Nhảy đến nội dung

Chúng ta phải trở nên người có tâm hồn cầu nguyện

CN 20 QN                

Chúng ta phải trở nên người có tâm hồn cầu nguyện

 “Nhà của Ta sẽ được gọi là Nhà cầu nguyện của muôn dân” (Is 56,7).

  Lời Chúa nói qua tiên tri Isaia như sau : “Người ngoại bang nào gắn bó cùng Đức Chúa, để phụng sự Người và yêu mến Thánh Danh; cùng trở nên tôi tớ của Người. Hết những ai giữ ngày Sa-bát mà không vi phạm, cùng những ai tuân thủ Giao Ước của Ta, đều được Ta dẫn lên Núi Thánh và cho hoan hỷ nơi Nhà Cầu Nguyện của Ta. Trên bàn thờ của Ta, Ta sẽ ưng nhận những lễ toàn thiêu và hy lễ chúng dâng” (x. Is 56, 6-7).

   Chúng ta sẽ tìm hiểu ý nghĩa một vài từ ngữ trong đoạn Lời Chúa trên như : Người ngoại bang; ngày Sa-bát; Núi Thánh; Nhà Cầu nguyện,....

   “Người ngoại bang”. Người ngoại bang hay nói tắt là người “người ngoại” được nói trong Thánh Kinh, là những người không phải là người Do-thái. Vì dân Do-thái là dân, Chúa đã chọn làm dân riêng của Chúa, nên người Do-thái cho rằng chỉ có họ mới là DÂN CHÚA, còn tất cả đều là DÂN NGOẠI.

    Còn một ý nghĩa nữa là trong Giáo Hội Công Giáo, người ngoại được hiểu là những người chưa được lãnh bí tích rửa tội; mà ta thường gọi là ngoại giáo, người ở ngoài Giáo Hội. Ngoại có nghĩa là Ngoài. Giống như chúng ta gọi ông bà nội, ông bà ngoại vậy. Nội là Trong; “Nội” sẽ đối  với “Ngoài”. Không biết tại sao không gọi ông bà Ngoài mà lại gọi ông bà Ngoại!!!!

   Ông bà ta có câu : “Nữ sinh ngoại tộc” mà. Có nghĩa là người phụ nữ ở nhà theo cha; lấy chồng theo chồng; chồng chết theo con : “Tại gia tòng Phụ, xuất giá tòng phu, Phu tử tòng tử”, nên đại đa số con mang họ cha chứ không mang họ mẹ. Tính trong gia tộc thì chỉ tính đàn ông con trai, chứ không tính đàn bà con gái. Đó là tư tưởng “tam tòng tứ đức” của xã hội phong kiến xưa. Đương nhiên ngày nay không còn hợp nữa. Ở đây ta đang giải thích chữ Ngoại, chữ Ngoài thôi.

   “Ngày Sa-bát”. Ngày Sa-bát, đối với người Do-thái là ngày thứ BẢY. Vì họ gọi ngày đầu tuần là ngày thứ NHẤT, chứ không gọi là ngày thứ HAI. Và theo Thánh Kinh, Thiên Chúa dựng nên trời đất trong 6 ngày, ngày thứ BẢY Thiên Chúa nghỉ ngơi (x. St 2,2).

   “Hết những ai giữ ngày Sa-bát mà không vi phạm”. Đối với người Do-thái, luật giữ ngày Sa-bát rất nghiêm nhặt, là không được làm bất cứ việc gì kể cả việc nấu nướng và không đi quá xa.

   Còn đối với người Tín Hữu Công Giáo là ngày Chúa Nhật. “Ngày Chúa Nhật khác hẳn ngày Sa-bát và được ki-tô hữu mừng hàng tuần thay cho ngày Sa-bát. Qua cuộc phục sinh của Đức Ki-tô, ngày Chúa Nhật hoàn tất ý nghĩa thiêng liêng của ngày Sa-bát Do-thái và báo trước sự an nghỉ đời đời của con người trong Thiên Chúa” (x. GLCG số 2175).

   Đối với người Công Giáo, “Thánh lễ Chúa Nhật đặt nền tảng và xác định toàn bộ cuộc sống người tín hữu. Do đó mọi tín hữu phải tham dự Thánh Lễ vào các ngày lễ buộc, trừ khi có lý do quan trọng (như bệnh hoạn, chăm sóc trẻ sơ sinh) hay được cha sở miễn chuẩn. Ai cố tình vi phạm sẽ mắc tội trọng”. (x. GLCG số 2181).

     Tại sao Giáo Hội lại có luật này, để làm gì? Thưa “Khi cùng tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật, người tín hữu chứng minh sự gắn bó và trung thành với Đức Ki-tô và Hội Thánh; bày tỏ sự hiệp thông trong đức tin và đức mến. Họ cùng nhau làm chứng cho sự thánh thiện của Thiên Chúa và cho niềm hy vọng của họ vào ơn cứu chuộc. Họ nâng đỡ nhau dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần” (x. GLCG số 2182).

   Và “Như Thiên Chúa nghỉ ngơi vào ngày thứ bảy, sau khi hoàn tất công trình. Đời sống con người cũng theo nhịp như thế giữa lao động vào nghỉ ngơi. Khi thiết lập ngày Chúa Nhật, Thiên Chúa muốn mọi người có thì giờ nghỉ ngơi và giải trí, để có thể chăm lo đời sống gia đình, văn hóa, xã hội và tôn giáo” (x. GLCG số 2183).

  Theo tôi, giữ ngày Chúa Nhật là để cho ta lo cho linh hồn của mình. Như thân xác phải ăn phải uống thế nào, thì linh hồn ta cũng phải ăn và uống như vậy. Của ăn của linh hồn là Lời Chúa và Thánh Thể và của uống của linh hồn là ân sủng và cầu nguyện. Ta mà không cho linh hồn ta ăn và uống như vậy, linh hồn ta sẽ yếu nhược, ốm yếu như “cây que”, làm sao có sức lên trời được.

   Con người của chúng ta là hồn và xác, nên chúng ta phải lo cho thân xác và cả linh hồn của chúng ta, sao cho cả hai được khỏe mạnh. Nó được ví như hai bánh xe của cuộc đời chúng ta vậy. Hai bánh xe này đều phải khỏe mạnh, thì chúng ta mới có thể chạy bon bon về thiên đàng được. Nếu một trong hai bị xì lốp, thì cuộc chạy của chúng ta rất khó khăn đấy. Nếu không muốn nói là ta ì ạch và có thể rơi xuống vực sâu.

  “Núi  thánh”. Đó là núi Xi-on, trên đó có Đền Thờ Giê-ru-sa-lem. Dân Do-thái hàng năm phải lên đó để cầu nguyện và dâng hy lễ.

  “Nhà Chúa”, là các Nhà Thờ, Nhà nguyện, Đền Thánh. Nhà Chúa là Nhà cầu nguyện; đừng có tách chữ “cầu” ra,  phải đọc liền với chữ “nguyện” kẻo mang ý nghĩa khác; nên có thể nói những nơi cầu nguyện đều gọi là “Nhà” Chúa. Ngay cả tư gia, phòng riêng và nhất là tâm hồn của ta. Nếu ở đó có sự cầu nguyện, thì gọi là Phòng nguyện và tâm hồn nguyện. Người có tâm hồn cầu nguyện thì đi đâu, ở đâu và làm việc gì cũng có thể cầu nguyện được.

   Qua sự giải thích về các từ ngữ liên quan, chúng ta thấy rằng, bất kỳ ai, dù là người Do-thái hay không Do-thái; đã chịu bí tích rửa tội hay chưa, đều có khả năng gắn bó cũng Chúa để phụng sự Người và yêu mến Thánh Danh; cùng trở nên tôi tớ Người được.

   Điều cần phải có đó là : “Hãy tuân giữ điều chính trực, thực hành điều công minh”; “giữ ngày Sa-bát”, giữ ngày Chúa Nhật. Những người này sẽ được Chúa dẫn lên Núi Thánh và cho hoan hỷ nơi Nhà Chúa. Chúa sẽ ưng nhận của lễ họ dâng và ban mọi ơn lành cho họ.

   Đó là người có lòng tin mạnh. Người đó như người phụ nữ Canaan. Lòng tin của bà mạnh lắm, dù bà có bị cho là “chó” và con gái bà là “chó con”, thì hai mẹ con bà cũng được ăn những mảnh vụn bánh rơi từ bàn ông chủ. Có nghĩa là hai mẹ con bà cũng được Chúa nhận lời và lãnh nhận ơn lành từ Chúa. Quả thật, Bà muốn thế nào thì đã được như vậy, con gái bà đã được chữa khỏi(x. Mt 15,28).

  Vậy chúng ta hãy noi gương người phụ nữ này, chấp nhận sự yếu hèn của mình và hằng tin tưởng và cầu nguyện với Chúa mọi nơi, mọi lúc. Chúng ta phải trở nên người có tâm hồn cầu nguyện, để đi đâu, ở đâu và làm việc gì, chúng ta có thể cầu nguyện được. Có thế, lòng tin của chúng ta sẽ nên mạnh và chúng ta sẽ lãnh nhận được mọi ơn lành của Chúa.            

                       

(Lm. Bosco Dương Trung Tín)

Tác giả: