Cây loại nào thì sẽ ra trái loại đó (CN 8 QN)
- CN, 26/01/2025 - 16:13
- Lm Dương Trung Tín
Chúa Nhật 8 QN
“Cây loại nào thì sẽ ra trái loại đó”.
Và con người cũng vậy
“Người tốt thì lấy cái tốt từ kho tàng tốt của lòng mình. Kẻ xấu thì lấy cái xấu từ kho tàng xấu. Vì lòng đầy thì mới nói ra”(Lc 6,45).
Người ta thường nói: “cây nào thì trái đó”. Câu này có thể hiểu theo hai nghĩa. Một là “cây loại nào thì sinh trái loại đó”; hai là “cây tốt thì sinh trái tốt, cây xấu thì sinh trái xấu”.
Theo nghĩa thứ nhất: “Cây loại nào thì sinh trái loại đó”, có vẻ chính xác hơn. Như cây nho thì sinh trái nho; cây táo thì sinh trái táo. Điều này không ai mà không chấp nhận, vì “rõ như ban ngày”. Ngay cả khi người ta ghép “mắt cây mãng cầu” hay “mầm cây mãng cầu” vào cây bình bát, thì khi ra trái vẫn là trái mãng cầu, chứ không ra trái bình bát. Vì bình bát và mãng cầu cùng loài. Khi ghép như vậy, cái chính là mắt ghép, còn cây chủ chỉ có nhiệm vụ đưa nước và chất bổ dưỡng nuôi mắt ghép đó thôi, nên không thể sinh trái bình bát được. Bản chất là mãng cầu thì sinh ra trái mãng cầu chứ không ra trái bình bát được.
Còn theo nghĩa thứ hai thì chưa chắc. Chưa chắc cây tốt thì sinh trái tốt và cây xấu thì sinh trái xấu. Có khi cây xấu lại sinh trái tốt và cây tốt lại sinh trái xấu. “Cây tốt”, theo quan niệm của con người thì tốt vẻ bề ngoài, lá xanh tươi, phát triển tốt. “Cây xấu” là cây èo uột, cằn cỗi. Thế nhưng, cây cằn cỗi, èo uột hay xanh tươi thì do đất chứ không do cây.
“Xấu” và “Sâu” còn khác xa hơn nữa. Cây sâu và trái sâu là do côn trùng đục khoéc hay châm chích; nó chỉ ở khách quan bên ngoài chứ không do chính bản chất của cây là sâu hay tự trái đó là xâu. Nên dịch: “Không có cây nào tốt mà sinh quả sâu; cũng không có cây nào sâu mà lại sinh quả tốt” là không ổn(x. Lc 6,43).
Vì cây tốt sinh trái mà không xịt thuốc trừ sâu, thì vẫn có thể bị côn trùng châm chích và trở nên trái sâu và cây sâu, tức là cây bị sâu đục vẫn có thể ra trái ngon lành như thường, nếu xịt thuốc trừ xâu hay che chắn. Ta phân tích như thế để có thể hiểu được ý nghĩa mà Đức Giê-su muốn dạy.
Như vậy, ta phải hiểu theo nghĩa thứ nhất, tức là “Cây loại nào thì sẽ ra trái loại đó”. Và con người cũng vậy. Người loại nào thì sinh trái loại đó. “Người tốt thì lấy cái tốt từ kho tàng tốt của lòng mình. Kẻ xấu thì lấy cái xấu từ kho tàng xấu” của lòng mình. Nên khi “nhìn trái sẽ biết cây”(x. Lc 6,44). TRÁI ở đây phải hiểu là lời nói, thái độ và cuộc sống.
Quả thực qua lời nói, thái độ và cuộc sống, ta có thể biết người đó tốt hay xấu. “Vì lòng đầy thì mới nói ra”(x. Lc 6, 45). Trong lòng mà thiện, mà tốt thì sẽ nói ra những điều thiện, điều tốt; cuộc sống sẽ tốt lành và thánh thiện và cách cư xử cũng sẽ thánh thiện và tốt lành. Có khi lời nói có thể lừa được người khác; cách cư xử hay thái độ có thể dối được người ta, nhưng cuộc sống thì không lừa ai được. Có ngày đuôi chuột cũng lòi ra và người ta sẽ biết bộ mặt thật thôi.
Bởi đó, khi lòng thiện và tốt thì lời nói, thái độ, cách cư xử và cuộc sống đều tốt hết. Còn lòng mà xấu xa, thì có thể có lời nói tốt nhưng không lành, vì đó chỉ là những lời nói ngon, nói ngọt; nói xạo, nói dối. Thái độ thiện nhưng không thánh, vì đó chỉ là vẻ bên ngoài, không có từ trong lòng; đó là giả hình, giả bộ thôi. Và cuộc sống thì chắc là xấu xa rồi.
Một ví dụ cụ thể mà Chúa dùng trong bài Phúc Âm. Người tốt là người biết nhìn cái xà trong mắt mình, chứ không chú ý vào cái rác trong mắt người khác. Nghĩa là sẽ nhìn thấy tội to của mình chứ không lên án tội nhỏ xíu của người khác. Còn người xấu là người sẽ thấy cái rác trong mắt người khác dù nhỏ xíu mà không thấy cái xà to tướng trong mắt mình. Nghĩa là chỉ thấy tội người khác, dù nhỏ xíu đến đâu cũng moi, cũng móc cho bằng được; còn tội mình to “tổ bố”, thì không thèm để ý tới. Chúa nói, đó là “kẻ đạo đức giả” (x. Lc 6, 42).
Chúa nói không phải để ta xét đoán hay lên án ai, vì Chúa đã dạy: “Anh em đừng xét đoán, để anh em khỏi bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án ai thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án” mà (x. Lc 6, 37). Ta biết để ta sống và cư xử với người đó thôi. Tốt hơn ta hãy lo cho chính mình, hãy làm cho mình nên tốt lành và thánh thiện.
Là người ai cũng muốn cho mình nên tốt lành và thánh thiện hết; chẳng ai muốn mình nên xấu xa và độc ác bao giờ. Có điều người ta lầm, tưởng mình là tốt lành, thánh thiện, nhưng thực ra là xấu xa, độc ác. Bởi đó ta phải coi lại “kho tàng” của lòng mình; trong đó chứa điều tốt lành hay xấu xa.
Như ta biết, “kho tàng” là nơi cất giấu. Kho tàng trong lòng ta thì không thể cất giấu tiền của được, nhưng nơi đó cất giấu những điều tốt, điều hay; những điều thánh, điều thiện được. Do đó, ta phải tích trữ nơi tâm hồn của mình những điều hay, lẽ phải; những điều tốt lành và thánh thiện, càng nhiều càng tốt. Bằng cách, thấy cái gì hay, cái gì tốt ở đời thường, ở bất cứ ai, ở bất cứ nơi đâu; nhất là trong Giáo Hội, trong Lời Chúa, những gì là tốt lành, những gì là thánh thiện mà Chúa dạy, ta hãy học, hãy tìm hiểu và hãy thực hành.
Thấy những gì “xấu” thì ta phải tránh cho “xa”, như ăn cắp, nhận hối lộ, chạy theo mốt; lạm dụng tính dục trẻ em; lợi dụng người khác; hại người; giết người cướp của; nghiện ngập ma túy, rượu chè, cờ bạc; nói hành, nói xấu; giả hình, giả bộ; đạo đức giả; vv……..Vì những điều xấu dễ làm, dễ nhiễm, tránh càng xa càng tốt; còn điều tốt, điều lành thì phải học, phải luyện mới có, tích lũy càng nhiều càng tốt.
Như thế kho tàng của lòng ta càng ngày càng nhiều của tốt, của hay; của thánh, của thiện, để rồi từ đó ta nói, ta nghĩ, ta làm, ta giúp đỡ, ta phục vụ và ta sẽ sinh nhiều hoa trái tốt lành và thánh thiện. Thế mới đúng như lời thánh Phao-lô nói: “Khi cái thân hư nát này sẽ mặc lấy sự bất diệt; khi cái thân phải chết này mặc lấy sự bất tử” (x. 1Cor 15, 54).
Khi ta sống tốt lành và thánh thiện, thì cái thân hư nát của ta sẽ mặc lấy sự bất diệt và cái thân phải chết này của ta sẽ mặc lấy sự bất tử, nghĩa là ta được sống đời đời trên thiên đàng. Nếu ta kiên tâm bền chí và càng ngày càng tích cực tích trữ cho mình nhiều điều hay, lẽ phải; những điều tốt lành và thánh thiện, vì biết rằng: trong Chúa, sự khó nhọc của ta sẽ không trở nên vô ích đâu (x. 1Cor 15,58).
“Của” ta tích trữ là của ta và ta sẽ được hưởng chứ không ai cướp giật được của ta. Vàng bạc, của cải ta cất giấu sẽ bị người ta cướp, chứ những điều hay, lẽ phải; những điều tốt lành và thánh thiện thì không ai có thể cướp được của ta.
Vậy bao lâu còn được sống trên trần gian này, ta hãy tích lũy cho kho tàng của lòng mình nhiều những điều hay, lẽ phải; nhiều những điều tốt lành và thánh thiện; càng nhiều càng tốt, để ta lấy cái tốt từ kho tàng tốt của lòng mình mà nói, mà làm, mà nghĩ, mà giúp đỡ, mà phục vụ, mà cư xử, mà sống. Ta sẽ nên tốt lành và thánh thiện ở đời này và chắc chắn sẽ được vào Nước Trời ở đời sau. Thật đúng là “Cây loại nào thì sẽ ra trái loại đó”. Và con người cũng vậy
Lm. Bosco Dương Trung Tín