Nhảy đến nội dung

Người của Thiên Chúa là ai?

CN 26 QN 

Người của Thiên Chúa là ai?

   “Hỡi người của Thiên Chúa, hãy gắng trở nên người công chính, đạo đức; giàu lòng tin và lòng mến; hãy sống nhẫn nại và hiền hòa” (1Tm 6,11).

    “Người của Thiên Chúa” là ai? Thường thì người tín hữu sẽ hiểu ngay là những người sống đời thánh hiến, tức là những tu sĩ và linh mục. Không hẳn vậy. Chính xác phải nói “Người của Thiên Chúa” là người công chính, đạo đức; giàu lòng tin và lòng mến; sống nhẫn nại và hiền hòa.

    Bởi đó, những ai đang cố gắng trở nên người công chính, đạo đức; giàu lòng tin và lòng mến; sống nhẫn nại và hiền hòa, là “Người của Thiên Chúa”. Nếu, hiểu những linh mục và tu sĩ là “Người của Chúa” thì những người này càng phải cố gắng trở nên người công chính, đạo đức; giàu lòng tin và lòng mến; sống nhẫn nại và hiền hòa hơn những người khác.

    Tại sao Chúa, qua thánh Phao-lô, kêu mời mỗi người chúng ta trở nên “Người của Thiên Chúa”; kêu gọi mỗi người chúng ta cố gắng trở nên người công chính, đạo đức; giàu lòng tin và lòng mến; sống nhẫn nại và hiền hòa? Vì có thiên đàng và hỏa ngục. Chúng ta cùng tìm hiểu về dụ ngôn “Người giàu có và La-za-rô” trong bài Phúc Âm hôm nay.

   Câu hỏi được đặt ra là Có thiên đàng và hỏa ngục không? Theo bài dụ ngôn này thì câu trả lời là CÓ.Và đại đa số, nếu không muốn nói là tuyệt đại đa số tin có thiên đàng và hỏa ngục. Có một số người nói không tin có thiên đàng và hỏa ngục, nhưng có thể đó chỉ là một lối ngụy biện mà thôi. Và một câu hỏi tiếp theo sẽ là, Có phải những người giàu có sẽ phải vào hỏa ngục và những người nghèo khó sẽ được lên thiên đàng?

    Trong Phúc Âm Đức Giê-su có nói: “Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Trời”(x. Mt 19,24; Mc 10, 25 ; Lc 18, 25). Như vậy, thì người giàu có, khó vào Thiên đàng chứ không phải là không được vào thiên đàng. Theo tôi, người nghèo khó cũng khó mà lên thiên đàng. Bằng chứng là nếu người nghèo khó mà tối ngày cứ phân bì, ghen ghét với người khác; rồi kêu ca, lẩm bẩm; rồi than Trời trách Chúa; rồi làm những việc xấu xa; và rồi suốt đời chỉ lo tìm kiếm của ăn áo mặc, thử hỏi có được vé vào thiên đàng không? Chắc chắn là không.

   Còn người giàu có thì sao? Sở dĩ người giàu trong bài dụ ngôn này xuống hỏa ngục là vì anh ta ăn uống phủ phê mà không có lòng thương xót đến anh nghèo khó La-za-rô. Có thể nói, người giàu có là người ham mê tiền bạc; giàu tiền giàu của mà không giàu lòng tin; không giàu lòng mến. Vì có nhiều tiền nhiều của nên họ không tin có thiên đàng và hỏa ngục; không yêu mến người khác.

   Như vậy thì người nghèo khó cũng đâu có khác chi. Những người nghèo khó,mà suốt đời cũng chỉ lo tìm kiếm của ăn áo mặc; kiếm tiền, kiếm của; cũng chẳng lo cho đời sau hay để ý đến người khác, thì cũng đâu được lên thiên đàng. Vậy ai là người được lên thiên đàng? Chẳng phải người giàu, cũng chẳng phải người nghèo. Người nào cố gắng trở nên người công chính, đạo đức; giàu lòng tin và lòng mến; sống nhẫn nại và hiền hòa, người đó mới được lên thiên đàng.

   Không được lên thiên đàng thì phải xuống hỏa ngục. Như chúng ta thấy, người giàu cũng chết; mà người nghèo cũng chết; ngay cả là Nữ Hoàng hay Giáo Hoàng cũng có ngày chết. Khi chết, linh hồn của chúng ta sẽ về với Chúa và chịu phán xét. Chúa chẳng phán xét ta giàu hay nghèo mà xét xem ta có cố gắng trở nên người công chính, đạo đức; giàu lòng tin và lòng mến; sống nhẫn nại và hiền hòa không thôi. Nếu có cố gắng thì lên thiên đàng; nếu không cố gắng thì xuống hỏa ngục.

    Ở thiên đàng thì sung sướng; ở hỏa ngục thì khốn khổ. Cái sung sướng ở thiên đàng là được an ủi. Một đời ta chịu nhiều nỗi bất hạnh và bất công; giờ đây, ta được Chúa trả lại sự công bằng; được Chúa thưởng vì bao nhiêu công lao khó nhọc; vì bao cố gắng trở nên người công chính, đạo đức; giàu lòng tin và lòng mến; sống nhẫn nại và hiền hòa.

   Còn cái khốn khổ của hỏa ngục như là một sự thiêu đốt. Cả đời được ăn sung mặc sướng; ngày ngày yến tiệc linh đình, nhậu nhẹt thâu đêm; mặc toàn lụa là gấm vóc hay mặc cũng như không mặc; kín trên hở dưới. Bây giờ do ảnh hưởng khí hậu, nhiệt độ có khi lên trên 40 độ C, đã làm cho người ta phải khốn khổ, huống chi ở dưới hỏa ngục, trên 100 độ C thì phải khốn khổ biết chừng nào.

   Nóng thì khát nước và cần có nước để làm dịu mát cái lưỡi; làm dịu mát cơ thể. Cái khát đó cũng là hình ảnh của cái khát mà ngay ở đời này đã có, đó chính là cái khát của tiền của, danh vọng, quyền hành; mà không khát khao nên người giàu lòng tin và lòng mến; không tập sống nhẫn nại và hiền hòa; không cố gắng trở nên người công chính, đạo đức.

   Một chi tiết chúng ta phải nhớ đó là thiên đàng và hỏa ngục không có liên lạc được với nhau; cũng không giúp đỡ nhau được gì và cũng không qua lại được; hoàn toàn cách biệt. Vậy, để đừng có ai phải sa vào nơi khốn khổ của hỏa ngục, ngay từ bây giờ chúng ta phải cố gắng. Chúng ta cố gắng làm gì đây? Có phải chúng ta phải nghe lời người từ cõi chết trở về nói không? Câu trả là không.

   Chúng ta phải nghe và sống Lời Chúa dạy mà Mô-sê và các Ngôn Sứ là một hình ảnh. Mô-sê và các Ngôn Sứ là những người nghe Lời Chúa và truyền lại cho dân Chúa những Lời mà các ông đã nghe. Người đời thì cứ thích những chuyện giật gân, thích nghe những lời của những người được cho là từ cõi chết trở về. Mà có ai từ cõi chết trở về mà nói đâu; chết rồi, còn thân xác đâu; còn miệng lưỡi đâu mà nói; toàn là những chuyện hoang đường, vớ vẩn.

  Nếu mà nói người từ cõi chết trở về nói mới tin, thì người tín hữu công giáo chúng ta càng xác tín Lời của Đức Giê-su, nghe và đem ra thực hành, vì chính Đức Giê-su đã từ cõi chết sống lại. Thử hỏi có bao nhiêu người  nghe và thực hành Lời Đức Giê-su dạy? Điều đó cho thấy, “người từ cõi chết trở về nói mới tin” cũng chỉ là một sự ngụy biện. Ngụy biện để khỏi phải nghe và thực hành Lời Chúa, vì chẳng có ai từ cõi chết trở về cả.

   Vậy, chúng ta là những người tín hữu công giáo, chúng ta tin Đức Giê-su đã từ cõi chết trỗi dậy, chúng ta hãy nghe và đem ra thực hành Lời Đức Giê-su nói . Đặc biệt Lời Chúa qua thánh Phao-lô nói hôm nay, đó là chúng ta hãy cố gắng trở nên người công chính, đạo đức; giàu lòng tin và lòng mến; hãy cố gắng sống nhẫn nại và hiền hòa, để chúng ta trở nên “Người của Thiên Chúa”, chúng ta sẽ được sống yên vui ở đời này và mai sau được lên thiên đàng sống hạnh phúc mãi mãi, dù ở đời này chúng ta có chịu một chút thiệt thòi, thua thiệt hay chịu một chút bất công và bất hạnh; dù chúng ta là người giàu hay người nghèo; dù chúng ta là tu sĩ, linh mục hay giáo dân.

Lm. Bosco Dương Trung Tín

Tác giả: