Nhảy đến nội dung

Bây giờ và bấy giờ

CN 6 PS

Bây giờ và bấy giờ

   “Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em để anh em được hưởng niềm vui của Thầy và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn”(Ga 15,11).

   Các điều ấy là điều gì? Đó là con người chúng ta được Đức Giê-su yêu thương như Chúa Cha đã yêu thương Ngài.

   Niềm vui của Đức Giê-su là con người chúng ta ở trong tình thương của Ngài và niềm vui của chúng ta nên trọn vẹn đó là niềm vui được phục sinh như Đức Ki-tô.

   Kinh Tin Kính kết thúc với lời tuyên xưng: “Tôi đợi trông kẻ chết sống lại và sự sống đời sau”. Do đó, chúng ta, những người tín hữu công giáo “tin vững vàng và hy vọng chắc chắn rằng: Cũng như Đức Ki-tô đã thực sự phục sinh từ cõi chết và sống mãi, thì sau khi chết những người công chính cũng sống mãi với Đức Ki-tô Phục sinh và Người sẽ cho họ sống lại ngày sau hết” (x. GLCG, số 989).

   “Thuật ngữ: “thân xác” chỉ con người trong thân phận yếu đuối và phải chết. “Xác sống lại” có nghĩa là sau khi chết, không phải chỉ có linh hồn bất tử vẫn tiếp tục sống nhưng chính “thân xác phải chết” cũng sẽ sống lại”(x.GLCG, số 990).

   “Ngay từ đầu, tin kẻ chết sống lại đã là điều cốt yếu của đức tin ki-tô giáo. Người Ki-tô hữu xác tín rằng kẻ chết sống lại, chúng tôi sống nhờ niềm tin này”(x. GLCG, số 991).

   “Việc kẻ chết sống lại được Thiên Chúa từng bước mặc khải cho Dân Người. Niềm hy vọng “xác loài người ngày sau sống lại” đã trở thành khẩn thiết như là hậu quả nội tại của đức tin vào Thiên Chúa sáng tạo con người trọn vẹn cả hồn và xác” (x. GLCG, số 992).

   “Đức tin về sự sống lại dựa trên đức tin vào “Đấng không phải là Chúa của kẻ chết nhưng là Chúa của kẻ sống”(x. GLCG, số 993).

   “Niềm hy vọng Ki-tô giáo về phục sinh mang lại đậm nét những lần gặp gỡ với Đức Ki-tô Phục sinh. Chúng ta sẽ phục sinh như Người, với Người và nhờ Người” (x. GLCG, số 995).

   “Ngay từ đầu, có nhiều người không hiểu và chống lại đức tin Ki-tô giáo về sự Phục Sinh. Trong đức tin Ki-tô giáo, vấn đề gặp nhiều chống đối hơn hết là việc xác loài người sống lại. Thông thường, người ta chấp nhận là sau khi chết, hồn con người vẫn sống, nhưng làm sao tin được thân xác phải chết này sẽ phục sinh để sống đời đời?”(x. GLCG, số 996).

   Không chỉ ngày từ đầu, mà ngay cả bây giờ, cả người tín hữu công giáo chúng ta, cũng không hiểu mấy về sự thân xác phục sinh. Vậy, người chết sẽ phục sinh thế nào?

   Trước hết, chúng ta cũng tìm hiểu sự “phục sinh” là gì?

    Sự “Phục sinh” là “Khi chết, hồn lìa khỏi xác, thân xác con người lâm cảnh hư nát trong khi linh hồn đến gặp Thiên Chúa, nhưng trong tình trạng chờ đợi được tái hợp với thân xác vinh quang. Thiên Chúa toàn năng sẽ làm cho thân xác chúng ta vĩnh viễn không còn hư nát nữa, khi hợp nhất nó với linh hồn nhờ hiệu năng của Chúa Giê-su Phục Sinh”(x. GLCG, số 997).

  Ai sẽ phục sinh? “Mọi người đã chết đều sẽ phục sinh. Nhưng “ai làm điều lành thì sẽ sống lại để được sống; ai đã làm điều dữ thì sống lại để bị kết án”(x. GLCG, số 998).

   Phục sinh thế nào? “Đức Ki-tô đã phục sinh với chính thân xác mình. Nhưng Người không trở về với đời sống trần thế. Cũng vậy, trong Người, “Mọi người sẽ sống lại với thân xác của mình, thân xác họ có bây giờ, nhưng thân xác đó “sẽ biến đổi thành thân xác vinh hiển”, thành “thân xác có Thần Khí”(x. GLCG, số 999).

    “Thân xác con người phục sinh như thế nào” là điều vượt quá sức tưởng tượng và sự hiểu biết của con người chúng ta. Chúng ta chỉ hiểu được trong đức tin. Dầu vậy, khi Rước Mình và Máu Thánh Chúa, chúng ta được nếm trước việc thân xác chúng ta được biến đổi nhờ Đức Ki-tô”(x. GLCG, số 1000).

  “Được kết hợp với Đức Ki-tô nhờ bí tích Thánh Tẩy, các tín hữu thực sự tham dự vào đời sống trên trời của Đức Ki-tô Phục Sinh, nhưng sự sống này còn “ẩn tàng với Đức Ki-tô trong Thiên Chúa”. “Được nuôi dưỡng bằng Mình và Máu Đức Ki-tô, chúng ta thuộc về Thân Thể Người. Khi chúng ta được phục sinh vào ngày sau hết, chúng ta sẽ “xuất hiện với Người và cùng Người hưởng phúc vinh quang”(x. GLCG, số 1003).

   Qua niềm tin và giáo lý của Giáo Hội, chúng ta tin có sự sống đời sau và thân xác của chúng ta sẽ được phục sinh. Cái quan trọng là phục sinh rồi chúng ta sẽ đi đâu: lên thiên đàng hay xuống hỏa ngục?

Khi phục sinh, thân xác  sẽ hợp với linh hồn và khi đó có sự phán xét chung. “Phán xét chung sẽ cho thấy rõ những việc lành mỗi người đã làm hoặc đã bỏ qua khi còn sống ở trần gian; cả đến những hậu quả sâu xa của chúng” (x. GLCG, số 1039).

    Do đó, để chuẩn bị cho sự phục sinh của chúng ta cũng như để chúng ta được hưởng sự sống muôn đời thì ngay từ bây giờ, chúng ta phải cố gắng sống thánh thiện và công chính. Nếu không, chúng ta sẽ phục sinh nhưng sẽ phải chịu cực hình muôn kiếp đấy. Thân xác của chúng ta đen đủi hay sáng láng là do chúng ta biết chuẩn bị ngay từ bây giờ.

   “Đen đủi” hay “sáng láng” là hình ảnh sự phục sinh của chúng ta. Nếu sống thánh thiện và công chính, khi phục sinh, chúng ta sẽ  được lên thiên đàng, chúng ta nên sáng láng. Nếu, chúng ta sống một sống xấu xa và bất công, khi phục sinh, chúng ta sẽ xuống hỏa ngục, chúng ta sẽ đen đủi thôi.

   Đừng tưởng chúng ta đã được rửa tội rồi là ngon; là chắc ăn. Không. “Thiên Chúa không thiên vị người nào. Hễ ai kính sợ Chúa và ăn ở ngay lành, thì dù thuộc bất cứ dân tộc nào, cũng được Người tiếp nhận” vào Nước Trời.(x. Cv 10,35)

    Chúng ta, những tín hữu công giáo được rửa tội là có một cơ hội cao nhất để vào Nước Trời, cho nên, chúng ta không được ỷ lại mà bỏ qua cơ hội “ngàn năm có một” đó.

Khi phục sinh, chúng ta sẽ thế nào, có già nua nhăn nheo như bà cụ 90 không; có bị mất tay, mất chân hay mắc bệnh gì không? Chắc chắn là không. Như ông Na-a-man, người mặc bệnh phong đã xuống tắm ở sông Gio-đan 7 lần, da thịt ông trở nên da thịt của một đứa trẻ thế nào, thì khi phục sinh da thịt của chúng ta cũng sẽ tươi trẻ như vậy. Như hạt lúa gieo vào lòng đất đen đủi, xấu xí, nhưng khi mầm mọc lên; lớn lên ra hoa và kết hạt, thì hạt lúa vẫn tươi sáng, vàng ươm thế nào, thì khi phục sinh, thân xác của chúng ta cũng sẽ tươi sáng; tâm hồn con người chúng ta cũng sẽ tươi trẻ trở lại, đẹp đẽ, sáng láng mà bước vào vinh quang thiên quốc như vậy.

   Vậy chúng ta hãy chuẩn bị cho sự phục sinh và sự sống đời sau của chúng ta, bằng cách sống công chính và thánh thiện, để sau khi chúng ta nhắm mắt và ngày sau hết chúng ta được phục sinh vinh hiển. Bây giờ, chúng ta sẽ có niềm vui của Chúa phục sinh và bấy giờ chúng ta được phục sinh vinh hiển, niềm vui của chúng ta sẽ được trọn vẹn.

                                                                                              Lm. Bosco Dương Trung Tín

Tác giả: