Nhảy đến nội dung

Ta phải lần chuỗi với hành động

CN II MV    

  Ta phải lần chuỗi với hành động

   “Anh em thân mến, trong khi chờ đợi ngày đó, anh em phải cố gắng sao cho Người thấy anh em tinh tuyền, không chi đáng trách và sống bình an”(2P 3,14).

   “Ngày đó” là ngày nào? Đó là ngày Chúa đến. Chúa đã đến lần thứ nhất trong ngày Giáng Sinh và ngày tận thế. Ngày Chúa đến lần thứ nhất là đã hơn 2023 năm rồi. Ngày tận thế thì chắc còn xa, chưa đến; lại không ai biết. Chúa chưa đến thì còn có một trường hợp nữa là ngày ta đến với Chúa, tức là ngày chúng ta chết. Ngày này chính ta cũng không biết chắc nữa.

   Có thể nói Mùa Vọng là Mùa chúng ta chờ đợi và chuẩn bị cho ba ngày đó. Chúng ta chuẩn bị gần cho ngày Chúa Giáng Sinh, chỉ còn hai tuần nữa. Chúng ta chuẩn bị xa cho ngày tận thế và chúng ta chuẩn bị không xa cũng không gần cho ngày chúng ta về với Chúa. Việc cụ thể nhất và thiết thực nhất là chúng ta chuẩn bị cho ngày chúng ta về với Chúa. Việc chuẩn bị này giúp chúng ta sốt sắng mừng ngày Chúa Giáng Sinh và giúp chúng ta bình an trong ngày tận thế.

  Thánh Phao-lô khuyên: “Trong khi chờ đợi ngày đó. Chúng ta phải cố gắng sao cho Chúa thấy chúng ta tinh tuyền, không chi đáng trách và sống bình an”. Nghĩa là chúng ta phải nên những người tốt lành, sống đạo đức và nên thánh nên thiện. Muốn được vậy, chúng ta phải nghe và sống Lời Chúa trong cuộc đời của mình, không có cách nào khác. Vì nhờ sống Lời Chúa mà chúng ta có thể nên thánh nên thiện, nên người tốt lành và sống đạo đức. Nói cách khác là chúng ta phải hiệp thông vào các mầu nhiệm của Đức Giê-su.

   Như chúng ta biết, đối với người tín hữu Ki-tô chúng ta, toàn bộ cuộc đời của Đức Giê-su, từ lúc thụ thai cho đến khi lên trời, đều là mầu nhiệm mà chúng ta phải noi theo mà sống. Các mầu nhiệm đó được đúc kết ngắn gọn trong kinh Mân Côi, gồm 5 Sự Vui; 5 Sự Sáng; 5 Sự Thương và 5 Sự Mừng, tổng cộng có 20 mầu nhiệm. Trong Mùa Vọng và Mùa Giáng Sinh, chúng ta cùng suy gẫm về 5 Sự Vui.

  Mầu nhiệm thứ nhất, Thiên Thần Truyền tin cho Đức Bà chịu thai; chúng ta xin cho được ở khiêm nhường.

   Sự khiêm nhường ở đây, không chỉ là sự khiêm tốn, hạ mình mà là đón nhận Lời Chúa như Đức Ma-ri-a: “Này tôi là tôi tớ Chúa, Tôi xin vâng như Lời Thiên Thần truyền”. Có thể nói, người khiêm tốn và hạ mình mới có thể đón nhận Lời Chúa và sống Lời Chúa được thôi.

   Nhiều khi chúng ta chỉ đọc vanh vách mầu nhiệm này, mà chúng ta đâu có thực hành, đâu có khiêm tốn; đâu có hạ mình; đâu có sống khiêm nhường đâu. Sống khiêm nhường không phải là không nói, ít nói hay nói ít; cũng không phải nói sao nghe vậy, không phản kháng cũng không có ý kiến; cũng không phải là người yếu thế, yếu kém, bạc nhược. Nhưng là người có suy nghĩ; có đắn đo; có nêu ra ý kiến; có đặt vấn đề; chung qui là tìm hiểu rõ vấn đề để tin tưởng và thực hành. Nói cách khác, “khiêm nhường là coi người khác hơn mình”(x. Pl 2,3). Quả thực, Đức Ma-ri-a đã coi Chúa hơn Ngài, nên đã nói lên lời “Xin Vâng”.

   Chúng ta có thể lý luận rằng, coi Chúa hơn mình thì đâu có gì khó. Đúng vậy, Chúa phải hơn ta rồi. Thế nhưng chúng ta có đón nhận và thực hành Lời Chúa như Đức Ma-ri-a không? Đức Ma-ri-a cũng không nghe trực tiếp từ Chúa mà qua thiên sứ Gabriel. Còn chúng ta bây giờ, chẳng lẽ phải thiên sứ Gabriel nói thì chúng ta mới nghe sao? Chúa có thể nói qua người khác; người mà có trách nhiệm hay người mà ta tin tưởng đấy. Nếu ta nghe lời người đó nói và đem ra thực hành thì ta sẽ nên tốt thôi. Đó là người khiêm nhường; khiêm nhường như Đức Ma-ri-a vậy, chứ không phải ai nói cũng tin; ai nói cũng nghe.

  Mầu nhiệm thứ hai: Đức Bà đi viếng bà thánh I-sa-ve, ta sẽ xin cho được lòng yêu người.

   Yêu người không chỉ yêu bằng cái miệng mà bằng việc làm; bằng sự quan tâm; bằng sự thăm viếng; bằng sự giúp đỡ cả tinh thần lẫn thể xác. Yêu như chính mình. Nghĩa là mình yêu mình làm sao thì mình yêu người đó như vậy. Mình lo cho mình làm sao thì mình lo cho người đó như vậy. Mình muốn được thế nào thì mình cũng muốn người đó cũng được như vậy. Yêu người như vậy sẽ làm cho mình nên thánh nên thiện như Đức Mẹ đấy.

   Mầu nhiệm thứ ba: Đức Bà sinh Đức Giê-su nơi hang đá, ta hãy xin cho được lòng khó nghèo.

   Lòng khó nghèo ở đây phải hiểu theo nghĩa là có tinh thần khó nghèo như Chúa nói: “Phúc thay ai có tinh thần nghèo khó”(x. Mt, 5, 3). Người có tinh thần nghèo khó không phải là người nghèo kiết xác, không có cái gì mà là người có được cái gì bao nhiêu, thì mình vui mừng bấy nhiêu; có được bao nhiêu, thì mình sài bấy nhiêu và hạnh phúc bấy nhiêu; không phải so sánh với ai; cũng không ghen tỵ ai, không ganh ghét ai. Như thánh Phao-lô nói: “Có của ăn áo mặc hãy lấy thế làm đủ”; có công ăn việc làm là quí rồi, không tìm kiếm hay đòi “làm việc nhẹ mà lương cao”. Sống tinh thần nghèo khó như vậy, chúng ta sẽ nên người đạo đức, không “tham phú phụ bần”; không khinh chê bất cứ việc tốt đẹp nào dù nhỏ hay khó khăn.

   Mầu nhiệm thứ tư: Đức Bà dâng Con vào Đền Thánh, ta hãy xin cho được vâng lời chịu lụy.

   Vâng lời đây là vâng lời của người dưới đối với người trên và trên hết vẫn là vâng lời Chúa; sau là vâng “những lời hay ý đẹp”; vâng theo những chân lý; vâng “những lời góp ý chân thành”; vâng “những điều hay lẽ phải”; vâng “những lời chia sẻ chân tình”. Và chịu lụy đây là chịu thương chịu khó; chịu khó làm việc; chịu khó đón nhận; chịu khó sửa sai; chịu khó tìm tòi; chịu khó học hỏi,... Vâng - Chịu thế thì ai mà chê trách chúng ta cơ chứ.

   Mầu nhiệm thứ năm: Đức Bà tìm được Đức Giê-su trong Đền Thánh, ta hãy xin cho được giữ nghĩa cùng Chúa luôn.

   Giữ nghĩa là trung thành và luôn sống trong ân sủng của Chúa. Ta trung thành với trách nhiệm và chu toàn các bổn phận của mình. Để luôn sống trong ân sủng của Chúa, ta không bao giờ làm điều gì ác nhân ác đức để hại ai dưới bất kỳ hình thức nào; nếu có phạm lỗi nhẹ nào thì xin Chúa tha thứ; có xúc phạm đến ai, ta phải xin lỗi ngay và ta cũng biết tha thứ cho người khác nữa. Vì đó là điều kiện để ta nhận được sự tha thứ của Chúa.

   Mỗi lần khi đã làm điều xấu gì, ta hãy xin Chúa tha thứ ngay; hay mỗi tối trước khi nhắm mắt ngủ, ta hãy xét mình, nếu có phạm lỗi gì, thì ta xin Chúa thứ tha để ta an bình mà nhắm mắt; lỡ ngày mai không thức dậy nữa, ta cũng an tâm; nếu còn được sống thêm một ngày nữa, ta cám ơn Chúa và quyết tâm sống cho tốt lành. Làm được như vậy, ta sẽ luôn sống trong bình an đó.

   Thế đấy, lần chuỗi với 5 Sự Vui, chúng ta nên thánh nên thiện biết bao; chúng ta nên tốt lành biết bao; chúng ta nên đạo đức biết bao; chúng ta nên tinh tuyền biết bao. Thế mà chúng ta chỉ lần chuỗi cái miệng mà không đem ra thực hành. Chỉ lần chuỗi với cái miệng thì chúng ta chẳng được gì cả, chỉ như máy cassette thôi. Ta phải lần chuỗi với hành động, chúng ta sẽ nên tinh tuyền, không chi đáng trách và luôn sống trong bình an mà chờ đợi ngày Chúa đến. Chứ không phải cứ lần chuỗi mỗi ngày; cứ vào Hội Lần chuỗi quốc tế là chúng ta an tâm được cứu rỗi; chúng ta nên thánh nên thiện đâu.  Ơn cứu rỗi đâu có dễ dàng quá như vậy, phải không bạn!                

    (Lm Bosco Dương Trung Tín)

Tác giả: