, đón nhận những thành tựu khoa học như là ân sủng mà Thiên Chúa ban cho con người. Chúng ta không chối bỏ cũng không thần tượng chúng, nhưng chúng ta biết dùng chúng để phục vụ cho cuộc sống của mình. Càng hiểu biết những thực tại trần thế do khoa học nghiên cứu đem lại bao nhiêu thì chúng ta càng ca tụng Thiên Chúa; càng tin tưởng vào Ngài bấy nhiêu.
Điển hình như sự sống. Sự sống của cây cỏ, động vật hay con người, khi khoa học nghiên cứu, chúng ta thấy sự sống kỳ diệu biết bao. Từ một hạt giống bé xíu, nó nảy mầm, rồi thành cây; rồi ra hoa, rồi kết trái. Hoa thì đẹp; trái thì thơm ngon. Qua sự nghiên cứu các bào thai của người hay động vật, cho thấy các bào thai đó có được từ tinh trùng nhỏ xíu và trứng. Từ đó, phát triển thành bào thai. Trong bào thai đó, có tất cả những gì mà sau này lớn lên chúng ta thấy được. Từ mắt mũi, tay chân; tim gan, phèo phổi; ....
Thế nhưng khoa học chưa bao giờ; nói cách khác là không bao giờ chế tạo ra sự sống, dù đó là sự sống của cây cỏ; động vật chứ không nói đến sự sống của con người. Khoa học tân tiến còn chưa chế tạo được sự sống, làm sao có thế nói tự nhiên mà có được. Sự sống có được là bởi Thiên Chúa, điều đó đức tin cho ta câu trả lời.
Bởi thế, Giáo Hội, dưới ánh sáng đức tin và có thể nói qua nghiên cứu khoa học xác tín rằng, sự sống của con người bắt đầu từ lúc thụ thai. Sự sống đó “phải được tôn trọng và bảo vệ. Ngay từ giây phút bắt đầu hiện hữu, con người phải được kẻ khác nhìn nhận các quyền làm người, trong đó có quyền được sống là quyền bất khả xâm phạm của mọi người vô tội”(x. GLCG, số 2270). Cho nên phá thai là giết người. Hơn nữa an tử cũng không được mà tự sát lại càng không được phép. Đó cũng là giết người. Sự sống là của Thiên Chúa, thuộc quyền của Thiên Chúa chứ không phải của con người mà muốn phá, muốn bỏ, muốn hủy được. Con người chúng ta chỉ là người quản lý chứ không là chủ của sự sống, nên không có quyền quyết định(x. GLCG, số 2277 và 2280).
Ngày nay, khoa học có thể cho sinh sản vô tính hay cho thụ thai trong ống nghiệm. Sinh sản vô tính đối với động vật thì không có vấn đề, chứ đối với con người thì có vấn đề. Vấn đề về đạo đức. Vì con người là loài có linh hồn và xác và mỗi người là một cá thể độc nhất vô nhị, nên không thể sản xuất con người hàng lô như đồ vật hay con vật được. Về vấn đề thụ thai trong ống nghiệm, thì Giáo Hội chấp nhận khi tinh trùng đó và noãn đó là của người vợ người chồng chứ không là của ai khác. Nếu là của ai khác thì bộ gen không phải là của cặp vợ chồng đó, thì sinh ra muôn vàn rắc rối. Đứa trẻ sẽ là con của ai?
Khoa học không chế tạo ra được sự sống; khoa học chỉ nghiên cứu và lấy những gì có sẵn, bắt chước cho thụ tinh thôi. Nhưng cũng không dễ đạt được kết quả; cũng nhiêu khê lắm chứ không dễ dàng gì. Vì vậy Giáo Lý của Giáo Hội nói rõ: “Việc nghiên cứu có phương pháp trong mọi ngành, nếu tiến hành một cách thật sự khoa học và theo các tiêu chuẩn luân lý, sẽ không bao giờ trái nghịch với đức tin”.
Như vậy, đức tin và khoa học không mâu thuẫn nhau. Đức tin cho chúng ta biết các thành tựu của khoa học cũng bởi Chúa và phục vụ cho cuộc sống con người. Khoa học cho chúng ta thấy sự cao cả và vĩ đại của Thiên Chúa khi nghiên cứu vạn vật cũng như loại bỏ những mê tín hay những gì không đúng về Thiên Chúa như Chúa giận, Chúa phạt, Chúa tiêu diệt,... Chúa chẳng giận cũng chẳng phạt, cũng chẳng tiêu diệt ai, các trận động đất, sóng thần, mưa bão sấm sét chỉ là những hiện tượng thiên nhiên mà thôi. Khoa học cần nghiên cứu để tìm mọi cách giúp cho con người thoát khỏi những thiên tai đó thì quí báu biết bao !
Đối với người tín hữu chúng ta, đức tin còn cần thiết để được cứu độ nữa: “Tin vào Đức Giê-su Ki-tô và Đấng đã cử Người đến cứu độ chúng ta là điều cần thiết để đạt được ơn cứu độ ấy. Vì “không có đức tin thì không thể đẹp lòng Thiên Chúa” và cũng không chia sẻ chức vị làm con Thiên Chúa, nên không ai được công chính hóa mà không cần đức tin; và nếu không bền chí trong đức tin cho đến cùng thì không ai đạt tới cuộc sống muôn đời”(x. GLCG, số 161). Nói cách khác “Lòng tin của chúng ta sẽ cứu chúng ta”.
Vậy, chúng ta hãy noi gương người mù trong bài Phúc Âm hôm nay, chúng ta tin vào Chúa luôn để lãnh nhận ơn cứu độ của Chúa ở đời này qua khoa học và đời sau qua đức tin.
Lm. Bosco Dương Trung Tín