Suy gẫm về Người sống và Người chết
- CN, 26/01/2025 - 16:13
- Lm Dương Trung Tín
CN 32 QN
Suy gẫm về Người sống và Người chết
“Chúng ta tin rằng những người đã an giấc trong Đức Giê-su, sẽ được Thiên Chúa đưa về cùng Đức Giê-su”(1Tx 4,14).
Đối với người tín hữu công giáo chúng ta, những người đã chết được gọi là đang “An giấc”, tức là đang ngủ. Ngủ thì sẽ có ngày thức dậy. Các ngài sẽ thức dậy, nghĩa là sống lại trong ngày tận thế; hay còn gọi là “qua đời”, tức là qua đời này để về đời sau. Chúng ta tin rằng những người đã an giấc trong Đức Giê-su sẽ được Thiên Chúa đưa về cùng Đức Giê-su trên thiên đàng, bởi vì chúng ta tin Đức Giê-su đã chết và đã sống lại.
Chúng ta cùng suy gẫm về những người đã an giấc và những người còn đang sống.
- Về những người đã an giấc.
Trong niềm tin vào Chúa Phục Sinh, chúng ta hy vọng những người đã an giấc ngàn thu sẽ được về thiên đàng hưởng hạnh phúc với Chúa và ngày sau hết sẽ được phục sinh vinh hiển. “Khi chết linh hồn lìa khỏi xác, nhưng khi con người sống lại, Thiên Chúa sẽ trả lại sự sống bất diệt cho thân xác đã được biến đổi, bằng cách tái hợp xác với hồn. Như Đức Ki-tô đã phục sinh và sống mãi muôn đời, tất cả chúng ta sẽ sống lại vào ngày sau hết”(x. GLCG, số 1016).
Nếu khi còn sống trên trần gian này, các ngài chưa nên thánh nên thiện; còn mắc nhiều lỗi lầm, chúng ta dâng lễ cũng như dâng những hy sinh hằng ngày để cầu cho các ngài được “hưởng lòng thương xót Chúa” và sớm được về thiên đàng. Tôi nói “cầu cho các ngài được hưởng lòng thương xót Chúa” nghĩa là các ngài bây giờ không làm được gì để có thể lãnh ơn cứu độ cho mình, như các ngài không đọc kinh, không cầu nguyện, không dâng lễ, cũng như không dâng những hy sinh, những đau khổ của mình được. Tất cả đều trông cậy vào lòng thương xót của Chúa. Dù chúng ta có dâng lễ, dâng những hy sinh để cầu cho các ngài, thì các ngài cũng không có quyền đòi hưởng hết tất cả, mà do Chúa quyết định, xem các ngài đáng được hưởng bao nhiêu mà thôi.
Trong niềm tin đó, trong tháng 11 hay bất cứ lúc nào có thể được, chúng ta hãy siêng năng và sốt sắng dâng thánh lễ cũng như dâng những hy sinh hằng ngày để cầu cho các linh hồn đã qua đời. Là người tín hữu, chúng ta không chỉ xin lễ mà chúng ta còn có thể, khi tham dự thánh lễ, chúng ta có ý chỉ cầu cho linh hồn nào ta muốn, vì chúng ta đã được rửa tội, là được tham dự vào chức tư tế của Đức Giê-su mà. Các linh hồn đó, có thể là ông bà, cha mẹ, anh chị em, thân nhân, ân nhân, bạn bè của chúng ta hay bất cứ ai đã qua đời,....dù có đạo hay không có đạo.
Việc của chúng ta là giúp đỡ cho các ngài. Đó là một việc tốt lành. Nói mạnh hơn nữa, đó là một việc thánh thiện, vì việc đó có thể đưa các linh hồn về thiên đàng, chứ không phải chuyện chơi, chuyện đùa. Đó cũng là cách chúng ta trả hiếu cho các bậc sinh thành; cũng như đó là một việc trả ơn cho những ân nhân và thân nhân của chúng ta đấy.
- Về những người còn sống.
Qua những suy gẫm về những người đã qua đời, chúng ta cũng phải chuẩn bị cho chính mình. Vì biết rằng một ngày nào đó, chắc chắn chúng ta cũng sẽ “an giấc”, sẽ “qua đời” thôi. Trong câu nói của thánh Phao-lô, chúng ta nên để ý: “Những ai an giấc trong Đức Giê-su” thì sẽ được Thiên Chúa đưa về cùng Đức Giê-su. Bởi đó, cái quan trọng là chúng ta phải “an giấc trong Đức Giê-su” mới được.
Muốn vậy, chúng ta phải như Năm cô trinh nữ khôn ngoan đi đón Chàng Rể mà trong Phúc Âm hôm nay nói đến. Năm cô khôn ngoan này, không chỉ mang đèn như những người khác mà còn biết mang thêm dầu nữa. Chàng Rể đây là Đức Giê-su. Đèn đó là đèn đức tin. Dầu đó là ân sủng. Có đèn không chưa đủ; có đổ đầy bình cũng chưa đủ, cần phải mang thêm dầu. Cũng vậy, có đức tin, có được rửa tội không thôi chưa đủ, cần phải có ân sủng hằng ngày của Chúa nữa. Đèn mà không có dầu, đèn sẽ tắt; đức tin không có ân sủng cũng sẽ tiêu tan thôi.
Muốn có ân sủng ta phải khôn ngoan để mến chuộng Đức Khôn Ngoan. Mà Đức Giê-su chính là sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa. Như thánh Phao-lô nói : “Những gì xưa kia tôi cho là có lợi, thì nay, vì Đức Ki-tô, tôi cho là thiệt thòi. Hơn nữa, tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Giê-su Ki-tô, Chúa của tôi” (x. Pl 1,7-8). Bởi đó, chúng ta hãy dùng sự khôn ngoan của mình để biết Đức Ki-tô, mối lợi tuyệt vời của chúng ta đó. Trong bài đọc 1, Đức Khôn Ngoan này được nhân cách hóa, theo đó, chúng ta có thể diễn dịch bài đọc 1 như sau:
“Đức Giê-su sáng chói và không hề tàn tạ”. Đức Giê-su sáng chói vì Ngài là Ánh sáng của Thiên Chúa. Và không tàn tạ, vì Ngài là Thiên Chúa.
“Ai mến chuộng Đức Giê-su, thì Đức Giê-su dễ dàng cho chiêm ngưỡng”. Vậy chúng ta hãy yêu mến Đức Giê-su, để chúng ta được chiêm ngưỡng Ngài bây giờ và mai sau.
“Ai tìm kiếm Đức Giê-su, thì Đức Giê-su cho gặp”. Vậy chúng ta hãy tìm kiếm Đức Giê-su trong việc đọc và suy gẫm Lời Chúa, chúng ta sẽ gặp được Đức Giê-su trong cuộc sống.
“Ai khao khát Đức Giê-su, thì Đức Giê-su đi bước trước mà tỏ mình cho ta biết”. Vậy, chúng ta hãy khao khát Đức Giê-su; hãy tuân giữ điều răn của Chúa, vì “ai có và tuân giữ các điều răn của Thầy, người đó mới là kẻ yêu mến Thầy. Mà ai yêu mến Thầy, sẽ được Cha Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người đó và sẽ tỏ mình cho người đó” (x. Ga 14,21).
“Ai từ sớm đã tìm Đức Giê-su, thì không phải nhọc nhằn vất vả. Họ sẽ thấy Đức Giê-su ngồi ngay trước cửa nhà”. Vậy, mỗi sáng sớm, chúng ta hãy tìm Đức Giê-su nơi Thánh Lễ, cũng như trong các giờ cầu nguyện, suy gẫm, để chúng ta thấy Đức Giê-su trong đức tin và trong lòng chúng ta.
Ai “để tâm suy niệm về Đức Giê-su, là đạt tới sự minh mẫn toàn hảo”. Vậy, chúng ta hãy để tâm suy niệm Lời Chúa, Lời của Đức Giê-su trong Phúc Âm, chúng ta sẽ có được sự minh mẫn toàn hảo.
“Ai vì Đức Giê-su mà thức khuya dậy sớm, sẽ mau trút được mọi lo âu”. Vậy, chúng ta hãy vì Đức Giê-su mà thức khuya, dậy sớm, tức là đọc kinh sáng tối. Mỗi sáng khi thức dậy, chúng ta dâng ngày, xin Chúa chúc lành cho công việc chúng ta sẽ làm; rồi tối đến, trước khi đi ngủ, chúng ta tạ ơn Chúa vì những ơn lành Chúa đã ban; có lầm lỗi gì thì xin Chúa thứ tha. Như thế, chúng ta không phải lo lắng chi, cũng không lo mất linh hồn; không lo phải hư mất đời đời. Còn sống ở đời này cũng tốt, mà có về với Chúa, thì chúng ta cũng mỉm cười mà nhắm mắt.
“Những ai xứng đáng với Đức Ki-tô, thì Đức Ki-tô rảo quanh tìm kiếm”. Vậy, chúng ta hãy yêu mến Đức Giê-su trên hết mọi sự; trên cha mẹ, con trai con gái và vác thập giá mình mà theo Đức Giê-su, để chúng ta xứng với Đức Giê-su (x. Mt 10,37-38) thì Đức Giê-su sẽ rảo quanh tìm kiếm chúng ta. “Trên các nẻo đường chúng ta đi, Đức Giê-su niềm nở xuất hiện. Mỗi khi chúng ta suy tưởng điều gì, Đức Giê-su đều đến với chúng ta”, dù trên trần gian này hay trên thiên đàng.
Nếu chúng ta sống được như thế là chúng ta đang sống trong Đức Giê-su đấy. Nếu chúng ta có “An giấc”, thì chúng ta cũng an giấc trong Đức Giê-su. Do đó, chúng ta có quyền hy vọng chắc chắn là Thiên Chúa sẽ đưa chúng ta về với Đức Giê-su trên thiên đàng.
Vậy, trong niềm hy vọng đó, chúng ta hãy như Năm cô khôn ngoan, mang đèn đức tin và đem theo dầu ân sủng để đón chờ Đức Giê-su. Đồng thời cũng ra sức cứu giúp các linh hồn đã qua đời bao có thể, để tất cả chúng ta một ngày nào đó, sẽ ở cùng với Chúa mãi mãi trên thiên đàng cả hồn lẫn xác.
Lm. Bosco Dương Trung Tín