Bước đi có Chúa, đời ta bình an
- CN, 26/01/2025 - 16:13
- Lm Dương Trung Tín
CN 21 QN
Bước đi có Chúa, đời ta bình an
“Thần khí mới làm cho sống, chứ xác thịt nào có ích gì. Lời Thầy nói với anh em là Thần khí và là Sự sống”(Ga 6,63).
Trong phần diễn từ nói về Bánh Hằng Sống, Đức Giê-su đã nói: “Tôi là Bánh Hằng Sống từ trời xuống, ai ăn Bánh này sẽ được sống muôn đời. Và Bánh Tôi sẽ ban tặng chính là Thịt Tôi đây, để cho thế gian được sống”(x. Ga 6, 51). Nghe những lời đó, nhiều người Do-thái đã phản ứng: “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được”(x.Ga 6, 52”; ngay cả các môn đệ cũng nói : “Lời này nghe chướng tai quá, ai nghe cho nổi”(x. Ga 6,60). Bởi đó, Đức Giê-su mới nói: “Thần khí mới làm cho sống, chứ xác thịt nào có ích gì. Lời Thầy nói với anh em là Thần khí và là Sự sống”.
Chúng ta cùng tìm hiểu “Thần khí” và “xác thịt” nghĩa là gì?
Câu nói của Đức Giê-su có hai phần: : “Thần khí mới làm cho sống, chứ xác thịt nào có ích gì” và “Lời Thầy nói với anh em là Thần khí và là Sự sống”.
Theo tôi, phải tách hai câu này ra mà phân tích thì chúng ta mới hiểu rõ ý Chúa muốn nói.
Câu : “Thần khí mới làm cho sống, chứ xác thịt nào có ích gì”. Chữ “Thần khí” ở đây là viết thường, chứ không viết hoa, nên ta phải hiểu là “sinh khí”, là “linh hồn”, chứ không hiểu là Thánh Thần. Khi tạo dựng con người, “Thiên Chúa lấy đất sét nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi và con người trở nên một sinh vật”(x. St 2,7).
Theo trình thuật này, thì “đất sét” đây chính là thân xác con người và “sinh khí” đây chính là linh hồn con người. “Thánh Kinh dùng thuật ngữ “linh hồn” để chỉ sự sống con người”(x.GLCG, số 363). Và “Khi chết, linh hồn lìa ra khỏi xác”(x, GLCG, số 997).
Như chúng ta biết, “cái gì” làm cho con người sống, đó không phải là “thân xác”, mà là “linh hồn”. Không có hồn hay linh hồn lìa khỏi xác thì con người chúng ta gọi là “chết”. Vậy, khi so sánh “thân xác” và “linh hồn”, cái nào quan trọng; cái nào làm cho sống, thì câu trả lời đó là “Linh hồn”, tức là “Thần khí” mới làm cho “thân xác” sống. Theo đó, phần một của câu Đức Giê-su nói phải ghi là : “Linh hồn mới làm cho sống, chứ thân xác nào có ích gì” cho dễ hiểu.
Phần hai, “Lời Thầy nói với anh em là Thần khí và là Sự Sống”.“Lời Chúa nói”, đó là “Bánh Tôi sẽ ban tặng chính là Thịt Tôi đây, để cho thế gian được sống”. Lời nói này phải hiểu theo nghĩa thiêng liêng, theo nghĩa tinh thần, chứ không hiểu theo nghĩa đen được. Vì “Thần khí mới làm cho sống, chứ xác thịt nào có ích gì”. Do đó, Bánh Tôi sẽ ban tặng, là thịt Tôi đây, chính là Bánh Thánh Thể. Bánh Thánh Thể chính là Mình Chúa Ki-tô; là Thịt của Chúa Ki-tô, làm cho người tín hữu công giáo chúng ta được sống đời đời. Nghĩa là khi chúng ta rước Mình Thánh Chúa, chúng ta có sự sống đời đời; được sống đời đời.
Hơn nữa, “Lời Thầy” nói; “Lời Chúa” nói đó, còn là Ngôi Lời của Thiên Chúa. Ngôi Lời Thiên Chúa đã nhập thể và nhập thế; đã làm người. Cũng Lời Chúa đó, đã biến bánh nên Mình Người khi nói : “Này là Mình Thầy sẽ bị nộp vì các con”. Lời của Chúa hết thảy đều là Thần khí và là sự sống; dù là Bánh Thánh Thể hay Lời Hằng Sống.
Chữ “Thần khí” mà Đức Giê-su dùng trong cả hai phần, có thể là Đức Giê-su chơi chữ chăng !!! Đương nhiên, bây giờ không ai có thể nghĩ là Đức Giê-su bảo chúng ta ăn thịt người, theo nghĩa đen cả. Tôi cũng muốn chơi chữ ở đây là, Chúa bảo chúng ta ăn THỊT NGƯỜI. Hai chữ
THỊT và NGƯỜI được viết chữ in hoa, chứ không viết thường. Có nghĩa là ăn THỊT của Đức Ki-tô; là rước Bánh Thánh Thể.
Khi rước Bánh Thánh Thể, nghĩa là Bánh đã được truyền phép, chúng ta phải tin đây là Mình Đức Ki-tô; là Bánh Hằng Sống.Theo tôi, Bánh này nuôi sống thân xác chúng ta, khi chúng ta rước lấy; cũng giống như khi chúng ta ăn bánh mì hay cơm gạo vậy. Mình Thánh Chúa trở thành mình của ta; Thịt của Chúa thành thịt của ta, để sau này khi sống lại, thân xác của chúng ta được sống đời đời với linh hồn.
Còn Lời Hằng Sống; Lời Chúa là của ăn nuôi tinh thần, nuôi linh hồn chúng ta. Như chúng ta biết, đời sống con người có đời sống vật chất và đời sống tinh thần. Đời sống vật chất là ăn uống ngủ nghỉ; đời sống tinh thần là văn học, nghệ thuật; văn hóa; sự hiểu biết về chân-thiện-mỹ. Trong đời sống đức tin, chúng ta cũng có đời sống “vật chất” và đời sống tâm linh. Của ăn cho đời sống “vật chất” của ta là Mình Thánh Chúa. Của ăn cho đời sống tâm linh là Lời Chúa. Vì trong Lời Chúa cũng có đầy đủ tất cả những gì là văn học, là nghệ thuật, là văn hóa, là chân- thiện-mỹ cho sự sống đời đời của ta:
“Lời Chúa có sức mạnh và quyền năng có thể nâng đỡ và tăng cường Hội Thánh; ban sức mạnh đức tin; là lương thực linh hồn, nguồn sống thiêng liêng, tinh tuyền và trường cửu cho con cái Hội Thánh”(x. GLCG, số 131).
Như trong tình hình dịch bệnh Covid bây giờ, con người chúng ta bám vào ai; vào tiền của chăng? Nhiều khi có tiền, có của mà cũng chẳng có gì mà mua. Có khi người tín hữu công giáo chúng ta chỉ xem lễ trực tuyến, không được rước Mình Thánh Chúa, thì sao đây? Chúng ta còn có Lời Chúa. Chúng ta hãy cùng tuyên xưng với thánh Phê-rô: “Bỏ Thầy chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những LỜI đem lại sự sống đời đời”(x.Ga 6,68).
“Bỏ Ngài con biết theo ai, đời lộng gió cánh chim ngàn khơi. Trùng trùng sóng nước mênh mông, thuyền buông lái biết trôi về đâu. Bỏ Ngài con biết theo ai, bên đồi kia tương lai khuất mờ, bước đi không ngài đời con buồn tênh.(TK 1)
Ngài ơi con vẫn tin luôn, Ngài trung tín rất mực từ nhân. Nào đâu Ngài nỡ quên con, hằng đưa lối dẫn theo đường ngay. Lạy Ngài dạy bảo con đi, giữ gìn con trong chân lý Ngài, bước đi bên Ngài đời con bình an.(TK 3)
ĐK. Bỏ Ngài con đi với ai, vì Ngài có lời ban sự sống. Bỏ Ngài thân con héo hon, đời cô liêu trên chốn dương gian. Bỏ Ngài con đi với ai, đường xa lắc tương lai mịt mờ, nào ai dẫn con trên đường dài. Bỏ Ngài con đi với ai !!! “(Lời bài hát “Bỏ Ngài con theo ai”, của tác giả Phao-lô Kim).
Vậy chúng ta hãy đọc, nghe, suy niệm và sống Lời Chúa mỗi ngày. Lời Chúa có sức mạnh và tăng cường cho chúng ta; ban sức mạnh đức tin; là lương thực linh hồn; là nguồn sống thiêng liêng tinh tuyền và trường cửu cho con người chúng ta.
Mỗi khi đọc, nghe, suy niệm và sống Lời Chúa là chúng ta có Chúa. Bước đi có Chúa, đời ta bình an; bước đi không Chúa, đời ta buồn tênh.
Lm. Bosco Dương Trung Tín