Nhảy đến nội dung

Người tín hữu Công Giáo là người luôn cầu nguyện

CN I MV    

Năm C     

Người tín hữu Công Giáo là người luôn cầu nguyện

   “Anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người”(Lc 21,36).

    Hôm nay, chúng ta cùng với Giáo Hội bước vào Mùa Vọng. Mùa Vọng vang vọng một niềm hy vọng; một sự kỳ vọng vào Chúa.

    Chúng ta cùng tìm hiểu về từ hy vọng và kỳ vọng. Theo các sách tự điển giải thích thì HY VỌNG là luôn luôn mong đợi về một điều gì có khả năng xảy ra. Còn KỲ VỌNG là mong đợi về một điều gì không thể xảy ra, nên cần có sự tin tưởng, đặt hy vọng vào một ai đó.

Theo đó, chúng ta hy vọng Chúa đến và chúng ta kỳ vọng Chúa sẽ cứu độ chúng ta. Chúa đã đến lần thứ nhất trong cuộc xuống thế làm người và Ngài sẽ đến lần thứ hai để cứu độ chúng ta. Lần thứ nhất Chúa đã đến, điều đó là cơ sở cho chúng ta hy vọng Chúa đến lần thứ hai và kỳ vọng cho chúng ta lãnh nhận được ơn cứu độ của Chúa. Sự cứu độ, xét về phía con người chúng ta thì khó có thể xảy ra, vì con người tự mình không cứu độ mình được, nên chúng ta tin tưởng vào Chúa và đặt niềm hy vọng vào Ngài.

   Trong niềm hy vọng và kỳ vọng này, chúng ta phải làm gì? Chúng ta không hy vọng và kỳ vọng theo kiểu “Ngồi chờ xung rụng”, chúng ta có hai việc phải làm đó là tỉnh thức và cầu nguyện. Thật ra, hai việc chỉ là một việc mà thôi. Theo tôi, tỉnh thức là cầu nguyện và cầu nguyện chính là tỉnh thức. Tỉnh thức để làm gì chứ không tỉnh để thức. Người ta có thể tỉnh thức để canh trộm, canh nhà, canh của, canh me; còn chúng ta, những người tín hữu công giáo, chúng ta tỉnh thức để cầu nguyện. Khi cầu nguyện thì cho biết là chúng ta đang tỉnh thức. Không có ai cầu nguyện khi ngủ cả. Có ngủ trong Chúa thì có chứ không có chuyện cầu nguyện trong khi ngủ.

    Có tỉnh thức chúng ta mới cầu nguyện được và có cầu nguyện chúng ta mới tỉnh thức được. Vậy cầu nguyện là gì? Và chúng ta có cầu nguyện luôn được không?

Theo sách giáo lý công giáo thì: “Cầu nguyện là sống với một tâm hồn đã được Thiên Chúa đổi mới. Cầu nguyện phải làm cho đời sống của chúng ta sinh động mọi lúc. Cầu nguyện là “Nhớ đến Chúa”; là “Thường xuyên hướng tâm hồn lên Chúa”(x.GLCG, số 2697).

    Qua đó, Giáo Hội cho chúng ta thấy rõ một điều là cầu nguyện không chỉ là đọc kinh, nhưng trước hết và trên hết cầu nguyện là SỐNG; cầu nguyện là sống với một tâm hồn đã được Thiên Chúa đổi mới. Nghĩa là chúng ta sống với tâm hồn của ta, một tâm hồn đã được Chúa đổi mới. Sống là động, chúng ta không sống hôm nay y chang như đã sống hôm qua; mỗi ngày mỗi đổi mới.

Người ta nói: “Không ai tắm hai lần trong một dòng sông”. Điều đó có nghĩa là chúng ta không tắm lần thứ hai với số nước của lần trước, vì dòng nước đó đã chảy đi nơi khác rồi; mặc dù chúng ta có thể tắm tại chỗ đó nhiều lần. Cũng vậy, chúng ta cũng không sống ngày nào cũng như ngày đó, dù có làm những việc y chang như thế; ăn y chang như thế. Mỗi ngày sống của chúng ta là mỗi ngày mỗi mới; mỗi ngày cần phải được đổi mới. Sự cầu nguyện sẽ giúp chúng ta làm được điều này. “Cầu nguyện là sống với một tâm hồn được Thiên Chúa đổi mới” mà.

Cầu nguyện là NHỚ, nhớ đến Chúa; có yêu, có thương thì mới nhớ. Vắng là nhớ; xa là nhớ; không thấy, không gặp là nhớ. Càng yêu, càng thương, càng xa thì càng nhớ. Vì yêu thương; vì không thấy Chúa nên chúng ta phải cầu nguyện. Chúng ta cầu nguyện để nhớ đến Chúa. Đây có thể gọi là trí nguyện.

    Cầu nguyện là thường xuyên HƯỚNG tâm hồn lên Chúa.“Hướng tâm hồn”, có nghĩa là đang khi chúng ta làm việc; đang khi chúng ta ăn uống; đang khi chúng ta nghỉ ngơi hay đang khi chúng ta chiêm ngưỡng những vẻ đẹp, hoặc khi chúng ta đang sống, chúng ta có thể hướng tâm hồn lên Chúa được; bằng cách chúng ta làm việc với Chúa; chúng ta ăn uống với Chúa; qua những vẻ đẹp của thiên nhiên chúng ta ca tụng Chúa; qua những sáng tạo của Chúa; qua những sáng kiến của ta, chúng ta tôn vinh Chúa; qua những món ăn ngon; những thức uống tuyệt vời chúng ta ca khen Chúa; qua một cuộc sống dù “thi vị” hay “cay vị” hoặc “cực vị” đi nữa, chúng ta vẫn tạ ơn Chúa được; vẫn hướng tâm hồn lên Chúa được. Đây có thể gọi là tâm nguyện.

   Như vậy, chúng ta có thể nói được rằng, sống với một tâm hồn được đổi mới là cầu nguyện; nhớ đến Chúa là cầu nguyện; nhớ đến người nào đó có phải là cầu nguyện không? Nhớ đến người khác, nhưng phải nhớ trong Chúa; nhớ trong tâm tình tạ ơn vì Chúa đã ban người đó cho ta; người đó yêu thương ta; nâng đỡ ta; giúp đỡ ta thì mới là cầu nguyện; và hướng tâm hồn lên Chúa là cầu nguyện.

   Chúng ta có nghe nói đến 3 cách cầu nguyện trong Giáo Hội, đó là khẩu nguyện, suy gẫm và chiêm niệm. Chúng ta có thể dịch nôm na là khẩu nguyện, trí nguyện và tâm nguyện. Khẩu nguyện là cầu nguyện bằng miệng; trí nguyện là cầu nguyện bằng trí và tâm nguyện là cầu nguyện bằng tâm.

   “Khẩu nguyện là cầu nguyện thành tiếng, cách diễn tả rất phù hợp với con người, nên thích hợp nhất với số đông”(x. GLCG, số 2704). Bởi đó, chúng ta thấy có những bài kinh là vậy, để mọi người cùng nhau đọc kinh, cùng nhau cầu nguyện. Dầu vậy, khi đọc kinh chúng ta phải để ý, không “đọc như con vẹt” hay “đọc như máy cas-set”. “Bản tính con người đòi hỏi kết hợp giác quan với tâm tình khi cầu nguyện. Con người chúng ta có hồn và xác, nên cảm thấy cần bộc lộ những tâm tình ra bên ngoài. Lời cầu nguyện tha thiết nhất là lời khẩn cầu với cả tâm hồn và thể xác”(x.GLCG, số 2702).

    Suy gẫm. “Suy gẫm trước hết là tìm hiểu. Tâm trí ta tìm hiểu lý do và cách thức sống đời ki-tô hữu để đón nhận và đáp lại những gì Chúa đòi hỏi ta”(x.GLCG, số 2705). “Muốn suy gẫm, chúng ta phải vận dụng khả năng suy tư, trí tượng tượng, cảm xúc và ước muốn để đào sâu xác tín, khơi dậy lòng hoán cải và củng cố quyết tâm theo Đức Ki-tô”(x. GLCG, số 2708). Bởi đó, tôi gọi suy gẫm là trí nguyện. Dùng trí để suy nghĩ; dùng trí để cầu nguyện.

   Chiêm niệm. Theo thánh Tê-rê-xa thành A-vi-la, thì “Chiêm niệm chính là cuộc trao đổi thân tình giữa hai người bạn”(x.GLCG, số 2709). Nói nôm na chiêm niệm là việc nói chuyện giữa hai người bạn thân tình, đó là ta và Chúa. Ta nói chuyện với Chúa như với một người bạn thân thiết. Có gì ta cứ nói hết với Chúa trong thinh lặng; những suy tư, những trăn trở; những lo âu; những hy vọng, thậm chí cả những thất vọng và thất bại nữa. Chúa là người bạn tuyệt vời, chỉ muốn lắng nghe, ta cứ tha hồ mà nói. Chúa chỉ nói với ta trong thinh lặng; Chúa chỉ trả lời ta trong kết quả công việc; Chúa chỉ góp ý với ta khi có thất bại; Chúa an ủi ta khi ta thất vọng.

    Ngày nay, trên thế giới này có người phải mất tiền để mướn người bạn, chỉ để cho người đó nói thôi, người bạn mướn kia cứ việc ngồi nghe. Chúng ta khỏi cần người bạn đó, cũng chẳng phải mất tiền, chúng ta đã có Chúa, là người bạn tâm giao của ta rồi, dù ở đâu, lúc nào, ta cũng có thể nói chuyện với Chúa được hết. Đây gọi là cầu nguyện cá nhân, giữa ta với Chúa, chứ không là cầu nguyện cộng đồng với mọi người.

    Như thế, với 3 cách cầu nguyện là khẩu nguyện, trí nguyện và tâm nguyện; tức là khẩu nguyện, suy gẫm và chiêm niệm, chúng ta có thể cầu nguyện luôn ở mọi nơi mọi lúc. Có thể nói, người tín hữu công giáo chúng ta là con người cầu nguyện. Có một đời sống cầu nguyện như thế là chúng ta có một đời sống nội tâm sâu xa và sâu sắc; tâm hồn chúng ta luôn được bình an; giúp chúng ta có đủ sức đương đầu với những khó khăn và thử thách trong cuộc sống hằng ngày và dư sức để vượt qua và chiến thắng. Nhất là có thể đứng vững trước mặt Chúa, trong ngày Chúa đến.

    Chúa đến lúc nào thì chúng ta chẳng biết, trong mùa dịch cô-vid này, coi chừng ta đến với Chúa. Do đó, chúng ta phải chuẩn bị sẵn sàng, bằng một đời sống cầu nguyện. Chúng ta hãy cầu nguyện bằng miệng, bằng trí và bằng tâm trong cuộc sống hằng ngày của mình với một niềm hy vọng lớn lao; với một sự kỳ vọng vững chắc, chúng ta sẽ luôn tỉnh thức; luôn cầu nguyện. Nhờ đó, cuộc sống của chúng ta sẽ luôn được đổi mới, luôn sôi động và sinh động; luôn được an bình và hạnh phúc trong Chúa.

 Lm. Bosco Dương Trung Tín

Tác giả: