Tin là một hành vi Nhân Linh
- CN, 26/01/2025 - 16:13
- Lm Dương Trung Tín
CN II PS Tin là một hành vi Nhân Linh
“Vì đã thấy Thầy nên anh tin. Phúc thay ai không thấy mà tin”(Ga 20,29).
Chúng ta cùng tìm hiểu TIN đây nghĩa là gì?
Theo sách Giáo Lý Công Giáo, “Chỉ có thể tin nhờ ân sủng trợ lực bên trong của Thánh Thần. Tuy vậy, tin vẫn là hành vi đích thực của một con người”(x. GLCG, số 154). Nghĩa là “có ý thức và tự do; xứng hợp với phẩm giá con người”(x. GLCG, số 180).
Như vậy, TIN là hành vi của một con người có ý thức và tự do. Hành vi TIN đó xứng hợp với phẩm giá con người, mà người ta gọi là HÀNH VI NHÂN LINH. Hành vi của một con người có ý thức và tự do là một hành vi nhân linh.
Một con người có ý thức, có nghĩa là người đó có suy nghĩ; có sự hiểu biết; biết tại sao mình làm, mình tin và mình làm, mình tin vì mục đích gì trong tất cả mọi hành vi của mình. Một con người có tự do, là người có quyền chọn lựa, tin hoặc không tin; làm hay không làm. Và như thế, người đó phải chịu trách nhiệm về những hành vi của mình.
Bởi đó, TIN là một hành vi NHÂN LINH.
Đức Ki-tô phục sinh nói với Tô-ma rằng: “Vì đã thấy Thầy nên anh tin. Phúc thay ai không thấy mà tin”. Khi Chúa Phục sinh hiện ra với các Tông Đồ thì Tô-ma không có mặt. Các Tông Đồ đã nói rằng Chúa đã sống lại; chúng ta đã thấy Chúa. Nhưng Tô-ma nhất quyết không tin, theo kiểu “chưa thấy, chưa tin”. Ông lại còn bạo miệng: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người; nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin”(x. Ga 20,25).
Tám ngày sau, Chúa hiện ra, đến bên Tô-ma và nói: “Hãy đặt ngón tay vào đây và hãy nhìn xem tay Thầy; đưa bàn tay ra mà đặt vào cạnh sướn Thầy, đừng cứng lòng nữa nhưng hay tin”. Lúc đó, Tô-ma chỉ còn thốt lên: Lạy Chúa của con; lạy Thiên Chúa của con (x. Ga 20, 26-28). Tô-ma đã ý thức và không còn chọn lựa nào thích hợp hơn, ông đã tin.
Hành vi TIN của Tô-ma là một hành vi nhân linh.
“Vì đã thấy Thầy nên anh tin. Phúc thay ai không thấy mà tin”. Câu nói của Đức Giê-su có hai phần. “Vì đã thấy Thầy nên anh tin”, là nói với Tô-ma. Còn “Phúc thay ai không thấy mà tin” là nói cho chúng ta.
Thấy rồi thì không thể không tin. Điều đó, chẳng có phúc đức gì. Thấy rồi thì phải tin thôi, không tin thì không còn gì để nói. Còn không thấy mà TIN thì sao? Không thấy làm sao mà tin? Ở đời, đâu phải cái gì cũng có để ta thấy; có cái ta không thấy; có lúc ta không thấy thì sao? Chúng ta cần phải dùng trí óc để suy nghĩ, tìm hiểu; rồi dùng sự tự do của mình để chọn lựa, tin hay không tin.
Thực tế, cho thấy bây giờ người ta hay bị mắc lừa, bị gạt mất tiền, mất của có khi mất cả mạng. Tại sao thế? Theo tôi có hai lý do. Một là do lòng tham; hai là do thiếu suy nghĩ. Lòng tham là tham lam; muốn ăn không của người khác. Đời làm gì có người đem tiền biếu không cho mình bao giờ. Làm gì có chuyện làm ít mà lương cao; ngồi nhà gõ cạch cạch mấy cái được trăm ngàn; được một triệu cơ chứ. Bởi đó, kẻ xấu mới đánh vào lòng tham đó mà lừa được bao nhiêu người. Có phải là do lòng tham của mình mà ra không. Có bị lừa thì cũng vừa tội; cũng tại mình thôi. Mình mà không tham lam thì đố ai có thể lừa mình được.
Bên cạnh đó, cũng không biết dùng trí khôn mà suy nghĩ. Mình suy nghĩ một chút là hiểu ngay, không có ai trên đời này dại đến nỗi đem tiền cho người khác; hay thấy việc làm nhẹ mà lương cao lại đi bày cho người khác cả. Rồi cũng phải dùng trí khôn mà tìm hiểu xem việc đó đúng hay sai. Con cái mình đi học, có chuyện gì, thì mình phải hỏi thầy cô ở trường, chứ sao lại tin những tin nhắn ở đẩu ở đâu, báo là con mình bị tại nạn, rồi chạy đôn chạy đáo; lại đưa tiền cho bọn xấu chứ.
Về mặt tôn giáo, với tư cách là một con người, chúng ta có tin việc Đức Giê-su sống lại không? Để tin việc Đức Giê-su sống lại, chúng ta cũng phải ý thức và có tự do. Việc Đức Giê-su sống lại được các Tông Đồ loan báo. Các ngài đã được thấy Thân Xác Sống Lại của Đức Giê-su; rồi ghi chép lại trong Tân Ước và dùng chính cuộc đời của mình để làm chứng. Chúng ta phải tìm hiểu, xem các ngài đã nói thế nào và đã sống ra sao.
Thánh Gio-an Tông Đồ đã viết: “Những điều đã được chép ở đây, là để anh em tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa và để nhờ tin mà được sống nhờ Danh Người”(x. Ga 20,31). Còn thánh Phê-rô thì nói: “Tuy không thấy Người, anh em vẫn yêu mến; tuy chưa được giáp mặt mà lòng vẫn kính tin. Vì vậy, anh em được chan chứa một niềm vui khôn tả, rực rỡ vinh quang”(x. 1P1,8). Tất cả các Tông Đồ đều tử vì Đạo; đều chết vì Đức Ki-tô; ngoại trừ thánh Gio-an Tông Đồ chết lúc tuổi già.
Nếu chúng ta dùng trí khôn mà tìm hiểu, tra cứu để hiểu biết về việc Đức Giê-su đã sống lại và dùng sự tự do của mình mà tin, thì dù không thấy Đức Giê-su phục sinh, chúng ta cũng có thể TIN rằng Đức Giê-su đã sống lại. Đó là một hành vi nhân linh; một niềm tin nhân linh chứ không phải niềm tin mù quáng; xứng hợp với phẩm giá con người, chứ không bất xứng với một hành vi nhân linh.
Lm. Bosco Dương Trung Tín