Nhảy đến nội dung

Được Chúa xót, Chúa thương là OK

CN 30 QN

Được Chúa xót, Chúa thương là OK

“Người này khi trở xuống mà về nhà thì đã được nên công chính; còn người kia thì không”(Lc 18,14).

“Người này” chính là người thu thuế; còn “người kia” chính là người Pha-ri-siêu, trong dụ ngôn “Người Pha-ri-siêu và người thu thuế”.

Người Pha-ri-siêu thì đứng thẳng, nguyện rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: Tham lam, bất chính, ngoại tình; hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần; con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con”(x. Lc 18, 11-12). Còn người thu thuế, thì đứng đàng xa, thậm chí chẳng dám ngước mặt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi”(x. Lc 18,13). Chúng ta cùng xem xét thái độ và nội dung cầu nguyện của hai người này.

  1. Thái độ.

Người thu thuế thì đứng đằng xa, ở cuối Đền Thờ, không dám lên gần gian cung thánh; cúi mặt xuống đất, vừa đấm ngực vừa lâm râm cầu nguyện. Một thái độ hạ mình, khiêm cung; dễ thương, dễ mến.

Còn người Pha-ri-siêu, chắc là phải lên gần gian cung thánh; ông đứng thẳng; có thể là giang rộng đôi tay và ưỡn ngực; rồi to tiếng cầu nguyện. Mặc dù thánh Lu-ca chỉ nói ông đứng thẳng; nhưng chúng ta cũng biết là người Pha-ri-siêu thích cho người ta biết, nói đứng thẳng thì chưa bộc lộ hết thái độ cầu nguyện của họ. Nên tôi phải nói thêm như vậy. Một thái độ kiêu căng, ngạo mạn; khó ưa, dễ ghét.

Hai thái độ này, thái độ nào phù hợp khi cầu nguyện? Chắc chắn là thái độ hạ mình và khiêm cung rồi. Một thái độ dễ thương, dễ mến như vậy, mới xứng hợp với con người của chúng ta trước một Thiên Chúa toàn năng. Dù chúng ta có là gì đi nữa, thì trước Thiên Chúa, chúng ta chỉ là hạt cát, hạt bụi thôi. Bởi đó, chúng ta không nên bắt chước thái độ cầu nguyện của người Pha-ri-siêu; vừa bất kính, lại vừa không xứng hợp với một thụ tạo trước Đấng Tác Tạo muôn loài, muôn vật.

Nói thế, không phải khi đến nhà thờ cầu nguyện hay dâng lễ, ta cứ ru rú ở cuối nhà thờ; rồi cứ nhí nhí không mở miệng đọc kinh. Chúng ta phải mặc lấy tinh thần, đó là tinh thần hạ mình và khiêm cung trước Thiên Chúa. Nên dù ở đâu hay bất cứ lúc nào, khi cầu nguyện, chúng ta luôn cầu nguyện trong tư thế hạ mình và khiêm nhường. Điều đó, không ngăn cấm chúng ta lên gần cung thánh và đọc kinh to tiếng.

Nếu chúng ta mang trong mình tinh thần khiêm cung, thì việc đọc to tiếng không phải để khoe mẽ hay cho người ta biết mà là chúng ta hết lòng hết sức, hết linh hồn, hết trí khôn để tỏ lòng thờ phượng Thiên Chúa. Vì có cố gắng hết sức như vậy, chúng ta cũng chưa xứng đáng để phụng thờ Thiên Chúa nữa mà.

“Cái hết lòng, hết sức” đó không có gì xấu; nó quí giá và danh giá chứ không là thái độ kiêu căng, ngạo mạn. Nó như thái độ của vua Đa-vít, khi múa nhảy tung tăng trước Hòm Bia Thiên Chúa. Bà Mi-khan, vợ Vua khi thấy Vua múa nhảy như vậy thì khinh dể. Bà nói: “Vua Ít-ra-en, hôm nay thật là danh giá, khi để hở hang trước mắt các nữ tỳ của tôi tớ mình như một đứa vô danh tiểu tốt. Vua Đa-vít trả lời: Trước nhan Đức Chúa, Đấng đã chọn tôi thay vì thân phụ bà và cả nhà thân phụ bà, để đặt tôi làm người lãnh đạo dân Chúa. Trước nhan Đức Chúa tôi sẽ vui đùa. Tôi sẽ còn hạ mình hơn thế nữa; tôi sẽ coi mình là thấp hèn và tôi sẽ được danh giá trước các nữ tỳ mà bà đã nói”(x. 2Sm 6, 20-23).

  1. Lời cầu nguyện.

Lời cầu nguyện của người thu thuế: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi”. Một lời cầu nguyện ngắn gọn và đầy đủ mọi ý nghĩa. Trước Thiên Chúa, chúng ta là những kẻ tội lỗi thấp hèn, cần đến lòng thương xót của Chúa thôi. Chúng ta thắc mắc, còn những thứ khác nữa thì sao? Những thứ chúng ta cần, Chúa đã biết hết rồi như Chúa nói: “Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em xin”(x.Mt 6,8). Hơn nữa, khi được Chúa xót thương, thì chúng ta có đầy đủ mọi sự, nên chúng ta đừng sợ Chúa không biết hay Chúa không ban.

Lời cầu nguyện của người Pha-ri-siêu: “Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: Tham lam, bất chính, ngoại tình; hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần; con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con”.

Qua lời cầu nguyện này, chúng ta thấy người Pha-ri-siêu, tự cho mình là tốt lành hơn người khác. Ông không tham lam; ông không bất chính; ông không ngoại tình, nhưng ông lại kiêu căng và ngạo mạn. Ông tưởng mình tốt lành hơn người khác là mình tốt lành trước mặt Thiên Chúa sao? Chưa chắc. Có thể là ông tốt lành hơn người khác đấy, ông không tham lam, ông không bất chính; ông không ngoại tình đấy, nhưng trước Thiên Chúa, ông là kẻ kiêu ngạo. Còn ông thực sự không tham lam; thực sự không bất chính; thực sự không ngoại tình không thì có Chúa biết. Nếu ông không thực sự như vậy, thì ông còn mang thêm tội nói dối, nói láo nữa.

Qua đó, chúng ta thấy, lời cầu nguyện như vậy chẳng hay ho chút nào; nghe qua, chúng ta cũng cảm thấy không lọt tai, có cái gì đó “sai sai” thì phải. Mình cầu nguyện với Chúa mà sao lại phải so sánh mình với những người khác; lại còn cho mình tốt lành hơn nghĩa là sao? Mình tưởng Chúa chẳng biết gì về bản thân sao? Cho mình là tốt lành hơn người khác, thì ngay người đời cũng chẳng ưa, huống hồ là Chúa. Lời cầu nguyện đó chẳng có giá trị gì trước mặt Chúa, trái lại còn mang thêm tội Khi Quân, bất kính đối với Chúa nữa. Tội “Khi Quân” là tội khi dể Vua, ai vướng vào tội này coi như “toi mạng”. Ta mà mang tội Khi Quân đối với Chúa thì sao? Coi chừng ta “toi đời”.

Chưa hết, người Pha-ri-siêu, còn kể công nữa. Nào là ăn chay, nào là dâng cho Chúa cái này cái kia, chắc có ý để Chúa phải ban ơn; phải thưởng công. Ông làm như Chúa cần những thứ đó lắm. Ông ăn chay mà Chúa có mập thêm chút nào không? Ông dâng cho Chúa mà Chúa có thêm vinh quang chút gì không?

Ông ăn chay một tuần hai lần không đủ đền cho tội khinh khi người khác ; ông dâng một phần mười thu nhập, không đủ đền tội Khi Quân của ông đâu. Vậy thì những hy sinh đó có ích gì? Chẳng có ích gì, lại còn mang thêm tội.

Vậy, khi ăn chay, là ta đền tội cho mình, chứ đừng bắt Chúa phải ban ơn. Khi dâng Chúa cái gì, thì ta dâng với tất cả tấm lòng, để tỏ lòng biết ơn Chúa chứ không bắt Chúa phải ban thưởng.

Vậy khi cầu nguyện với Chúa, chúng ta để ý đến thái độ và lời cầu nguyện của mình. Tinh thần luôn luôn phải có là tinh thần hạ mình và khiêm cung. Chúng ta phải luôn luôn hạ mình và khiêm tốn trước Thiên Chúa, để chúng ta được Chúa xót thương. Chúng ta mà được Chúa xót, Chúa thương là OK. Chúa xót khi chúng ta biết hạ mình và Chúa thương khi chúng ta biết khiêm tốn đấy.

Lm. Bosco Dương Trung Tín

Tác giả: