Nhảy đến nội dung

"Làm việc gì cũng tốt đẹp” thì làm nhé!

CN 23 QN

"Làm việc gì cũng tốt đẹp” thì làm nhé!

  “Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp”(Mc7,37).

   Người dân thấy Đức Giê-su làm cho kẻ điếc nghe được; kẻ câm nói được thì kinh ngạc mà nói rằng: “Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp”. Đó là công việc Đức Giê-su đã làm; tức là Đức Giê-su làm việc. Và Đức Giê-su làm việc gì cũng tốt đẹp. Tốt cho đương sự và đẹp cho người xung quanh.

   Đối với đương sự, điếc mà nghe được; câm mà lại nói được thì hạnh phúc biết chừng nào; tốt biết chừng nào!!!!! Bây giờ mình nghe được đủ mọi âm thanh, đủ mọi thứ; bây giờ mình muốn nói gì thì nói; muốn diễn tả thế nào tùy ý. Điều này cũng đúng cho những người học ngoại ngữ. Người mới học ngoại ngữ, có khác gì là điếc và câm với ngoại ngữ đó đâu. Người ta nói mình nghe nhưng không hiểu gì; rồi mình muốn nói lại cũng không nói được. Đến một lúc nào đó, sau khi đã chăm chỉ và cố gắng học, người đó “tự nhiên” nói được, nói một cách tự nhiên như tiếng mẹ đẻ thì “Ôi chao là hạnh phúc”; hạnh phúc lắm lắm !!!!

    Đối với người xung quanh, thấy người điếc nghe được; người câm nói được thì cũng vui mừng biết bao, vì thấy người đó được như người bình thường, không phải chịu thiệt thòi, thì quá đẹp. Nhất là người cha, người mẹ mà thấy con cái mình, những bé chậm nói, chậm hiểu, chậm nghe, chậm đi mà đi được, nghe được, hiểu được, nói được thì càng vui mừng biết mấy; vui lắm lắm !!!!!

   Đó là những việc tốt đẹp cho con người chúng ta. Muốn được như vậy, mỗi người chúng ta phải cố gắng và chăm chỉ làm việc. Việc đó người ta gọi là Lao Động. Theo sách Giáo Lý Công Giáo, “Lao động là công trình trực tiếp của con người được sáng tạo theo hình ảnh của Thiên Chúa và được mời gọi cùng nhau tiếp nối công trình sáng tạo khi làm chủ địa cầu. Do đó, Lao Động là một bổn phận. Khi Lao Động con người biểu dương ân huệ của Đấng Sáng Tạo và những tài năng Chúa ban. Lao động còn có giá trị cứu chuộc. Khi kết hợp với Đức Giê-su, người thợ mộc làng Na-da-rét và cũng là Đấng chịu đóng đinh trên Đồi Sọ, con người qua những vất vả lao động, được cộng tác với Con Thiên Chúa trong công trình cứu độ. Họ chứng tỏ mình là môn đệ của Đức Ki-tô, khi vác thập giá hằng ngày, qua việc chu toàn những bổn phận trong sinh hoạt. Lao động có thể là một phương thế thánh hóa và thấm nhuần các thực tại trần thế bằng Thần Khí của Đức Ki-tô”(x. GLCG, số 2427).

   Đối với người tín hữu công giáo chúng ta, chúng ta lao động không chỉ bởi sức riêng mình mà còn có ân sủng và Thần Khí của Chúa nữa. Do đó, chúng ta hãy làm với ân sủng và Thần Khí của Chúa, để không chỉ chúng ta có của nuôi thân xác mà còn giúp chúng ta nên thánh nữa. Đó là khía cạnh cứu độ của lao động con người chúng ta. Việc chấp nhận những gian lao, vất vả; việc đổ mồ hôi, sôi nước mắt của chúng ta góp phần vào công trình cứu độ của Thiên Chúa. Đó là việc vác thập giá hằng ngày khi chúng ta chu toàn các bổn phận trong sinh hoạt hằng ngày của mình.

   “Trong lao động, con người sử dụng và thể hiện một phần các khả năng tự nhiên của mình. Giá trị hàng đầu của lao động hệ tại ở chính con người, là tác giả và là người thụ hưởng nó. Lao động vì con người chứ không phải con người vì lao động. Mỗi người có quyền nhờ lao động mà có được các phương thế nuôi sống bản thân và những người thân như phục vụ cộng đoàn nhân loại”(x. GLCG, số 2428).

   Mình làm thì người đầu tiên được hưởng, chính là mình chứ không có ai khác. Sau đó mới tới những người xung quanh. Nên chúng ta đừng sợ làm việc; đừng lười biếng. Hãy siêng năng và chăm chỉ làm việc để mình phát huy những khả năng Chúa ban. Hãy yêu thích lao động và làm việc luôn, đừng có ở nhưng không bao giờ.

Chúng ta phải có một thời khóa biểu cho riêng mình, để chúng ta luôn có việc để làm, không thái quá, cũng không bất cập; đừng để có lúc thì vùi đầu vào công việc, có lúc lại chẳng có việc gì để làm. Làm sao để chúng ta “không có thì giờ để buồn, để chán”. Lúc nào cũng có việc để làm mà buồn, mà chán sao được. Ở không thì mới buồn, mới chán chứ.

   Người ta nói : “Lao động là vinh quang; lang thang thì chết đói và hay nói thì đi ở tù” mà. Đúng vậy, lao động là vinh quang của ta; lao động làm cho ta vinh quang qua những thành quả lao động của mình. Không chịu khó làm mà chỉ đi lang thang đó đây thì chết đói thôi. Lại còn hay nói bậy; nói hành, nói xấu; phát ngôn bừa bãi, nói không đúng sự thật thì đi tù cũng đáng.

   Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô, trong Tông Thư “Bằng trái tim người cha”, ở số 6, có nhan đề là “Một người cha lao động” nói: “Thánh Giu-se là một người thợ mộc kiếm sống lương thiện để cung ứng cho gia đình. Từ Ngài, Đức Giê-su học được giá trị, phẩm giá và niềm vui. Điều đó, có nghĩa là bánh ăn như là thành quả sức lao động của chính mình”.

Việc làm là một phương tiện để tham gia vào công trình cứu rỗi, một cơ hội để đẩy nhanh Nước Trời trị đến, để phát triển tài năng và khả năng của chúng ta, và để chúng phục vụ xã hội và tình hiệp thông huynh đệ. Nó trở thành cơ hội cho sự thành toàn không những của bản thân ta, mà còn của tế bào đệ nhất đẳng của xã hội, tức gia đình. Một gia đình không có việc làm đặc biệt dễ gặp khó khăn, căng thẳng, ghẻ lạnh và thậm chí tan vỡ. Làm sao chúng ta có thể nói tới nhân phẩm mà không có việc làm để đảm bảo mọi người đều có thể kiếm được một cuộc sống tử tế?”

   Châm ngôn của thánh Biển Đức là “Ora et Labora”. Nghĩa là cầu nguyện và làm việc. Theo tôi, Ora est Labora và Labora est Ora; tức là cầu nguyện LÀ làm việc và làm việc LÀ cầu nguyện, cũng không sai. Đối với người tín hữu công giáo chúng ta là phải như vậy mới được. Với thánh Biển Đức, ngài tách ra hai việc là cầu nguyện và làm việc, hay nói cách khác, với các tu sĩ dòng Biển Đức và các dòng liên hệ thì công việc của Dòng là cầu nguyện và làm việc. Đương nhiên là không thể tách rời hai việc cầu nguyện và làm việc. Hai việc này phải là một. Nó như hai mặt của một đồng tiền vậy. Có nghĩa là khi chúng ta cầu nguyện thì chúng ta như là đang làm việc và khi chúng ta làm việc thì chúng ta như đang cầu nguyện. Điều đó theo tôi thật là tốt đẹp; thật là tuyệt vời !!!!!

Bởi đó, “Những người đang làm việc, bất kể công việc của họ là gì, đều đang hợp tác cách nào đó với chính Thiên Chúa, và một cách nào đó trở thành những người tạo ra thế giới xung quanh chúng ta. Cuộc khủng hoảng của thời đại chúng ta, một cuộc khủng hoảng vốn có tính kinh tế, xã hội, văn hóa và tinh thần, có thể đóng vai trò kêu gọi mọi người chúng ta khám phá lại giá trị, tầm quan trọng và sự cần thiết của việc làm trong việc đem lại một “bình thường” mới mà không ai bị loại trừ khỏi nó. Việc làm của Thánh Giuse nhắc nhở chúng ta rằng chính Thiên Chúa, khi trở thành người phàm, đã không khinh thường việc làm. Hiện tượng mất việc làm ảnh hưởng đến rất nhiều anh chị em của chúng ta và đã gia tăng do hậu quả của đại dịch Covid-19, nên được xem như một lời hiệu triệu phải duyệt xét các ưu tiên của chúng ta. Chúng ta hãy khẩn cầu Thánh Giuse Thợ giúp chúng ta tìm cách phát biểu niềm tin chắc chắn rằng không một người trẻ nào, không một người nào, không một gia đình nào không có việc làm!”

  Quả thật, có rất nhiều việc để làm, chứ không phải không có việc để làm. Nhất là trong mùa dịch Covid. Mùa dịch Covid là một thách thức cũng như một cơ hội tốt để chúng ta phát huy những khả năng mình có. Chúng ta hãy noi gương thánh Giu-se Thợ để tìm ra những công việc thích hợp trong khả năng của mình. Và hãy nhớ làm sao “làm việc gì cũng tốt đẹp” thì làm nhé!

  Lm. Bosco Dương Trung Tín

Tác giả: