Nhảy đến nội dung

Cái phúc của ta

CN 22 QN          

Cái phúc của ta  

Lm. Bosco Dương Trung Tín

 “Khi ông đãi tiệc, hãy mời những kẻ nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. Họ không có gì để đáp lễ và như thế ông mới thật có phúc: Vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại” (Lc 14,13-14).

  Lời dạy của Đức Giê-su hôm nay hơi trái nghịch với ý nghĩ bình thường của con người chúng ta. Có ai mời dự tiệc lại đi mời những kẻ nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù bao giờ không? Thường thì chúng ta sẽ mời bạn bè, anh chị em hoặc mời những láng giềng hay những người giàu có, chức quyền. Để làm chi? Ngoài tình thân ra, sau này là để người ta mời lại hay vì một ích lợi nào đó.

  Thế nhưng, khi họ mời lại ta là coi như xong. Coi như “huề cả làng”, chẳng ai còn nợ ai. Nếu không vì một ích lợi nào đó hay cũng chẳng cần họ phải mời lại, đơn giản chỉ vì tình bằng hữu thì cũng tốt đấy. Điều Chúa dạy là tốt hơn nếu ta mời những kẻ nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. Đơn giản là những người này không có khả năng mời lại ta; không có gì để trả lễ cho ta cả. Bởi đó mà chính Chúa sẽ trả lễ cho ta, trong ngày những kẻ lành sống lại. Có thể nói bữa tiệc chỉ là một hình ảnh tượng trưng. Nếu ta mời được như vậy thì tốt; nếu không mời được thì nếu có khả năng thì ta giúp đỡ những người như thế. Đó chính là việc bác ái. Quả thật, những người nghèo khó, bệnh tật mới cần được giúp đỡ và những người này chẳng có gì để trả lễ cho ta cả. Ta đừng vì thế mà không muốn giúp. Vì ta sẽ nhận được sự đáp lễ của Chúa trong ngày phán xét.

  Ai trong chúng ta cũng đã một lần có kinh nghiệm về việc đó. Những lúc chúng ta gặp khó khăn cùng cực mà có người ra tay giúp đỡ, thì không hạnh phúc nào bằng. Ta hãy ghi nhớ kinh nghiệm đó mà có lòng biết ơn đến những người đã ra tay cứu giúp ta, đừng có thái độ “Ăn cháo đá bát” và nếu có thể cũng hãy ra tay cứu giúp những người gặp khó khăn. Đó cũng là cách mà ta trả ơn cho những người đã cứu giúp ta.

  Tinh thần chúng ta cần có là khi giúp đỡ bất kỳ một ai, đừng có mong người ta đáp lễ. Thấy việc gì tốt, việc gì lành cho người khác thì ta cứ việc làm, tùy theo khả năng mình có. Thế thôi. Điều đó làm cho ta cảm thấy sung sướng và hạnh phúc. Có đáp lễ hay không đáp lễ chẳng sao cả. Đáp lễ cũng được mà không đáp lễ càng tốt. Ta làm vì thấy là tốt, là thiện; là điều ta thấy cần làm, chứ không vì một mục đích nào cả.

  Điều này nói thì dễ chứ làm thì không dễ chút nào. Con người chúng ta mà, “có qua, có lại mới toại lòng nhau” mà. Vâng, đó là xã giao của con người. Còn đối với Chúa, thì mọi việc ta làm không chỉ có ích lợi ở đời này mà còn có ích lợi cho ta cả đời sau nữa. Chúa muốn chúng ta bớt dính bén đến lợi lộc trần gian, để ta có một tâm hồn thảnh thơi và quảng đại, có thể phục vụ và giúp đỡ cách vô vị lợi.

  Nếu ta có khả năng, có điều kiện để trả lễ mà ta không trả thì sao; cứ để cho người ta mời, cứ để cho người ta giúp? Ta mà không trả ở đời này thì ta phải trả ở đời sau thôi. Ăn không của người khác đâu có được. Đó là một sự bất công. Những người không có khả năng thì chẳng ai trách và Chúa trả lại thay cho họ. Còn ta có khả năng mà không trả, Chúa không trả thay cho ta mà Chúa còn phạt ta nữa. Vì ta đã sống bất công.

  Bởi đó, trước tiên ta phải sống cho công bằng, đừng bao giờ ăn không cái gì của ai. Vì của người ta là mồ hôi, là nước mắt người ta làm ra mới có. Nếu là kẻ làm điều xấu thì càng nguy, ta đã ăn những đồng tiền không thanh sạch là ta đã cộng tác vào việc làm xấu của họ, ta mang tội đồng lõa. Mà ở đời có ai cho không ai bao giờ, nên ta càng phải để ý kẻo bị lừa, bị gạt thì khốn đấy. Thực tế, đã có biết bao người bị lừa, phải khốn khổ rồi.

  Sau khi đã sống công bằng, ta mới làm việc bác ái, mới giúp đỡ người khác cách vô vị lợi được. Ta mà không lo sống công bằng, chỉ lo làm việc bác ái thì coi chừng bác ái dỏm đó. Bác ái sao được, khi ta sống không công bằng. Như khi ta không làm đúng giờ, ta lấy giờ đó đi làm việc bác ái; việc ta, ta không làm, ta để cho người khác phải gánh, còn ta đi đọc kinh, ta đi giúp đỡ người khác. Đó có phải là bác ái dỏm không?

  Nói chính xác 100%, khi ta sống công bằng là ta đã sống bác ái với người khác rồi vậy. Nếu không làm như vậy, coi chừng ta mất cả chì lẫn chài. Ta mà sống bất công thì ta sẽ bị người ta rủa xả; còn việc bác ái của ta là ăn cắp thì giờ của người khác; bỏ bê việc bổn phận, ta sẽ bị Chúa phạt chứ không được thưởng đâu.

  Vậy trong cuộc đời là con Chúa, trước tiên ta hãy lo chu toàn các việc bổn phận của mình; tiếp đó là sống công bằng và sau đó là làm việc lành phúc đức. Có như thế, ta mới đến được “núi Xi-on, tới thành đô Thiên Chúa hằng sống, với con số muôn vàn thiên sứ. Chúng ta sẽ đến dự hội vui; dự đại hội giữa các con đầu lòng của Thiên Chúa, là những kẻ đã được ghi tên trên trời. Chúng ta đã tới cùng Thiên Chúa, Đấng xét xử mọi người. Chúng ta đến với linh hồn những người công chính đã được nên hoàn thiện và chúng ta đã tới cùng Vị Trung Gian giao ước mới là Đức Giê-su”. Đó là cái phúc của ta đấy.(x. Dt 12,22-24).

Tác giả: